Thời gian.
Viết khi nhớ đến Thầy N.C.
Giáo sư Triết học 1974-1975.
Trường Quốc học Huế.
Vậy mà có lúc Thầy đã gọi nó là “kỳ gian”…
Kỳ là kỳ cục chứ không phải là kỳ dị…
Kỳ cục là cũng với một đơn vị thời gian …có lúc lại thấy nhanh, có lúc lại thấy chậm.
Cái nhanh hay chậm này chẳng phải do lỗi ở thời gian mà do chính tâm trạng của chúng ta làm nên điều kỳ cục này….do chính chúng ta cảm nhận cái nhanh hay chậm của thời gian trong từng thời điểm nào đó.
Lúc vui vẽ, thoải mái thấy thời gian qua quá nhanh…”ngày vui ngắn chẳng tày gang…”, chớp mắt đã thấy cái vui, cái cười đi đâu mất tiêu…
Lúc chờ đợi hay buồn phiền thì lại thấy thời gian trôi qua chậm chạp, lê thê như muốn mình phải gậm nhấm, thấm đẫm cái chờ đợi, phiền não cho đến tận cùng…
Lúc còn trẻ, cứ chạy theo công việc như bị cuốn trong vòng xoay của nó, không đủ thời gian để giải quyết ổn thỏa mọi điều, thời gian cứ như bị xẻ ra để trang trải cho mớ công việc lúc nào cũng như ẩn như hiện, đòi hỏi.
Lúc luống tuổi, không còn bị công việc của lúc trẻ ràng buộc, lại thấy thời gian như dài ra, nhiều khi có cảm giác như lê thê, lòng thòng trong một ngày.
Khi lý giải về thời gian của một cuộc đời, trong những giờ đầu tiên của môn triết, Thầy NC đã vẽ trên bảng trước mặt đám học trò chúng tôi một hình vẽ mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ…Hai dấu thập trên 2 vòng cung cách nhau từ đầu bảng đến cuối bảng, nối liền hai dấu thập đó là một đường ngoằn ngoèo, lên xuống hình sin, có lúc là một đường thẳng…
Cả lớp ngẩn tò te ra khi thầy hỏi có ai hiểu gì về hình vẽ này không ?
Lúc đó Thầy mới giải thích:
- Dấu thập đầu tiên tượng trưng cho Bệnh viện (hay là Nhà thương hoặc cơ sở y tế)…là nơi các em được sinh ra – trừ trường hợp đẻ rơi hoặc đẻ rớt…
- Cái đường ngoằn ngoèo, lên xuống, thẳng, cong…tượng trưng cho cuộc đời của một người…có thể là bằng phẳng hay gập ghềnh, truông đồi, lên xuống…ba chìm, bảy nổi, chín long đong chi đó là cuộc đời của các em sẽ đi qua.
- Dấu thập cuối tượng trưng cho nghĩa địa…là nơi các em sẽ nằm xuống, xuôi tay cho một cuộc đời,,,có ai không nằm xuống chổ này…trừ trường hợp hỏa táng, “tan táng”…hay không còn xác thân để cho nó nằm xuống.
Thật đơn giản đến thế, thời gian cho phép sống của một con người có thể là 90, 100 năm hay chỉ là 5, 6, 7, 80 năm gì đó …chỉ gói gọn trong một hình vẽ từ đầu bảng đến cuối bảng.
Lúc đó, chỉ là khoảng thời gian chưa đầy 20 năm của đời người, chưa thấm thía với khái niệm thời gian và cuộc đời gắn bó với nhau đến như vậy.
Bây giờ lúc đã bạc đầu râu mới thấy nếu không có thời gian sẽ không có cuôc đời…vì một lẽ dễ hiểu là không có thời gian sống thì làm sao mà có một cuộc đời thực được. Nhưng sống sao cho ra sống để có một đời đích thực đây. Khó quá đi .. !
Chỉ biết một điều “hãy chân thành và trân trọng mà sống” và cứ thế mà bước đi….được chừng nào hay chừng nấy cho đến lúc không còn đi được nữa.
Và trong cái quãng thời gian của một đời, có những điều làm được, có điều chưa làm được vẫn còn chờ đợi….có vui hơn vì những điều đã làm được hoặc nuối tiếc gì cho những lúc đã qua ?
LeBinh 080619.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét