Ngày lên

Một ngày tự nó đã là một đời với nhiều cung bậc khác nhau. Hãy sống trọn vẹn cho một ngày.

Âm nhạc và hoa hồng

Âm nhạc và hoa kết nối những cảm xúc và thăng hoa cuộc sống.Hãy trân quý và tận hưởng.

Chiều của biển

Một ngày sắp qua với những việc làm được và chưa làm được. Đừng để hoài phí một ngày sẽ qua.

Niêm hoa vi tiếu

Chân lý là mặt trăng trên cao, cũng xa mà cũng gần. Hãy đi theo con đường mà Ngài đã chỉ cho ta.

Hoa Vô ưu

Cuộc sống với bao nhọc nhằn và đầy toan tính. Hãy tỉnh thức, buông bỏ mọi âu lo, sống thanh thản trong hiện tại

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Lái xe của tôi.

         

        ド ラ イ ブ ・ マ イ ・ カ ー.

        Haruki Murakami.

        Thân gởi bạn Nguyễn Đức Kim Long - bút danh Bút Lông Kim.


        Trên FB, một bạn cũ đã chuyển cho tôi truyện ngắn của nhà văn Nhật mà bạn đã dịch từ nguyên tác, trình bày công phu trên trang blog của bạn (1).

        Đã đọc một số bản dịch của bạn ấy, tôi thấy rằng được dịch một tác phẩm văn học hay - ngay cả khi bạn ấy dịch Kinh thánh từ tiếng Hebrew hoặc Greek (2) - là một đam mê của bạn ấy và - theo tôi - bản dịch nào cũng là một công trình hay-đẹp, có sự đầu tư nghiêm túc, cẩn thận về thời gian, công sức và dĩ nhiên là cả “chất xám” của bạn ấy.

        Nên nếu chỉ đọc qua bản dịch của bạn ấy thì không thể hiểu tại sao bạn lại chú tâm vào dịch bản sách này mà không phải là một đầu sách khác. Bởi vì trong đó, ít nhất phải có một nội dung sâu sắc, hay, lạ mới có thể thu hút cái đam mê của bạn ấy như bông hoa “quyến rũ” ong bướm vậy.

        “Lái xe của tôi” - là một truyện ngắn của nhà văn Haruki Murakami (3) trong tuyển tập “Những người đàn ông không có đàn bà” (Men without women) - ra đời chín năm sau tập truyện ngắn “Những câu chuyện kỳ lạ ở Tokyo” (xuất bản năm 2005), mà bạn tôi  - Nguyễn Đức Kim Long - đã dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những câu chuyện mà bạn tâm đắc.

        Nên tôi đã đọc vài lần câu chuyện qua bản dịch của bạn, tham khảo thêm vài bản dịch nữa, tìm hiểu thêm về tác giả, ngay cả phiên bản chuyển thể thành phim đã đạt vài giải phim quốc tế, tôi mới thấy câu chuyện này có một chiều sâu độc đáo qua bút pháp của tác giả và ngay cả qua bản dịch của bạn tôi.

        Tôi ghi lại vài ý tưởng của mình - chẳng phải là nhận định hay đánh giá gì cả - đơn giản chỉ là những gì thu nhận được khi đọc một câu chuyện hay để không “phụ lòng” và như một lời cảm ơn bạn khi chuyển cho tôi tác phẩm này.

        Tuyển tập gồm 7 câu chuyện: “Lái xe của tôi/Ngày hôm qua/Cơ quan độc lập/Sheherazade/Kino/Samsa đang yêu/Những người đàn ông không có đàn bà” - không phải là những câu chuyện được viết riêng lẻ rồi nhét đại thành một tuyển tập mà được thiết lập theo một mô-típ, một chủ đề riêng và sắp xếp theo một khái niệm thống nhất - “Những người đàn ông không có đàn bà”.

        Câu chuyện  “Lái xe của tôi” (theo bản dịch của NĐKL) - là chuyện kể về Yusuki Iefuku, một diễn viên sân khấu cũng là người dạy diễn xuất vào các buổi tối cuối tuần tại một trường bồi dưỡng diễn viên.

        Vợ Iefuku - Oto Iefuku - cũng là một nữ diễn viên, “có vẻ đẹp chuẩn mực”, kém anh ta hai tuổi, họ bị mất một đứa con gái chỉ ba ngày tuổi - chưa kịp đặt tên - do dị tật bẩm sinh van tim. Một thời gian sau, Oto đã bốn lần ngoại tình với những người đàn ông khác nhau. Qua trực giác cảm nhận, Iefuku đều biết được nhưng vẫn đối xử rất bình thường, vờ như không có chuyện gì xảy ra giữa hai người. 

        Oto mất vì ung thư tử cung sau 20 năm chung sống cùng với Iefuku.

        Sau khi Oto mất đi, Iefuku sống lặng lẽ với công việc của mình, ít bạn bè, tuy vậy anh lại chọn chính nhân tình của vợ - Kôji Takatsuki - làm bạn để chia sẽ những gì còn chưa hiểu hết về vợ mình.

        Do từng gặp tai nạn và có di chứng ở mắt, Iefuku được ban tổ chức bố trí cô gái trẻ Misaki Watari làm lái xe riêng, từ đó trong những chuyến xe mà cô ta cầm lái, họ dần bắt chuyện với nhau.

        Điểm nhấn của câu chuyện là những lần gặp nhau của Iefuku với Takatsuki - người tình của vợ anh ta - và đoạn thoại với Misaki - qua đó tác giả phác họa tính cách của nhân vật trong câu chuyện và dẫn dắt tình tiết những trắc ẩn mà Iefuku đã trải qua từ lúc Oto còn sống cho đến sau khi vợ anh ta mất đi. 

        Iefuku là một diễn viên chuyên nghiệp, lịch thiệp nhưng ít nói và cũng ít bạn bè: 

        “Y cũng không giỏi lắm trong việc nói chuyện hàng ngày. Y không ghét những cuộc chuyện trò có nội dung với đối tượng là người thân thiết, nhưng nếu không phải vậy thì y thích được im lặng hơn”. 

        “Chẳng có nhiều kẻ mà có thể gọi là bạn thực sự.”

        “Không, tất nhiên tôi đã có những người bạn tốt khi còn nhỏ... Nhưng khi trưởng thành thì tôi không thực sự muốn có bạn. Đặc biệt là sau khi kết hôn.”

        “Ý của anh là không cần nhiều bạn khi anh đã có vợ?”

        “Có lẽ vậy. Bởi chúng tôi cũng là bạn tốt của nhau.”(4)

         Ngay từ lần đầu gặp mặt, Iefuku đã bị Oto cuốn hút mạnh mẽ và tình cảm đó theo năm tháng vẫn được duy trì trong cuộc sống của họ, để rồi coi nhau như một người bạn đời, vừa như một người bạn tốt cho đến khi vợ anh ta mất đi.

        Nhưng tại sao Oto lại có những cuộc tình lén lút với những người đàn ông khác ngoài anh ta?

        “…vợ y thì thỉnh thoảng có ngủ với những người đàn ông khác ngoài y. Theo như Iefuku biết thì có tất cả bốn người… Đương nhiên vợ y không hé răng nửa lời về chuyện này song việc nàng được kẻ khác ôm ấp ở một nơi khác thì y đánh hơi được ngay. Trực giác của Iefuku vốn nhạy với những chuyện như thế, vả lại nếu thương ái ai đó nghiêm túc thì ta sẽ cảm nhận được dấu hiệu ấy dù không muốn”.(4)

         “Iefuku đã chẳng hiểu tại sao nàng lại cảm thấy cần phải ngủ với những người đàn ông khác. Đến tận bây giờ y cũng chưa lí giải được. Mối quan hệ của họ như một cặp vợ chồng và như những người bạn đời của nhau thì đã rất tuyệt vời ngay từ đầu”(4)

        Biết thế nhưng Iefuku không thể hỏi Oto được một câu: “Em đang tìm kiếm cái quái gì từ họ? Rốt cuộc anh thiếu cái quái gì vậy?” (4)

        Câu hỏi vẫn lững lơ trong đầu anh, khi người vợ đang đau đớn vì bệnh tật, cận kề với cái chết và rồi: “… nàng biến mất khỏi thế giới nơi Iefuku sống mà không giải thích bất cứ điều gì. Những câu hỏi không được đưa ra và câu trả lời không được nhận. Y suy nghĩ về nó một cách lặng lẽ và sâu sắc, khi nhặt tro cốt của vợ mình tại nhà hỏa táng. Sâu đến nỗi y không thể nghe thấy bất cứ ai nói vào tai y”(4)

        Iefuku rất đau đớn vì chuyện này: …”Làm gì có chuyện không đau. Hễ nhắm mắt là những hình ảnh rõ mồn một ấy lại chập chờn trong đầu. Y không muốn tưởng tượng nhưng lại không thể không tưởng tượng. Trí tưởng tượng như một con dao sắc bén, cứa vào y không thương tiếc theo thời gian”. (4)

        Tuy nhiên, đau đớn hơn cả, là dù biết bí mật của vợ nhưng vẫn phải sống bình thường như không biết gì để vợ anh ta không nhận ra rằng mình đã biết: “Bình thản mỉm cười khi trái tim y đang bị xé nát bên trong và đang rỉ máu”. (4) 

        “Nhưng Iefuku là một diễn viên chuyên nghiệp. Rũ bỏ bản thân, bằng xương bằng thịt của mình, để hóa thân vào vai diễn là kế sinh nhai của y. Và y đã ôm lấy vai diễn này bằng tất cả sức lực của mình. Một vai diễn được thực hiện mà không có khán giả”.(4)

        Đây chính là nút thắt, cái hố thẳm mà Iefuku không thể nào soi rọi cho hết chiều sâu của nó và cũng là điều làm anh tổn thương, trăn trở từ lúc Oto còn sống cho đến nhiều năm sau khi Oto mất đi.

Âm thầm gặm nhấm những đau đớn của mình và do cũng ít bạn bè nên Iefuku không thể thổ lộ những suy nghĩ của mình gần như trở thành nổi ám ảnh thường xuyên, cho đến khi anh ta chủ động tìm đến một người. Trớ trêu thay người đó chính là nhân tình của vợ anh - Takatsuki - và cảm tình với hắn ngay từ lần gặp mặt đầu tiên.

Takatsuki cũng rất ngạc nhiên, hơi bị sốc trước người đàn ông là chồng của người mà mình lén lút quan hệ, nhưng qua tiếp xúc Takatsuki “không đọc thấy có ý đồ gì đặc biệt. Iefuku thể hiện nét mặt trầm mặc thường thấy ở một người đàn ông vừa mất đi người vợ đã nhiều niên đầu gối tay ấp. Nét mặt tựa như mặt hồ sau đợt sóng lăn tăn”(4)

Đối mặt với Takatsuki, Iefuku hiểu ra được một điều: “Đó là đến tận bây giờ, Takatsuki vẫn bị thu hút mạnh mẽ bởi vợ y. Dường như Takatsuki chưa chấp nhận được sự thật rằng nàng đã chết, cơ thể nàng đã bị thiêu thành tro. Iefuku hiểu cảm giác này. Trong lúc nhắc lại những kỉ niệm về vợ y thì thỉnh thoảng Takatsuki lại rơm rớm nước mắt”. (4)

“Iefuku đã nghĩ như thể chính y là người đang an ủi hắn trong lúc hai người trao đổi những kỉ niệm. Nếu nhìn thấy cảnh tượng này thì chẳng biết vợ y sẽ cảm thấy thế nào?” (4)

        Sau những dè chừng ban đầu, những ly rượu đã giúp cho Takatsuki tự nhiên hơn và những ý tưởng được bộc bạch:

“Hắn tự nói ra cả những điều lẽ ra không nên nói, cho dù phía bên kia không hỏi. Iefuku chủ yếu đóng vai người nghe, hưởng ứng rất chân thành, chỗ nào cần an ủi thì y sẽ lựa lời an ủi…  vả lại trên thực tế y cũng có cảm tình với Takatsuki. Thêm nữa, cả hai có một điểm chung lớn đó là đến giờ vẫn còn bị mê hoặc bởi một người phụ nữ xinh đẹp đã qua đời. Dù cả hai đều ở những vị trí khác nhau nhưng cả hai lại giống nhau ở chỗ không thể khỏa lấp nỗi mất mát đó. Vì vậy câu chuyện giữa họ có gì đó rất hợp”.

