Một lần ghé qua.
Có những kỷ niệm tưởng chừng nằm sâu trong lòng tâm tưởng, bất chợt ùa về như những đợt sóng băng qua trí nhớ làm thức tỉnh cả một vùng ký ức.
Có những kỷ niệm tưởng chừng như đơn giản, chỉ là những khoảnh khắc đến rồi đi nhưng sao lại thành vết khắc sâu đậm, theo mình suốt bao nhiêu thời gian như mọc rễ trong trí nhớ.
Phá vỡ cái hiện tại để mang tôi về miền xa xưa là những dòng status của bạn trên Facebook : "Bính biết hôm nay là ngày gì không? Ngày mà mình vào SG đúng 36 năm (1980). Trước khi vào SG mình ở lại nhà Bính chơi tại Chợ Đầm, Nha Trang. Thời gian qua nhanh quá".
Dòng status ngắn ngủi khuấy đảo cả tâm trí làm tôi phải bỏ qua công việc đang làm, trầm ngâm nhớ lại một ngày nào đó của 36 năm trước khi bạn ghé lại thăm tôi tại Nha trang, một ngày đầu thu.
NT là lớp trưởng lớp cũ của tôi tại trường Quốc học Huế, cho dù đến năm lớp 12, NT không còn làm trưởng lớp nữa nhưng trong tôi NT vẫn là người lớp trưởng mẫu mực, khiêm tốn, học giỏi, riêng chữ viết rất đẹp.
Cái hay nữa của NT là ý thức bảo vệ cho các bạn, năm đầu tiên gặp NT, tôi đã nghe các bạn kể lại có lúc NT đã dẫn một toán bạn đi "hỏi tội" người nào dám "đe nẹt" bạn lớp mình. Chắc có lẽ do có học võ và đô con nên không ai dám "hó hé" gì khi bị NT nói chuyện !
NT có năng khiếu về võ thuật, vừa học văn vừa học võ tại võ đường Suzucho Karatedo từ năm lớp Sáu và kiên trì tập luyện, học tập dưới sự hướng dẫn của Thầy cho đến khi tốt nghiệp Đại học và các năm sề sau.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của NT trong bộ đồ võ màu trắng, thắt đai lưng màu đen mấy vạch trắng, đang thay mặt Thầy hướng dẫn các môn sinh tại võ đường Karatedo nằm ở đường Võ Tánh dưới chân cầu Đông ba, Huế (nay là đường Nguyễn chí Thanh).
Năm 1977, tôi xa Huế khi NT đang học tại Đại học Bách Khoa Đà nẵng và từ đó thỉnh thoảng khi nhớ về các bạn, tôi chỉ biết hí hoáy viết thư về thăm các bạn.
Mãi đến năm 1980, khi đang ở tại Nha trang, tôi mới có dịp gặp lại NT.
Thì ra NT đã tốt nghiệp đại học, trên đường nhận nhiệm sở tại SG đã ghé qua với tôi một đêm ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Tối hôm đó, tôi và NT đem 2 cái ghế dài ra nằm trước nhà và kể cho nhau nghe những gì đã xảy ra trong thời gian không gặp nhau. Câu chuyện lan man từ tụi tôi qua đến các bạn trong lớp, đến người chị mà NT ở cùng lúc còn đi học, đến những chuyện tình, những cảm xúc đầu đời...thôi thì đủ chuyện !
Lúc đó, NT mới cho tôi xem "hành trang" của bạn khi vào SG, vỏn vẹn chỉ là một cặp táp nhỏ trong đó đựng vài món đồ mà tôi cho rằng đó là những "bảo vật" của một đời.
Ngoài Quyết định công nhận tốt nghiệp Đại học của Bộ Đại học, Quyết định phân công công tác của trường Bách Khoa Đà nẵng, còn có tấm bằng công nhận Huyền đai Karate đệ tam đẳng - rất đẹp - còn đẹp hơn tấm bằng đại học về hình thức và cách trình bày - vài bộ áo quần, trong đó có bộ đồ võ màu trắng, dây đai đen và một cây côn nhị khúc. Đó là tất cả những gì mà NT mang theo để chập chững vào đời.
NT lại kể về Thầy Choji Suzuki, người mà tôi rất kính trọng qua phong cách sống và tư tưởng võ đạo của người truyền dạy cho các môn sinh và cho biết tấm bằng công nhận Huyền đai đệ tam đẳng của NT được thầy cấp và gởi qua VN sau khi Thầy đã trở về Nhật. Chính vì điều này tôi mới thấy giá trị cao quý của tấm bằng võ học mà NT nhận được từ Thầy.
