Ngày lên

Một ngày tự nó đã là một đời với nhiều cung bậc khác nhau. Hãy sống trọn vẹn cho một ngày.

Âm nhạc và hoa hồng

Âm nhạc và hoa kết nối những cảm xúc và thăng hoa cuộc sống.Hãy trân quý và tận hưởng.

Chiều của biển

Một ngày sắp qua với những việc làm được và chưa làm được. Đừng để hoài phí một ngày sẽ qua.

Niêm hoa vi tiếu

Chân lý là mặt trăng trên cao, cũng xa mà cũng gần. Hãy đi theo con đường mà Ngài đã chỉ cho ta.

Hoa Vô ưu

Cuộc sống với bao nhọc nhằn và đầy toan tính. Hãy tỉnh thức, buông bỏ mọi âu lo, sống thanh thản trong hiện tại

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

“MUA VUI”…

 


        Có bài thơ “con cóc” một năm trước, lại có vài “chiến hữu” quan tâm làm mấy bài thơ đối:

        Làng thơ tôi chỉ mấy người

        Mà nay vẫn có bạn đời đối thơ.


        “Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều - Cụ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du), nên post lại mấy bài thơ này không thôi thì cũng “phụ lòng” người làm.

Có uống đâu mà cũng bày...

Làm như bợm rựu thày lay ....ớ người!

Buồn vui một cõi bên đời.

Ôi thôi! ...chỉ thấy "thằng còi" ngắm trăng. 

LeBinh.

Hàm liêm.

19-11-2022


Thơ đối 1:

Không uống sao cũng để bày...

Ngồi ngay bàn rượu chối sao hởi người

Chín húi mà còn mại hơi

Có sao...chỉ thấy B. chờ "Drink wine"...

A Mạnh Mũi né.

20-11-2022


Thơ đối 2:

Không nhắp mà sao ..rượu vẫn bày

Giống như bợm rượu với men cay

Lang thang một cõi đời dong ruỗi

Buồn vui một nỗi kiếp con người.

Kẻ đạo thơ. 

Quỳnh Mai (San Jose-Cali).

21-11-2022.


Thơ đối 3:

Không nhắp...ngẫn ngơ, rượu vẫn bày

Giống như bợm rượu nhớ men cay

Lang thang nhìn lại đời dong ruỗi

Bỗng thấy buồn vui một kiếp người.

Kẻ đạo đạo thơ - LeBinh.

22-11-2022.


Thơ nay:

“Thằng còi” cứ mãi ngắm trăng

Trăng đi, trăng đến, trăng mờ cuối thôn.

Trần gian cứ mãi lông ngông

Dấu chân tìm dấu… chạy rông một đời!

Ái chà!!

        Cảm ơn mọi người.

LeBinh.

21-11-2023.


TIẾNG XƯA.

         Trong một chuỗi những khoảnh khắc tình cờ nối tiếp nhau, trong một stt FB, tôi có ghi lại bài hát “Về đây nghe em” của Ns Trần Quang Lộc phổ thơ A. Khuê … tình cờ hơn là trong ngày lại nhận được bản ghi âm bài hát này của một cô bạn cũ  - là nữ sinh Đồng Khánh ngày nào - gởi tặng.

        Một ca khúc, một người hát, một người nghe…thì thật ra chẳng có chuyện gì để nói nhiều hay đơn thuần chỉ là lời cảm ơn khi được nhận một món quà, ở đây là một bài hát.

        Nhưng bên trong, là câu chuyện dài của người nghe, như lật lại từng trang cuốn sách kỷ niệm với nhiều cảm xúc của thời mới lớn. Quả thật rất không "phải phép" khi không gởi những lời trân quý về món quà và một người như thế.

        Có những khoảnh khắc...một người ngồi hát bên hiên cái quán nhỏ bên sông .... giữa cái chập choạng của chiều lên... có chăng chỉ là bóng dáng của một người xỏa tóc bên cây đàn, đưa chiều về bên sông...chẳng thể nào nghe được tiếng hát...bỗng dưng yêu cảnh chiều buông, yêu cây đàn bên cô bé và yêu luôn cái quán nhỏ bên sông.

        Dòng nhạc trong quán cứ nhẹ nhàng bay bổng trong cái mờ mờ, ảo diệu, … thời gian có đang trôi hay dừng lại chỉ là bóng hình thấp thoáng của cô bé đang thả hồn vào những cung buông bên cây guitare.

        Vài ba ngày lại thấy hắn trầm tư ở một góc quán không tên như mặc niệm cho ngày, cho tháng, cho năm bên ly cafe không đường cạn dần theo con nước chảy xuôi mang từng cánh bèo về cuối sông...

        Đang chờ điều gì ở đây?...chờ điều chưa đến và chờ cả điều không bao giờ đến, chỉ để ngắm nhìn một người hát mà chẳng nghe tiếng hát, chỉ là những chập chờn, ẩn hiện giữa những giọt nắng rơi rớt trong chiều.

...

        Giờ đây, cái quán nhỏ bên sông đã không còn, cái góc nhỏ với cô bé bên cây đàn cũng không còn...Khi mà tất cả đã không còn, thì quá khứ lại thoáng ẩn hiện với những ca khúc quen thuộc, ngọt ngào của một Tôn-Nữ-Ngày-Xưa...như lời ru từ thuở nào đã quá xa.

        Ngày xưa, là một cô bé bên cây đàn, ao ước được nghe, dù là vọng ảo với đầy đủ thanh âm của một ca khúc...nhưng chỉ là nhìn ngắm, không thể nào nghe được tiếng hát...

        Giờ đây, đã được nghe người hát, nhưng bóng hình của chiều xưa đã lạc trôi trong miền quá khứ. Chỉ là nhắm mắt lại để tiếng hát của hôm nay hòa lẫn vào bóng hình của quá khứ...

        Ước gì bẻ cong được quá khứ, ghép nối cho nó trùng khớp vào hiện tại trong một thời điểm nào đó để được nghe tiếng hát, được ngắm nhìn, được hòa mình vào khung cảnh đó của gần 50 năm trước...

        Không thể nào...!


        Mọi chuyện có vẽ không hoàn hảo cho một ai cả ...được cái này thì sẽ mất đi cái khác thôi.... 

        Anh đã nghe bài hát của ML.. và phải nghe đến vài ba lần.

        Cũng là bài hát đó nhưng bài của ML ghi lại có phần hòa âm, phối khí khác hẳn, hay hơn những bản khác và dĩ nhiên giọng ca của ML vẫn đặc biệt vì có âm hưởng của “chỉ một” ML mà thôi.

        Có lẽ mỗi người sẽ có một mức cảm thụ khác nhau khi nghe một ca khúc nào đó, riêng tôi, trong một ca khúc quen thuộc đều có dấu ấn của thời gian, khung cảnh của kỷ niệm và ngay cả người thể hiện nó - bây giờ và ngày xưa.

        Thật cảm ơn món quà đặc biệt và giọng ca của Tôn-Nữ-Ngày-Xưa, vì đã làm quá khứ sống lại trong hôm nay.

        

08-11-2023.

LeBinh.


VỀ ĐÂY…

 


“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nôi thơ ấu khúc hát ban đầu”…

(“Về đây nghe em” - Thơ: A. Khuê - NS Trần quang Lộc phổ nhạc).


Bài hát này, tôi đã nghe cô ấy hát vài lần, và lần nào cũng thấm thía với ...“áo the, guốc mộc”…. “nồi ngô khoai, hạt lúa mới”…và tiếng thì thầm “Về đây nghe em….Về đây nghe em”…như những thôi thúc từ một nơi nào đó thân quen đến lạ.

Những bước chân tình cờ thật nhẹ nhàng, tôi trở về với “nồi ngô khoai” thật sự trong một ngày mưa rơi lắc rắc nhưng chẳng làm ướt con đường….

        Đón tiếp tôi với vẽ lúng túng trong từng bước chân từ nhà trước ra nhà sau, vì quá tình cờ…

        Nhưng rồi, cùng với dĩa chuối khô, vài củ khoai lang luộc làm bớt đi cái vẽ ngập ngừng lúc ban đầu để mở đầu cho câu chuyện …vì đã lâu không gặp.

        Một ly nước, vài miếng chuối khô được phơi gói kỷ lưỡng, dĩa khoai lang luộc…là những món đơn sơ, dân giã lúc nào cũng có để “đãi” khách…mà nhất là vị khách bất ngờ như tôi.

        Chẳng phải phải là “mâm cao cỗ đầy” mà chính là những món như thế này lại giữ chân tôi và cái lưu luyến một khi được về đây.

        Cái chân tình của một cư sĩ thực thụ đã lay động được cả gió trời ngoài kia.

….

        Có anh bạn nói với tôi: “Ông ra Mũi né, có lúc ghé tui, có lúc không, nhưng lúc nào cũng ghé cô bạn ôm con chó nhỏ”….Tôi ngớ người ra không nhớ cô bạn nào có con chó nhỏ.

        Nhưng rồi bấm được tấm hình tôi chợt biết ra cô bạn đó là ai… “Sợi cỏ mùa Thu”.

        Cảm ơn TT với thoáng chốc của ngày xưa… cảm ơn luôn dĩa chuối khô, mấy củ khoai luộc và những nụ cười.

Mũi né.

07-11-2023.

LeBinh.


ĐỐI THƠ.

 


        Tấm hình ghi lại hoàng hôn trên một vùng núi yên tĩnh, ít người qua lại với đàn én xao xác, đang bay về tổ khi chiều về. Nắng chỉ để lại những vạt hồng nhạt trên nền trời xanh. Ven rừng, mặt trời đã xuống tận những hàng cây dần đen sẫm của đêm sớm về.

        Từ cảnh tượng này, đã cảm khái với một bài thất ngôn bát cú cổ: “CHIỀU TRÊN NÚI”.

        Ấy thế mà, qua tấm hình này, có bạn lại nhìn ra đó là cảnh bình minh khi mặt trời đang ló dạng từ những hàng cây ven rừng (Nguyễn Đức Kim Long).

        Nguyễn Đức Kim Long

        Thơ cảm về ảnh HOÀNG HÔN thiệt là hay nhưng mà da diết quá. Tui nhìn thì thấy đó là BÌNH MINH khi mặt trời sắp ló dạng.

        (Cmt của NĐKL).

        Quả thật tâm trạng hoan lạc của bạn đã làm một hoàng hôn buồn buồn, da diết của ngày sắp tàn thành cái bắt đầu cho một ngày mới của bình minh đang lên trên sườn núi. 

        Và có bạn lại làm một bài đối thơ từ bài “Chiều trên núi” thành “Bình minh trên núi” (Thiện Hữu - tựa đề do tôi tự đặt).