        “Nàng là một người phụ nữ tuyệt vời, …tôi chắc rằng anh Iefuku rất hạnh phúc để sống với một người như vậy.”

        “Đúng thế,” Iefuku nói. “Cậu nói đúng. Tớ nghĩ rằng tớ đã hạnh phúc, nhưng niềm hạnh phúc của tớ đôi khi khiến tớ cảm thấy khó chịu.”

        “Nhưng cuối cùng, tớ đã mất nàng. Tớ đã mất đi từng chút một từ khi còn sống, và cuối cùng tớ đã mất tất cả. Những gì tớ đã mất là qua quá trình xói mòn đến cuối cùng thì bị bật luôn cả gốc rễ trong những cơn sóng lớn...”

        “Điều đau đớn hơn cả đối với tớ là,” Iefuku nói. “Tớ không thực sự hiểu nàng - hoặc ít nhất một phần quan trọng nào đó của nàng - và bây giờ nàng đã mất thì có lẽ sẽ mãi mãi không được hiểu. Nó giống như một chiếc két sắt nhỏ bị chìm xuống đáy biển sâu. Điều đó khiến trái tim tớ thắt lại.”

        “Chúng tớ đã sống với nhau gần 20 niên và nghĩ rằng chúng tớ là cặp đôi thân thiết, đồng thời là những người bạn đáng tin cậy. Chúng tớ đã nói thật lòng về mọi thứ. Ít ra thì tớ cũng nghĩ như vậy. Nhưng có lẽ không phải vậy. Tớ nên nói thế nào nhỉ... có lẽ tớ đã có một cái gì đó giống như một điểm mù chết người.”(4)

        Điều đầu tiên Iefuku tự tìm ra chính là “điểm mù” của mình trước vợ mình, chỉ có thế và bế tắc tại đó, không thể lý giải những điều còn lại.

        “Có thể tớ đã bỏ qua điều gì đó quan trọng ở nàng. Không, tớ ắt có thể đã nhìn thấy nó rồi, nhưng tớ thực sự đã không thể nhận ra nó.” (4)

        Có lẽ, những ly rượu đã làm cho Takatsuki mạnh mẽ hơn và cho Iefuku biết rằng:

        “Người phụ nữ đang nghĩ gì thì không chắc rằng chúng ta sẽ hiểu chính xác về nó. Ý tôi là thế. Không cần biết đó là loại phụ nữ nào. Vì vậy, tôi cảm thấy rằng đó không phải là một điểm mù đặc biệt đối với anh Iefuku. Nếu đó là một điểm mù thì tất cả chúng ta đều sống với những điểm mù giống nhau. Vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn là không nên tự trách mình nhiều như vậy.”

        Sau đó hắn nói.

        “Theo những gì tôi biết thì vợ của anh Iefuku là một người phụ nữ thực sự tuyệt... Nếu không có gì khác thì anh Iefuku nên cảm thấy biết ơn vì đã sống với một người tuyệt vời như thế hai mươi niên. Tôi nghĩ như thế từ đáy lòng tôi. Nhưng dù có thương ái ra sao, dù có yêu nhau say đắm thế nào đi nữa thì tôi e rằng cũng không thể nhìn thấu trái tim người khác. Việc đòi hỏi như thế chỉ khiến bản thân đau khổ mà thôi. Tuy nhiên, với trái tim của chính mình thì chỉ cần nỗ lực, chỉ nỗ lực thôi là có thể nhìn thấu được. Vì vậy, rốt cuộc điều chúng ta phải làm thì chẳng phải là thu xếp một cách ổn thỏa và thành thật với chính trái tim mình hay sao. Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình. Tôi nghĩ vậy.”

        "Những lời này như thể bật ra từ một nơi nào đó đặc biệt, nằm sâu bên trong con người có tên Takatsuki. Cánh cửa bí ẩn đã hé mở, có lẽ trong một thời gian ngắn. Lời của hắn đến từ chính trái tim, không chút ẩn ý. Ít ra thì đó không phải là diễn”. (4)

        Những lời chân thật, “đến từ trái tim” của Takatsuki - một người cũng yêu thương vợ mình - đã hé mở cánh cửa bí ẩn cũng như giải thích phần nào những thắc mắc trăn trở của Iefuku từ lâu nay, khiến cho Iefuku phải suy nghĩ lại những gì mình đã trải qua trong thời gian chung sống với vợ mình và chỉ: “… nhìn thẳng vào mắt đối phương. Lần này, Takatsuki không lảng tránh. Hai người nhìn nhau một lúc lâu. Rồi cả hai cùng nhận ra ánh sáng giống như hằng tinh xa tít tắp ở trong mắt nhau”.(4)

        ….“Nếu đó là một điểm mù thì tất cả chúng ta đều sống với những điểm mù giống nhau. Lời nói đó vẫn ở trong tai Iefuku rất lâu”.(4)

        Đã có lúc với sự tức giận của một người chồng bị “cắm sừng”, Iefuku đã muốn trừng phạt để trả thù Takatsuki, nhưng suy cho cùng anh không thể làm điều đó:

        “Tôi không thể giải thích rõ ràng nhưng đến một lúc, tự nhiên mọi thứ muốn ra sao cũng được. Như thể vong linh đã rơi xuống.” Iefuku nói. “Tôi không còn thấy tức giận nữa. Hoặc đó thật ra chẳng phải là nỗi tức giận nhưng là một thứ gì khác.”(4)

        …..

        Cuộc thoại thứ hai cũng không kém phần quan trọng, làm nên câu chuyện, cũng như một nhận định khác trong trường hợp của Iefuku nhưng lại đến từ một người con gái chỉ xấp xỉ tuổi con anh ta - Misaki - người lái xe.

        Có lẽ do tính cách của Misaki cũng là một người ít nói, ít bạn bè, với vẽ bề ngoài vô cảm nhưng lại chỉnh chu, khéo léo, lại có một chiều sâu, có cách nhìn nhận vấn đề khá là độc đáo nên dần dà Iefuku đã trao đổi với Misaki nhiều hơn về trường hợp của mình. Vẫn là những trăn trở về Oto:

        “ Nàng là loại người có thể suy nghĩ chậm rãi và lặng lẽ theo thời gian. Nhưng tại sao nàng đã bị thu hút và được ôm ấp bởi một thằng đàn ông không ra gì như thế? Điều đó vẫn còn như gai nhọn cứa vào tim tôi.”(4)

        Đối với Misaki, vấn đề của Iefuku lại quá đơn giản, đơn giản đến độ không ngờ:

        “Vợ anh không bị thu hút bởi kẻ đó,” Misaki nói rất ngắn gọn. “Đó là lý do tại sao nàng ngủ.”

        “Đó là những gì phụ nữ làm,” Misaki nói thêm.

        “Đó là một loại giống như căn bệnh, anh Iefuku à. Chẳng có gì phải suy nghĩ. Việc bố tôi đã bỏ rơi mẹ con tôi, việc mẹ tôi làm tổn thương tôi đến cùng, thì tất cả đều là do căn bệnh hết. Không có logic nào liên quan. Tất cả những gì tôi có thể làm là chấp nhận những gì họ đã làm và cố gắng tiếp tục cuộc sống của mình.”

        “Và tất cả chúng ta đều diễn.” Iefuku nói.

        “Tôi nghĩ vậy. Không ít thì nhiều.”(4)

        Không nói được gì sau những ý tưởng của Misaki, Iefuku chỉ biết im lặng chấp nhận: …“Và y sẽ lại diễn trên sân khấu. Đắm mình dưới ánh đèn, đọc lời thoại có sẵn. Nhận tràng pháo tay, hạ màn. Thoát khỏi bản thân, rồi lại trở về với bản thân. Nhưng khi quay lại thì không còn chính xác là nơi cũ nữa”.(4)

        Vấn đề của Iefuku với người vợ ngoại tình của anh ta - như một vết cắt làm tổn thương, dằn vặt, ám ảnh anh trong cuộc sống thường nhật, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng nó như mang một vết thương đau đớn trong lòng - được một nam  - Takatsuki, nhân tình của vợ anh ta - và một nữ - Misaki, lái xe riêng - trả lời thật ngắn gọn và chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều. 

        “Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình”. (4)

        Và: “Vợ anh không bị thu hút bởi kẻ đó,”; “Đó là lý do tại sao nàng ngủ.”;“Đó là những gì phụ nữ làm.” (4)

        Theo tôi, đây cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn chuyển đến chúng ta. Nếu chỉ cố công tìm hiểu để sống được với một người khác, thật ra đó là một điều gần như vô vọng, bất khả thi. Thay vì phải chịu đựng những tổn thương, dằn vặt, hãy xóa dần đi những điểm mù, nhìn thẳng, nhìn sâu vào chính mình mới có thể nhìn thấu một người khác và nhiều khi phải chấp nhận có những điều xảy ra một cách tự nhiên không hề có một lý do chính đáng nào cả để biện minh cho nó. Nhất là đối với người phụ nữ bên đời của riêng mỗi người.

        Tuy vậy, phải có những khoảnh khắc, những đồng cảm thật sự để đạt được một liên hệ hài hòa giữa những con ngưởi trầm mặc, bị tổn thương nhằm chia sẽ cũng như giải tỏa bớt những uẩn khúc, u tình mà họ dấu kín từ lâu trong lòng. Đó như là một cánh-cửa-giải-thoát cho chính linh hồn của họ. 

        Con người - như một diễn viên trên sân-khấu-đời - thực hiện màn diễn bất tận vai trò của mình - sẽ phải diễn cho trọn vai của mình, chiếc mặt nạ được đeo vào, lại gỡ ra từng lúc từng nơi cho phù hợp để có thể trở thành một người nào khác, sống một cuộc đời khác với đời thực, hy vọng thay đổi chính mình trong phút chốc như những phút giây quên lãng. Hết vai diễn, họ sẽ trở về với họ, về với những trầm mặc và những vết thương lòng. Có điều, sẽ chẳng bao giờ trở lại với cái tôi trước đó, vì đã có một khoảng cách, một khoảng thời gian chia cắt họ với chính cái tôi trước đó.

        Nhiều khi họ huyễn hoặc mọi người hoặc tự huyễn hoặc chính mình với từng chiếc mặt nạ của đời họ. Nói như vậy không phải là không sống thật với người qua từng chiếc mặt nạ - vì mỗi vai diễn đều rất thật với con người thật – chẳng qua là qua chiếc mặt nạ bên ngoài.

        Duy có một điều không thể thay đổi, cho dù có huyễn hoặc đến mức độ nào thì họ vẫn không bao giờ trở về với chính họ trong một thời điểm nhất định nào đó:

        “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” – Heraclitus (5).

        Con người vẫn là một cọng rêu trên dòng thời gian, trong dòng trôi của cuộc sống. Mọi thứ đều trôi qua và chẳng thể nào trở lại như cái trước đó. Mọi điều đúng-sai đều có chổ của nó. Lúc thì đúng, nhưng có lúc sẽ sai, không bao giờ dừng nghỉ. Còn lại là sự chấp nhận được nhiều hay ít điều đã xảy ra để sống và tồn tại mà thôi. 

        Hơn nữa, có lẽ vẫn còn “những điểm mù chết người” thỉnh thoảng lại vương vào mắt của một người nào đó.

        ….

        Một câu chuyện hay, sâu sắc.

        Cảm ơn bạn Nguyễn Đức Kim Long đã dịch và chuyển qua cho mình.

Ảnh: ST.

LeBinh.

24-04-2022.

NB: 

- Những suy nghĩ về câu chuyện chỉ là những thu nhận của riêng tôi khi đọc tác phẩm này, cũng có thể có những góc nhìn khác qua một nhãn quan khác, sâu sắc, lý thú hơn.

- Phần trích dẫn có vẽ hơi dài, nhưng thật sự cảm thấy cần phải trích dẫn đầy đủ để hiểu rõ hơn ý tưởng của tác giả qua từng câu, từng mạch truyện. 

Mong các bạn thông cảm.

Chú thích:

(1) https://butlongkim.blogspot.com/2022/04/lai-xe-cua-toi-truyen-ngan-cua-nha-van.html?spref=fb&fbclid=IwAR0yVjU3fvAPK_VLWe7DhPylTAo__Vk9RVSGVt3ebm8qkJxrQlkmmxWANe0).

(2) Trang web bản dịch Kinh thánh (Tân Ước, Cựu Ước), Từ điển Tân Ước, Cựu Ước do bạn Nguyễn Đức Kim Long dịch thuật.

Link: https://vietbible.co/

(3) Murakami Haruki (村上 春樹 (Thôn Thượng Xuân Thụ) - sinh ngày 12-01-1949) tại Kyoto. 

Là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước. Từ năm 1979 được nhận giải Nhà văn mới Gunzo đến nay, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới, Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những danh hiệu "nhà văn được yêu thích", "nhà văn bán chạy nhất", "nhà văn của giới trẻ".

Murakami từng là giảng viên văn tại Đại học Princeton ở Princeton, New Jersey, và tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts.

Năm 2006, Murakami trở thành nhân vật thứ sáu nhận Giải Franz Kafka của Cộng hòa Séc cho tác phẩm  “Kafka bên bờ biển”. 

Vào tháng 9 năm 2007, ông nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Liège. Năm 2009 ông đoạt Giải Jerusalem.

Murakami được trao Giải thưởng Kiriyama dành cho Tiểu thuyết năm 2007 với tập truyện ngắn “Cây liễu mù, người đàn bà ngủ”, nhưng theo Trang web chính thức của Kiriyama, Murakami "đã từ chối nhận giải vì lý do cá nhân".

(Wikipedia).

(4) Trích từ truyện “Lái xe của tôi”, bản dịch của bạn Nguyễn Đức Kim Long.

(5) Heraclitus: (khoảng 535 TCN - 475 TCN), là một nhà triết học duy vật người Hy lạp, được coi là ông tổ của phép biện chứng. 

Tham khảo: Wikipedia; vietcetera.com; elle.vn; báo vn.express; vtv.vn; butlongkim.blogspot.com; vietbible.co.


        ***************

        TÁC PHẨM CHUYỂN THỂ THÀNH PHIM.


        Tên phim: Drive my car.

        Ngày phát hành: 20 tháng 08 năm 2021 (Nhật Bản)

        Đạo diễn và biên kịch: Ryusuke Hamaguchi

        Tác giả truyện:  Haruki Murakami.


        Drive My Car là phim có cấu trúc khá đặc biệt - với phần giới thiệu bối cảnh và mối quan hệ giữa Iefuku là Oto dài hơn 40 phút, rồi mới xuất hiện phần generic (thông tin phim). Sau đó, bộ phim là một hành trình, điểm khởi hành và kết thúc được đánh dấu bằng sự thay đổi của hai nhân vật. Từ những con người khép kín vì mất mát, họ dần mở lòng, đồng cảm, cùng nhau giải tỏa những ức chế riêng tư.

        Trong phim Drive My Car, Hamaguchi kết hợp tài tình giữa truyện ngắn cùng tên và hai truyện khác là “Scheherazade” và “Kino” - đều nằm trong tuyển tập “Những người đàn ông không có đàn bà” của nhà văn Haruki Murakami.

        Truyện ngắn cùng tên có vai trò chủ đạo, là mạch chính trong phim. Các nhân vật như Iefuku, Watari cùng những cuộc trò chuyện trên xe bắt nguồn từ truyện này. Trong khi đó, hai truyện còn lại được lồng ghép thành những backstory (câu chuyện phụ), giúp cho bộ phim có chiều sâu, nhiều lớp lang.

        Câu chuyện “Scheherazade” được Hamaguchi lồng vào câu chuyện phụ xoay quanh mối quan hệ giữa Iefuku và Oto. Vợ chồng Kafuku có một thói quen - sau mỗi lần quan hệ tình dục, Oto ngẫu hứng kể cho Iefuku nghe một mẩu chuyện trong kịch bản mà cô đang viết, rồi ghi chép lại qua lời kể của Iefuku vào hôm sau vì cô không còn nhớ rõ. Câu chuyện dang dở mà Oto kể cho Kafuku trước khi cô qua đời là về một nữ sinh trung học có thói quen lén vào nhà một cậu bạn học mà cô thầm thích.

        Truyện “Kino” được Hamaguchi lấy cảm hứng xây dựng thành những phân cảnh trong quán rượu. Đây là nơi diễn ra những cuộc trò chuyện giữa Ỉefuku và Takatsuki - một diễn viên trẻ từng làm việc cùng vợ anh - sau đó được Iefuku chọn vào vai chính cho vở kịch ở Hiroshima. 

        “Không dừng lại ở đó, bộ phim còn được nới rộng về mặt không gian - thời gian, thay đổi về bối cảnh - cấu trúc, bổ sung và sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới. Đó là lý do Ryûsuke Hamaguchi có thể biến một truyện ngắn dài hơn 40 trang sách (cộng với vài trang từ hai truyện ngắn khác) trở thành một bộ phim dài đến 3 tiếng đồng hồ.