Tối hôm đó trong những lúc tạm dừng câu chuyện, NT lại lấy cây côn nhị khúc đi mấy bài quyền, hai tay loang loáng, cây nhị khúc nhảy múa trên tay bạn tôi trong đêm thanh vắng. Lúc đó tôi lại thấy NT sao mà giống Lý tiểu Long quá...!
Năm 1993, trong một lần đi công tác tại Nhật, NT đã tìm đến thăm Thầy và là môn sinh duy nhất tại Việt nam vinh hạnh được diện kiến và vấn an Thầy lần cuối cùng tại nhà, trước khi Thầy qua đời.
Cũng trong dịp này, Thầy đã cấp cho NT bằng công nhận Huyền đai Karate đệ lục đẳng khi xét về thành tích, công phu tập luyện liên tục, thể chất và tinh thần võ đạo của NT trong thời gian Thầy không còn ở Việt nam.
Điều đáng trân quý là tự tay Thầy đã viết, ký vào bằng này và tận tay trao cho NT tại nhà của Thầy. Đây quả là một vinh dự lớn cho bạn tôi vì không một ai được chính tay Thầy viết và ký công nhận một huyền đai tại nhà trước khi Thầy không còn nữa. Chắc hẳn NT là môn sinh cuối cùng được diện kiến và có được bút ký của Thầy.
Hiện nay, Thành phố Huế đang có dự án xây dựng lại võ đường cũ của Thầy - tại đường Nguyễn chí Thanh - thành một Khu Lưu niệm vừa là một Trung tâm Văn hóa - Võ thuật Việt - Nhật để tưởng nhớ công sức của Thầy Cô Choji Suzuki trong việc phát triển võ học cũng như giao lưu văn hóa của hai nước. NT cũng đã đóng góp một số kinh phí và công sức vào dự án này của Thành phố Huế.
NT còn có một giai thoại dễ thương về những cảm xúc của bạn với một cô bé Đồng Khánh, cứ một tuần ba đêm ngồi cùng bàn ghế với NT khi học Anh văn - Hội Việt- Mỹ - tại trường Quốc học. Không biết có phải do tên hay là mùi hương của cô bé còn đọng lại trên bàn ghế, mà lúc đó, đã khiến NT phải mất ngủ và tập hút thuốc lá để nhớ về một người chưa quen biết ?
Một đêm, nói với nhau đủ chuyện, sáng sớm hôm sau, từ giã tôi, NT lại vào SG để bắt đầu cuộc đời tại đây.
Sau này, có một bức thư của Ba tôi gởi gắm em tôi cho NT lúc con bé chuyển vào tiếp tục học năm thứ 3 tại trường Đại học Y Sài gòn mà tôi không biết, mãi mấy mươi năm sau NT mới "bật mí" về bức thư này thì mọi việc đã xong hết rồi.
Cũng là duyên số nên NT không là "em rễ" của tôi được, và sự giúp đở của chị NT đối với em tôi là một ân tình mà gia đình tôi vẫn chưa "đền đáp" được. Cho đến bây giờ tôi vẫn trăn trở về điều này thầm tiếc nuối cho con bé em tôi.
Ra đời với 2 tấm bằng, một bụng kiến thức và tràng công phu từ Thầy, tôi thấy NT chững chạc hơn nhiều so với người lớp trưởng mà tôi nhớ đến trước đây và luôn cầu mong bạn tôi đạt được những tâm nguyện khi vào đời.
25 năm sau, khi gặp lại NT tại Sài gòn, tôi thấy bạn là người thành công trong nhóm bạn cũ của tôi, gia đình hạnh phúc, các cháu thành công, một quãng đường không dài lắm nhưng đã chứng tỏ được một người vững vàng trong vòng xoáy của xã hội.
Cái ngày NT ghé lại Nha trang là một dấu ấn nữa giữ bạn lâu hơn trong ký ức của tôi, làm bật lên những ý tưởng của tôi để viết về một người bạn. Cũng là một cách đánh thức, làm sống dậy những kỷ niệm, không để nó ngày một đi vào quên lãng do tuổi tác và thời gian.
Với tôi, những kỷ niệm về bạn bè trong lớp và trường Quốc học Huế không hề phai mờ trong tâm trí.
Một chổ trân trọng, tôi vẫn để dành cho những người bạn của tôi.
Thân gởi về một người bạn.
Nguyễn Thông -12 B2 - Quốc học 1974-1975.
Lê Bính - 29-08-2016.
NB: Cảm ơn bạn Nguyễn Thông đã bổ sung thêm một số chi tiết, hiệu chỉnh và cho phép đăng bài viết này về bạn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét