Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Ký ức về Đại quãng diễn Quốc học năm 1973.

         

          Nhân clip của bạn Trương Văn Hải (Quốc học 1967-1974) và Thầy Nguyễn Phú Phụng khi nhớ về "Đại quãng diễn" (ĐQD) của trường Quốc học Huế được tổ chức vào ngày 26-12-1973, mình ghi lại một ít kỷ niệm về Đại quãng diễn này.
           Trong ký ức của một học sinh Quốc học vào thời đó, mình nghĩ chắc không ai có thể quên được sinh hoạt này của trường.
           Ý tưởng về việc tổ chức ĐQD, theo mình nhớ là do Thầy Phan khắc Tuân (Hiệu trưởng), thầy Châu văn Tăng (Thầy dạy Sử-Địa - mất năm 2001), cùng tập thể giáo viên của trường và được manh nha từ đầu hè.
           Nên vào đầu năm học 1973-1974, các Thầy đã giao đề tài cho từng lớp chuẩn bị từ tháng 10, dự kiến cho đến cuối tháng 12-1973, chính thức thực hiện cuộc ĐQD này.
           Đề tài được giao cho từng lớp chuẩn bị với phương châm là tự túc hoàn toàn, tự suy nghĩ, tự sắp xếp từ dụng cụ cho đến việc tổ chức hình thức phù hợp.
           Đề tài mà các thầy đã chọn để giao cho lớp rất phong phú và đa dạng, từ sự phát triển của nòi giống (Lạc Long quân-Âu Cơ, 1 trứng nở trăm con, vua Hùng, sự tích bánh dầy-bánh chưng, hai Bà Trưng, Bà Triệu, chiến thắng của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, các dân tộc ít người...),cho đến các đề tài ngoài nước như quý tộc Ấn độ, Tôn ngộ không thỉnh kinh, ban nhạc nước ngoài kỳ quái ...khó nhất là mấy đề tài trong thơ văn, thật mơ hồ, khó mà diễn tả bằng hình tượng như câu ca dao "Hỡi cô tát nước bên đường, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi, Vinh quy bái tổ.....
           Đề tài của lớp mình lúc đó là Lạc Long quân-Âu Cơ và một trứng nở trăm con.
           Quả thật là một đề tài khá hóc búa, lớp mình chỉ có gần 40 anh em, làm sao có đủ 100 con đây ? Mình nhớ lúc đó Nguyễn Thông là lớp trưởng xông xáo hỏi thầy Hoàng đức Thạc (Giáo viên hướng dẫn lớp) ...và được thầy "điều động" cho 2 lớp Sáu làm 100 con cho vua Lạc và bà Âu cơ. Nên đã có có được "100 con", giải quyết được một "cái búa hóc".
           Cái hóc búa tiếp theo là áo quần trang phục ! Làm sao phải ăn mặc giống như người thời đó...hơn nữa không chỉ lo áo quần cho lớp...đàn anh tụi mình phải lo luôn trang phục cho 2 lớp Sáu làm con nữa để cho phù hợp với cha Lạc, mẹ Âu.
           Cả lớp túm tụm, bàn ra tính vào về cái chuyện áo quần...cuối cùng bật ra được ý tưởng là lấy bao bố đựng gạo (loại 100kg) cắt may theo kích cở từng người và dùng sơn "vẽ rồng vẽ rắn" lên đó làm sao cho giống áo quần được làm bằng da thú. Quần thì chỉ đến nữa gối, còn 2 ống quyển để trần...!(cho đẹp mà !)