        Tuy nhiên, về thực chất nó vẫn bám sát tinh thần của tác giả Murakami, thiên về sự lạc lõng, đánh mất kết nối giữa con người với nhau trong một xã hội hiện đại. Ở đó có những thứ dù tiếc nuối đến đâu, cũng đã mất đi vĩnh viễn, “giống như chiếc hòm sắt kiên cố, mãi chìm dưới đáy biển sâu”. 

        Bên cạnh sáng tạo riêng, Hamaguchi vẫn giữ lại những chi tiết đắt giá trong tác phẩm của Murakami. Tiêu biểu là sự ẩn dụ như hạt cườm trong mắt và điểm mù của Iefuku trong góc nhìn của anh về vợ.

        Chia sẻ với Screen Slate, anh nói: “Tôi không vay mượn hoàn toàn từ nguyên tác. Tôi coi mình như một thiết bị chuyển đổi. Kỹ thuật đầu ra duy nhất mà tôi được trang bị là làm phim, vì vậy tôi trình bày trải nghiệm đọc sách của mình qua phương thức điện ảnh”. Điều này giải thích việc nội dung phim được phóng tác rất nhiều so với bản truyện, không chỉ thêm vào hàng loạt diễn biến mới, đạo diễn kiêm nhà biên kịch còn thay đổi dòng thời gian của câu chuyện.

        Bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của giới phê bình, nhiều người đã cho rằng đây là một trong những bộ phim hay nhất năm 2021. Phim đã giành được bốn đề cử tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 94: Hình ảnh xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, Phim truyện quốc tế hay nhất. Đây là bộ phim Nhật Bản đầu tiên được đề cử cho Phim hay nhất.

        Tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 79, phim đã giành giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Nó trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành giải Phim hay nhất từ cả ba nhóm phê bình lớn của Hoa Kỳ (Hiệp hội phê bình phim Los Angeles, Hiệp hội phê bình phim New York và Hiệp hội phê bình phim quốc gia).

        Xin được giới thiệu cùng các bạn một câu chuyện hay của Haruki Murakami - qua bản dịch của bạn NĐKL - và một bộ phim sâu sắc của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi.

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Cây hoa điệp lào.

 



        Cách đây mấy ngày, khi ghé lại nhà người em, thấy có cây lạ ra hoa đẹp, táy máy tôi bấm mấy tấm, nhưng lúc về lại quên hỏi tên cây là gì?

Lúc post lên FB, mấy bạn hỏi là cây tên gì? Tôi “bí”…!!

        Cũng khó chịu vì cái “không biết” của mình, tôi lò mò tìm thử có cách nào để biết tên cây này là gì?

        Thì ra ở đây? Có một app ngay trước mắt mình hàng ngày trên mạng của Google mà lâu nay mình không để ý đến - có lẽ vì ít khi dùng đến – đó là Google Lens.

        Thật hay….chỉ trong nháy mắt, khi scan tấm hình cây hoa – chưa biết tên - GL đã cho ra một loạt hình ảnh và tên của cây hoa này.

        Cây này có tên là cây “ĐIỆP LÀO”, còn có tên là cây “KIỀU HÙNG”. Có tên khoa học là Calliandra emarginata thuộc họ Đậu (Fabaceae), có nguồn gốc từ châu Mỹ.

        Với sắc hoa đỏ thắm của cây điệp lào tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc, những nhị hoa và cánh hoa vút cao tua tủa, tràn đầy sức sống nên hoa Điệp Lào được xem là mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng và bình yên. 

Ngoài việc nhận diện trực tiếp các loại cây, hoa qua lens của điện thoại hoặc qua scan hình ảnh được chụp lại, GL còn có những tính năng khác cũng rất hay:

- Quét và dịch văn bản: Dịch văn bản theo thời gian thực, tra từ, thêm sự kiện vào lịch, gọi điện và nhiều tính năng khác. Hoặc chỉ đơn giản là sao chép và dán nội dung để tiết kiệm thời gian.

- Tìm phong cách bạn yêu thích: Bạn nhìn thấy một bộ trang phục ưng ý? Hay một chiếc ghế rất hợp với phòng khách nhà mình? Hãy tìm cảm hứng từ các bộ trang phục, đồ nội thất và trang trí nhà cửa có hình thức tương tự mà không phải nhập thông tin mô tả trong ô tìm kiếm.

- Sao chép và dán văn bản vào máy tính: Sao chép các loại văn bản in hoặc viết tay bằng Ống kính, rồi gửi đến một trình duyệt Chrome khác mà bạn đã đăng nhập chỉ bằng một lần nhấn.

- Nhận dạng cây cối và động vật: Khám phá xem trong căn hộ của bạn bè có loại cây nào hay chú chó bạn thấy trong công viên là giống nào.

- Hỗ trợ làm bài tập theo từng bước: Bạn thấy bài tập quá khó? Nhanh chóng tìm ra lời giải, video hướng dẫn và kết quả trên mạng cho các môn toán, lịch sử, hóa học, sinh học, vật lý và nhiều môn khác.

(https://lens.google/intl/vi/)

        Một công đôi việc, vừa tìm được cây hoa tên gì vừa phát hiện thêm nhiều tính năng thú vị của một app. Hơn nữa từ nay chắc phải dùng GL để biết được nhiều loại cây lá, hoa cỏ hơn.

        Cảm ơn bác Gồ.

        15-04-2022.


Ngày “Cá tháng Tư”.



        Cách đây hơn 20 năm, có người đã chọn một ngày đặc biệt để ra đi…

        Tại sao là ngày “Cá tháng Tư” mà không là ngày khác? Điều này cứ làm tôi nhớ nghĩ mãi khi đến ngày này hàng năm.

        Sự sống có thể chọn được, nhưng cái chết hay sự ra đi - của một người - làm sao mà chọn cho được?....có thể lắm chứ!…hay tôi đang đùa với chính tôi … trong ngày này.