        Tôi xin ghi lại cả hai bài để thấy bài thơ đối có thể đặc sắc hơn vì chỉ thay đổi vài ba chữ nhưng vẫn giữ lại được “vần/vận” như trong bài thơ gốc… đã chuyển cảnh hoàng hôn thành bình minh, chuyển tâm trạng buồn thành vui hơn…như thế nào:

CHIỀU TRÊN NÚI.

Hoàng hôn, hắt bóng che mờ lối         Bình minh, chiếu sáng soi tỏ lối

Còn vương chút nắng men sườn đồi. Rải luôn chút nắng men sườn đồi.

Xoải cánh, đàn chim về tổ ấm Xoải cánh, đàn chim rời tổ ấm

Lặng thầm, người đợi ánh chiều rơi Ung dung, người đợi thật thảnh thơi.

Trách ngày qua vội …còn tiếc nuối? Ước ngày đừng vội …không nuối tiếc?

Một gánh hết rồi …cứ chơi vơi. Một gánh nặng oằn …cứ rong chơi.

Trăm năm ngoảnh lại …là dâu bể         Trăm năm ngoảnh lại …dù dâu bể

Một phương nào đó khuất ngang trời. Một phương nào đó dọc ngang đời. 

LeBinh.                 Thiện Hữu.


Xin cảm ơn bạn NĐKL, bạn TH đã cho tôi cảm nhận được một ý tưởng, một góc nhìn, một tâm trạng khác biệt, tinh tế hơn của tôi.


Hình chụp tại chân núi Bàu Ghe, thôn Thiện bình, Thiện nghiệp, PT.


LeBinh.

24-10-2023.


NHẬN ĐƯỢC TUYỂN TẬP “QUỐC HỌC HUẾ-ĐƯỜNG VỀ”.

 



        Như cánh chim lạc đàn, khi mà nơi tôi hiện ở, Cựu học sinh Quốc học chắc chỉ có mình tôi…hoặc có một ai khác mà tôi không được biết chăng? nhưng không lẽ nào. 

Năm tháng qua đi, tôi vẫn có những liên lạc cần thiết với bạn bè cũ một thời dưới mái trường Quốc học Huế thân yêu.

        Cho đến lúc, một anh bạn là CHS QH Huế niên khóa 1967-1974, chuyển một bài viết của tôi cho Ban Biên tập tuyển tập “Quốc học Huế - Đường về” năm 2023, mà tôi chẳng hề hay biết cho đến khi bài được chọn đăng và lên khuôn, tôi mới có dịp được nối kết với Ban Liên lạc Cựu Học sinh Quốc học Huế tại TP HCM. 

        Và nay, các anh trong BBT, BLL CHS QH Huế đã chuyển tuyển tập này cho tôi, ngoài ra tôi còn đặt mua thêm vài cuốn nữa để tặng cho các bạn của tôi.

        Không thể bằng vài dòng ngắn ngủi để gởi dến các anh lời cảm ơn chân thành của tôi khi các anh đã cho tôi cái cảm giác được “trở về đàn chim Quốc học xưa” hoặc nhận được những kỷ niệm của các Thầy, Cô và các anh của nhiều niên khóa trước hiện ở Việt Nam hay đang sống ở nước ngoài thể hiện qua các bài viết trong tuyển tập này.

        Xin được trích dẫn một vài ý trong tuyển tập này như một tự sự của chính mình:

        …”Giữa những bộn bề của cuộc sống, đôi khi được cùng nhau gặp gỡ, góp mặt trên một trang sách như thế này, có lẽ cũng giúp lòng chúng ta lắng lại trong những hồi ức êm đềm. Cái cảm giác ấy cũng giống như khi ta đang đi trên đường, chợt bắt gặp một bóng dáng tưởng như quen thuộc của ngày xưa; hay như khi ta một lần nào đó, trở về Huế, được đi lại trên con đường Lê Lợi rợp bóng cây nhưng không còn tha thướt những tà áo trắng Đồng Khánh như ngày xưa, và không hề gặp được một người quen, nên không thể không thấy mình xa lạ giữa quê hương, nhưng rồi ngay lập tức, ta lại thấy lòng ta êm đềm khi trong mỗi bước ta đi có cả bóng dáng của những kỷ niệm thuở học trò hiện về.

Trường Quốc học Huế thân yêu của chúng ta sắp bước vào thời điểm 127 năm ngày thành lập (23.10.1896 – 23.10.2023). Có thể năm nay có bạn trở về trường cũ, cũng có bạn không muốn về, chẳng sao cả, vì quan trọng nhất theo chúng tôi, vẫn là chúng ta có giữ được trong lòng ta những kỷ niệm êm đềm hay không, và nếu ta biết rằng, tình thương và lòng kính trọng mà ta vẫn dành cho các Thầy, Cô chưa hề mất đi trong ta, thì ta vẫn có thể an tâm mà vui sống, vì ta chưa bao giờ phải băn khoăn tự hỏi: ”Tôi là ai giữa mùa thay đổi ấy?” (Thế Lữ).

Vì có hề chi, lòng ta sẽ là cây già đợi gió, và cánh buồm tuổi thanh xuân chắc chắn không thể không quay về bến sông xưa.”…

(Trích: “Lời thưa: NHỮNG BƯỚC CHÂN TRÊN ĐƯỜNG VỀ” của Ban Biên tập Tuyển tập “QUỐC HỌC HUẾ - ĐƯỜNG VỀ”, xuất bản tháng 10-2023).

        Nhịp đập và hơi thở của một thời Quốc học Huế vẫn được các Thầy, Cô và các anh chị làm cho chúng sống mãi trong những tuyển tập, trong sự nối kết, liên lạc không ngừng nghỉ của các anh.

        Xin được cảm ơn BBT, BLL CHS QH Huế tại TP HCM, bạn QS Ta, anh Văn Bích đã trực tiếp liên lạc và tạo điều kiện để tôi được nhận tuyển tập này. 

        Ngoài ra cũng cảm ơn anh Văn Bích đã ưu ái tặng thêm 02 tuyển tập nữa              (“QUỐC HỌC HUẾ - VĂN HÓA”, Xuân Canh Tý, xuất bản quý I năm 2020 và Tuyển tập “QUỐC HỌC HUẾ - QUÊ HƯƠNG”, Kỷ niệm 125 năm Ngày Thành lập Trường, xuất bản quý IV năm 2021).

        Xin được chân thành cảm ơn. 

        Tuyển tập “QUỐC HỌC HUẾ-ĐƯỜNG VỀ” năm 2023 với nhiều thể loại văn thơ, nhạc, hình ảnh được thể hiện qua những chuyên mục như:

1.Biên khảo.

2. Hình bóng Thầy, Cô.

3. Đường về kỷ niệm.

4. Sáng tác.

5. Sinh hoạt.

Lê Bính.

CHS QH Huế, niên khóa 1972-1975.

12-10-2023. 

MÙA TRĂNG THÁNG TÁM.

 


Khi từng chiếc lá dần vàng đi, ngọn gió trở chiều nhè nhẹ mang theo chút se lạnh của một mùa mới...và những con mưa.

        Khi mà hai bên con phố, trong những tiệm buôn đã treo lên những chiếc lồng đèn nho nhỏ, đủ loại, đủ sắc màu,...nào là lồng đèn con bướm, con cá, lồng đèn ngôi sao, con thỏ,...và những chiếc bánh in, bánh dẻo, vuông tròn đủ loại sắp đầy trên các kệ...

        Mùa thu và Tết Trung thu lại về...

        Nhớ mùa Trung thu xưa.

        Năm nào cũng vậy, trước ngày rằm tháng tám, đi làm về Ba tôi không quên đem về vài hộp bánh Trung thu và trên chiếc chiếu trải trước sân, sau bữa cơm chiều, Ba tôi nhâm nhi ly trà nóng, cả nhà quây quần lại, cùng chia nhau chiếc bánh, ngắm trăng từ từ ló dạng trên những ngọn tre xa xa, bên kia bờ đám ruộng vừa gặt xong.

        Gần đến ngày rằm, trăng càng tròn hơn, sáng hơn cho đến khi hòa lẫn với tiếng trống lân bập bùng qua từng con đường làng, làm nao nức thêm sự chờ đợi một lễ hội giữa mùa thu.

        Ánh sáng theo từng bước trăng lên, trải dài ra như dần thắp sáng từng mảnh ruộng, từng bóng cây bên con đường làng, soi rõ lạch nước đang chảy nhè nhẹ với hai bờ lau đung đưa. Ánh trăng tỏa dần ra cho đến khi lên cao, nhỏ lại nhưng sáng hơn, một sắc xanh dịu dàng, lung linh, huyền ảo. 

        Tuyệt đẹp...nên thật đúng khi nói rằng ánh trăng là nguồn cảm xúc bất tận cho nhiều nhà văn, nhà thơ và nếu so sánh ngọn đèn dầu tù mù của cây đèn tạ thuở ấy là một thần dân, thì ánh trăng có lẽ là một hoàng hậu trong những đêm đen.

        Trung thu...cùng với ánh trăng, chiếc bánh bên tách trà cùng với gia đình...và những câu chuyện cổ tích của ngày xưa.

        Còn tôi, vẫn không thể hiểu nổi tại sao lúc ấy, tôi lại "mê" tiếng trống bập bùng của đoàn lân đến như thế. Hễ đêm nào nghe tiếng trống ở đâu đó trong làng, tôi lại cắm đầu chạy về hướng đó, băng qua mấy con đường tối thui, chỉ lập lòe vài con đom đóm, lao vào những đám gai dại chỉ để đi theo và ngắm nhìn những động tác uốn lượn, qua lại, lên xuống...kèm theo từng hồi trống nhịp nhàng theo điệu múa của lân...và vui cùng Ông Địa lúc nào cũng ve vẫy cái quạt mo trêu chọc con lân. Bên cạnh tôi cũng có vài đứa đang mê mẫn chen lấn để xem...vậy đâu phải chỉ có mình tôi "mê" lân. Cứ thế, hết một đợt múa, đoàn lân đến chỗ khác, tôi lại lẽo đẽo đi theo.

        Mùa Trung thu nào cũng vậy, hàng đêm, nếu có dịp tôi lại đi theo đoàn lân cho đến tối mịt mới về.

        Tiếng trống lân bập bùng vẫn thôi thúc tôi từng đêm trong mùa này cho đến khi nhà tôi chuyển ra thành phố. 

        Trung thu, tiếng trống lân vắng dần, không còn nhìn ngắm trăng lên từ những ngọn tre đầu làng, mà phải thật khuya, xuyên qua mấy lớp nhà cao tầng mới thấy được bóng trăng. Món bánh trung thu không còn ngon nữa vì thiếu ánh trăng. Ánh đèn đường đã át đi ánh sáng của chiếc lồng đèn nho nhỏ, mà đúng ra sẽ sáng hơn khi được rước đi trong đêm chỉ có ánh trăng. Trẻ em thành phố chỉ được ra ngoài khi có cha mẹ đi kèm, không như ngày xưa, được "trốn" đi rước đèn cùng với đám bạn hàng xóm.

        Trung thu là một tập hợp những nao nức dành cho sự xum họp vui vầy của gia đình, của bạn bè cùng trang lứa, được dành cho ánh trăng tròn, lồng đèn, chiếc bánh trung thu đủ loại và tiếng trống bập bùng của những con lân. Nếu thiếu một trong những điều trên, có lẽ hương vị của Trung thu xưa cho đến bây giờ phần nào đã phai nhạt đi.

...

         Lớn lên, tôi không còn chạy theo tiếng trống lân bập bùng như ngày xưa, nhưng vẫn còn đó cái nao nức khi tiếng trống lân vang lên đâu đó trong mùa Trung thu và trong cái hồn nhiên của thời "trẻ trâu", tôi vẫn muốn chuyển những nao nức đó cùng với những món quà cho trẻ em của hôm nay, nhất là những em vùng sâu xa như tôi của một thời. 

        Vì đó là những kỷ niệm thật khó quên trong mùa Trung thu.

        Hình: Trung thu năm 2023 tại Tịnh thất Ngọc Phước - Hàm đức - HTB.

LeBinh.

30-09-2023.


CHỊ CỦA TÔI.

  Về chị L.T.H.V.

Trước kia tôi có viết một tản văn "Chị tôi", nhưng ý tưởng là về một bài hát của Trần Tiến, mà bạn tôi - nay đã không còn nữa - trong một đêm mưa dầm, rả rích, với cái loáng choáng của cơn say, đã hát đi hát lại những câu từ của bài hát này trong cái uất ức, trầm vọng về một người chị đã lớn tuổi nhưng chưa có gia đình - con thuyền lênh đênh không bến - và hắn cũng hát cho chính hắn - con thuyền chông chênh không kém...

Cũng có một người chị của tôi với rất nhiều ý tưởng, kỷ niệm về chị mà tôi còn nhớ được từ những ngày mới lớn cho đến nay. Nhất là sau đợt bệnh trầm kha của Mạ tôi mà chị đã bỏ không biết bao nhiêu công sức, thời gian, tâm huyết để giành giựt từng chút sức khỏe, từng chút thời gian.... ngày qua ngày cho Mạ tôi. Nay, cho dù những nỗ lực hết sức của các chị em tôi, Mạ tôi đã không nữa, sau một đời lo lắng, chăm sóc cho các con, cháu, chắt ...số phận đã sắp xếp cho bà một lần nhẹ nhàng mãn nguyện ra đi trong yêu thương. 

Nên tôi vẫn muốn ghi những mảnh kỷ niệm của tôi về chị - một khi ký ức vẫn còn giữ lại được - như lời biết ơn chân thành của một người em đến chị vì tất cả những điều mà chị đã làm cho Mạ cũng như đối với tôi.

Cùng với bài "Chị tôi"...nay vẫn về một người chị nhưng có tựa "Chị của tôi"...

Xin được gởi bài viết này cho chị.

***

Nhà có tám chị em, chị tôi là chị đầu trong gia đình, một người chị gái nữa và đến tôi. Sau tôi là 3 em gái và 2 em trai cuối.

Vì công việc, Ba tôi đã chuyển qua nhiều tỉnh thành, có nơi chỉ ở 4-5 năm lại đi. Huế, Phan Rang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và trở lại Huế một thời gian. Sau đó lại rong ruổi vào làm rẫy tại Đồng Nai (Dầu giây), buôn bán ở Nha Trang, rồi vào Sài Gòn, Thủ Đức và Đồng Nai (Xuân Đông - Cẩm Mỹ) là nơi cuối cùng của Ba tôi. Chỉ tại Đà Nẵng là nơi nhà tôi trụ lại hơi lâu một chút - 8 năm - và nhà cuối cùng trước khi Ba tôi ra đi là ở Đồng Nai, chỉ hơn 1 năm sau khi Ba tôi cất ngôi nhà mà Mạ tôi đã ở hơn 23 năm sau khi Ba tôi không còn nữa. 

        Lúc còn nhỏ, ký ức về chị em chỉ là một mảng mờ nhòa, không rõ nét. Phần vì còn quá nhỏ để ghi nhớ, phần thì thời gian của chị em chỉ là phần còn lại của thời gian học tập và được Ba Mẹ chăm sóc nên những ký ức của chị em chỉ hình thành rõ hơn từ lúc nhà tôi chuyển từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng - cuối năm lớp 3, đầu năm lớp 4 của tôi.

***

Trên dưới tôi đều là chị em gái nên hệ quả đầu tiên là trong tất cả những trò chơi mà tôi bắt đầu chơi được lúc còn nhỏ là những trò chơi của "con gái"...nào là lò cò, nhảy dây, u mọi, ô làng, đánh chuyền, đánh khăn ... Cũng một lý do nữa là Ba tôi không cho mấy chị em ra chơi ở ngoài, nên ở nhà tự bày ra để cùng chơi với nhau....tôi là người "phải" tham gia vào cái hội "con gái" với những trò chơi này cho đủ tay! 

Lúc thì thắng, lúc thua...thắng thì tôi còn hăng hái tham gia ...thua thì tôi "chạy" không chơi nữa...có lúc lại ăn một cái "cốc" lên đầu.

Tay nghề tôi ngày càng được tôi luyện với mấy trò chơi này....có lúc lại thấy thích thú với những tính toán, những thao tác, cử động khéo léo, tinh tế của nó.

Đến nay nhìn lại, tôi vẫn thấy những trò chơi "con gái" ngày xưa cùng với mấy chị em lại tập cho tôi cái tính đằm thắm, nhẹ nhàng, kiên nhẫn đối với một con khỉ - như tôi - lúc nào cũng chực chờ để nhảy ra ngoài đường cùng với bạn bè và làm cho cái tính bồng bột, nóng nảy, bộp chộp...của tôi dịu hẳn đi từ thời mới lớn.

***

Sau này khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng trong những lần chuyển chỗ ở của Ba tôi đều theo con đường học tập của mấy chị em. Từ lúc còn học tại các trường Đại học cho đến lúc ra trường nhận công tác ở đâu, Ba tôi đều tìm cách chuyển công tác, chuyển gia đình đến đó. 

Nếu nói về nhà trong những lần di chuyển đó thì tại mỗi nơi, nào là nhà thuê, mua nhà, mua đất cất nhà, mua nhà sửa nhà...có tỉnh đến 4-5 nhà....tôi không thể nào nhớ hết.

Đặc biệt, trong từng căn nhà mà Ba tôi tạo dựng - dù khang trang hay ọp ẹp, rách nát, rộng rãi hay chật chội, ông đều dành riêng một phòng để thờ tự và từng khu vực riêng cho mấy chị em tôi, để vừa có chỗ học tập, vừa có chỗ sinh hoạt riêng cho từng nhóm chị em.

Chỗ riêng của chị tôi, mà tôi chỉ dám lò mò vào đây khi không có chị ở nhà, thật ra là góc học tập của chị, sách vở để gọn gàng, ngăn nắp đâu ra đó, sạch sẽ...lại thoang thoảng mùi thơm của loại hoa gì đó mà tôi đành chịu không đoán ra. 

Giờ học của chị được tính toán cẩn thận giữa những lúc ăn-ngủ-nghỉ để dưỡng sức cho buổi học tiếp theo, nên rất nghiêm túc, sáng-tối học đến mấy giờ thì nghỉ và ít thay đổi, ngày nào cũng như ngày nào. Không như tôi, giờ giấc là sự phối hợp giữa lang thang và sợ bị đọc bài vào đầu buổi học, nên toàn là giờ "cao su" có thể co kéo bất cứ lúc nào.

Không biết có phải do chuyên cần trong học tập hay vì trí thông minh mà chị tôi trong suốt thời gian học phổ thông các cấp đều đứng hạng nhất hoặc tệ hơn là thứ nhì hoặc thứ ba là đã khóc vì tụt hạng rồi. Tôi nghĩ là cả hai điều này đã bổ sung cho nhau để chị lúc nào cũng là một học sinh giỏi, chuyên cần.

Có một kỷ niệm lúc chị học tiểu học: Lúc chị vào lớp Năm (lớp 1 bây giờ), thấy cô giáo đánh đòn mấy học sinh không thuộc bài. Chị - dù không được kêu tên - vẫn đưa tay đứng dậy và nói: "Thưa cô, đánh em luôn vì em cũng không thuộc bài...". Cô giáo ngớ người ra vì cô học trò nghiêm túc, đầy tính tự giác này.

***

        Do công việc Ba tôi có một máy đánh chữ nhỏ loại portable để sử dụng khi không đến công sở....lúc rảnh rỗi tôi hay táy máy đem ra sử dụng...lâu ngày rồi cũng lóc cóc gõ được vài trang văn bản, đa số là đánh các bài hát mà tôi sưu tầm được.

        Cũng trên cái máy này tôi có thêm công việc và học hỏi được nhiều điều bổ ích. 

        Thời đó sách vở nghiên cứu còn ít và cũng không có hệ thống mạng như bây giờ để tra cứu nhiều tài liệu liên quan đến việc học tập.

        Một ngày, không biết chị mượn ở đâu ra một tập tài liệu dày cộm quay ronéo đã cũ, có trang mờ, nhòe. Về nhà: "K. biết đánh máy, lúc rảnh đánh lại dùm chị để chị trả cho người ta...". Trời đất!...một con khỉ lúc nào cũng muốn nhảy nhót trên cây, hay bung ra ngoài đường....mà gò lưng gõ mấy con chữ cho hết một tập tài liệu dày cộm cả mấy trăm trang. Có nước còng lưng, rụt cổ, mấy ngón tay chai sạn đi... !!

        Dù khổ sở, nhăn nhó nhưng tôi vẫn sắp xếp thời gian, lúc rảnh rang thường là buổi tối để gõ tập tài liệu kia. Một nhiệm vụ tôi cho là quá khó khăn với tôi...

        Tuy vậy, càng đánh tôi càng thấy hứng thú vì đó là một tuyển tập nghiên cứu về thơ văn của nhiều tác giả nổi tiếng tại Việt nam....cho đến nay tôi không còn nhớ tên của tài liệu này...đại khái là Việt nam Thi văn hợp tuyển... hay gì đó.

Túc tắc...ngày qua ngày...tôi cũng hoàn thành công việc, nhưng nhờ vào việc này mà tôi có dịp tiếp cận và học hỏi được nhiều tác giả, tác phẩm thơ-văn kèm theo lời bình, đánh giá những tác phẩm của họ. Nào là Nguyễn công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần tế Xương, Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu, Nguyễn Bính, Xuân Diệu. Huy Cận, Thế Lữ, Nguyên Sa, TTKH, Vũ hoàng Chương, .... nhóm Tự lực văn đoàn, Thạch Lam, Nhất Linh, Nguyễn tường Tam... Quả thật là một kho tàng thi văn hay ho đối với một học sinh chưa hề có khái niệm gì về lãnh vực này, một lãnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với tôi.

        Cho đến nay những vần thơ trong tập tài liệu kia vẫn chập chờn ẩn hiện trong ký ức của tôi...để rồi sau này tôi tập tành làm thơ từ những kiến thức thu thập được qua từng ngày gõ tập tài liệu kia cho chị.

***

Thời đó, thịnh hành vẫn là chiếc xe đạp cho nhiều tầng lớp vì thông dụng và nhất là vừa túi tiền của đa số. Nhà nào có được chiếc Mobilette, Velo Solex đã là sang. Ngon lành hơn là có chiếc Honda Dame hay chiếc 67, chắc chắn và bền hơn cho nam giới. Ba tôi lại đi theo chiều hướng khác, ông chọn một chiếc Bridgestone, rẻ nhưng khỏe hơn ... chỉ có điều bất tiện là xe "hai thì" nên nhiên liệu là xăng phải pha thêm nhớt theo một tỷ lệ nhất định. Chính điều này đôi khi làm tôi phải dắt xe lội bộ vì pha không đúng tỷ lệ xăng-nhớt nên không nổ máy được.

        Cũng như cái máy đánh chữ, lần này với chiếc xe máy, tôi cũng táy máy leo lên, leo xuống, đạp máy, rồ ga...nhiều lần té lên, té xuống, bị la, bị đòn vì dám nghịch ngợm chiếc xe,...

        Tuy vậy sau đó Ba tôi cũng hướng dẫn cách sử dụng xe cho tôi, để có thể thay Ba tôi chạy đi, chạy lại làm một số công việc nào đó cần thiết trong nhà.

        Ngoài thời gian học chính khóa, Ba tôi cho chị học thêm vài môn sau lúc học tại trường, ác thay giờ học lại vào chiều tối (từ 7 giờ đến 9 giờ tối, 3 ngày trong tuần), nên công việc đưa đón chị tôi đi học vào những lúc này dần được giao cho tôi, để Ba tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.

        Vậy là trong nhà ngoài Ba tôi, chỉ có tôi là người có vinh dự được sử dụng chiếc xe đó...và cũng từ đó nảy sinh ra nhiều sự việc.

        Lấy xe đi sớm hơn giờ học, về muộn... thay vì phải về ngay khi xong việc chở chị đến trường - tôi còn nhớ đó là trường Trung học Phan chu Trinh tại Đà nẵng. 

        Mưa hay nắng, tôi dần đảm nhiệm luôn việc đưa đón chị tôi hàng tuần vào các ngày học, lúc thì chạy loanh quanh trên những con đường dần vắng người, lúc thì gác chống, ngồi trên yên xe, dưới tán cây, nhìn sương đêm rơi rơi trên đường, lẩm nhẩm mấy bài hát...chờ cho đến lúc nhìn thấy chị tôi bước ra từ sân trường để đưa chị về nhà yên ổn. Tôi biết có tôi đưa đón chị, Ba tôi cũng yên tâm một phần....chỉ lo là thằng quý tử phá hư chiếc xe...và cũng khá tốn xăng từ khi đưa đón chị đi học đêm.

         Sau này nghĩ lại, lúc đó tôi lại giống như một chú xe ôm chờ khách dọc đường. Vậy mà có lúc lại thành một escorte cho chị trước mấy tên sàm sỡ vô duyên đòi nhìn mặt hay hỏi tên chị tôi.

        Chở chị đi học...chạy loăng quăng...chờ...đón chị về...là chuỗi ngày tháng học đêm của chị tôi và vô tình đây là dịp tôi đồng hành và gắn bó với chị hơn những chị em khác.

***

        Vì đã là một học sinh giỏi khi còn là học sinh phổ thông, nên đến kỳ thi Tú tài bán phần (Lớp Đệ nhị - tương đương với lớp 11 bây giờ), chị học nhẹ nhàng và đi thi cũng thế. Ngay cả với nụ cười tươi rói khi Ba tôi chở chị đi xem kết quả về đến nhà cùng với một câu với Mạ tôi: " Con đậu hạng "ƯU" Mạ"...

        Lúc đó, mặc dù chỉ là Tú tài bán phần, nhưng nếu thi rớt nhiều anh phải đi lính, sau đó là ra chiến trường và đôi khi phải đổi bằng cả sinh mạng. Nhưng chị lại đạt điểm ưu, tôi nghĩ là chị tôi quá giỏi.

        Năm sau, lớp Đệ Nhất, thi Tú tài toàn phần, khi Ba tôi chở chị xem kết quả về nhà, không có nụ cười như năm trước, lần này lại sụt sịt với hai dòng nước mắt, vừa bước vào nhà: "Con đậu rồi, nhưng chỉ là hạng Bình thứ thôi!"...

        Trời ạ!...đậu được là quá tốt rồi ...xá gì hạng "ưu" hay chỉ "bình thứ" thôi...vậy mà chị xem hạng này của Tú tài toàn là một thất bại cho chị. Tuy thế Ba tôi cũng rất vui và đưa cả nhà đi ăn mừng.

        Theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục thời đó, nếu thi đậu 2 bằng Tú tài (bán và toàn phần) hạng ưu thì học sinh đương nhiên được một suất học bổng do nhà nước tài trợ và được chọn theo học một trường Đại học ở một nước nào đó. Có nghĩa là sẽ được tài trợ một suất học bổng toàn phần tại một trường Đại học nước ngoài do mình chọn.

        Nếu trong 2 lần thi Tú tài, đậu một ưu, một bình thứ thì được hưởng một suất học bổng bán phần - nửa còn lại gia đình tự lo - tại một trường Đại học nước ngoài. 

        Ba tôi xăng xái đăng ký và làm ngay một bộ hồ sơ để hưởng suất học bổng này cho chị và mong muốn con mình được học ở nước ngoài...đem về nhà để chị tôi điền vào các mẫu đơn. Nhưng chưa bàn sẽ đi nước nào thì Mạ tôi đã khóc lóc và viện dẫn cả đống lý do để ngăn cản chị...nào là con gái không nên đi xa, đi như vậy thì nhà mất đứa con, rồi Mạ nhớ không đi thăm được...Đúng là bị đắp mô nên con đường phẳng phiu bỗng trở nên gồ ghề, khúc khuỷu. Cuối cùng Ba tôi đành phải chấp nhận mọi lý do của Mạ tôi nêu ra và thế là mơ ước học nước ngoài của chị tôi tan thành mây khói.

        Sự việc này đã trở thành một vết cắt trong lòng chị tôi mà mãi tận về sau này chị vẫn thường nhắc lại với một thái độ chua xót: "Nếu ngày xưa, được đi học nước ngoài thì bây giờ con đã không như vậy".

        Nói cho cùng, mọi việc dường như có một con đường, một "kịch-bản-đời" để mỗi người phải đi trên con đường đó cho đến tận cuối đời.

        Không đi học nước ngoài được, chị tôi đăng ký thi vào trường Đại học Y khoa Huế ... cũng lời ra tiếng vào, lời ong tiếng ve... nào là sợ thi không đậu, con gái học Y khoa khổ lắm, sợ học không nổi, ế chồng, nào là ra Huế học một mình, ở Ký túc xá, ăn uống ra răng?....Vậy mà chị đã thi đậu vào trường Y và chọn luôn Ngành Ngoại-Sản - là ngành ít nữ sinh theo học.

        Ngày đưa chị tôi ra Huế vào trường Y là ngày Ba tôi lại rục rịch lo việc chuyển nhà ra Huế, vì chị tôi đã học ở đây, nên nhà phải chuyển theo chị.

        Đồng nghiệp của Ba tôi nói với ông sao không cho con gái học ở Sài gòn mà thi ở Huế...công tác ở SG sướng hơn, Y SG giỏi hơn Y Huế...Ba tôi chỉ mỉm cười và nói lâu rồi ông chỉ muốn về Huế....đưa con gái về học ở đó cũng là một lần ông được về sống lại ở quê hương của mình sau bao nhiêu năm.

***

        Cần có một chỗ ổn định để chị em tôi đi học, nên Ba tôi đã chọn thuê một căn nhà cuối đường Chi lăng thuộc khu vực Chợ Dinh thượng, thành phố Huế do chú HĐT. - một đồng nghiệp của Ba giới thiệu. Căn nhà cổ, rêu phong, nhưng có một khoảng sân rộng để mấy chị em chiều chiều tập đánh vũ cầu và chơi đùa cùng nhau.

        Buổi sáng, Ba tôi chất hết mấy chị em tôi vào trong một chiếc Jeep màu xám tro, rải cho hết các con vào từng trường trước khi ông đến chỗ làm. Trưa hay chiều cũng thế.

        Thời gian sau, Ba tôi mua một căn nhà khác để gần các trường của con và sửa lại để ở lâu dài tại số 3C/1 đường Trưng Trắc, con đường này ngày xưa có tên là đường Hàng Muối - vì có hai hàng cây muối bên lề đường, cao vút, tán lá xòe ra che mát cả một khoảng không gian rộng lớn.

        Chính tại đây tôi đã sống một thời gian với nhiều kỷ niệm của thời mới lớn, trong đó có cả những kỷ niệm với chị tôi.

***

Cái hay của Ba tôi, là dù cho ở bất cứ căn nhà nào ông cũng chăm chút cho các con có được một chỗ riêng biệt, yên tĩnh để học hành, một khỏang không gian để thờ tự, còn lại là chỗ sinh hoạt gia đình và nơi ăn uống, bếp núc, đâu ra đó. 

        Trong khoảng sân ít ỏi được bao quanh là hàng rào hoa sao nhái,... 3 cây ổi được trồng dọc theo mái bếp bên hiên nhà, 5 cây đu đủ gióng thành hàng ngay ngắn trên lối đi vào nhà, ...tụi tôi hay đùa nhà có 5 gái, 3 trai nên Ba cho trồng 3 cây ổi là mấy đứa con trai - cứng cỏi, trong lòng là hột chắc cú - còn 5 cây đu đủ trái chín vàng ươm, ngọt mát là mấy cô con gái rượu của Ba.

        Mở rộng ra trước nhà, là khoảng sân thấp hơn nền nhà, Ba tôi cho làm một giàn thép, trước là để trồng cây dưa tây. Cây này chỉ cần cắt một đoạn cây cắm xuống đất là mọc lên, tuy vậy khi trổ hoa, cần phải thụ phấn bằng tay mới có thể ra trái. Nên đến mùa ra hoa, cả nhà leo lên chiếc ghế cao lấy hoa đực chấm vào hoa cái để thụ phấn cho hoa kết trái. Lúc đó nhà ăn dưa tây đến ngán, có lúc phải đem tặng cho bà con hàng xóm.

        Khi mùa dưa tây đã hết, Ba tôi cho trồng một cây thiên lý trên giàn, cây này không có trái nhưng ra hoa nhiều và thơm ngào ngạt mỗi khi chiều xuống hay lúc sáng sớm hít thở không khí trong lành luôn hòa trộn với mùi hương thiên lý ngan ngát. Hoa nhiều đến nổi Mạ tôi hái để xào với chút thịt thành một món ăn mà lúc đó ít ai biết đến. 

        Mấy chị em, trong những đêm trăng sáng, lại tụ tập dưới giàn thiên lý thơm ngào ngạt này với mớ bánh ngọt và cây guitare để đàn hát với nhau.

        Cho đến bây giờ thỉnh thoảng tôi lại nghe được mùi hương này thoang thoảng đâu đó trong phòng làm tôi nhớ đến khoảng không gian nho nhỏ dưới giàn thiên lý độ nào.

        Xa hơn một chút trước sân nhà là một ao cạn đầy rau muống mọc lan tứ phía, tụi tôi tận dụng đám rau muống này để có thêm một loại thức ăn sạch cho cả nhà. Hễ rau mỏn đi lại trồng thêm một mớ rau mới để có ăn cho mùa sau. Tối tối từ cái ao cạn này, vọng về tiếng ếch nhái, tiếng dế rả rích trong từng bụi cỏ, lùm cây...như một bản hòa ca dịu vợi của thiên nhiên.

        Hàng năm, mấy chị em theo sự phân công của Ba tôi, lại loay hoay cạo rửa, sơn phết lại căn nhà, cứ như thay áo mới cho nó đón chào một năm sắp đến. 

Suốt một thời gian dài theo gia đình, được sống trong nhiều căn nhà khác nhau, từ chỗ dân cư đông đúc, ồn ào, náo nhiệt cho đến vùng quê, thưa thớt, đìu hiu; nhà lớn, nhà nhỏ...chỉ có căn nhà này - cho đến bây giờ dù bao nhiêu năm trôi qua - tôi vẫn nhớ đến nó nhiều nhất. Có lẽ nó chứng kiến nhiều kỷ niệm thời mới lớn của tôi, trong đó có nhiều kỷ niệm của gia đình. Lúc chia tay với nó - khi toàn bộ gia đình đã đi xa - chỉ có tôi và chị tôi ngậm ngùi chứng kiến cảnh nó phải sang qua một chủ mới.

***

        Thời gian này, tụi tôi yên tâm học hành, chị tôi đã ổn định tại trường Y Huế, tôi không còn đưa đón chị như thời gian ở Đà Nẵng, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn có chuyện để "nhờ" tôi.

        Nguyên là tại trường Y, có một số bộ môn lại giảng dạy bằng tiếng Anh, Pháp, ngay cả giáo trình cũng vậy. Điều này nói lên trình độ của tập thể giảng viên ở đây nhưng cũng là cách làm cho sinh viên phải ôn luyện một sinh ngữ mới. Nên sau này, khi công tác trong ngành tôi mới thấy có một số bác sĩ chỉ sử dụng được tiếng Pháp - khi tiếp xúc với bệnh nhân hay thậm chí lúc ghi chép bệnh án - mà không thể hoặc ít dùng tiếng Việt. Đó là họ đã dùng tiếng này quá nhiều, có lúc quên luôn những từ chuyên môn bằng tiếng Việt. 

        Một nguyên nhân quan trọng hơn mà tôi nhận thức được là quan điểm và phương pháp điều trị của y khoa Việt nam lúc đó thiên về Pháp hơn là của các nước khác....vì ít nhiều vẫn có một số khác biệt về quan điểm và phương pháp điều trị của từng nước. Y khoa Việt nam lúc đó bị ảnh hưởng của 2 nền y khoa chính là Pháp và Anh.

        Vì thế sách tham khảo của họ cũng là tiếng Pháp hoặc Anh, do lúc đó giáo trình y khoa tiếng Việt rất hiếm trên thị trường. Chị tôi cũng thiếu những tài liệu tham khảo như vậy.

        Khi biết được nhu cầu của chị, Ba tôi đã đặt mua một số sách tham khảo tận những nhà xuất bản bên Pháp cho chị có tài liệu để học thêm. Cho đến nay tôi chỉ còn nhớ lúc đó Bưu điện đã gởi về cho chị mấy loại sách như Larousse Médical, Dictionnaire Francaise, Anatomie humaine, Pathologie...đóng bìa rất đẹp, dày và nặng.

        Vậy là với số vốn ít ỏi của tôi lúc học ở một trường thuần Pháp - Lycée Blaise Pascal tại Đà Nẵng - tôi và chị loay hoay dịch những trang tài liệu y khoa toàn là tiếng Pháp. 

        Thật ra không phải tôi hoàn toàn dịch những tài liệu này, mà chỉ thỉnh thoảng câu từ, đoạn nào chưa hiểu chị mới tìm đến tôi, có thể chị cũng ngại khi phải làm phiền thằng em lúc nào cũng mãi rong chơi như tôi. Nhưng chỉ mình tôi trong nhà là theo Pháp văn và cũng có chút rành rẽ hơn, nên đành vậy.

        Đầu tiên vẫn là Anatomie humaine...và một số bài giảng của các thầy mà chị thu âm được...

        Thời gian sau là Pathologie...

        Những kiến thức bổ sung lại tra cứu từ Larousse Médical...

        Cũng như thời gian đánh máy tập thơ-văn cho chị, nay là vào lãnh vực y khoa, trước đó tôi hoàn toàn không có một khái niệm nào về nội dung trên, như bước vào một thế giới khác, hoàn toàn mới lạ. Nhưng rồi bằng cách dịch nó ra, lần hồi tôi cũng nắm được phần nào kiến thức và hiểu thêm một môn học mới. 

        Chỉ là những mảnh rời rạc của một trời kiến thức y khoa trong khi giúp chị dịch những tài liệu này, nhưng ít nhiều tôi cũng biết được một số khái niệm căn bản mà sau này đã giúp ích tôi rất nhiều trong thời gian tôi theo học và công tác trong ngành này của mình. Những kiến thức bổ ích vô cùng...nó vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức.

***

        Mặc dù bận công việc nhưng Ba tôi là người quản lý các con rất chặt chẽ, ít khi cho phép mấy chị em đi chơi hoặc ăn uống bên ngoài....thậm chí tụ họp với bạn bè cũng phải được ông cho phép. Chị tôi cũng không ngoại lệ, đi đâu, làm gì ngoài giờ học phải "báo cáo" tường tận. Ba tôi cho chị đi nhưng tôi phải đi theo để "hộ tống" hay thậm chí "bảo vệ" lúc có tình huống gì xảy ra.

        Đó cũng là một lợi thế của tôi lúc đó, vì muốn đi đâu, chị thường xin cho tôi đi theo để dễ xin Ba tôi cho chị ra ngoài và tôi là người hưởng lợi từ những chén chè, những ly kem, cho những lúc lẽo đẽo theo chị bát phố.

        Lúc nào cũng vậy, ra ngoài, chị tôi vẫn chỉnh chu với chiếc áo dài trắng, nhẹ nhàng thanh thoát...còn tôi thì cũng phải đóng bộ đàng hoàng không thôi thì mất đi một buổi rong phố cùng chị. Vì đi với chị phải ra dáng một chút!

        Thằng con trai như tôi, lúc đó đã học cấp 3 lại "được" chị dẫn đi chơi phố...chỉ là đi bộ, hòa với dòng người, lang thang qua các con phố chính tại Huế... mỏi chân thì tìm một quán chè, quán kem nào đó ghé vào...vừa ăn vừa ngắm phố phường, người xe qua lại trên đường.... quả thật có điều gì đó đáng để mấy ông bạn "trời đánh" của tôi trêu chọc mỗi khi nhìn thấy tôi là cái "đuôi" của chị tôi trên phố...mà phố Huế thì đâu có rộng lớn gì...loanh quanh mấy con phố đã thấy, đã biết đang làm gì...ở đâu?...

        Thoạt đầu tôi cũng ngại ngùng....nhưng rồi tôi lại dần thích những lúc chị em cùng nhau ra phố.... vì ngoài việc mua sắm những đồ dùng cần thiết, chị còn đưa tôi đến vài hiệu sách và tìm những bản nhạc hoặc sách mới được xuất bản...có thể đó là 2 món yêu thích của chị.

        Tôi nhớ nhất là những lúc chị đưa tôi vào những nhà sách như Ưng Hạ, nhà sách Trần hưng Đạo và vài tiệm sách ở những con phố chính ở Huế như đường Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Chi Lăng...Nhà sách nào cũng rộng rãi, yên tĩnh và mát mẻ. Cơ man nào là sách...từ sách đến truyện, tài liệu tham khảo, từ điển, sách giáo khoa đủ loại...đủ kích cở, màu sắc...được bày biện, trang trí rất đẹp.

        Điều lý thú là vào đây, bạn có thể "coi ké" bất kỳ quyển sách nào mình thích trước khi quyết định mua nó....coi từ đầu đến cuối, coi tắt từ khúc đầu, bỏ qua phần giữa đến phần cuối quyển sách để biết kết cuộc của câu chuyện...đứng coi mỏi chân thì ngồi bệt xuống đất...cách gì cũng được, chẳng ai quan tâm đến bạn đang làm gì vì chính họ cũng làm như bạn. Nên những nơi này thật lý tưởng để đọc sách không tốn tiền và không ai làm phiền mình cả...cứ như đang trong một thư viện.

        Những lần như vậy, chị thường chọn mua một số nhạc bản mới, là những bài hát  được in từng bản một trên 2 trang giấy bìa khổ A4. Trước đó, tôi đã nghe nhiều loại nhạc nhưng chưa được tiếp cận với từng bản nhạc in đàng hoàng của tác giả với từng dòng, nốt nhạc...có bản có ghi cả phần hợp âm...trình bày phong phú. Thỉnh thoảng chị lại chọn mua vài tuyển tập nhạc của Trịnh công Sơn, Phạm Duy, Ngô thụy Miên, Lê Uyên Phương...

        Nhưng điều làm tôi thích thú hơn cả là những lúc chị mua sách...ngoài sách giáo khoa cho việc học tập, tôi thấy chị chú ý đến các truyện văn học nước ngoài. Lãnh vực này, lúc đó tôi cũng "mù trất" và chẳng có chút hứng thú nào. Lúc nhìn chị chọn mua thể loại này tôi chợt nghĩ...thời gian đâu để nghiền ngẫm từng trang, từng chữ trong những quyển sách dày cộm này...Vậy mà chị cũng mua.. đặc biệt chị mua mỗi thứ đến 2 quyển giống nhau!... 

        Ủa sao lại cùng một quyển sách lại mua đến 2 bản, lạ vậy!?...tôi cứ thắc mắc mãi cho đến khi về nhà, thấy chị đem mấy cuốn sách vừa mua ra, cẩn thận ghi ngày tháng, nơi mua...ký tắt tên mình vào một trong những trang đầu tiên rồi cất một quyển vào tủ sách của chị...cuốn còn lại chị coi dần.

        Lúc đó, thấy tôi ngẩn người ra, chị mới giải thích sở dĩ phải mua 2 quyển vì một quyển để đọc theo thời gian sẽ không còn sạch nữa, tờ giấy sẽ cũ đi...chị muốn cuốn còn lại được cất giữ không đọc để lúc nào cũng là một cuốn sách mới, đẹp...đôi khi vẫn còn thơm mùi giấy mới. 

        Tôi là thằng lúc nào cũng "túng tiền"...vì Ba Mạ cho bao nhiêu tôi cũng đổ hết vào mấy quán cafe và bạn bè...nên có bao giờ tôi nghĩ phải bỏ tiền để mua những sách, nhạc gì đó...chỉ để xem vài ba lần và xếp ngay chúng nó vào loại "hàng sưu tầm" và lưu trữ theo thời gian. Ấy thế mà chị tôi lúc nào có ít tiền lại nghĩ đến chuyện mua sách hay nhạc mà chị yêu thích.

        Lãnh vực nhạc trước đó tôi cũng nghe nhiều, nhưng trong lãnh vực sách-truyện thì tôi ít quan tâm vì không hứng thú cho lắm hơn nữa là không có thời gian để đọc. Phần nữa là do chị cũng ít khi cho tôi tiếp cận với những sách mà chị đã chọn mua vì cái tính luộm thuộm của tôi.

        Đọc sách của chị...tay phải sạch...đọc thì phải chú ý đến phần đánh dấu trang mà chị đã đọc đến, không được làm nhàu nhò hay xếp trang giấy, không được ghi chép gì trong đó...và không được táy máy đến những cuốn chị đã cất riêng trong tủ sách của chị....có nghĩa là phải có một số quy tắc bất di dịch khi cầm lấy cuốn sách của chị...nên tôi cũng không muốn bị rầy rà khi nhìn thấy nó.

        Lúc rảnh rỗi chị thường đem những cuốn sách đó ra đọc say mê quên cả giờ giấc...thì đúng là có thích mới mua nó về, mà mua về thì phải đọc...đó là chuyện đương nhiên rồi...chẳng biết trong đó có được câu chuyện gì hay ho cho lắm?

        Nhưng cái tính tò mò đã "xúi giục" tôi đọc thử coi trong mớ sách của chị có những gì mà làm chị say mê đến thế.

        Những lúc bị "cấm túc" ở nhà, không có việc gì để làm, tay chân ngứa ngáy, tôi lại tìm đến với những cuốn sách của chị...dĩ nhiên những lúc này không có chị ở nhà.

        Từng cuốn, từng cuốn, lúc đó không biết làm sao chính tôi càng đọc càng bị cuốn hết tâm trí vào những cuốn sách mà chị mua. Hết cuốn này đến cuốn khác, truyện nào cũng hay và tôi đọc hết không bỏ sót cuốn nào. Lúc đó tôi lại thấy "say mê" hơn cả chị khi suốt ngày cứ "chúi mũi" vào những cuốn sách này. Phần là cái tính của tôi, đã không đọc thì thôi, mà đọc thì phải đọc cho hết. Thậm chí có nhiều đêm thức trắng để đọc,  quên cả việc phải đi ngủ hay học bài cho ngày mai. Mỗi câu chuyện là một bài học nhân thế, một câu chuyện hay, những điều bổ ích để suy ngẫm. Quả là nó có một sức thu hút kỳ lạ và mở ra cho tôi vào một thế giới mênh mông quanh mình.

        Không thể kể cho hết những cuốn sách tôi được đọc lúc bấy giờ vì không thể nhớ hết, nhưng qua những cuốn sách này tôi được biết thêm một số tác giả mà trước đó tôi chưa hề biết đến...nào là Antoine St. Exupéry, Erich Maria Remarque, Virgil Gheorghiu, Somerset Maugham, André Maurois, André Gide, Lev Tolstoy, Dostoievski, Chingiz Aitmatov ... mỗi tác giả có vài tác phẩm quá hay mà tôi vẫn còn nhớ cho đến bây giờ. 

        Sau này, tôi đã tìm đọc lại một số tác phẩm thời đó, mỗi lần đọc tôi lại rút ra một số ý tưởng, hiểu thêm một số cảnh đời, thậm chí nhiều triết lý sống được rút ra trong từng câu chuyện mà tác giả đề cập đến. Tất cả đều làm tôi suy nghĩ, thấm thía...bên cạnh đó là cách hành văn, cách viết để cho ra một tác phẩm mà tôi cho là rất có giá trị khi được các nhà xuất bản du nhập vào thị trường sách của Việt nam lúc bấy giờ...dĩ nhiên tất cả đều có một giá trị văn học riêng biệt.  

        Tôi càng hiểu thêm về sự nâng niu và thái độ cẩn trọng của chị đối với những cuốn sách mà chị đã mua...và càng biết ơn chị vì đã cất công mang về những nhạc hay, sách quý mà tôi chỉ là thằng "đọc ké miên viễn" và cũng nhờ chị mà tôi tiếp cận được với dòng văn học quý giá này.

***

        Thông lệ hàng ngày, vào sáng sớm, sau khi thức dậy, Ba tôi thường nghe tin tức trong và ngoài nước qua cái radio bán dẫn nhỏ mà ông mang theo lúc uống mấy tách trà sáng. Sau đó là phần âm nhạc với những tình khúc bất hủ lúc bấy giờ, chỉ toàn là nhạc nhẹ, nhạc xưa, nhạc tiền chiến. Thể loại nhạc này cũng là gout nhạc của chị tôi.

        Riêng tôi, lại chiếm cái dàn máy Akai của Ba và chuyên sưu tập các loại nhạc nước ngoài, Anh, Pháp và đủ loại thập cẩm mà tôi thích. Lúc Ba tôi đi làm, trời mưa không lang thang ngoài đường được, ở nhà tôi lại thả hồn vào những ca khúc này. Có lần khi nghe những ca khúc của nhóm nhạc Santana mà tôi rất thích Carlos Santana là tay guitar chính của nhóm - Oye como va, Black magic woman, Soul sacrifice ...chị nói nghe nhạc gì mà như xoong chảo khua dộng ỏm tỏi...nhức cái đầu! Tôi chỉ cười và vặn nhỏ volume lại một chút.

***

        Chị tôi vẫn theo học tại trường Y, tôi tại trường Quốc học Huế, một chị kế của tôi được Ba tôi cho vào học tại trường Đại học Luật khoa Huế.

        Thời gian này tôi lại có một kỷ niệm không quên cùng với chị tôi về một đêm lễ được tổ chức tại trường Y khoa Huế. Chị tôi đưa tôi theo vì Ba tôi muốn thế để chị có thể tham gia vào buổi lễ được tổ chức trọn một đêm tại đây. Đó là nghi thức Lễ Misa mà năm nào trường cũng tổ chức...cho đến nay tôi vẫn còn nhớ.

        Chiều hôm đó, trường Y có một khung cảnh khác lạ so với ngày thường, cổng trường được làm thành một cổng hoa cho đến tận bên trong là những trang trí hoa văn đẹp mắt, sáng màu...Hành lang dẫn vào khu làm lễ được trang trí lạ thường chỉ có trường Y mới có...nào là những bộ xương trắng hếu xếp thành hàng với nhiều tư thế khác nhau như đang chào đón sinh viên toàn trường và quan khách. Trong ánh sáng mờ mờ, lan tỏa, bên cạnh những bó hoa tươi thắm là những bộ phận của cơ thể người được bóc tách nằm rải rác khắp hội trường. Một số anh chị sinh viên hóa trang nhiều kiểu quái dị.

        Tôi như lạc vào một thế giới huyền ảo lạ lùng khi bở ngở theo từng bước của chị  đi vào hội trường chính. 

        Sau những nghi thức của trường, các anh chị sinh viên dùng các thức ăn dọn sẳn và sau đó là phần văn nghệ cũng do anh chị sinh viên của trường biểu diễn. Tôi vẫn còn nhớ trong ban nhạc có một nhạc công rất đặc biệt. Khi nhìn thấy anh phải vịn vào người đi trước để từng bước lên sâu khấu, tôi mới biết anh bị khiếm thị - tôi còn nhớ anh tên L. là em một anh bạn cùng khóa với chị. 

        Cầm lấy cây guitar điện, anh ngồi xuống một góc bên sân khấu và dạo lên những khúc nhạc đầu tiên cho những tiết mục văn nghệ. Những ca khúc thật hay do anh chị trình diễn. Dưới ánh đèn lấp lánh đủ màu trên cái sân khấu nhỏ, tôi nhớ lúc đó mình đã mê mẫn theo từng nhịp trống, tiếng đàn đến nỗi quên cả khung cảnh đáng sợ mà mình vẫn còn trong đó. Từng dòng nhạc dịu êm thay nhau vang lên trong hội trường như chiếc áo khoác bao trùm lên những vật kinh dị, ghê rợn như xương và nội tạng con người thành những vật thể gần gũi và không còn đáng sợ như nó vốn có và làm cho buổi lễ bỗng êm đềm, dịu dàng, đằm thắm biết bao!

        Thế đó, có lẽ đời người đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời tôi được tham dự một buổi lễ kinh quái, dị thường nhưng thân tình giữa thầy cô cùng với sinh viên của trường và mang đầy tính nhân văn, trân trọng biết ơn đối với những phần cơ thể con người đã được trường Y sử dụng cho quá trình học tập tại đây. Quả thật đây là một thế giới hoàn toàn khác lạ, một kỷ niệm khó quên đối với tôi và cũng là một dịp may hiếm có mà chị đã cho tôi được tham dự.

