Ngày lên

Một ngày tự nó đã là một đời với nhiều cung bậc khác nhau. Hãy sống trọn vẹn cho một ngày.

Âm nhạc và hoa hồng

Âm nhạc và hoa kết nối những cảm xúc và thăng hoa cuộc sống.Hãy trân quý và tận hưởng.

Chiều của biển

Một ngày sắp qua với những việc làm được và chưa làm được. Đừng để hoài phí một ngày sẽ qua.

Niêm hoa vi tiếu

Chân lý là mặt trăng trên cao, cũng xa mà cũng gần. Hãy đi theo con đường mà Ngài đã chỉ cho ta.

Hoa Vô ưu

Cuộc sống với bao nhọc nhằn và đầy toan tính. Hãy tỉnh thức, buông bỏ mọi âu lo, sống thanh thản trong hiện tại

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga


Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga
Shigadera shônin no koi
Nguyên tác: Mishima Yukio
Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú thích

Lời người dịch
Năm 1946, Jean Cocteau (1889-1963) dựng phim Giai Nhân và Ác Thú (La Belle et La Bête). Năm 1954, Mishima Yukio cho đăng lần đầu tiên Mối Tình Của Vị Cao Tăng Chùa Shiga (Shigadera Shônin no Koi). Cả hai đều khai triển đề tài tình yêu tuyệt đối qua sự hòa điệu giữa những đối tượng mà bản chất vốn không thể hòa điệu nếu không nói là tương phản. Dựa trên một chi tiết nhỏ từ pho sách cũ, Mishima đã khéo dàn dựng rồi miêu tả biến chuyển bên trong tâm lý hai nhân vật chính, đúng ra hai tượng trưng. Điều đó làm cho bối cảnh của đoản thiên này giống như thế giới quan niệm có tính phổ quát thấy trong lớp lang một vở tuồng Nô hiện đại mà ông thường viết.
Trong cuộc đời, có những mối tình ngắn ngủi thoáng đến thoáng đi, hoặc kéo dài "trong một tháng trong một năm" như cách nói của nhà văn nữ F. Sagan. Cũng có những mối tình lâu dài " tưởng trong giây phút mà thành thiên thu" hay "đem xuống tuyền đài chưa tan". Nhưng tất cả không biết đáng kể haykhông nếu đem đặt bên cạnh mối tình lạ lùng của vị cao tăng chùa Shiga.

Một
Chưa chịu bỏ công khảo chứng gì cả mà đã bắt đầu vào chuyện, tôi xin chịu mang tiếng là người không chuẩn bị kỹ càng. Căn cứ duy nhất tôi có hiện nay chỉ là truyền thuyết chép lại trong Thái Bình Ký (1) quyển 37. Và như quí vị đều biết, nếu đem so sánh với câu truyện đời xưa liên quan đến ông tiên Nhất Giác (2) bên Thiên Trúc thì chi tiết về mối tình của vị cao tăng chùa Shiga(3)  trong  quyển sách vừa nhắc đến chỉ có thể xem như là quá sơ sài.
Trong thâm tâm, tôi thực tình không định tìm hiểu sự thể mối tình lạ lùng đó mà chỉ đơn thuần muốn biết biến chuyển tâm lý của các nhân vật thế nào thôi. Trong lòng họ, lúc ấy chắc có sự rối ren do xung khắc giữa tình yêu và tín ngưỡng. Bên trời Tây, không thiếu gì trường hợp như vậy nhưng ở Nhật Bản, chuyện đó kể ra rất hiếm. Trong yếu tố tình yêu của kiếp này rõ ràng đã thấy chen vào vấn đề những kiếp về sau. Cuộc sống hiện tại và những kiếp tương lai tranh giành chỗ đứng không những trong tâm trí của vị lão tăng mà của cả người đàn bà được ông yêu. Phóng đại một chút thì câu chuyện tình của họ được thành hình đúng vào thời điểm cấu trúc của cái thế giới hai người tưởng tượng đang ở trong một trạng thái chênh vênh, chưa biết sẽ sụp đổ hay không. Nếu nói cho chính xác thì vào thời của hai người nghĩa là khoảng  giữa triều Heian(4) về sau, tư tưởng Tịnh Độ(5) rất phổ biến trong dân chúng nhưng chưa hẳn là một tín ngưỡng mà chỉ là sự khám phá một thế giới vô cùng rộng lớn bằng tâm trí.
Theo sách Vãng Sinh Yếu Tập(6) của đức tăng thống Huệ Tâm(7) thì cho dù có nói đến thập lạc tức mười điều vui thỏa để ca ngợi cõi Tịnh Độ thì chỉ mới làm cái việc kể sơ sơ về một sợi lông trên chín bộ lông bò(8). Mười điều vui thỏa ấy là cái vui "thánh chúng lai nghênh", cái vui "liên hoa sơ khai", cái vui "thân tướng thần thông", cái vui "ngũ diệu cảnh giới", cái vui "khoái lạc vô thoái", cái vui "dẫn tiếp kết duyên", cái vui "thánh chúng câu hội", cái vui "kiến Phật văn pháp", cái vui "tùy tâm cúng Phật" và cái vui "tăng tiến Phật đạo". Đất trên cõi Tịnh Độ là lưu ly, đường trên Tịnh Độ do những sợi dây vàng dệt lại mà thành. Mặt đất tiếp liền nhau, không thấy bến bờ. Mỗi một khu vực trên đó đều có năm trăm ức cung điện lâu đài làm bằng bảy thứ quí giá : kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, san hô, mã não (9) và mỗi giường nằm cẩn đầy châu báu đều có những lớp vải vóc tuyệt đẹp trải lên.
Trong điện trên lầu có không biết cơ man nào các vị thần tiên đang cùng nhau tấu nhạc, cất tiếng ca hát tán tụng công đức của Như Lai. Trong sân những giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu gác đều có hồ tắm mát. Hồ bằng hoàng kim thì dưới đáy trải một lớp cát bằng bạch ngân còn hồ lưu ly thì có cát thủy tinh. Mặt trước hồ bao phủ bằng một vùng sen lấp lánh ánh sáng, khi gặp làn gió nhẹ lại lay động và sinh ra muôn màu muôn vẻ. Thêm vào đó, những loài chim như vịt trời, ngỗng, uyên ương, hạc, khổng tước, anh vũ, già-lăng-tần-gia(10) (loài chim có khuôn mặt mỹ nhân và giọng ca thánh thót) cũng như những giống chim có trăm sắc quí, ngày đêm không ngừng cất tiếng lảnh lót để ngợi ca Đức Phật. Thế nhưng cho dù tiếng hát có ngọt ngào đến đâu, nếu trên đó tập họp đông đảo chim chóc như thế này thì quả là có hơi ồn ào.
Những khoảnh rừng bên hồ hay cạnh bờ sông toàn loại cây quí giá. Lùm cây bằng vàng tía, cành bạch ngân, hoa san hô, tất cả soi bóng trên mặt nước trong như gương. Trên tầng trời rộng, không có gì ngoài những sợi dây báu đong đưa không biết bao nhiêu là quả chuông cũng là báu vật, vang vọng thanh âm của Phật pháp nhiệm mầu. Ngoài ra còn biết bao nhiêu nhạc khí lạ lùng, không cần người đánh cũng phát ra tiếng và lan mãi về xa trên bầu trời trong vắt, hư không.
Nếu khi bụng đói muốn ăn gì tự nhiên sẽ thấy hiện ra trước mắt mình không biết bao nhiêu thứ kỳ trân mỹ vị trên mặt bàn thất bảo và trong những mâm bát cũng bằng thất bảo. Nhìn màu sắc, ngửi thấy mùi hương thôi bỗng cảm thấy trở nên thanh khiết, no lòng và thân thể như được nuôi dưỡng đầy đủ. Sau khi không cần phải ăn gì mà đã xong bữa cơm thì cả mâm bát lẫn bàn ăn thoắt cái đã biến mất.
Quần áo cứ thế phủ lên người mình một cách tự nhiên, chẳng cần may khâu, giặt giũ, nhuộm màu hay tu sửa gì cả. Chẳng có đèn đuốc mà lúc nào ánh sáng cũng theo đến bên người. Không cần chi phòng ấm phòng lạnh, nhiệt độ trong năm luôn luôn thích ứng với thân thể. Trên cõi cực lạc đó lúc nào cũng tràn ngập trăm ngàn loại hương thơm dịu dàng và có những cánh sen không ngừng bay lả tả.
Vẫn theo chương nhan đề Quan Sát Môn trong Vãng Sinh Yếu Tập, những kẻ đến chiêm bái lần đầu sẽ không được phép vào sâu tận bên trong, họ chỉ được phép đứng ở bên ngoài và phải tập trung tất cả tinh thần cũng như trí tưởng tượng để hình dung ra cái bao la vô hạn của cõi Tịnh Độ. Dựa vào sự tưởng tượng để thoát ra khỏi giới hạn của tục giới là con đường ngắn nhất để lên đến nơi đó. Nếu ta có trí tưởng tượng phong phú, trước hết chỉ cần tập trung tinh thần vào một cọng sen. Từ đó, cọng sen sẽ mở cho ta những chân trời bát ngát.
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ. Đầu tiên, trên mỗi một cánh hoa đã có sẵn tám vạn bốn nghìn đường gân, mỗi đường gân lại tỏa ra tám vạn bốn nghìn tia sáng. Hơn thế nữa, cho dầu đóa sen kia nhỏ bé thế nào, đường kính của nó không thể dưới hai trăm năm mươi du-tuần(11). Nếu ta đồng ý với thuyết xem mỗi du-tuần là ba mươi dặm thì một đóa sen với đường kính bảy nghìn năm trăm dặm chỉ là một cái hoa thuộc loại nhỏ mà thôi.
Một đóa sen có tám vạn bốn nghìn cánh, giữa mỗi cánh lại có một trăm ức hạt trân châu phát ra mỗi viên cả ngàn tia sáng. Trên mỗi cái đài trưng bày những đóa hoa mỹ lệ như thế đều có bốn cột báu được dựng lên cao vút, từng trụ một giống như một ngàn vạn ức núi Tu Di (12). Bức màn che trên mỗi trụ có dát năm trăm ức hạt ngọc quí, mà mỗi hạt đó lại chiếu rọi tám vạn bốn nghìn tia sáng, mỗi tia lại sinh ra tám vạn bốn nghìn màu vàng khác nhau, và mỗi màu vàng lại còn biến ảo khôn lường.
Sự tập trung tâm trí để khám phá được hình ảnh đó gọi là Hoa Tọa Tưởng (Trầm tư về tòa sen nơi Phật ngự) và thế giới quan niệm, bối cảnh cho câu chuyện tình sau đây, cũng có qui mô ngang với thế giới tưởng tượng đó.