        …..

        Một ngày, khi đang đi công việc, tôi nhận được cuộc gọi của người bạn:

        - “Anh đang ở đâu? về nhà em chút”…và chỉ có thế.

        Đang chạy trên đường, tôi chững lại và thầm nghĩ những cuộc gọi như thế này thường mang tính “khẩn cấp”, vì nếu có “cử nhậu” hay gì đó thì thường bạn tôi sẽ nói rõ để chuẩn bị tinh thần….đây hoàn toàn như một “triệu hồi nhanh”. Nên tôi bỏ dở mọi công việc vội vã quay về mà không hề hỏi thêm lý do.

        ….

        Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ lan man về nhiều tình huống cho cuộc điện thoại này và cố nghĩ rằng ai sẽ có mặt tại đó ngoài tôi, mà nhất là cuộc gọi này lại xảy ra đúng vào ngày 01-04…ngày “Cá tháng Tư”.

        Thường thì vào ngày này, chuyện gì cũng có thể xảy ra,…chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật, chuyện lừa, chuyện láo láo một chút, chuyện trêu chọc hay đặt điều ra mà đùa giỡn với nhau cho vui…cũng là chuyện thường tình. Có bực bội hay cay cú vì là nạn nhân của những chuyện này, cũng chỉ nhận được nụ cười ruồi và câu trả lời gọn bâng: Ngày “Cá tháng Tư” mà!

        ….

        Về đến nơi, chỉ thấy anh bạn tôi một mình trước hiên nhà - hình như đang chờ tôi thì phải - ngoài ra không còn người nào khác nữa.

        Trên khung cửa sắt khép hờ trước hàng hiên, là bức hình bán thân nhỏ của nhạc sĩ TCS đang ôm cây guitar với cặp kính cận, được phóng tác bằng bút chì, nét đậm, nét lợt đan xen vào nhau. Bức hình thường ngày không có ở chổ này và có lẽ được treo lên vội vàng nên hơi lệch về một bên. 

            Một ít mồi nhậu và ba cốc rượu đầy…đặt ngay ngắn trước chổ bạn tôi ngồi.

        Chí ít thì tôi cũng đóan đúng là đang có một cử nhậu thiếu người, và người đó nhất thiết phải là tôi chăng? Ngoài ra còn bạn nào nữa chưa đến?

        Chẳng hiểu mô tê chi cả…cử nhậu bình thường của anh chàng này thường có nhiều “chiến hữu” và có phần ồn ào một chút…nay sao lại im hơi lặng tiếng và chỉ có hai người - anh ta và tôi - chuyện gì đây hay điều gì sắp xảy ra? 

        Với anh chàng này, tôi hiểu một điều đã thành thông lệ: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn”(1), có lẽ tôi là một trong những “ai đó” được nhớ đến để cùng cạn ly trong cử nhậu ít người này, nên chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi lẳng lặng ngồi xuống đón một trong ba ly rượu có lẽ được rót ra trước khi tôi về.

        Sau lần chạm ly, tôi cạn…ly của bạn cũng cạn….ly thứ hai cũng thế …lượt thứ ba được rót đầy cho hai người…vẫn là sự im lặng với những ý tưởng vòng vèo trong đầu…

        Tôi nhìn ly rượu thứ ba - ngoài hai ly của bọn tôi - vẫn còn đó, trước mặt hai người …ly này dành cho ai? Sao lại rót ra, để đó…và chưa ai chạm tay vào?

        Hiểu ý bạn, tôi nghĩ rằng chẳng cần phải hỏi han chi….chỉ là những thoáng ngồi lại với nhau để chia sẽ điều gì đó ngay cả khi đang chìm đắm trong cái im lặng trùng trùng … còn chuyện gì đó từ từ anh bạn này sẽ nói ra thôi…chẳng gì phải vội.

        Đến lượt thứ ba thì tôi không uống nữa…để đó và cũng im lặng, thời gian  vẫn chậm trôi….chiều đã xuống, từng bầy chim nối nhau bay lướt qua khung cửa, thỉnh thoảng vài chiếc lá rơi ngập ngừng…. anh ta cũng chẳng màng bật lên chút đèn cho sáng chổ nhậu. 

        Chỉ đến lúc đó, anh bạn mới chầm chậm nói với tôi:

        - TCS mất rồi anh!

        Ồ chuyện “Cá tháng Tư” hay sao đây? Lúc đó tôi đón nhận câu nói này như chuyện đùa trong ngày…tôi tưng tửng:

        - Thiệt không ông ? vừa nói tôi vừa cầm ly rượu…

        Nhưng khi nhìn khuôn mặt nghiêm trang pha lẫn chút buồn bã và không hề có chút dấu hiệu nào của sự pha trò hay chọc phá…hơn nữa lại đề cập đến một nhân vật lớn như TCS, có lẽ đây không phải là chuyện đùa.

        Đặt vội ly rượu xuống, tôi hỏi lại anh ta với vẽ nghiêm trọng bất ngờ:

        - Ông nghe ai nói vậy? 

        - Thiệt đó!….em mới nghe mấy ông bạn ở SG thông báo trưa nay…

        - ….!!

        - Nên ly rượu thứ ba, em để đây để hướng vọng về ông ta đó anh.

        Lâu nay, qua thông tin tôi cũng biết Ns TCS đang bệnh…không lẽ cho đến hôm nay ông đã đặt một dấu chấm hết cho cơn bệnh và cuộc đời của ông. Bệnh là những dấu chấm lững chờ ngày hổi phục hay khỏe lại, nhưng nếu đã là dấu chấm hết, thì ngay cả cuộc đời cũng ra đi. Hãy đón nhận nó như một điều sẽ đến, sẽ xảy ra và đúng vào ngày hôm nay….ngày “Cá tháng Tư”.

        Vậy là đúng rồi, một ngôi sao đã tắt, một người nữa lại ra đi, cứ như lời hẹn với cái sống-chết, đến để rồi đi hay trở về nơi miên viễn của đời người. 

        Ly rượu thứ ba cho đến bây giờ tôi mới hiểu là dành cho ông.

        Thật ra, trong ca từ, ông đã nhiều lần “hò hẹn” với cái chết như một đoạn đường trước mặt, đơn thuần như một chuyển cảnh trong kịch-bản-đời mà ai cũng phải bước qua một lần. 

        Cho nên ngoài tình yêu, thân phận, sự tuyệt vọng, cái sống chết, …chuyện đi hay ở lại trần gian này chỉ là vấn đề của thời gian, không hề né tránh hay e sợ trước cánh cửa vô thường của sinh-tử và không một người nào - như ông - cảm nhận cái chết vốn đầy bi thương, nhiều khi thật phi lý lại đẹp như đoạn kết của một câu chuyện:

 “Những hẹn hò từ nay khép lại. 

Thân nhẹ nhàng như mây”…

(“Như một lời chia tay” - TCS) 

...”Đường nào dìu tôi đi đến cơn say

Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời

Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy”…

(“Bên đời hiu quạnh” - TCS).

 “Còn đây có bao ngày….

Còn ta cứ vui chơi

Dù mai sẽ ra đi ….

Dù nhớ thương con người..”

(“Còn có bao ngày” - TCS)

“Một hôm buồn ra ngắm dòng sông

Một hôm buồn lên núi nằm xuống”…

(“Tự tình khúc” - TCS)

…”Chợt như xác thân không còn

Và cạnh tôi là đồng vắng”…

(“Lời thiên thu gọi” - TCS)

        ….

        Anh bạn tôi cầm lấy cây guitar, búng vài nốt:

        - “Rừng đã cháy và rừng đã héo, “anh” hãy ngủ đi

        Rừng đã khô và rừng đã tàn, “anh” hãy ngủ đi”….

        (“Em hãy ngủ đi” – TCS) 

        Phải rồi …anh hãy ngủ đi giấc dài bên trời, thong dong tự tại sau một đời dong ruỗi, coi như đã trả xong cái-nợ-trần-gian và hãy như ông đã nói: “Thôi về đi, đường trần đâu có gì”…đâu có gì để mà luống tiếc.

        …..

        Cầm lấy cây guitar, tôi mượn lời nhạc như chút tiễn biệt cho từng bước chân rời xa trần thế của ông:

“Không có đâu em này

Không có cái chết đầu tiên

Và có đâu bao giờ

Đâu có cái chết sau cùng…

…Mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi.

Mệt quá thân ta này nằm xuống với đất muôn đời…”

(“Ngẫu nhiên” - TCS).

“Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày”…

(“Cát bụi” - TCS)

        …..

        Trên tay tôi không còn biết là ly rượu thứ mấy và chẳng ai mời mọc ai cả…cứ một ý tưởng, mỗi câu nhạc như hòa vào từng ngụm rượu ngấm vào những đau thương, tiếc nhớ cho một đời người.

        Cứ thế đêm dần qua, ngoài kia chẳng còn bóng người qua lại, cũng không còn chuyến xe nào trên đường, chỉ là bóng đêm chập chùng, hoang vắng, ngọn gió nào xào xạc trên cao, cây guitar và tiếng hát…ngập ngừng…trống vắng….xa lạ…. cô đơn.

        …..

        Ngày “Cá tháng Tư” - cách đây hơn 20 năm - tôi tiếc nhớ sự ra đi của một người…Nay, cũng trong ngày này tôi lại nhớ đến một buổi chiều tiễn biệt và hơn 6 năm đã không còn ly rượu nào cho bạn tôi - vì bạn cũng đã “biền biệt sơn khê” … chỉ không là một ngày của tháng Tư.

        Hãy chia nổi buồn của tôi cho chính tôi… 

        “Sau ba ngàn thế giới trong nước mắt, chợt tìm thấy trong bể khổ nụ cười của Huệ Năng? (2)

        Sau cánh cửa của sự chết bất chợt mở ra một sự tiếp nối của luân hồi?".

         (Nguyễn Xuân Hoàng (bee.net.vn, 01/04/2010).

        Sao không chọn một ngày nào đó để ra đi…lại chọn ngày “Cá tháng Tư”, vốn dĩ đầy những chuyện đùa. 

        Nên sự ra đi của ông cũng như một chuyện thật như đùa, để rồi trong những tháng ngày qua, những người còn lại vẫn nghi hoặc giữa cái còn và cái mất, giữa sự ra đi hay ở lại của ông. 

        Vì thế, đã bao nhiêu năm, tôi nghĩ ông vẫn còn đó trong tôi, trong lòng của những người yêu nhạc Trịnh…khi bỗng nhiên đâu đó trong tâm tưởng lại vọng về những ca từ của ông.

        Ngày Cá tháng Tư vẫn là ngày đùa như thật, thật như đùa…!

LeBinh.

01-04-2022.

        NB: 

        Bài viết chỉ mượn những ca từ của Ns Trịnh công Sơn để nhớ về một buổi chiều cùng với bạn tôi, tưởng niệm sự ra đi của một cổ thụ trong làng âm nhạc … 

        Theo tôi, tác giả và tác phẩm là hai phạm trù có thể không hoàn toàn giống nhau cho lắm, càng không dám mạo phạm đến nhiều yếu tố trong cuộc đời của tác giả, nhất là trong giới hạn kiến thức của mình. 

        Xin được cẩn kính và chân thành cảm ơn NS TCS.

Chú thích:

 (1) Trích từ ca khúc “Buồn” của NS Y Vân.

 (2) Huệ Năng (638-713): còn được gọi là Lục Tổ (Tổ đời thứ 6), là người cuối cùng được nhận y bát truyền phái của Thiền tông Trung quốc, kế tiếp từ Bồ Đề Đạt Ma (Sơ Tổ), và được coi là người sáng lập thiền Đốn ngộ (Thiền Nam tông).