           Nhưng than ôi, áo quần thì được rồi nhưng ĐQD lại tổ chức vào mùa Đông, mưa phùn, gió rét ở xứ Huế lạnh căm người, với cái áo phong phanh quấn quanh người như rứa thì chỉ đi nữa đường đã thâm tím người vì lạnh...làm răng đây ? Áo quần không thể thay đổi, thời tiết thì phải chịu, ĐQD phải tham gia,,...Ồ mà... "thân trai ngại gì giá rét" nên có lòi tay, lòi chân một chút, chịu lạnh mấy chút cũng không sao....tuy vậy phải nhờ tổ hậu cần của lớp nấu trà gừng tiếp tế để uống trên đường chống lại phần nào cái lạnh xứ Huế.
           Cả lớp tập trung tại nhà Ngô thiện Nhân (đầu đường lên dốc Nam giao cạnh cầu Bến Ngự) để làm dụng cụ cho đề tài này, lớp mình làm 01 cái trứng lớn bằng tre và dán giấy bên ngoài trông như trứng thật; 2 cái kiệu ...một cho vua Lạc long quân và một cho bà Âu cơ. Làm mệt thì chạy lên quán không tên cạnh cầu Bến Ngự của M.L. (nữ Đồng Khánh) vừa uống cafe vừa "ngắm" cô chủ cho bớt mệt....xong về làm tiếp. Cứ như thế lớp tập trung từng nhóm để hoàn thành dần mọi phần việc.
           Lúc chọn ai để vào vai 2 nhân vật này, lớp cũng đã "ì xèo" tranh cải, một nhóm chọn Nguyễn Thông là lớp trưởng đóng vai Lạc Long quân vì Thông to con, mặt mũi "ngầu", có vẽ "chinh chiến" lắm, nếu so với vua Lạc chắc giống đến tám, chín phần (võ sư đai đen mà..!). Nhưng cũng vì to tê quá nên đứng trên cái kiệu làm vua để cho mấy thằng còm trong lớp gánh "vua Lạc Thông" quanh Huế một vòng chắc về thằng nào thằng nấy cũng xệ vai, lõng cốt hết.
            Nên chi lớp đã chọn Lương kim Bình, tướng tá nho sinh, trắng trẻo, nhìn bề ngoài chắc nhẹ hơn Nguyễn Thông nhiều, để cam tâm gánh vua này mà đi. Hơn nữa cũng có lý do là Lương Kim Bình đẹp trai chắc cũng dòng dõi con Hồng cháu Lạc mà.
           Bà Âu Cơ, lúc đầu lớp chọn Trần kim Duy Tân vì cái mặt trái xoan, trắng hồng mà giả gái thì quả là đẹp gái. Có điều ốm quá, nhong nhỏng như cây tre, tướng tá đó làm sao mà đẻ 100 con được...tính tới tính lui lớp đã chọn Phạm bá Hùng vào vai bà Âu Cơ...và "Âu Cơ" Hùng cũng làm cho nhiều người "ngẩn ngơ"....
           Đại quãng diễn chính thức diễn ra vào ngày 26 tháng 12 năm 1973, trong không khí lành lạnh của mùa Đông Huế (sau lễ Giáng sinh 01 ngày), may mà trời không mưa. Trên đường đi thỉnh thoảng chỉ có mưa phùn lất phất nhè nhẹ.
           Phần đầu của ĐQD qua cầu Mới (cầu Phú xuân) đến cửa Thượng tứ mà đuôi của đoàn chưa ra khỏi trường cổng trường, học sinh các trường bạn...và người dân Huế đứng 2 bên đường để xem đoàn đi qua.
           Lớp tôi, thay phiên nhau gánh vua Lạc-bà Âu theo đoàn. Lương kim Bình (trong vai vua Lạc Long quân) đứng trên kiệu tay cầm cây giáo với vẽ uy nghi, hùng tráng, mạnh mẽ...tuy vậy có lúc cũng run người vì lạnh.
            Mấy thằng còm còn lại trong lớp cứ thay phiên nhau gánh kiệu đi chầm chậm theo đoàn, hễ thấy mệt hay đau vai lại thay nhau để gánh 2 cái kiệu.
           Cứ thế trong cái lạnh run người của mùa Đông Huế, đoàn đi qua các đường phố, 2 bên đường là ánh mắt chiêm ngưỡng của nhiều người, chắc có lẽ đây cũng là một sinh hoạt hiếm có từ trước đến nay, lại do một trường tổ chức.