Hai
Sư cụ chùa Shiga là một vị lão tăng đạo đức cao dày.
Mày cụ trắng như tuyết, thân hình già nua mảnh khảnh đến nỗi phải dựa vào thiền trượng mới lê chân đi được.
Trong ánh mắt của con người đã dày công tu hành như cụ, cái gọi là cuộc sống trong kiếp hiện tại không có gì khác hơn là bụi bặm rác rưởi. Cây tùng con cụ tự tay trồng từ ngày mới về sống ở cái am này nay đã cao vút tận trời xanh, cành trên ngọn vi vu đón gió. Nhà tu hành xa lánh cõi đời ô trọc này đã lâu như thế thì có lẽ trong lòng cũng tưởng đã an nhiên, và thầm nghĩ không còn điều gì đủ làm mình lo lắng nữa.
Cho nên khi nhìn những kẻ giàu sang, vị lão tăng không khỏi nở một nụ cười thương cảm và thầm hỏi tại sao họ không ý thức được rằng những khoái lạc mình đang tìm đến chỉ là mộng ảo. Khi giáp mặt một người đàn bà dung nhan xinh đẹp, ngài chỉ thấy tội nghiệp cho mấy gã đàn ông còn vướng vào vòng phiền não, nổi trôi trong chốn mê lầm.
Nếu như con người không còn có một sự đồng cảm nào với động cơ đang xoay vần sự sống của kiếp hiện tại thì kể từ giây phút đó, cuộc đời trở thành bất động. Trong con mắt của vị lão tăng, ông chỉ thấy cái tướng bất động của cuộc đời. Nó vỏn vẹn là bức tranh vẽ trên mặt giấy hay bức địa đồ của miền đất xa lạ nào đó. Khi con người đạt đến chỗ dứt bỏ được mọi đam mê phiền não, sẽ không còn biết cả sợ hãi. Do đó, vị lão tăng không hiểu vì cớ gì lại phải có địa ngục nữa. Cụ biết rõ là, trong mọi tình huống, cái kiếp hiện tại không còn có uy quyền gì đối với mình cả nhưng vốn là người khiêm tốn, không bao giờ cụ nghĩ rằng ấy là kết quả công đức tu hành.
Nói về thân thể thì cụ hầu như gầy rạc. Khi có dịp nhìn lại mình, những lúc như khi tắm rửa, cụ lấy làm vui sướng khi thấy chỉ còn lớp da khô đét bọc lấy bộ xương mảnh mai. Thân thể đến mức này thì có thể coi như đã thuộc về người nào khác và cụ có thể sống một cách hòa hợp bình yên với nó. Để nuôi thân, có lẽ thức ăn ở cõi Tịnh Độ thích hợp cho cụ hơn hơn là đồ ăn thức uống ở chốn trần gian.
Đêm đêm nằm ngủ, cụ chỉ mơ mình đang ở trong cõi Tịnh Độ. Thế rồi khi choàng mình tỉnh giấc, cụ cảm thấy buồn vì hiểu rằng sống trong kiếp hiện tại chỉ là vướng mắc vào một giấc mộng đầy những biến đổi đau thương.
Vào xuân, gặp tiết thưởng hoa, người kinh đô đổ xô đến thôn Shiga. Điều đó không phiền hà gì cho vị lão tăng bởi vì từ lâu, cái tâm cụ đã an nhiên không còn bị dao động trước người đời.
Một buổi chiều nọ, cụ lê thiền trượng, từ thảo am lần bước xuống ven hồ. Lúc đó bóng tối đã len vào những tia nắng yếu, mặt hồ không thoáng gợn. Một mình bên bờ nước, vị lão tăng thực hành phép Thủy Quán Tưởng (Trầm Tư Về Nước) (13). Cũng vào lúc ấy, có chiếc xe bò kéo của một nhà quyền quí đang đi vòng hồ, tiến gần và ngừng lại bên cạnh chỗ vị lão tăng đang đứng. Đó là chiếc xe ngự của hoàng phi Kyôgoku (14). Nàng đến Shiga để thưởng thức tiết xuân và trên đường về, như muốn chào từ biệt cảnh hồ, đã cho xe ngừng lại, vén bức rèm tò vò bên song lên ngắm cảnh.
Vị lão tăng bất giác nhìn về hướng đó. Và vẻ yêu kiều của bà phi bỗng đập vào mắt cụ!
Trong một giây, ánh mắt của vị lão tăng và hoàng phi gặp nhau. Vì đôi mắt của vị cao tăng vẫn đăm đăm không rời nên bà phi cũng không tránh né. Tuy không thể khoan dung trước những cái nhìn vô lễ nhưng người đứng trước mặt mình là một nhà sư già khổ hạnh nên nàng không thấy trong ánh mắt kia có một động cơ trần tục của thường nhân.
Bà phi vội rủ rèm cửa xuống và chiếc xe bò lại bắt đầu chuyển bánh. Xe qua khỏi ngọn đèo Shiga rồi mất hút trên con đường về hướng kinh đô. Có lẽ khi trời chập tối, xe sẽ nương theo con đường qua Ngân Các Tự để vào thành. Vị lão tăng vẫn đứng lặng nhìn theo cho đến khi cỗ xe nhỏ dần và khuất bóng sau những lùm cây.
Cái kiếp hiện tại bị cụ khinh rẻ chỉ cần một nháy mắt đã đủ sức để trả thù vị cao tăng bằng cái sức mạnh khủng khiếp của nó. Kẻ tưởng mình đã bình yên chân vại nay sắp sửa thành trúc chẻ ngói tan.
Khi trở về am, vị lão tăng ra trước Phật đường, cố niệm danh hiệu Đức Thế Tôn nhưng chỉ thấy hình ảnh của những vọng tưởng ngoi lên khuấy phá. Cụ tự nhủ hình dáng đẹp đẽ kia chỉ là một ảo ảnh, xác thịt đó hiện ra trong chốc lát nhưng rồi sẽ bị hủy diệt. Tuy đã hết sức chống chế nhưng vẻ đẹp không diễn tả nỗi của bà phi vừa đánh gục cụ trong một khoảnh khắc bên hồ đã ràng buộc tâm hồn cụ bằng một sức mạnh chưa từng thấy và đến từ một chốn xa vời. Mặt khác, dù trên phương diện nào, cụ cũng không còn trẻ nữa để có thể đinh ninh rằng cảm xúc đang có là một trò đùa ranh mãnh của xác thịt đối với mình. Xác thịt là cái không thể thay hình đổi dạng một sớm một chiều như thế. Chỉ có thể hiểu là tinh thần của cụ đã biến chất như vừa ngâm trong một thứ độc dược mạnh như thần và hiệu lực tức khắc.
Vị lão tăng biết giữ giới, cụ chưa từng đụng đến thân xác phụ nữ. Nhờ sự chiến đấu với bản thân để tránh điều đó tự thời trẻ, cụ đã hiểu rằng xác thịt đàn bà không có gì khác hơn là đối tượng của nhục dục. Xác thịt thuần túy duy nhất chỉ có trong trí tưởng tượng. Bởi vì xem xác thịt là một cái gì trừu tượng chứ không hiện thực cho nên cụ đã dựa vào sức mạnh của tinh thần để chiến thắng được nó. Cụ đã thành công, và cho đến nay, trong số những người quen biết với cụ, không có một ai bợn chút nghi ngờ về sự thành công đó.
Thế nhưng khuôn mặt của người đàn bà đã vén rèm cánh cửa tò vò để nhìn quanh hồ, tuy là xác thịt đấy nhưng có một vẻ hồn nhiên sáng ngời mà cụ không biết đặt cho nó cái tên nào. Để một thoáng hi hữu này hiện ra trước mắt, chỉ có lối suy nghĩ duy nhất là trong chốn sâu thẳm của tâm hồn cụ, phải có cái gì ngầm ngầm ẩn núp và đánh lừa được cụ từ lâu lắm rồi nhưng nay mới xuất đầu lộ diện. Chính nó, cái kiếp hiện tại này, vốn yên tĩnh từ bấy nhiêu lâu, đã đột ngột bước ra từ một tấm tranh và bắt đầu khuấy động.
Cụ thấy mình như người hai tay bịt tai và đứng giữa đường lớn trong kinh đô, nơi ngựa xe qua lại đông đúc. Thế rồi người đó bất chợt buông tay. Lúc ấy, tiếng động ồn ào trên đường phố sẽ đùng đùng nhất loạt bao vây. Cảm thấy cuộc sống chuyển động, nghe được âm thanh của nó bên tai tức là đã nhập sâu vào vòng trong của kiếp hiện tại vậy. Đối với một người đã đoạn tuyệt với cuộc đời như vị lão tăng, đây là giây phút cụ tìm về mối liên hệ cũ.
Giờ đây, giữa khi đang đọc kinh, nhiều khi cụ bắt gặp mình đang buông tiếng thở dài não nuột. Tưởng rằng phong cảnh thiên nhiên làm mình chia trí, cụ bèn đưa mắt ra ngoài cửa am nhìn mây bay trên rặng núi chiều nhưng cụ không còn thưởng thức được vẻ đẹp mà chỉ thấy tâm hồn mình cũng đang bồng bềnh và rối bời như đám mây bay.
Lúc ngắm vầng trăng, tâm trí cụ cũng thường lạc qua hướng khác, còn khi đứng trước Phật đài những mong lòng được thanh tĩnh thì khuôn mặt của Đức Phật bỗng biến dạng và mang toàn đường nét của bà phi. Thế giới của vị lão tăng trở thành một vòng tròn chật hẹp: trong đó, vị lão tăng ở phía này và đối mặt với cụ là người đẹp cung đình.

Ba
Hoàng phi Kyôgoku quên bẵng chuyện vị lão tăng chăm chú ngắm mình bên bờ hồ Shiga. Chỉ được ít lâu, tiếng đồn rồi cũng lọt vào tai, lúc ấy nàng mới chợt nhớ. Thì ra có người trông thôn bắt gặp cảnh nhà sư già đưa mắt nhìn theo chiếc xe ngự của hoàng phi và biết rằng kể từ ngày đó cụ không còn bình thường nữa, mới đem báo lên một vị quan trong triều đang đến Shiga xem hoa.
Đối với tin đồn này, dĩ nhiên hoàng phi phản ứng bằng cách giả tảng như không. Nhưng vì lão tăng nổi tiếng là người đức độ trong triều, nếu tin đồn này là sự thực, kể ra nó cũng vuốt ve chút lòng tự ái của nàng. Nhất là khi mà nàng đã chán ngấy sự đeo đuổi của đám đàn ông phàm tục.
Hoàng phi thừa biết là mình đẹp nhưng xưa nay nàng vẫn bị thu hút bởi những sức mạnh mạnh hơn nhan sắc ví dụ tôn giáo, vốn xem địa vị cao sang và nhan sắc của nàng là đồ bỏ đi. Vì lý do đó, nàng hết sức mộ đạo. Đã chán cõi đời tục lụy nên nàng đặt lòng tin vào giáo lý Tịnh Độ bởi vì nó dạy rằng tất cả những cái hoa mỹ của kiếp hiện tại đều là nhơ bẩn đáng tránh. Tôn giáo đã đem được nguồn an ủi đến cho một người mỏi mệt vì cuộc đời hào nhoáng cực điểm của thời mạt pháp.
Bọn vương tôn công tử chạy theo phụ nữ thường tôn sùng hoàng phi như hiện thân của tất cả cái tao nhã của thế giới cung đình. Nhân vì người đàn bà quí phái này chưa từng ban bố tình yêu cho một ai cho nên họ nhận xét như thế cũng đáng. Dưới mắt mọi người, hoàng phi tuy làm tròn phận sự người vợ nhưng không tỏ vẻ yêu hoàng đế tự đáy lòng. Hình như nàng chỉ mơ tưởng đến một thứ tình yêu không thể có trong cõi đời này.
Nhà sư chùa Shiga được tiếng là con người đức độ. Tuổi tác lại cao. Việc cụ hoàn toàn xa rời thế tục thì khắp nơi trong kinh thành, không ai không biết. Nếu như tin đồn cho rằng cụ đắm đuối nhan sắc của bà phi là sự thật, có nghĩa là cụ sẽ hy sinh tất cả những kiếp về sau trên cõi tây thiên cực lạc đã đến trong vòng tay mình. Không thể có sự mất mát nào to tát hơn nhưng cũng không có món quà tặng nào vĩ đại hơn.
Hoàng phi không hề bị quyến rũ bởi những khách phong lưu trong cung đình, ngay cả trước những chàng trai trẻ đẹp, nàng cũng dửng dưng. Diện mạo của bọn đàn ông đó không có gì đáng kể. Phải là một người nào đó đem được cho nàng một tình yêu mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất. Nàng chỉ quan tâm đến con người như thế. Chỉ người đó may ra mới làm rung động trái tim nàng.
Đàn bà khi đã nuôi trong lòng một mục đích gì rồi thì quả là con vật đáng gờm. Nếu là một khách buôn hương bán phấn, nàng ta sẽ thỏa mãn nếu có ai đem của cải vật chất đời này đến cung phụng. Thế nhưng hoàng phi là người đã có đủ mọi thứ của cải, nàng chỉ đợi mỗi người đàn ông dám dâng hiến cho nàng của cải những cuộc đời sau.
Trong triều, tiếng đồn về sự si mê của vị cao tăng ngày càng lan rộng, đến nỗi hoàng đế cũng nhắc tới với giọng nửa đùa nửa thật.
Hoàng phi không tỏ ra vui vẻ gì trước những lời bóng gió ấy, nàng chỉ giữ một thái độ lạnh lùng. Nàng biết rằng có hai lý do cho phép người trong triều có thể an tâm đùa cợt về một điều chính ra họ không được phép. Một là khi nói về sự si mê của vị lão tăng, họ muốn ca tụng cái nhan sắc đã đưa một nhà tu hành đạo đức cao vời đến chỗ lầm lạc, hai là họ tin rằng, trên thực tế, người đàn bà quí phái như nàng làm gì lại đi đáp lại mối tình của một cụ già.
Hoàng phi mường tượng ra khuôn mặt của vị lão tăng mà nàng đã nhìn qua khung cửa chiếc xe nhưng khuôn mặt ấy không giống bất cứ khuôn mặt người đàn ông nào đã tỏ lòng yêu thương nàng từ trước đến nay. Sao tình yêu có thể nẩy mầm từ trái tim của một người không có chút hy vọng gì để được ai yêu, đó là điều nàng không hiểu nổi!
Nàng nhớ lại lối diễn tả kiểu "tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu" mà các thi nhân cung đình đã viết ra hòng gợi được chút yêu thương trong lòng người đẹp đang thờ ơ với họ. Nếu đem so sánh với hoàn cảnh của vị lão tăng đang yêu, thì số phận của những anh chàng này còn khá hơn, dầu nàng không khỏi cảm thấy thơ phú họ viết chỉ là khuôn mòn sáo rỗng.
Chắc quí vị khi đọc đến đoạn này đều ý thức rằng hoàng phi không phải là hiện thân cho sự tao nhã cung đình mà chỉ là người mong chờ một mối tình lớn để đời mình có phần nào ý nghĩa. Cho dù ở địa vị cao sang, nàng chỉ là một người đàn bà, nếu không được yêu thì tất cả quyền lực trên đời chỉ là trống rỗng. Trong khi đàn ông chung quanh nàng dùng chiến tranh để tranh đoạt thì nàng cũng có cách của mình, cách thức rất đàn bà, để chinh phục thế giới. Nàng cười những người đàn bà quen biết đã xuống tóc đi tu bởi vì một người đàn bà tiếng là từ bỏ cuộc đời, làm sao có thể quay mặt lại với những gì mình đang có. Nàng nghĩ may ra đàn ông mới có thể vứt bỏ những gì họ có mà thôi.
Vị lão tăng đã một lần vứt bỏ cuộc đời. Cụ ta còn đáng mặt đàn ông hơn tất cả bọn công khanh. Và cũng như đã từng vứt bỏ cái kiếp hiện tại, lần này vì hoàng phi, cụ sẵn sàng vứt bỏ những kiếp tương lai.
Người đàn bà quyền quí và mộ đạo này nhớ đến Liên Hoa Tưởng, phép tu cho nàng hình dung ra đóa hoa sen có bề rộng đến hai trăm năm mươi du-tuần. Thay vì một đóa sen nhỏ nhìn thấy trước mắt, chỉ có đóa sen vĩ đại như thế mới cân xứng với nguyện vọng của nàng.
Cũng giống như khi nghe tiếng cây ngoài vườn thì thào trong gió, nàng thấy nó không có nghĩa lý gì đối với âm nhạc trên cõi Tịnh Độ lúc những hàng cây báu reo lên trước trận gió lành. Khi nàng nghĩ về những nhạc khí treo trên thượng giới, không người đánh cũng vang lên, mới thấy những loại đàn cầm hay sáo trong cung chỉ vây quanh mình toàn thứ âm thanh buồn bã, tẻ nhạt.

Bốn
Vị lão tăng chùa Shiga đang chiến đấu.
Suốt thời trẻ, trong khi còn phải chế ngự xác thịt, cụ có mục đích làm sao đạt đến cõi cực lạc trong một kiếp sau. Thế nhưng nay tuổi đã cao, trong cuộc chiến tuyệt vọng này, cái tình cảm cho rằng mình đã có những mất mát không thể nào tìm lại được không hề rời khỏi cụ.
Mối tình của cụ đối với bà phi không thể nào thành, sự thể đã rõ như ban ngày. Có còn gì để nghi ngờ! Mặt khác, cụ cũng hoàn toàn ý thức nếu còn vương vấn nàng, cụ chẳng thể nào siêu sinh Tịnh Độ. Vị lão tăng trong bao nhiêu năm sống cuộc đời an nhiên tự tại, nay chỉ vì một hành động xảy ra trong chớp mắt, đã bị bóng tối bủa vây, không thấy được tương lai.
Có thể lòng can đảm là cái từng giúp cụ trong quá khứ chiến thắng hồi trai trẻ đã bắt nguồn từ sự tự tin và lòng tự hào. Nó giúp cụ từ khước tất cả những khoái lạc mà nếu muốn, chỉ cần đi tìm là có ngay. Nhưng vị lão tăng giờ đây đã đánh mất lòng can đảm. Trước khi chiếc xe ngự của bà phi tiến đến bên hồ Shiga, cụ những tưởng Niết Bàn của kiếp lai sinh đã đến trong vòng tay. Nay chợt tỉnh ra, cụ chỉ thấy chung quanh màn đen của kiếp hiện tại và không biết cái gì sẽ chờ đợi mình nếu còn muốn tiến thêm bước nữa.
Rồi những phép tu Hoa Tọa Tưởng, Tổng Tưởng Quán, Tạp Lược Quán đều trở thành vô dụng. Mỗi lần cụ bắt đầu tập trung tâm trí thì khuôn mặt mỹ miều của bà phi lại hiện ra. Đứng trước hồ, cụ đã thử lại phép Thủy Quán Tưởng nhưng cũng bằng thừa. Từ phía dưới làn sóng lăn tăn, khuôn mặt đẹp như ngọc của bà phi chập chờn nổi lên.
Có thể suy ra đây là hậu quả tự nhiên của trạng thái yêu đương. Nó đã làm sự tập trung tư tưởng của vị lão tăng không những chẳng có lợi mà còn có hại. Cụ bèn thử làm cho lòng mình lắng lại bằng cách để tản mạn sự suy nghĩ. Nếu cụ ngạc nhiên vì sự tập trung tư tưởng đã làm cho lòng mình mê lầm hơn, thì khi cố gắng chia trí để thoát ra khỏi nó, vô hình chung cụ đã chấp nhận sự mê lầm là có thật.
Cụ cảm thấy bị đè bẹp dưới một sức ép, và thay vì chiến đấu chống lại nó trong tuyệt vọng, thì cứ từ bỏ chuyện chạy trốn nó mà tập trung tư tưởng để nghĩ về hình bóng của bà phi thì có khi còn khỏe đầu hơn.
Vị lão tăng tìm ra được niềm vui khi tô điểm chung quanh cái khuôn mặt huyền ảo của bà phi những hình ảnh tôn nghiêm như thể đang trang trí một pho tượng Phật. Làm như thế, đối tượng tình yêu của cụ mỗi lúc càng huy hoàng rực rỡ, mỗi lúc càng xa vời, càng khó có thể đụng đến.
Thế nhưng điều đó làm lòng cụ tràn ngập niềm vui. Sao lại như thế? Đáng lý ra phải tạo ra hình ảnh bà phi trong thân xác một người đàn bà phàm tục, gần gũi với đời phàm tục mới là chuyện tự nhiên. Như thế thì cho dù chỉ là ảnh ảo, ít nhất nó cũng đem lại cho người đang yêu một đôi điều hữu ích.
Suy nghĩ về điều đó, vị lão tăng chợt nhận rằng hình ảnh bà phi mà cụ đã tô vẽ không chỉ hoàn toàn là vật chất và cũng không phải hoàn toàn là một hình ảnh chỉ có trong đầu. Cụ chỉ vẽ lại cái yếu tính của nàng đấy thôi. Tìm được cái yếu tính ấy trong hình ảnh người đàn bà là một điều hết sức lạ lùng nhưng không phải là chuyện bất khả. Cho dù vướng vào lưới tình, vị lão tăng đạo đức kia vẫn còn có khả năng đi tìm cái yếu tính bằng cách trừu tượng hóa sự vật, vì trong quá khứ cụ đã dày công tu hành. Hình dáng bà phi giờ đây đã nhập lại làm một với hình ảnh đóa hoa sen vĩ đại rộng đến hai trăm năm mươi du-tuần. Ngả lưng trên mặt nước và được vô vàn đóa sen nâng lên, thân hình của bà trải ra bao la, rộng hơn cả ngọn núi Tu Di, rộng hơn diện tích một vương quốc.
Vị lão tăng càng tạo ra hình ảnh một bà phi khó đạt đến chừng nào thì cụ càng phản bội giáo lý Đức Phật một cách lộ liễu chừng nấy. Lý do là nếu mối tình là một vật không thể đạt tới thì sự giải thoát linh hồn cũng không thể nào đạt tới, bởi vì hai điều này đã buộc chặt với nhau.
Vị lão tăng càng tuyệt vọng trong tình yêu bao nhiêu thì tâm trí cụ còn đâm rễ sâu vào trong những vọng tưởng và tà niệm. Chỉ có khi cụ còn coi tình yêu, cho dù xa vời, là một vật có thể đạt được thì cụ mới còn khả năng từ bỏ nó. Mối tình vô vọng đối với một đối tượng không đạt đến được như bà phi sẽ bất động, muốn bỏ cũng không được, khác gì một hồ nước đọng bao trùm cả mặt đất, không thể đổ đi đâu.
Không hiểu vì sao vị lão tăng mong mỏi được nhìn khuôn mặt của bà phi một lần nữa nhưng cụ chỉ sợ rằng khi nhìn khuôn mặt nay đã nhập lại làm một với đóa hoa sen vĩ đại, nó sẽ sụp đổ, tan biến mất đi chăng! Nếu chuyện đó xảy ra thì cụ nhất định sẽ ngộ đạo và lần này được giải thoát. Nhưng chính viễn tượng này cũng làm cho cụ sợ hãi.
Tình yêu vô vọng của vị lão tăng bắt đầu tìm đủ mọi mưu mẹo kỳ lạ giúp cụ tự đánh lừa. Cuối cùng, khi lấy quyết định lên đường đến gặp bà phi, cụ những tưởng đã chữa trị được phần nào chứng bệnh xâm nhập và hành hạ mình bấy lâu.
Cái niềm vui khó tả đã đến khi lấy được quyết định chỉ là kết quả sự ngộ nhận là mình đã có thể thoát ra khỏi nanh vuốt của tình yêu.

Năm
 Không một ai trong đám hầu cận của hoàng phi tỏ ý hoài nghi về hành vi của nhà sư già mệt nhọc dựa vào thiền trượng có đầu hình chim câu (15) đứng trầm ngâm ở một góc vườn trong ngự sở. Bóng dáng những nhà tu hành hay bọn khất thực đến bên vườn để cầu xin bố thí không phải là chuyện lạ lùng.
Một thị nữ vào bẩm với hoàng phi. Nàng hững hờ nhìn qua bức mành về hướng đó. Dưới bóng những chùm lá non, nhà sư già tiều tụy trong lớp áo tu đen sờn với dáng ủ rủ. Nhìn một đỗi, hoàng phi nhận ra người đang đứng đó đúng là vị lão tăng có lần bắt gặp bên bờ hồ Shiga, nàng mới biến sắc.
Sau một lúc chần chờ không biết phải xử trí thế nào, nàng ra lệnh cho mọi người không cần phải để ý làm gì tới người đang đứng trong vườn. Bọn thị nữ vâng lời, để mặc nhà sư.
Lòng hoàng phi dậy lên một nỗi lo lắng. Lần đầu tiên nàng cảm thấy như vậy.
Trong cuộc đời mình, nàng đã từng gặp biết bao người chối từ cuộc sống hiện tại nhưng chưa bao giờ giáp mặt một người dám vứt bỏ những kiếp tương lai. Gặp người đó cũng như thấy một điềm gở. Điều này khiến nàng đâm ra sợ hãi. Tất cả những khoái cảm nàng tưởng tượng ra khi nghĩ về mối tình của vị lão tăng bỗng tan biến đâu mất. Nếu mối tình ấy trọn vẹn đến nỗi cụ dám từ chối và dâng cho nàng tất cả những kiếp về sau thì những kiếp lai sinh đó cũng không thể lọt vào tay nàng mà không tì vết.
Bà phi ngắm nghía y trang hoa lệ và hai bàn tay đẹp đẽ của mình rồi nhìn nhà sư già nua xấu xí trong manh áo sờn rách đang đứng bên một góc vườn. Kết hợp được hai thứ hoàn toàn đối nghịch như thế thì chỉ có thể là nhờ hấp lực của địa ngục. Hình ảnh đó không giống chút nào với những gì đã xảy ra trong một giấc mộng huy hoàng từng đến với nàng. Giờ đây vị lão tăng là một người ngoi lên từ đáy âm ty chứ không có dung nghi đức độ cao dày và quầng ánh sáng của cõi Tịnh Độ tỏa sáng sau lưng như nàng từng mơ. Cái ánh sáng tượng trưng cho cõi Tịnh Độ toát ra từ con người ấy nay hoàn toàn mất dạng. Không thể nhầm lẫn được, đó vẫn là vị lão tăng nàng đã thấy bên bờ hồ Shiga, nhưng cớ sao, nay lại giống một người hoàn toàn khác.
Cũng như tất cả những người sống trong cung cấm, hoàng phi Kyôgoku có khuynh hướng dè dặt đối với cả tình cảm của mình. Khi có cái gì lý ra làm cho mình cảm động hiện ra trước mắt, nàng vẫn giữ thái độ e dè đó. Cho dầu nhìn rõ bằng chứng mối tình của vị lão tăng, một mối tình không gì cao cả hơn mà nàng đã ước mơ tự thuở nào, hoàng phi chỉ cảm thấy thất vọng vì không dè nó chỉ biểu hiện dưới dáng dấp quá đỗi tầm thường.
Dựa vào thiền trượng lê bước tới được kinh đô, vị cao tăng chùa Shiga hầu như quên hết mệt mỏi. Khi lén đến khu vườn gần nơi ngự sở của hoàng phi Kyôgoku và nghĩ rằng người đàn bà yêu dấu có lẽ đang ở phía sau rèm, cụ như người vừa bước ra từ những cơn mộng ảo.
Bây giờ, khi tình yêu của cụ trở thành thanh khiết vô trần, hình ảnh kiếp lai sinh bắt đầu lôi cuốn cụ trở lại. Vị lão tăng có cảm tưởng cụ chưa bao giờ tưởng tượng cõi Tịnh Độ có thể mang một hình thái cụ thể đơn thuần như thế này. Sự mong ngóng được về cõi Tịnh Độ ai ngờ cũng giống như tình yêu nhục cảm. Giờ đây, cụ chỉ còn cần làm một thủ tục sau cùng là đến gặp bà phi để thổ lộ tình yêu của mình thì đủ xóa sạch được những vọng tưởng mê lầm của kiếp hiện tại bấy lâu gây chướng ngại không cho cụ đạt đến những kiếp lai sinh. Chỉ cần có bấy nhiêu thôi!
Khom tấm thân già trên thiền trượng để đứng cho vững, đối với cụ bây giờ cũng là chuyện nặng nhọc. Ánh nắng chói chang của một ngày tháng năm xen qua kẽ lá đổ xuống đỉnh đầu. Cụ thấy choáng váng, bao nhiêu lần phải bám chặt lấy cây gậy. Nếu bà phi sớm nhận ra điều đó và mời cụ vào thì có thể thủ tục sẽ hoàn thành chóng vánh. Và lúc đó, cánh cửa của cõi Tịnh Độ cực lạc sẽ mở ra chờ đón cụ. Vị lão tăng trông đợi mỗi điều ấy. Cụ mệt đến gần lả nhưng vẫn ráng tựa vào cây gậy mà chờ. Mãi đến khi trời đã về chiều. Thế rồi bóng tối dâng lên. Dù vậy vẫn chưa có tín hiệu gì từ phía bà phi.
Dĩ nhiên hoàng phi làm thế nào biết được vị lão tăng đã nhìn thấy cõi Tịnh Độ đằng sau hình ảnh của nàng và thông qua nàng. Nàng nhìn về mảnh sân đằng trước xuyên qua bức rèm. Nhà sư già vẫn đó. Ánh nắng chiều xế xuống sân. Cụ hãy trơ trơ.
Hoàng phi bỗng cảm thấy sợ hãi. Bà ngỡ người đứng trước mặt mình chính là hồn oan của những vọng tưởng mê lầm mà kinh kệ nhiều lần nhắc tới. Bà cảm thấy nỗi lo âu bị đọa địa ngục dâng lên trong người. Làm cho vị cao tăng đạo đức như thế vướng vào mối mê lầm thì nhất quyết cõi Tịnh Độ sẽ không bao giờ tiếp nhận nàng. Chỉ có địa ngục với những cảnh tượng khủng khiếp của nó thường ngày vẫn nghe nói sẽ đến với nàng thôi. Lúc này thì hình ảnh của tình yêu tuyệt đỉnh mà nàng ao ước đã bị phá vỡ. Được người khác yêu như trường hợp của nàng chỉ là chịu sự đọa đày trong địa ngục. Khác hẳn viễn tượng đẹp đẽ về nàng mà vị lão tăng nhìn thấy, cái mà nàng thấy chỉ là sự khủng khiếp của địa ngục xuyên qua nhà sư già.
Thế nhưng là con người kiêu hãnh, bà phi không dễ dàng gì để cho nỗi sợ hãi đó khuất phục. Mặc kệ, nhà sư già có đợi chờ đến lúc ngã quị thì đã sao! Khi đưa mắt nhìn ra ngoài qua tấm rèm và thấy hình dáng nhà sư đáng lẽ đã ngã gục vẫn còn lặng lẽ trơ ra đó, bà không khỏi cảm thấy bực bội.
Màn đêm rơi xuống. Thêm có ánh trăng dọi vào, dáng gầy guộc của nhà sư đang chầu chực trông chẳng khác nào một bộ hài cốt.
Hoàng phi Kyôgoku lo âu đến nỗi không tài nào nhắm mắt. Chẳng thèm nhìn ra ngoài rèm nữa, nàng quay lưng lại hướng ấy. Tuy nhiên nàng vẫn cảm thấy tia nhìn của vị sư già. Ôi thôi, mối tình này không phải là một mối tình tầm thường. Thế nhưng sự sợ hãi được yêu và sự sợ hãi phải bị đọa địa ngục, ngược lại đã làm cho bà tập trung được tâm trí khấn nguyện để được thác sinh vào cõi Tịnh Độ. Đó là cõi Tịnh Độ mà bà ấp ủ trong lòng và quyết tâm giữ gìn cho nó không bị tổn hại. Cõi Tịnh Độ của bà không giống cái cõi Tịnh Độ của vị cao tăng vì nó không can dự gì đến mối tình của cụ đối với nàng. Nàng nghĩ rằng nếu như mình cất tiếng gọi nhà sư, cái cõi Tinh Độ nàng đang khấn nguyện tìm về sẽ bị sụp đổ tan tành.
Nàng tự nhủ tình yêu một chiều của vị cao tăng đâu có liên hệ gì đến mình. Cụ ta tự ý yêu như thế mặc cụ. Đâu có chút lý do nào ngăn cản được con đường đi về cõi Tịnh Độ của mình!
Dù suy nghĩ như vậy, khi đêm càng khuya và trời càng thấm lạnh thì bà phi cũng mất dần tự tin. Mới đây thôi, bà còn nghĩ nếu nhà sư già có kiệt lực, ngã lăn ra chết, bà cũng chẳng đoái hoài.
Vị cao tăng vẫn đứng như thế trong vườn. Khi ánh trăng lẩn khuất, bóng của cụ hiện ra kỳ quái như một ngọn cây khô quắt.
" Không, không, ta với cái bóng kia không liên can gì với nhau hết!". Bà phi gào lên trong lòng. Cơ sự xảy ra vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của nàng. Có thể là điều hiếm có nhưng trong một thoáng như thế này, bà phi quên quấy mình là một mỹ nhân. Bảo rằng lúc đó bà cố ý quên đi thì có vẻ đúng hơn.
Cuối cùng, bầu trời xen một vài vệt trắng. Trong cái lờ mờ của buổi hừng đông, vị lão tăng vẫn còn đứng nguyên đấy.
Hoàng phi thua cuộc. Bà đành lên tiếng gọi thị nữ ra ngoài vườn mời nhà sư đến trước rèm.
Vị lão tăng đã đạt đến mức độ vong ngã, không biết xác thịt mình hãy còn hay đã bị hủy diệt. Cụ hết phân biệt nổi kẻ đang chờ đợi mình là bà hoàng phi hay là kiếp lai sinh. Khi nhận ra bóng người thị nữ bước xuống khu vườn nửa sáng nửa tối để đến kề bên, cụ cũng không hình dung ra được những gì sẽ xảy ra tiếp đó.
Thị nữ truyền lại lời mời của hoàng phi. Lão tăng đáp lại bằng một âm thanh giống như tiếng kêu kinh hãi, không phải tiếng người.
Phía trong bức rèm chỗ bà phi ngồi tối đen, người từ bên ngoài không thể nhìn được hình dáng của bà.Vị lão tăng quì xuống trước bà, hai tay bưng mặt khóc.
 Cụ khóc một hồi lâu, không có lấy một lời. Khóc và chỉ biết khóc, tưởng như tiếng khóc sẽ không bao giờ dứt.
Trong lúc đó, bên dưới bức rèm và từ trong chỗ bóng tối lờ mờ, một bàn tay trắng muốt như tuyết đang chìa ra phía ngoài.
Vị cao tăng chùa Shiga đưa hai tay ra đón nhận và ấp ủ bàn tay của người mình yêu thương. Cụ áp bàn tay đó lên trán mình, rồi lên má.
Hoàng phi Kyôgoku cảm được cái lạnh từ bàn tay thô kệch đang chạm đến tay mình. Sau một lúc, bàn tay đó bỗng nóng lên rồi dần dần ướt đẫm. Bà cảm thấy không chút thoải mái khi bàn tay của mình đang thấm ướt nước mắt của ai đó.
Thế nhưng bầu trời đã trắng bạch và khi hoàng phi nhận ra ánh sáng bắt đầu len vào sau rèm, trong lòng người đàn bà có con tim đạo hạnh này bỗng nhiên một linh cảm lạ lùng từ đâu đến xâm chiếm: không còn nghi ngờ gì nữa, cái bàn tay không quen biết đã ấp ủ tay ta bên kia tấm rèm chỉ có thể là bàn tay của chính Đức Thế Tôn.
Một cảnh tượng huyền ảo như sống dậy trong lòng hoàng phi. Đó là khung cảnh cõi Tịnh Độ với nền bằng lưu ly, với vô số lâu đài cung điện bằng thất bảo, với bóng dáng những vị thần tiên đang tấu nhạc, với những khu hồ hoàng kim trải cát thủy tinh có muôn nghìn đóa hoa sen lấp lánh ánh sáng, với lũ chim gia-lăng-tần-la ríu ra ríu rít... tất cả đều như vừa được tái sinh.
Nếu trên thực tế đó là quang cảnh của cõi Tịnh Độ mà hoàng phi tin rằng mình sẽ thừa hưởng thì kể từ nay, nàng có thể sẳn sàng chấp nhận tình yêu của vị lão tăng.
Hoàng phi chỉ còn đợi người đàn ông có bàn tay của Đức Phật lên tiếng gọi: "Hãy vén rèm lên!" mà thôi. Vị lão tăng có thể cầu xin nàng điều đó. Có thể nàng sẽ vén rèm cho cụ. Cũng như trong buổi gặp gỡ bên bờ hồ Shiga, có thể hoàng phi Kyôgoku sẽ cho phép nhà sư già được nhìn thấy khuôn mặt tuyệt mỹ của nàng. Và nàng cũng có thể mời cụ bước vào bên trong nữa...
Hoàng phi Kyôgoku chờ đợi.
Thế nhưng vị lão tăng chùa Shiga không thốt lên lấy một lời. Cụ không cầu xin điều gì cả. Bàn tay già nua đang nắm chặt lấy bàn tay của người đẹp cuối cùng rồi cũng buông ra. Cụ để bàn tay trắng muốt như tuyết đó trơ trọi trong ánh sáng của buổi bình minh.
Vị cao tăng đi khuất. Hoàng phi cảm thấy tim mình buốt giá.
Vài ngày sau, có tin đưa đến là vị cao tăng đã viên tịch trong thảo am của người.
Từ đó, hoàng phi Kyôgoku bắt đầu ngồi nắn nót chép những trang kinh để tiến cúng nhà chùa. Đó là Vô Lượng Thọ Kinh, Pháp Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, toàn những bản kinh quí hiếm.
(Dịch xong tại Tôkyô, ngày 17/09/2007.) 

Tham khảo
1) Aury, Dominique, 1983, Le prêtre du temple de Shiga et son amour (dịch Mishima theo The Priest and His Love), trong Yukio, Mishima, La Mort en Eté, Gallimard, Paris.
2) Mishima, Yukio, 1978, Shigadera shônin no koi, trong Mishima Yukio, Misaki nite no Monogatari, Shinchô Bunko, Tôkyô.
3) Morris, Ivan, 1962, The Priest and His Love (dịch Shigadera shônin no koi), trong Morris, Ivan chủ biên, Modern Japanese Stories, An Anthology, Charles Tuttle Co, Tokyo, bản in lần thứ 23, 1997.

Chú Thích
(1) - Taiheiki, tiểu thuyết lịch sử Nhật Bản ghi lại giai đoạn biến loạn tranh giành vào thời trung cổ Nhật Bản. Gồm 40 quyển, tương truyền do một nhà sư, Kojima Hôshi viết. Sáng tác khoảng 1368-75 hay 1375-79.
(2) - Ikkaku Sennin (Nhất Giác Tiên Nhân), còn gọi là Ikkasen (Nhất Giác Tiên) hay Dokkakusen (Độc Giác Tiên), người được xem như là một tiền thân của Đức Phật. Người nước Bà La Nại bên Ấn Độ, vốn do nai sinh ra trong rừng, đầu có một sừng. Tu thiền định lâu năm nên có pháp thuật. Vì oán hận nhà vua nên vị này làm cho trời hạn hán. Sau bị một dâm nữ do nhà vua gữi đến quyến rũ làm mất phép thần thông. Từ đấy mưa lại chan hòa. Sự tích này đã thành đề tài của tuồng Nô của Konparu Zenchiku (1405- khoảng 1470).
(3) - Còn gọi là Suufukuji (Sùng Phúc Tự) một ngôi chùa cổ xây từ năm 668 bên cạnh kinh đô khi đó còn là Nara. Một trong mười ngôi chùa lớn đương thời nhưng nay không còn dấu tích.
(4) - Triều đại trung cổ Nhật Bản dài khoảng 400 năm.
(5) - Tư tưởng cho rằng có một thế giới thanh tĩnh cực lạc thiên biến vạn hóa ở Tây Phương, nơi có Phật A Di Đà và chư Phật. Con người nếu tu hành có thể thác sanh về đấy. Bắt đầu ở Trung Quốc, sau trở thành một phái tôn giáo ở Nhật với giáo tổ là tăng Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212).
(6) - Ôjô Yôshuu, sách nhà Phật, 3 quyển do tăng Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) trứ tác, hoàn thành năm 986, khuyên người niệm Phật để được vãng sinh cực lạc.
(7) - Hay Eshin Sôzu, tên thường dùng để gọi tăng Genshin, cao tăng phái Tendai (Thiên Thai), từng du học bên Trung Quốc.
(8) - Cữu ngưu nhất mao, chữ của Tư Mã Thiên trong bức thư gữi cho bạn là Nhiệm Thiếu Khanh."Phản lệnh bộc phục pháp thụ hình, nhược cữu ngưu vong nhất mao". Ý nói là "một chuyện nhỏ không thấm vào đâu".
(9) - Thất bảo. Còn gọi là thất trân.
(10) - Theo âm Phạn ngữ Kalavinka, thú đầu người mình chim, có giọng hát ngọt ngào, ở trên đỉnh Tuyết Sơn hay cõi cực lạc.
(11) - Theo âm Phạn ngữ Yojana, đơn vị đo lường thời cổ Ấn Độ. Một Yojana rộng đến 7 đến 9 dặm Anh.
(12) - Tức Tu Di Sơn (Shumisen) do chữ Phạn Sumeru là đỉnh núi ở trung tâm thế giới của nhà Phật, có Đế Thích và Tứ Thiên Vương cai trị, vây xung quanh bởi bát sơn bát hải.Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lại quay vòng bên ngoài.
(13) - Thủy Quán Tưởng, chữ nhà Phật để chỉ sự tập trung tinh thần để suy nghĩ về dòng nước trong trên cõi Tịnh Độ. Đây là quán tưởng thứ 2 trong số 16 phép (thập lục quán) được giảng trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh.
(14) - Kinh Cực, tên một khu vực và cung điện trong thành Kyôto. Thường ám chỉ gia đình quyền thần và ngoại thích Fujiwara no Michinaga, đời đời có nhiều con gái gả cho các thiên hoàng.
(15) - Trượng có hình đầu chim bồ câu (câu trượng) để mừng người trên 80 tuổi vì bồ câu là giống chim ăn không bị hóc.
Nguồn: Internet.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Sáu hay chín.


Sáu hay chín.

        Nhớ lại câu chuyện mấy anh mù được cho đi sờ và mô tả lại con voi …anh nào sờ chổ nào thì mô tả con voi như thế ấy…nào là to như cái cột đình (vì sờ cái chân voi), nào là dài như con rắn (vì sờ vào cái vòi), nào là to như cái trống đình (vì sờ trúng cái bụng)….và như thế là anh nào cũng nói con voi theo mô tả của mình là đúng.
          Thật sự theo mô tả con voi của từng người thì đều đúng nhưng nếu lấy cái mô tả đơn lẽ đó mà gán cho con voi thì lại không đúng. Lấy cái chi tiết để đại diện cho cái tổng thể lại là sai.
          Nếu chịu khó tổng hợp tất cả những ý kiến của mấy anh này thì may ra có thể có một hình ảnh mô tả rõ ràng hơn cho con voi.

          Câu chuyện sáu hay chín…được mô tả ở hình trên.
          Hình như đã xảy ra “kình cãi” giữa nhận thức của hai người vì một con số…một bên nói đó là số sáu, bên kia lại cho là số chín…vậy bên nào là đúng?
Dễ thấy một điều là hai anh này anh nào cũng đúng…vì sáu nhìn từ bên này …còn nhìn từ phía bên kia sẽ là chín….vậy mà cũng cãi nhau…có lẽ tranh nhau cái đúng trong nhìn nhận của mình.
Hai người ở hai vị trí khác nhau sẽ có nhìn nhận một vấn đề ở góc độ khác nhau…đó là cái lý đương nhiên của sự cảm nhận.
Cũng là một ông Mặt trời nhưng lúc mới mọc gọi là bình minh…lúc lặn lại là hòang hôn.
Cũng là con bò nhưng lúc nhỏ gọi là con bê, lúc lớn mới được gọi là con bò…không ai gọi con bò lớn là con bê !

          Vấn đề ở đây là họ có thỏa thuận một ý kiến chung cho chỉ một vấn đề có hai giá trị khác nhau….có lẽ khó có sự hòa hợp nếu một trong hai cứ khăng khăng ý kiến mình là đúng hơn.
Thật đơn giản nếu nghĩ rằng: sáu cũng là chín và chín cũng là sáu, con bê cũng là con bò …cũng chỉ là một.
Sáu hay chín đều tùy thuộc và vị trí của nó, tuy theo người ta dặt nó theo chiều nào…và tùy theo ý nghĩa của nó được thể hiện….thì có lẽ không xảy ra nhiều tranh cãi vô ích.

Họ có thể hoán vị cho nhau để cùng nhìn ra một vấn đề …. thế giới sẽ tốt đẹp biết bao…vì người ta thường nói “hãy đặt mình vào vị trí của người khác” mới có thể phần nào hiểu được người và cũng để thấy rằng bạn mình bên kia cũng đúng – trừ trường hợp bạn nói đó là “số bảy” !!
Nhiều chuyện quá…!!!
         
LeBinh 180619

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Chén trà hoa hồng

Chén trà hoa hồng.

Đã từ lâu, có một ông lão sống ở đây.
Cũng không hẳn là thâm sơn cùng cốc chi cho lắm, nhưng cái nơi mà ông lão đang sống chỉ là núi rừng cùng cỏ cây, hoa lá là bạn. Cái nơi mà ông lão hẳn đã không còn biết, không còn nhớ cái chia cắt ông với mọi người được tính bằng bước chân, bằng chiều dài của ngày-đêm hay của tháng-năm, và cũng đã lâu lắm, cái giọng nói cười của nhiều người đã trở nên xa lạ với ông.
Cuộc sống của ông cứ thế trải đều qua năm tháng như bông hoa rừng cứ nở ra và tàn úa đi từng mùa. Ông vẫn sống, vui lòng như thế và chẳng mong gì hơn.
Bổng một ngày, trong cái cõi lặng lẽ của ông, bừng thức một sự thôi thúc kỳ lạ, nó bám lấy ông từ sáng cho đến tối mịt, lay động trong lòng khiến ông ray rứt không yên.
Cuộc sống như thế, ông gần như quên dần đi nhiều điều trong quá khứ, những tưởng rằng sẽ dần quên đi ký ức của ngày tháng đã xa vời vợi. Có đôi khi nó cũng sống dậy cùng ông, nhưng chỉ là chút chất liệu cho ông khi không còn gì để nhớ đến, và rồi tự nó cũng lui về một chổ riêng của nó. Dần dà thời gian đã phủ cho nó lớp bụi quá dầy.
Cho đến một ngày, ông lão hiểu được cái thôi thúc ray rứt ông - như một lần nữa, cái hoài niệm - mà đã lâu ông không còn cảm giác đến nó - đã sống lại cùng ông và một khi ông thả lòng để mình trôi về quá khứ thì những hoài niệm cũ tuôn trào trong ông cũng mãnh liệt không kém những ngọn sóng khi biển trào.
Dòng ký ức mờ mịt của ông, vốn như giấc ngủ mê, lại hiện ra rõ mồn một như từng trang sách được lật ra, từng trang là từng kỷ niệm, từng cảnh tượng, từng con người của một thời nào đó ông đã sống, cho dù thời gian trôi qua ông vẫn không quên được, nó vẫn ở đó và cứ như là vết khắc sâu thẳm trong lòng ông.
.....
Một sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, từ lưng chừng núi vẫn còn đám sương mù trắng xóa bao phủ, ông lão đã lên đường đến với một người mà đã bao lần ông tự nhủ mà chưa hề đến được. Một người đang ở nơi nào đó bên kia cánh rừng, cách vài dãy núi...là một người trong dòng ký ức của ông.
Ngoằn ngoèo uốn lượn cạnh vách núi, men theo từng con dốc, gập ghềnh, khúc khuỷu...con đường từng lúc đưa ông lão xa hơn nơi chốn cũ.
Mặt trời lên cao dần, hắt cái nóng xuống con đường, cái bóng của ông ngày càng gọn lại, nhỏ đi, lúc ẩn, lúc hiện dưới bóng cây rừng. Từng lúc, những con gió vụt qua mang theo tiếng lá xào xạc khuấy động cái không gian tĩnh mịch mà ông lão vẫn đắm chìm trong đó. Theo từng nhịp bước, ông lão càng thấy cái thôi thúc của mấy ngày trước nhẹ dần trong ông, cùng với sự thanh thản, dịu dàng tỏa ra êm đềm trong dòng suy tưởng của ông.
Ông lão vẫn bước đi trên con đường giờ đã hẹp đi nhiều, có chổ chẳng thấy bóng dáng con đường mà toàn là cỏ dại mọc chen chúc nhau. Mặt trời đã xuống bên núi, bóng nắng dịu đi....
Xa xa đã thấy một mái tranh ẩn mình đơn độc dưới táng cây trong một khu vườn nhỏ....
Căn nhà nhỏ nhắn của bạn - mà ngày trước bạn bè hay gọi là cái "thảo am" - vẫn nằm đó bên cạnh bụi trúc xanh, phía trước là ao cá nhỏ và hòn non bộ giờ đã bám đầy rong rêu.
Bước vòng qua cái ao nhỏ, lăn tăn vài chú cá vàng đang nhởn nhơ bơi lội, ông lão bước vào trong. Vài bức thư pháp trên tường, mấy quyển sách trên cái kệ nhỏ, chính giữa căn nhà là cái bàn và hai tọa cụ ở hai bên như có người biết rằng hôm nay bạn sẽ đến thăm.
Ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ, ông lão nhắm mắt lại, thở ra một hơi thật dài như rũ bỏ những nhọc nhằn trên đường, rũ bỏ đi những niệm khởi trong suy nghĩ của ông.
Lòng ông, giờ đây như mặt hồ tĩnh lặng, những gợn sóng dần trôi xa rồi tắt lịm. Tất cả chỉ là phút giây nhẹ nhàng, không chút ồn ã.
Thời gian dần qua, một mùi hương bốc lên nhè nhẹ từ những từ sợi khói của ly trà được mang ra đặt cạnh ông từ lúc nào, phảng phất hương vị của hoa hồng ướp nụ, lan tỏa theo từng mảnh không gian trong căn nhà.
Ông lão nhẹ nhàng hít thở từng hơi nhẹ như muốn dẫn sâu hương trà vào tận từng ngóc ngách của cơ thể. Một cảm giác nhẹ nhàng, trầm lắng len nhẹ và tỏa ra theo từng hơi thở ra ....vào.
Nhấp một ngụm trà, cái cảm giác đăng đắng làm tê đầu lưỡi nhưng rồi chầm chậm chuyển sang vị ngọt thấm xuống tận cổ họng, ngọt cả đầu môi. Ông lão tận hưởng cái vị và hương trà mà từ lâu ông mới tìm lại được.
Ông vẫn biết bạn mình đang ở đó, cùng nhấp từng ngụm trà và chắc hẳn cũng có cái cảm giác như ông. Ông cũng biết rằng ông đang hiện hữu trong tâm trí của bạn vì chính ông cũng đang đăm đăm về người bạn của một thời.
Thời gian như đọng lại....và đã bao nhiêu thời khắc trôi qua, ông cũng chẳng nhớ.
Ấm trà đã nguội đi. Mặt trời đã tắt hẳn bóng nắng bên kia núi. Hoàng hôn đã về.
Người bạn đã rời thảo am và ông biết thế.
Vươn vai đứng dậy, ông lão sữa soạn cho lần đi về ...
Đi hay đến ....đều là đi...khác chăng là nơi đến hay nơi về.
Ông lão cẩn trọng tiễn bạn về cái thảo am nhỏ với chén trà hoa hồng và tiếng gió xào xạc bên bụi trúc xanh. Trong lòng nhẹ tênh, với nụ cười trên môi, ông lão chầm chậm bước đi, từng bước nhỏ, trên con đường về...
......
Bổng nhiên tiếng đập cánh phần phật của con chim đêm bay vụt qua làm ông lão choàng tỉnh giấc....chung quanh ông là khoảng không gian yên ắng, thỉnh thoảng là tiếng lích rích của lũ dế và tiếng lá cây xào xạc cùng con gió.... ngoài kia vầng trăng non đã chênh chếch trên ngọn cây, tỏa ra ánh sáng mờ mờ chung quanh ông lão. Bầu rượu vẫn nằm đó, nghiêng về một phía.
Thì ra ông lão đã ngủ quên bên gốc cây rừng, cái chổ mà từ chiều ông đã ngồi đó, một mình với bầu rượu....và tất cả chỉ là một giấc mơ !
Cầm lấy bầu rượu, ông lão vịn vào gốc cây đứng dậy, tay chân tê cóng vì cái lạnh của núi rừng. Khoác bầu rượu lên vai, ông lão mới thấy trong bầu còn lại chút rượu....khẽ mỉm cười, ông nâng bầu rượu lên và uống cạn chút rượu cuối cùng trong bầu. Một làn hơi ấm lan tỏa từ bụng ra khắp châu thân. Cảm thấy sảng khoái và ấm áp, ông lão lại bước đi. Cùng với cơn gió se lạnh là chút hương vị của chén trà hoa hồng như còn vương vất quanh đây.

LeBinh.
18-04-2017.

Chuyện của cây quạt

  Chuyện của cây quạt.

Chổ tôi ở chỉ là một khoảng không gian bó hẹp bởi mấy bức tường nhà và một quốc lộ lúc nào cũng rầm rập tiếng còi xe qua lại, nên khi vào đến nhà Mạ tôi ở một vùng quê nhỏ, tôi như tìm được sự yên tĩnh cần thiết - chí ít là cũng được lang thang chút chút khi chiều xuống hoặc đêm về trên con đường vắng người.
Một buổi tối khi đang thơ thẩn lên xuống trên con đường, đếm từng bước chân, nhìn ánh đèn rọi sáng từ chổ tôi đến cuối con đường, một bà cụ bước vội theo tôi...lúc đó tôi nghĩ chắc bà cần chuyện gì thì phải, nên dừng lại và ngạc nhiên khi bà đưa cho tôi một cái quạt xếp và nói rằng bà tặng cho tôi.
Thì ra bà cụ là người quen của Mạ mà mỗi lần vào đây, bà thường chạy qua để có lúc thì nhờ tôi coi dùm một đơn thuốc, kết quả xét nghiệm hay chữ viết tắt của thầy thuốc mà bà không đọc ra...và cũng có lúc tôi tặng cho bà một số thuốc thông thường của bạn tôi gởi về.
Có lẽ vì những lý do đó mà tối nay bà tìm để cho tôi cây quạt này.
Tôi thoáng chút bối rối và khá ngần ngại vì "tặng vật" của bà cụ và nghĩ là cây quạt này nên để cho bà dùng thì tiện hơn.
Bà nhanh nhẩu xòe cây quạt ra và nói với tôi :
- Đây là cây quạt có mấy câu thơ thư pháp hay lắm chú ạ ! Tôi thỉnh ở chùa về đã lâu, để dành hơn cả tháng nay chờ chú vô để cho chú đây.
Lúc đó tôi mới nhìn cây quạt bà cụ xòe ra và thấy có mấy chữ thư pháp trong đó nhưng do tối trời nên chưa đọc được là những chữ gì.
Tôi đành phải nhận món quà, xếp cây quạt lại, cảm ơn bà và tiếp tục đi thêm chút nữa trên tay là cái quạt nho nhỏ.
Lúc về nhà tôi để cây quạt vào một chổ riêng và tự nhủ sẽ để dành nó như là một tặng vật quý của bà cụ chứ không nở dùng vì sợ làm hư hay rách đi thì tiếc quá vì dù sao trong nó cũng mang một tấm lòng.
Đêm đó không biết do thời tiết quá nóng hay là do gì đó tôi trăn trở không ngủ được, nhớ đến cây quạt, lò mò tôi lấy nó và mở ra xem.
Mở rộng quạt ra tôi thấy có một chữ "Tâm" và hai câu thơ được trích từ truyện Kiều của cụ Nguyễn tiên Điền - Nguyễn Du, tất cả đều được viết rất đẹp theo kiểu thư pháp:
..."Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"....
Hai câu này rất hay và chắc có lẽ được biết đến như một lời răn giữ mình của nhiều người theo như cụ Nguyễn Du đã nói.
Trong đêm tịch mịch tôi không dám nói đến món quà vì tôi cho đó là món quà độc đáo của bà cụ, cũng không dám nói đến hai câu thơ trong truyện Kiều vì quá hay và đúng ...chỉ thấy thắc mắc, thấm thía vì cái chữ "Tâm" mà mấy thầy đã dày công in ấn trên cây quạt này để cho các Phật tử.
Tôi cũng không dám lạm bàn về ý nghĩa của chữ "Tâm" vì nó quá rộng và nhiều cảm nhận khác nhau về chữ này, cũng không dám nói đến việc làm của mấy sư thầy khi tặng cho Phật tử cây quạt có chữ thư pháp. Trong thời khắc này tôi chỉ muốn nói đến chữ "Tâm" trên cây quạt với khả năng hạn hẹp của mình và chỉ có thế.
Mở cây quạt ra thì có chữ Tâm, táy máy tôi xếp cây quạt lại, ...mở ra, xếp lại ...thì ô kìa không còn chữ tâm nữa...nó đã bị xếp lại theo nếp gấp của cây quạt, nằm gọn gàng như bị che kín vào bên trong.
Đây là nhìn nhận thứ nhất được rút ra : Tâm thì phải rộng mở, một khi không mở lòng, mở bụng mình ra thì tâm sẽ bị xếp lại và mất hẳn tác dụng của nó. Có phải vậy không ta ?
Đang lan man vì ý tưởng này, tôi ngứa tay lật qua lật lại cây quạt thì chợt nhận ra chỉ một bên cây quạt là có chữ Tâm, mặt bên kia chỉ là một màu nâu tuyền không có chữ gì hết.
  Sao lạ vậy kìa, một mặt có chữ Tâm, mặt kia lại không ? Có phải là do tiết kiệm hay do nguyên nhân gì chỉ in một mặt ? Thôi thì ...do nguyên nhân gì tôi không dám đoán bừa, nhưng trước mắt tôi chỉ có một mặt quạt có chữ Tâm.
Suy đi nghĩ lại tôi thử bắt cái đầu làm cái việc của nó...là suy nghĩ dùm tôi coi thử có cái gì lạ ở hai mặt của cây quạt.
Một lúc sau, như tia chớp lóe lên trong đầu thật nhanh và quá nhanh làm tôi phải ghi lại không thôi thì quên cả....thì ra người ta thường nói trong mỗi một con người đều có hai mặt đối lập nhau của cái thiện và cái ác, của thiên thần và ác quỷ, của cái đúng và cái sai. Nếu mặt này là thiện thì mặt kia chắc là ác, nếu mặt này là thiên thần thì đối lập của nó trong một con người sẽ là ác quỷ....có lẽ là vậy.
Người luôn hành thiện nhằm gạt bỏ những thói hư tật xấu, tu tâm dưỡng tánh để đạt tới cái thiện, phát triển cái thiện để đạt đến cảnh giới thiên thần. Vì nếu tâm không thiện, "coi chừng" đó sẽ là ác, nếu không làm cho cái thiện chiếm ưu thế, cái ác sẽ trổi dậy như cỏ hoang, cỏ dại trên đồng.
Kỳ lạ là trên cây quạt cũng thể hiện hai mặt của một vấn đề, hai lãnh vực trong một con người, chữ tâm ở một mặt và không tâm ở mặt còn lại. Nếu ta để mặt này lên thì sẽ thấy tâm hiển lộ, nếu úp cái tâm xuống, mặt không tâm sẽ nổi lên. Hệ quả là nếu có tâm sẽ làm việc tốt, có ích và không có tâm sẽ làm điều ngược lại.
Cái đầu đã làm được việc của nó trong khi cái nóng vẫn hầm hập, trời vẫn không chút gió, tôi ve vẩy cây quạt một chút... bây giờ đã có chút gió từ cây quạt, chữ tâm cũng ve vẩy theo nhịp quạt.  Càng quạt mạnh tay chữ Tâm càng nhảy nhót nhiều hơn. Có lẽ theo con gió chữ tâm càng bay xa hơn nếu được quạt mạnh tay. Thì ra là thế, tâm không mở, không phát tán ra bên ngoài từ nhiều phía thì chắc có lẽ tâm cũng nằm đó và bị xếp lại theo từng nếp gấp của cây quạt. Và lúc đó phải chăng tâm đã “yên nghĩ”.
Tôi quạt lên quạt xuống, rồi quạt qua quạt lại vừa nhìn chăm chăm vào cây quạt, chà chà...tôi lại thấy cây quạt trở chiều cũng nhanh, trái - phải, phải - trái, sấp - ngửa, ngửa - sấp....lại nhớ đến có mấy người cũng trở qua trở lại như nướng bánh tráng trên lửa.... ôi chao ... sao mà tội tình thế !
Tôi dừng lại vì sợ mạnh tay quá sẽ làm rách quạt và rách luôn chữ tâm nằm trên quạt... một ý tưởng nữa lại nhảy ra ...nếu quạt còn thì chữ tâm còn, nếu chẳng may quạt rách đi thì chữ tâm sẽ rách theo và không còn nữa.
Thân xác này chứa tâm, nếu một mai thân xác này được trả về cho cát bụi, cái tâm sẽ không nơi nương náu nữa....nó sẽ về đâu ?
Chỉ là cây quạt bình thường mà nay nó chỉ được dùng những khi mất điện, trong đêm thanh vắng ngồi với nó lại rút ra nhiều "triết lý" cho riêng mình...dù chỉ là những thứ vụn vặt, hư ảo trong cuộc sống vốn dĩ đã vô thường này.
Bổng dưng xa xa văng vẳng tiếng gà gáy chuyển canh, bên khung cửa ráng hồng đã ửng, từng cơn gió mơn man nhè nhẹ mang về tiếng vọng từ đâu đó :
- Chỉ là cây quạt thôi mà nhiểu sự, răng mà nhiều chuyện quá !...mà toàn là chuyện phiếm, quý vị đừng nghe hắn nói và nếu lỡ đọc mấy dòng hắn viết thì hãy quên đi, trời nóng quá, không ngủ cả đêm, chắc hắn gần điên rồi !

LeBinh.
        30-03-2017.


Cái quê của tôi.

Cái quê của tôi.

Trong những dịp Lễ, Tết hay những đợt nghĩ dài ngày, từng dòng người tỏa ra thành những dòng chảy đổ về mọi nơi trên các nẻo đường, tạo ra những cảnh náo nhiệt ở các bến xe, tắc đường trên các ngõ ra, vào thành phố hay đủ mọi cách mà một người phải chen nhau để về một nơi nào đó.
Những dòng chảy này sẽ đi về đâu trong những ngày này ?
Nếu liệt kê cho hết những nơi chốn mà những dòng người này sẽ đi chắc có lẽ là điều không tưởng vì có quá nhiều nơi để họ đi và đến. Tuy vậy tựu trung chỉ có mấy nơi cho những dòng chảy này sẽ đổ về : một là họ sẽ về quê thăm gia đình hay đi đến nơi mà những người thân yêu như cha mẹ, anh em, bạn bè, thân hữu của họ đang còn tồn tại; hai là tìm đến một địa điểm du lịch, giải trí hoặc một thắng cảnh nào đó khả dĩ giúp họ thư giãn, nghĩ ngơi, thay đổi cái khung cảnh, cái không khí thường ngày vốn đã quá quen thuộc và nhiều khi làm họ mệt mỏi, căng thẳng.
Cứ thế mỗi khi có dịp, dòng người này lại tỏa ra như dòng sông với nhiều nhánh nhỏ đi về các nơi khác nhau trên mọi miền đất nước.
Tôi cũng là một phần của dòng chảy này trong những dịp như thế, mặc dù bây giờ ngày nào cũng là ngày nghĩ, nhưng đến những lúc như thế này tôi cũng rộn ràng chuẩn bị để lên đường như mọi người và nếu có ai đó hỏi tôi đi đâu, tôi sẽ mau mắn trả lời : "Về Mạ...", có lúc lại là "Về Nội...." hay lơ lững hơn thì "Về quê...". Có điều là quê ở đâu thì chỉ mình tôi biết.
Thật ra với một người xa quê hay cái quê của tôi là một nơi nào đó giờ đã quá xa xôi mà ít có dịp tôi trở về thăm lại, nhớ chăng chỉ là những hình ảnh còn đọng sót lại trong tâm trí, tôi như một người đã không còn cái quê nào để mà đi, về nữa. Cho dù một nơi nào đó đã giữ chân tôi gần nửa đời người thì nơi đó cũng chỉ là chốn dung thân trong một đoạn đời chứ chưa hẳn là cái quê mà tôi hằng ấp ủ.
Cái nơi mà bây giờ, tôi vẫn đi, về chính là cái nơi mà Mạ tôi còn đang ở đó, với mỗi lúc về đây khi Mạ bệnh cần chăm sóc hoặc trong những lúc tôi quá mệt mỏi vì phải bon chen, lặn hụp trong cái mê mộng của công việc, của những lúc phải bắt chụp lấy thời gian cho một mơ tưởng nào đó,...
Về đây, tôi tìm lại được cái cảm giác yên bình của ngày tôi còn là một đứa trẻ, sống vô tư lự, không hề suy nghĩ nhiều với những gì đang xảy ra, được ăn những món của ngày xưa do Mạ nấu nướng, nêm nếm; được ngủ một đêm tới sáng không trăn trở, mộng mị.
Ở đây, có lúc tôi hóa thân thành một người khác đang có cái nhìn phán xét về chính tôi trong những ngày tháng chạy tới, chạy lui, tất tả từng ngày với cuộc sống ngoài kia, được nhìn lại tôi như thế nào trong cái xô bồ của cuộc sống. Cũng chính ở đây, khi tách tôi ra khỏi cái tôi phụ thuộc vào những nhu cầu của đời sống, tôi nhìn thấy tôi rõ hơn và cũng là nơi tôi nghĩ ngơi, né tránh những cơn bão của năm tháng.
Thế đó, cái quê của tôi giờ đây chính là nơi Mạ đang sống, mặc dù cái quê này cách xa cái quê thật sự của tôi đến hàng ngàn cây số.
Thật may mắn khi còn Mạ trong cuộc đời mấy chị em tôi, để tôi còn một cái quê để đi, về. Mặc dù đã lớn tuổi và luôn bị những đợt bệnh hành hạ khi trái gió trở trời, nhưng vẫn còn người đi đứng, nói cười với tôi khi tôi về đây. Tôi vẫn cảm thấy may mắn hơn những bạn của tôi, chỉ ngậm ngùi với bông hồng trắng trong dịp Vu lan và chỉ nhớ về Mẹ đã không còn nữa như một kỷ niệm xót xa.
Nên tự trong lòng, tôi luôn cầu mong Mạ được mạnh khỏe, sống lâu cùng con cháu để lúc nào tôi đi cũng có thể nói được câu "Về Mạ...", "Về quê...".
Nếu một mai không còn Mạ trên cõi đời này nữa, lúc đó thật sự tôi không còn cái quê nào để mà đi, về nữa và câu trả lời của tôi trong những lần đi, về của tôi nếu có người nào đó hỏi... sẽ là : "Lang thang".

LeBinh
30-04-2017.


Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Thời gian.

Thời gian.

Viết khi nhớ đến Thầy N.C.
Giáo sư Triết học 1974-1975.
Trường Quốc học Huế.

Vậy mà có lúc Thầy đã gọi nó là “kỳ gian”…
        Kỳ là kỳ cục chứ không phải là kỳ dị…
Kỳ cục là cũng với một đơn vị thời gian …có lúc lại thấy nhanh, có lúc lại thấy chậm.
Cái nhanh hay chậm này chẳng phải do lỗi ở thời gian mà do chính tâm trạng của chúng ta làm nên điều kỳ cục này….do chính chúng ta cảm nhận cái nhanh hay chậm của thời gian trong từng thời điểm nào đó.
Lúc vui vẽ, thoải mái thấy thời gian qua quá nhanh…”ngày vui ngắn chẳng tày gang…”, chớp mắt đã thấy cái vui, cái cười đi đâu mất tiêu…
Lúc chờ đợi hay buồn phiền thì lại thấy thời gian trôi qua chậm chạp, lê thê như muốn mình phải gậm nhấm, thấm đẫm cái chờ đợi, phiền não cho đến tận cùng…
Lúc còn trẻ, cứ chạy theo công việc như bị cuốn trong vòng xoay của nó, không đủ thời gian để giải quyết ổn thỏa mọi điều, thời gian cứ như bị xẻ ra để trang trải cho mớ công việc lúc nào cũng như ẩn như hiện, đòi hỏi.
Lúc luống tuổi, không còn bị công việc của lúc trẻ ràng buộc, lại thấy thời gian như dài ra, nhiều khi có cảm giác như lê thê, lòng thòng trong một ngày.

Khi lý giải về thời gian của một cuộc đời, trong những giờ đầu tiên của môn triết, Thầy NC đã vẽ trên bảng trước mặt đám học trò chúng tôi một hình vẽ mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ…Hai dấu thập trên 2 vòng cung cách nhau từ đầu bảng đến cuối bảng, nối liền hai dấu thập đó là một đường ngoằn ngoèo, lên xuống hình sin, có lúc là một đường thẳng…
Cả lớp ngẩn tò te ra khi thầy hỏi có ai hiểu gì về hình vẽ này không ?
Lúc đó Thầy mới giải thích:
- Dấu thập đầu tiên tượng trưng cho Bệnh viện (hay là Nhà thương hoặc cơ sở y tế)…là nơi các em được sinh ra – trừ trường hợp đẻ rơi hoặc đẻ rớt…
- Cái đường ngoằn ngoèo, lên xuống, thẳng, cong…tượng trưng cho cuộc đời của một người…có thể là bằng phẳng hay gập ghềnh, truông đồi, lên xuống…ba chìm, bảy nổi, chín long đong chi đó là cuộc đời của các em sẽ đi qua.
- Dấu thập cuối tượng trưng cho nghĩa địa…là nơi các em sẽ nằm xuống, xuôi tay cho một cuộc đời,,,có ai không nằm xuống chổ này…trừ trường hợp hỏa táng, “tan táng”…hay không còn xác thân để cho nó nằm xuống.

        Thật đơn giản đến thế, thời gian cho phép sống của một con người có thể là 90, 100 năm hay chỉ là 5, 6, 7, 80 năm gì đó …chỉ gói gọn trong một hình vẽ từ đầu bảng đến cuối bảng.
        Lúc đó, chỉ là khoảng thời gian chưa đầy 20 năm của đời người, chưa thấm thía với khái niệm thời gian và cuộc đời gắn bó với nhau đến như vậy.
        Bây giờ lúc đã bạc đầu râu mới thấy nếu không có thời gian sẽ không có cuôc đời…vì một lẽ dễ hiểu là không có thời gian sống thì làm sao mà có một cuộc đời thực được. Nhưng sống sao cho ra sống để có một đời đích thực đây. Khó quá đi .. !
        Chỉ biết một điều “hãy chân thành và trân trọng mà sống” và cứ thế mà bước đi….được chừng nào hay chừng nấy cho đến lúc không còn đi được nữa.
        Và trong cái quãng thời gian của một đời, có những điều làm được, có điều chưa làm được vẫn còn chờ đợi….có vui hơn vì những điều đã làm được hoặc nuối tiếc gì cho những lúc đã qua ?


LeBinh 080619.

Lá lìa cành.

Lá lìa cành.

Buổi sáng, cả dãy phố bỗng sôi động và tỉnh hẳn sau một đêm yên ắng …vì sự ra đi của một người.
Thật sự khi nói đến những cảm xúc, lòng thương yêu, sự lưu luyến trước cái chết hay một bước từ giã cõi đời của một người nào đó, chắc hẳn chung quanh ta, vào các thời điểm khác nhau nơi nào cũng có, chúng ta luôn trân trọng những từ ly đó và luôn giữ những kỷ niệm cho dù đau thương trước sự ra đi của một người.
Anh chàng lang thang này, tạm coi như là không gia đình, từ lâu đã sống ở khu vực một chợ cũ chưa bị đập phá sau khi chợ đã dời đi một địa điểm khác.
Hàng ngày qua lại tôi vẫn thấy anh ta ngồi đó một mình, lặng thinh tư lự bên chai rượu và mấy miếng mồi đơn sơ cho buổi nhậu, ở trần, tóc tai phủ gáy, râu ria mọc dài…ngồi đó hàng ngày …và buổi tối cũng ngay tại cuộc nhậu đó anh ta nằm cong queo với cái chăn mỏng quấn quanh mình khi trời trở lạnh cho hết một đêm dài.
Mặc ai qua lại, mặc ai đang nhìn ngó, anh ta chẳng màng để ý đến và cũng chẳng làm phiền ai, không nói đến ai cũng như chẳng buồn đến thế sự đang nổi trôi ngoài kia. Cái sôi động nhất trong anh có lẽ là dòng xe chạy qua rầm rập trên con đường trước mặt anh ta…còn lại tất cả có lẽ chỉ đong đầy trong một ly rượu.
Tôi chẳng thấy mấy khi anh ta ăn…chỉ là uống và uống ….dĩ nhiên thức uống mà anh ta thích …vẫn là rượu.
Bà con trong dãy phố và tôi vẫn thỉnh thoảng mang cho anh ta ít tiền, quần áo hay thức ăn, tuy vậy anh ta chỉ thích lấy tiền vì là thứ dễ dùng để mua rượu nhất.
Thỉnh thoảng cũng có vài người, như là anh em hay bà con của anh ghé lại sửa soạn tóc tai, đem cho anh ít thức ăn, áo quần, ít tiền, chuyện trò với anh và khuyên anh nên về nhà…vì thật ra anh ta vẫn có một gia đình nhưng có lẽ đã có những mâu thuẫn, xung đột nên anh ta nhất quyết không trở về và có lẽ cũng đã chuẩn bị cho mình một cái chết xa nhà.
Vậy đó, cái gì đến chắc hẳn phải đến, sáng nay qua một thời gian dài ăn uống thất thường, anh ta bỏ luôn cái thói quen được uống hàng ngày, nằm đó và lặng lẽ ra đi như cái lặng lẽ vốn có hàng ngày của anh. Lặng lẽ như  chiếc lá lìa cành, không chút ồn ã, vọng động.
Tôi đã vận động bà con trong dãy phố quyên góp được một số tiền như là chút hành trang cuối cùng cho anh và cùng với địa phương tìm nhiều cách liên lạc với gia đình để đưa anh ta một lần về thăm và yên nghĩ tại đó.
Nhìn chiếc xe chở thân xác anh ta chuyển bánh, bỗng ngậm ngùi, xót xa cho một cuộc đời đã qua nay trở về với cát bụi.
Cuộc sống đã rời khỏi anh hay anh ta rời bỏ cuộc sống này. Có lẽ là cả hai.
Đã chọn cho mình cách sống, anh ta chọn luôn cho mình một cách ra đi. Tất cả đã xong. Cầu mong anh ra đi thanh thản, bình yên và ở một nơi nào đó có lẽ cuộc sống của anh sẽ tốt đẹp, hạnh phúc và vui hơn cuộc sống ở trần thế này.
….”Đời sống mỗi khi người đưa tiễn người
           Là tôi lắng nghe lòng tôi rã rời ..”
(Trích nhạc phẩm “Có điều gì gần như điều tuyệt vọng” –  Ns TCS.)

LeBinh.
20-03-2019.







Cô bé bên đường tàu.

Cô bé bên đường tàu.

Sau khi chuyển nhà nhiều lần, Ba tôi đã chọn một khu đất, nằm giữa đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải phòng) và bên cạnh là đường Ông ích Khiêm nối dài từ chợ Cồn xuống bờ biển Thanh Bình, để tạm dừng chân tại thành phố Đà nẵng.
Có lẽ do khu đất này, thực chất là một cái ao bị bỏ hoang lâu ngày và phía trước nó là một đường rầy xe lửa chạy qua, nên chẳng ai chú ý đến ngoài Ba tôi.
Căn nhà được hoàn chỉnh sau thời gian xây cất, rộng rãi, thoải mái hơn mấy căn cũ và từ đây chúng tôi lại bắt đầu cuộc sống tại một nơi ở mới.
Cái bất tiện duy nhất ở đây là những chuyến tàu đều đặn hàng ngày chạy qua trước nhà cùng với tiếng còi tàu báo hiệu trước khi vào sân ga gần đó. Thì ra, trước nhà tôi là một đoạn đường rầy xe lửa cắt ngang đường Nguyễn Hòang (cũ) và đường Ông ích Khiêm để chạy vào ga xe lửa nằm phía bên kia đường Ông ích Khiêm.
Thời gian đầu, một ngày đến bốn lần, tôi rất khó chịu vì nghe tiếng còi tàu đinh tai nhức óc cùng với tiếng rầm rập của bánh xe lửa nghiến trên đường ray, nó cắt đứt mọi suy nghĩ hay việc làm của tôi để rồi tôi chỉ biết ngồi thừ ra đó chờ cho đoàn tàu và âm hưởng của nó rời khỏi cái tai và cái đầu, tôi mới làm việc lại được.
Dần dà tôi cũng quen dần với những âm thanh đó, chấp nhận nó như một phần trong sinh hoạt và cuộc sống của tôi tại đây, có lúc tôi lại xem nó như một lọai chuông báo hiệu để tôi có thể hình dung ra giờ giấc cho một ngày, sáng trưa, chiều, tối....không có ngày nào là không có.
Sau khi nhà tôi về đó một thời gian, nhiều gia đình cũng chuyển về đó cất nhà, trồng cây, lập cái vườn nho nhỏ làm cho cái xóm tôi ở đông dần lên, tụi con nít trạc tuổi tôi vì thế cũng dần đông vui hơn.
Tôi đã quen thuộc với đường rầy, tiếng còi tàu inh ỏi và cái cách mà đoàn tàu đi chậm lại ngang qua nhà tôi, kéo từng hồi còi báo hiệu cho người gác ghi kéo xong những rào chắn cho đoàn tàu an toàn đi qua hai đoạn đường đó.
Lúc rãnh rổi tôi lại ngắm nhìn đoàn tàu kéo theo một dãy các toa nhưng không có toa hành khách nào, chỉ toàn là toa hàng chở từng thùng lớn hay container bằng thép, bằng giấy đủ loại. Có lúc, tôi cùng bọn trẻ trong xóm cứ đứng nhìn và tưởng tượng ra đủ thứ mà đoàn tàu kéo trên mấy toa, không biết có gì trong đó và cũng chẳng hiểu vì sao mà ngày nào cũng chở đi những cái thùng to đùng như thế.
Cho đến một ngày, không hiểu vì sao, lúc đến trước nhà tôi, bổng dưng đoàn tàu đột ngột dừng lại, kéo từng hồi còi. Đang ở trong nhà tôi chạy vội ra xem vì không nghe tiếng rầm rập của bánh xe trên đường ray mà chỉ nghe hồi còi có vẽ khác thường.
Lũ trẻ trong xóm cũng đã tụ tập đông đủ lóng ngóng xem cái gì đang diễn ra với đoàn tàu. Tôi thấy đoàn tàu dừng hẳn lại, không nhúc nhích chút nào, không phải do kẹt xe ở hai con đường chắn qua đường tàu, có lẽ tàu bị hỏng hóc gì đó nên không thể di chuyển được.
Đang thả mắt nhìn suốt con tàu, tôi bổng nghe tiếng í ới của bọn trẻ và rồi thấy chúng đua nhau chạy đến cuối một toa tàu và túm tụm vào đấy, những đứa khác cũng lao vào theo. Tôi lạ lùng không biết đám trẻ này đang làm gì bên góc toa tàu.
Chỉ thấy một thóang sau đứa nào đứa nấy cũng hai tay cầm mấy lon nước ngọt, đồ hộp, và đủ thứ lon, hộp gì mà tôi chẳng biết có gì bên trong....có đứa lại cuộn tròn cái áo mà chứa đủ thứ trong cái túi lùng nhùng trước bụng.
Khẽ nhích người lên cao một chút, tôi thấy tụi trẻ đang chụm đầu chen lấn nhau để cố móc lấy móc để mọi thứ có trong cái thùng giấy đã bị thủng một lổ lớn trên toa tàu. Thì ra những lon, hộp....mà đám trẻ lấy được là từ lổ hổng này của thùng hàng này.
Có đứa chạy đi, chạy lại mấy lần để chuyên chở "chiến lợi phẩm" mà tụi nó thu được từ toa tàu. Cứ như một đàn kiến đang túm tụm vào rúc rỉa con mồi béo bở.
Tôi đứng đó nhìn tụi trẻ hí hởn chạy đi, chạy lại với những thứ thu được từ thùng hàng, đủ loại, đủ thứ và nhiều quá đi...trong lòng bùng lên cái ham muốn được nhập vào đám trẻ để kiếm một mớ đồ giống như tụi nó đang làm ngoài kia. Tụi nó cũng như mình, cũng trạc tuổi mình… tụi nó làm được thì mình cũng làm được vậy. Có sao đâu ?
Nhưng cũng trong lúc đó lại có tiếng nói vang lên tự sâu thẳm trong tôi :
- Không được đâu nha, những thứ ngoài kia không phải là của mình nên không được lấy nó, vì lấy nó là sai và điều mà những đứa trẻ kia đang làm là điều không thể chấp nhận được mà tụi nó không nhìn thấy.
Cứ thế, hai luồng tư tưởng đối chọi nhau cứ chạy qua chạy lại trong đầu của tôi. Bản năng thì bảo tôi cứ chạy ra và làm theo những gì bọn trẻ kia đang làm, còn lý trí thì bắt tôi phải đứng im tại chổ không được nhập vào đám đông hỗn loạn ngoài kia.
Có lẽ cuối cùng cái lý trí vẫn còn sáng suốt của tôi đã giữ tôi đứng lại trên bậc thềm nhà tôi và giúp cho đôi mắt của tôi cảm thấy nhàm chán với việc làm của tụi trẻ.
Đưa mắt nhìn quanh xóm nhà tôi giờ đã vắng tanh, tôi bắt gặp cách nhà tôi mấy căn có một cô bé cũng đang đứng nhìn đám đông "hỗn mang" ngoài kia như tôi.
Thì ra tôi không phải là ngoại lệ vì có người chắc cũng có cùng tâm trạng như tôi lúc này và chắc hẳn rằng cũng có nhiều điều xảy ra trong đầu cô bé đó giống như tôi. Từ đó tôi bắt đầu chú ý đến cô bé mà có lẽ nhà cũng mới dọn về xóm tôi.
Thời gian trôi qua rất nhanh, đám trẻ vẫn hăng say móc những thứ còn lại trong thùng hàng và mỗi lúc một đông hơn cho đến khi một hồi còi vang lên và con tàu từ từ chuyển động. Chỉ đến lúc này tôi mới thấy đám đông dãn ra, trên tay là đủ thứ đồ vật với vẻ mặt hí ha hí hửng đang cười nói với nhau.
Liếc nhìn về phía cô bé, đầu nghiêng về một phía, dãi tóc dài xỏa nhẹ che nửa khuôn mặt thon dài, tôi thấy cô ta vẫn thản nhiên, không lộ vẽ cảm xúc gì, cũng chẳng màng nhìn đến bọn trẻ ngoài kia, hình như đang nhìn mây bay trên trời thì phải.
Có mấy đứa đi ngang qua và nói :
-  Sao mi không ra "hè" với tụi tao cho vui, nhiều đồ quá đi.
-  Đồ của người ta đó, tụi mi lấy coi chừng cảnh sát tới nhà đòi lại đó. Tôi tưng tửng trả lời.
Hình như câu nói của tôi làm bọn trẻ sực tỉnh, mặt ngơ ngác và bỏ đi chẳng thèm trả lởi tôi câu nào.
Đoàn tàu đã đi qua mang trên mình đầy thương tích, bỏ lại hai đường ray nằm chỏng chơ vắng hẳn cái đám trẻ ồn ào như cách đây vài phút. Tôi lại nghĩ không biết chủ nhân của mấy thùng hàng kia sẽ như thế nào khi biết đồ vật của mình đã bị rút ruột như thế và tụi trẻ sẽ "xử" hàng hóa tụi nó thu được như thế nào.
....
Thời gian trôi qua có vẽ nặng nề trong cái xóm nhỏ. Thường ngày ngoài giờ đi học, tụi trẻ thường tập trung thành từng nhóm bày ra đủ loại trò chơi, nay đã mấy ngày rồi mà cái sân chơi này vẫn vắng hoe. Không biết tụi nó sợ câu nói tưng tửng của tôi hay sợ cảnh sát đến nhà đây.
Những ngày sau, đoàn tàu vẫn chạy ngang qua nhà tôi trên đôi đường ray một cách bình thản như chưa hề có một toa tàu mang đầy thương tích do lũ trẻ xóm tôi bươi móc tơi bời.
Vài ngày trôi qua, ...lại vài ngày nữa, cái xóm nhỏ rộn ràng trở lại với nhiều câu chuyện, nhiều trò chơi và tiếng cười của bọn trẻ lại vang lên vô tư, hồn nhiên. Cái ngày đoàn tàu dừng lại "biếu không" cho bọn trẻ từng túi đồ vật cũng dần qua đi trong yên bình mà không có vị cảnh sát nào tới nhà đòi đồ vật như tôi nói cả.
Cuộc sống của tôi dần lắng đọng lại và quên dần những trăn trở của tôi trước sự việc của đoàn tàu nay lại chuyển hướng qua cô bé cạnh nhà. Cái cô bé mà trong  sự hổn lọan của ‘đám cướp tàu hỏa” của lũ trẻ xóm tôi lại bình thản đứng nhìn cái cảnh chụp giựt đang xảy ra bên toa tàu mà không hề có chút thái độ là sẽ nhập cuộc với cái đám cướp ngày kia. Tôi cũng thầm lạ và có chút trân trọng đối với cô bé này từ lúc nào mà chẳng hay.
Từ đó mỗi lần đi học hay có dịp ngang qua nhà của cô bé, tôi đều len lén nhìn từ xa xa để coi có dịp nhìn lại hay gặp cô bé này một lần nữa không ? Nhưng lần nào cũng vậy tôi chỉ nhìn thấy căn nhà đóng cửa ngoài và im ắng lạ kỳ. Nhiều khi tôi thả những suy nghĩ của mình bay bổng vào trong căn nhà bí ẩn này để xem cô bé đang làm gì đó, trong cái góc nào đó của căn nhà …mà đành chịu không thể đoán được.
Tuy vậy, trong tôi vẫn giữ được hình dáng của cô bé lúc đang mơ màng nhìn đoàn tàu với lũ trẻ của ngày hôm ấy, cái dáng thanh thoát, mảnh khảnh với bờ tóc dài xỏa nhẹ ngang vai…

Sau này Ba tôi chuyển nhà ra Huế và không có dịp gặp lại cô bé này nhưng tôi biết rằng vẫn còn một người rất bình thản, an nhiên trước bao điều nghiệt ngã, xô bồ đầy cám dỗ trong cái thế giới mênh mông ngoài kia.

LeBinh-23-03-2019