           Vẫn chưa có chút nắng nào, trời vẫn sụt sùi nhưng chúng tôi chẳng thấy lạnh ....mà lại thấy trào dâng lòng tự hào vì mình là một thành viên, là một học sinh và may mắn được tham gia vào Đại quãng diễn này của trường.
           Đoàn về đến trường không xảy ra sự cố nào. Lớp chúng tôi tê người vì lạnh, mấy em lớp Sáu lại càng lạnh hơn nhưng đều rất vui vì đã hoàn thành đề tài của lớp trong ĐQD của trường.
            Vào cuối năm học 1973-1974, tôi được nghe mấy thầy bàn kế hoạch cho năm sau sẽ không làm ĐQD nữa mà sẽ tổ chức một khoa thi (thi hương, thi hội, thi đình) để sĩ tử lều chõng lên kinh (kinh thành Huế) dự thi theo một khoa thi của triều Nguyễn, dự kiến sẽ làm ở công viên dọc theo bia Quốc học và trước trường Đồng khánh. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện này không thực hiện được mãi cho đến sau này.
            Năm sau, trường Đồng khánh cũng theo mô hình ĐQD của trường Quốc học để tổ chức một sinh hoạt tương tự trong dịp Kỷ niệm của Trường và có nhờ "chuyên gia" làm voi của Quốc học sang trợ giúp làm con voi cho trường.
           Đại quãng diễn năm đó chắc hẳn gây được tiếng vang lớn trong lòng người dân Huế, ghi dấu ấn của trường Quốc học so với các trường khác trong khu vực vì những kỳ tích mà nó đạt được.
Là người con xa Huế, khi đắm chìm trong ký ức, nhớ về Huế một thời, tôi lại nhớ đến Thầy Cô, bạn bè Quốc học thân yêu và liên tưởng đến Đại quãng diễn này. Một đời học sinh đã qua, đã từng tham gia vào ĐQD 1973, tôi chưa từng thấy trường nào tổ chức một sinh hoạt "để đời" như trường Quốc học của tôi.
           Cảm ơn Thầy Phan khắc Tuân, Thầy Châu văn Tăng và tập thể giáo viên của trường Quốc học Huế (thời kỳ 1973) đã cho tôi được đóng góp vào một kỷ niệm của trường cũng như khắc ghi vào tâm khảm tôi qua Đại quãng diễn này, làm tôi không bao giờ quên được mái trường thân yêu một thời.
           Đã hơn 40 năm, trí nhớ cũng phai nhạt theo dòng thời gian, chắc hẳn có nhiều chi tiết chỉ còn nhớ mập mờ, mong các bạn trong lớp, trường bổ sung thêm cho kỷ niệm này của lớp mình.
Lê Bính - 12A4 (Quốc học 1974-1975).
26-04-2016
           P/S : Về lộ trình của Đại quãng diễn lúc đó, mình nhớ là từ trường đi dọc theo đường Lê Lợi, trường Đồng khánh, rẽ qua cầu Mới (cầu Phú xuân), Trần Hưng Đạo, vào cửa Thượng tứ, theo đường Thượng tứ (Đinh bộ Lĩnh nay đổi lại Đinh tiên Hoàng), Mai thúc Loan, ra cửa Đông ba, Phan đăng Lưu, Trần Hưng Đạo, qua cầu Trường tiền, Lê Lợi và về lại trường. Lộ trình này mình nhớ không rõ lắm nên không dám đưa vào bài viết, bạn nào còn nhớ bổ sung thêm cho mình. Cám ơn các bạn. Thân ái.

3 nhận xét:

  1. 100 con của Lạc Long Quân- Âu Cơ do mấy lớp 7 đảm trách anh à! Em lớp 7/7 (NK 73-74) còn nhớ được mặc bao bố vẽ rằn rện (mỗi hs tự làm thì phải), hôm đi quảng diễn trời lạnh lắm, phải xoa dầu ... Năm đó còn nhớ là kỷ niệm 77 năm thành lập trường (1896-1973). Phạm Quyền

    Trả lờiXóa