***

        Cho đến năm 1975.... 

        Miền nam hoàn toàn giải phóng, cũng là năm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của gia đình trong đó có mấy chị em.

        Lúc đó đang là những tháng cuối cùng của năm Đệ nhất (lớp 12 bây giờ), tôi chưa hoàn thành học kỳ 2 của năm học thì Huế được giải phóng vào ngày 26/03/1975. Sau một thời gian chạy vào Đà nẵng, gia đình tôi trở về Huế hoang tàn và đổ nát. 

"Ta về nơi đây, phố xưa dấu đạn

Con đường bên sông cỏ lá buồn tênh"...

("Khói trời mênh mông" - TCS)


        Như lời nhạc của TCS, lần này trở về Huế trong tâm trạng não nề, bi đát vì ngỡ tưởng sẽ không bao giờ có dịp trở lại Huế một lần nữa.

        Mưa từng cơn trên con đường đầy lá vàng rơi rụng, rác rến, vật dụng đủ loại bị bỏ lại vương vãi không ai quét dọn. "Cỏ lá buồn tênh"...con người cũng buồn tênh!

        Căn nhà thân yêu của tôi bị kẻ gian phá cửa, lấy hết những đồ đạc còn sót lại, những thứ không thể mang đi được thì bị đập đổ, phá nát, xé bỏ...Căn nhà chỉ còn lại cái khung tan hoang và mớ rác rến, bụi bặm ....như cái xác không hồn, hoang vắng, điêu tàn. Mấy cây ổi, đu đủ, giàn hoa thiên lý khô queo, chết rũ.

        Cả nhà bắt tay vào dọn dẹp cho một cuộc sống mới trong hoang mang và lo sợ, Ba tôi không lâu sau đó phải đi học tập cải tạo theo chủ trương của nhà nước. Chị vẫn được theo học chương trình dở dang tại trường Y, một chị nữa phải chuyển từ trường Luật sang trường Đại học Sư phạm - vì trường Luật bị giải thể. Chỉ còn gần 3 tháng là hết học kỳ nhưng trường Quốc học phải chuyển sang giảng dạy chương trình mới. Tôi tốt nghiệp cấp 3 (Trung học phổ thông) khóa đầu tiên của chế độ mới sau khi đất nước được giải phóng.

***

        Trước kia chỉ mình Ba tôi đi làm đủ để nuôi sống cho cả nhà, Mạ tôi chỉ có việc ở nhà chăm sóc gia đình và các con. Nay không có Ba tôi, cả nhà phải chật vật với cuộc sống và mưu sinh hàng ngày. Thật khó khăn vì mọi thứ đều đổi khác, từ sinh hoạt trong nhà cho đến việc tiếp xúc với bà con hàng xóm. Tôi và các em tôi vài ba ngày phải chạy lên đồi Từ Hiếu, đồi Vọng cảnh để hốt mớ lá thông rụng rơi, vương vãi quanh những vuông đất trên đó để đun bếp đở phải tốn tiền mua củi đun. Thì thoảng phải chạy vào các xưởng cưa, xin mớ mạt cưa về để đun nấu, nhưng đến một lúc mạt cưa cũng phải mua mới có. Mạ thì hàng ngày qua chợ Đông ba để kiếm sống, mấy chị lớn bận học hành, mấy em thì còn nhỏ chưa thể làm gì để giúp Mạ trong lúc này.

        Theo giấy triệu tập thì Ba tôi chỉ đi học tập hơn một tuần, nhưng cái một tuần đó lại kéo dài đến hơn một năm. Vài ba tháng Mạ dẫn theo tôi lặn lội lên tận vùng rừng núi Bình điền, qua con sông đến Điện Hòn chén, rồi một chặng đường đèo heo hút gió để thăm nuôi Ba tôi. Vài gô thịt ram mặn với ruốc, sả có thể để dành ăn lâu ngày, vài ba ký đường, thuốc lá, dầu gió, thuốc men thông thường, chỉ để gặp mặt Ba tôi vài phút, nghe được vài câu bên cạnh sự canh gác, xoi mói của cán bộ trại.

        Cứ như thế cả nhà sống trong một thế giới hoàn toàn khác hẳn so với trước đó, cho đến ngày Ba tôi trở về, tâm trạng và sự lo lắng của Ba tôi làm cả nhà không yên, tôi thì mấy lần thi vào trường Y nhưng số phận không chọn tôi mà lại chọn một em gái của tôi. Nên đã nói là số phận thì cứ yên tâm mà đi tiếp trên con đường mà nó đã chọn cho mình.

***

        Chị kế tôi tốt nghiệp Sư phạm, được phân bổ vào một trường THCS tại huyện Xuân lộc thuộc tỉnh Đồng nai.

        Không biết có phải do chán ngán vì sự thay đổi hay vì tình nghĩa bà con hàng xóm, lúc đó Ba tôi lại muốn rời đi khỏi chỗ này sau bao nhiêu năm gắn bó, bởi đây là quê hương của mình. Mọi thứ bỗng trở nên xa lạ, phiền toái, lo sợ ngay cả những người bên cạnh.

        Sau những tính toán, lo toan, tầm nhìn vào một chỗ mới hoàn toàn xa lạ, Ba tôi quyết định rời bỏ Huế một lần nữa. 

        Căn nhà được bán rẻ, trả dần cho 2 giáo viên trường Sư phạm để nhờ giúp đở cho tôi được thi vào trường Sư phạm ngành Pháp văn.

        Tiền nhà chỉ trả trước một phần để có tiền mua nhà khi vào Đồng nai, số còn lại trả dần theo thỏa thuận của hai bên mua-bán. 

        Lại dọn dẹp, đùm túm, gói ghém... chuyển nhà như một cuộc di cư về một miền đất mới. Trong số những đồ đạc dọn đi, chẳng còn gì nhiều, chỉ là một số áo quần, vật dụng cần thiết, còn lại là 3 rương gỗ lớn toàn là sách học của mấy chị em.

        Bọn tôi ngậm ngùi thật sự khi phải chia tay căn nhà thân yêu với không biết bao nhiêu là kỷ niệm của một thời, đành đoạn giao nhà cho một chủ mới. Căn nhà một lần nữa chứng kiến giờ phút ly biệt của nó và gia đình. Nhưng phải vậy thôi vì không còn con đường nào cả, chỉ biết có vậy.

        Chị kế tôi đã lên đường nhận nhiệm sở ở Đồng nai, nhà tôi chuyển đi, chị tôi xin vào Ký túc xá của trường Y, còn tôi ở lại đất Huế, lang thang làm gia sư tại gia cùng với mấy người bạn, bạ đâu ăn đó, tối về ngủ lại nhà một bạn nào thuận đường đi. Tạm coi tôi lúc đó như một tên vô gia cư chính hiệu, tuy vẫn còn kiếm được một việc làm để có miếng ăn hàng ngày.

        Còn lại tôi, chị tôi và một em gái cũng học trường Y ở lại Huế, thỉnh thoảng tôi lại vào KTX để thăm chị hay mua cho chị bịch chè, chút bánh...gặp chị cho đở nhớ cả nhà. Vài ba lần chị em hẹn nhau đến mấy thầy Sư phạm đã mua nhà để "đòi tiền" vì số tiền mua nhà còn lại vẫn chưa trả xong, chỉ đợi đến khi đòi mới trả, mà trả dần, ngày càng ít đi theo như thỏa thuận. 

        Tôi nhớ có lần hai chị em lang thang lên nhà ông thầy này để đòi tiền nhà,... không có tiền,...lại hẹn vài ba ngày...hai chị em đi qua cây cầu Ga, gần trường Pellerin, bụng đói cồn cào, chị đã mua 2 ổ bánh mì thịt, vừa đi vừa ăn để về cho kịp lúc trời mưa.

        Chị và em gái kế của tôi vẫn ở lại KTX trường để theo cho đến hết học trình.

        Đến hết năm thứ 2 của Y Huế, Ba tôi đã xin chuyển em tôi từ trường Y Huế vào học tiếp năm 3 tại trường Đại học Y -Dược TP HCM. Lúc xin chuyển trường, Ba tôi dẫn tôi cùng đi và con chó nhỏ ẳm trên tay. Làm sao trong thời kỳ đó Ba tôi lại xin chuyển trường cho em tôi một cách dễ dàng đến thế! Quả thật Ba tôi có một cái tài ẩn chứa mà tụi tôi không thể nhận ra được. 

        Ngày đưa em tôi rời Huế ở bến xe An cựu, chị tôi đã khóc vì xa rời một em gái học cùng trường và có lẽ khóc cho sự cô đơn của mình, khi mọi người trong nhà đã đi xa. L., bạn của tôi đã đưa chị lòng vòng lên nhà thờ Phú cam và dỗ dành chị tôi bằng mấy cây kem mát lạnh.

        Tiền nhà vẫn không được trả đủ, kỳ kèo theo từng lúc bị đòi mới trả. Cho đến một lúc không thể cầm cự được vì xa nhà, ăn ở không ổn, Ba tôi đành phải bỏ số tiền nhà còn lại để tôi có thể về với gia đình.

***

        Số tiền dành dụm tích cóp cọng với số tiền bán nhà ít ỏi có được, Ba tôi mua một căn nhà lá - đúng nghĩa của nó - tại Ngã ba Dầu giây, thuộc tỉnh Đồng Nai, trên đường vào Sài gòn, chị kế tôi lần đầu bước chân vào nhà đã không cầm được nước mắt vì thấy nó quá thảm. Đứng trong nhà nhìn lên trời thì thấy lỗ chỗ cả mây trắng, trời xanh. Ồ... thì  rẽ mà. Phần còn lại Ba tôi mua một miếng đất có được gần 10 cây mít, xoài...và một phần đất trống để trồng thêm thứ gì đó.

        Nhà đã ổn để có chỗ trú chân, chun ra chun vào, nhưng có đất mà không có người làm, Ba tôi sau khi đi học tập về sức khỏe cũng không còn như xưa. Nên đã "triệu hồi" cái thằng lang thang ở Huế vào đây để có người làm. Thế là nghiễm nhiên tôi trở thành lao động chính, cùng với Ba tôi và các em cùng nhau khai khẩn miếng đất để trồng thêm một số cây lương thực như lúa khô, đậu, bắp. 

        Cả nhà toàn là dân làm nông "không chuyên", cả đời chỉ biết cầm cây bút, cuốn sách, nghe nhạc, ngồi cafe...bây giờ thả vào đây, tay có chai sạn đi thì cũng là "cưỡi ngựa xem hoa", trồng thì nhiều mà thu hoạch chẳng bao nhiêu, chỉ đủ ăn là quá tốt rồi, mong gì có dư để bán đi thêm chút thu nhập.

        Do căn nhà cũng chật chội, tôi và Minh - em tôi - đã vào rừng cao su, nhặt nhạnh một số cây gỗ, cắt tranh về phơi khô, bện làm mái lá. Cả nhà đã chung tay dựng nên một căn nhà nhỏ trong phần đất ở sau nhà. Tôi vẽ tranh màu nước treo đầy mấy bức vách, thỉnh thoảng chị em tập trung đàn hát với nhau trong căn nhà này.

*** 

Nhớ Huế, tôi mấy lần ra vào thăm viếng, cho đến khi Ba tôi thuyết phục tôi thi vào một trường Y tế tại Huyện để có "một nghề" sinh sống sau này. Thế là mất đi một lao động chính.

        Vừa thay chị tôi tốt nghiệp trường Y khoa Huế và được Ba tôi xin cho chị về Viện Pasteur Nha trang. Chuyên ngành là một bác sĩ sơ bộ chuyên khoa Ngoại-Sản lại bị phân bổ vào ngành phòng chống dịch bệnh, không dính dáng gì đến việc điều trị. Thật là oái ăm cho cái "sự đời"!

        Chị tôi về Nha trang, Ba tôi lại có lý do để nghĩ tới một cuộc trở về từ miền nam...vì con gái đang làm việc, còn rất nhiều bà con của Ba tôi ở đó, không khí trong lành vì có biển một bên. Theo tôi vẫn là những lý do chính đáng mà mỗi lần Ba tôi muốn chuyển đi một nơi khác.

        Tuy vậy, căn nhà ở Dầu  giây vẫn chưa bán được, nên Ba tôi đã sắp xếp cho cả nhà về Nha trang trước, còn lại tôi đang ở KTX của trường - cách đó hơn 10 cs, đi về bằng chuyến xe lam và Ba tôi trơ trọi một mình với căn nhà chờ bán.

        Thứ 7, Chủ nhật hàng tuần hoặc có ngày nghỉ, tôi lại chạy về căn nhà heo hút đó cùng với Ba tôi trong cái túng thiếu cùng cực vì toàn bộ gia sản đã chuyển về Nha trang cho Mạ tôi có ít vốn liếng sinh sống tạm thời chờ Ba tôi bán được căn nhà này.

        Buổi sáng, chỉ với hơn 50 xu (nửa đồng), Ba tôi và tôi chia nhau một ly cafe đen nóng thêm vài điếu thuốc bó, là 2 loại rẻ nhất, để có một kênh liên lạc cho việc bán nhà và cũng là lý do để mà nói cha con còn đi cafe sáng, gọi là chút phong lưu cho một ngày mới.

        Buổi trưa, buổi chiều là mớ đậu xanh, đậu đen còn sót lại với vài củ khoai mì là bửa ăn qua ngày. Thời kỳ bao cấp hột gạo để nấu cơm bỗng trở thành hạt ngọc đúng nghĩa của nó.

        Hai cha con chống chọi được một thời gian cho đến khi bán được căn nhà tại Dầu giây. Vậy là không còn vướng bận gì nữa, đồ đạc đã chuyển về NT trước rồi, Ba tôi thong dong lên đường. 

        Chị kế tôi, đang dạy tại trường THCS Xuân lộc và được phân một phòng trong khuôn viên trường cùng với vài ba nữ giáo viên, ...coi như chị tạm ổn. Còn tôi, đây là lần thứ 2, gia đình bỏ lại tôi để về một nơi hội tụ mà không có tôi.

        Ba tôi đi rồi, Dầu giây không còn là nơi đi về của tôi nữa...tôi cũng ráng học cho xong chương trình.

        Sau nhiều lần trục trặc xin chuyển công tác về Nha trang mà không được, Ba tôi lại tìm cách "kéo" tôi về với gia đình....và tôi cũng đành chìu theo số phận khi bỏ công tác tại Bệnh viện Suối tre để lò mò trở về Nha Trang...tiếp tục thất nghiệp cho đến khi có một dịp may mà chị đã cho tôi.

        Trong thời gian này, tôi và chị lại có một kỷ niệm chung cũng thật khó quên.

        Một đêm, hai chị em đang ngồi trước nhà nói chuyện vẫn vơ sau buổi cơm chiều, trời đã tối trong cái ngõ vốn tối tăm không ánh đèn đường tại căn nhà 2A Chu văn An Nha trang, tôi bỗng thấy vài ba người lễ mễ khiêng một cái cáng căng ngang một cái võng đòng đưa bước vội trên đường.

        Thoạt nhìn tôi cứ ngỡ là đang khiêng một người đã chết!...nhưng sao cái võng lại động đậy trong đó... có cả tiếng rên rĩ của một phụ nữ... 

        Bỗng dưng đoàn người và chiếc võng đột ngột dừng lại ngay trước mặt chị em tôi.

        Theo linh tính, tôi buột miệng: "Hình như có người sinh chị ơi!..." hai chị em bung người chạy đến bên cái võng lúc này đã được đặt hẳn xuống đất, bên trong là một phụ nữ đang ôm bụng xuýt xoa...vậy là đúng như tôi nghĩ.

        Một may mắn, trước nhà tôi là một nhà Hộ sinh tư, đã lâu không còn hoạt động ... chị tôi mau mắn chạy vào để mượn một số dụng cụ trợ sinh... nhưng do từ lâu không còn làm công việc này nữa nên chủ nhà do dự và nói nếu có ai làm được việc này thì tự chịu trách nhiệm...Không còn nhiều thời gian để ngần ngại, chị đã vội vã tiệt trùng các dụng cụ vừa được mang ra. 

        Mọi việc diễn ra rất nhanh sau đó...

        Sau khi có được một số dụng cụ cần thiết, với một số động tác trợ sinh rành rẽ, chị đã nhanh nhẹn giúp người mẹ vượt cạn.

        Cho đến khi nghe được tiếng khóc oa oa đầu tiên của một đứa trẻ, tôi mới biết cuộc sinh đã hoàn tất phần khó khăn nhất.

        Sau đó chị giao phần chăm sóc cháu bé cho tôi, còn chị tiếp tục chờ để lấy luôn phần nhau thai còn lại.

        Với vài miếng gạc tôi luồn tay vào miệng móc cho sạch những nhớt giải, nước ối còn sót lại, lau sơ người, ủ ấm cho cháu bé với cái khăn lông sạch người nhà đem theo. Lúc đó cháu đã hết khóc và nằm im, hơi thở từng nhịp nhẹ nhàng.

        Quay lại đã thấy chị tôi lấy xong bánh nhau ra khỏi người mẹ và đang gói nó lại bằng tờ giấy báo. Chị an ủi người mẹ là đã xong phần khó nhất cho hai mẹ con và nên yên tâm vì điều đó.

        Thay quần áo cho hai mẹ con, người nhà cho vào nằm tạm tại nhà Hộ sinh tư tại đó, cũng là điều may mắn vì gặp được hai chị em đều trong ngành Y, đã kinh qua việc sinh đẻ, lại trước một nhà hộ sinh. Nếu không, với những trường hợp như thế nếu không xử lý kịp thời, thỏa đáng sẽ có nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con.

        Người mẹ nằm lại đây mấy ngày cho ổn định và trở về nhà, mẹ và con đều khỏe kèm theo những lời cảm ơn.

        Sau này tôi biết, người mẹ tên là Hồng, nhà ở Xóm Cồn, phía dưới nhà tôi một chút, lúc đó chồng chị và vài người hàng xóm đưa chị đi sinh. Dự định sẽ cáng chị đến Bệnh viện tỉnh, nhưng khi ngang qua nhà tôi - cách BV vài cây số nữa - thì chị chịu không nổi nữa và đã có một cuộc sinh ngoài ý muốn tại đây cùng với chị em tôi. 

        Sau lần "trợ sinh" bất đắc dĩ này tôi làm quen với gia đình anh chị là ngư dân mộc mạc, đơn sơ nhưng chân thành và biết ơn hai chị em tôi. Anh chị đã giúp đở và cho tôi nhiều đồ dùng trong lúc tôi không có khả năng để mua sắm lúc chuyển đến khu tập thể của BV TP NT.

***

        Năm 1978-1979.

        Nha Trang có một đợt dịch tả bùng phát tương đối nghiêm trọng. Để khống chế và điều trị đợt dịch này Viện Pasteur đã phối hợp với Bệnh viện thành phố Nha trang tổ chức một điểm điều trị tại chỗ theo nguyên tắc xử lý dịch tại khu vực Hòn chồng Nha Trang. Trong dịp này, chị tôi đã quen với một BS là Giám đốc BV thành phố Nha trang - cũng đang chống dịch ở đây và đã giới thiệu cho tôi vào làm việc tại đây cho đến khi một lần nữa tôi lại bỏ NT mà đi, đó là vào năm 1984.

...

        Lúc chị làm ở Viện Pasteur Nha trang có quen với chú Châu, làm ở Phòng Kế toán của Viện, cũng là người quen với Ba tôi, đã giới thiệu tôi với gia đình Anh chị Ngự, gốc người Huế ở Nha trang mà mãi hơn 30 năm sau tôi vẫn còn vướng vít với mối "duyên nợ" không thành đôi này. 

***

        Năm 1982.

        Là năm em gái kế của tôi tốt nghiệp y khoa, nhưng tại Đại học Y-Dược TP HCM và được phân bổ về Vũng tàu.

        Lúc vừa nghe em tôi có khả năng về Vũng tàu, Ba tôi lại rục rịch với ý định ra đi tìm vùng đất mới một lần nữa. Nên tôi phải xin một phòng tập thể của BV TP NT ở đường Trần Quý Cáp, căn nhà này là của BS TLC., một BS quân đội rất giỏi nhưng do vượt biên không thành nên nhà bị tịch biên và giao cho BV làm khu tập thể cho CBCNV.

        Ngày gia đình chuyển đi là ngày tôi cúng đầy tháng của con trai đầu lòng - 24-08-1982 - tính sao không tính lại đúng vào ngày này. Cả nhà không ai lên cùng tôi để ăn chén chè mừng cho cháu trai đầu lòng. Mọi chuyện đều là số phận cả. 

        Lần thứ 3 cả nhà ra đi mà không có tôi.

***

        Trước khi tôi rời Nha trang vào năm 1984, chị tôi đã vào Sài gòn công tác tại Viện NCD&CCD. Tại đây chị đã quen và kết hôn với một Kỷ sư Sinh học ...đây cũng là một lương duyên bền vững cho đến sau này.

        Ngày kết hôn của chị được tổ chức tại nhà, trước đó tại Nha trang, tôi đã cắt một mớ hoa văn, cặp câu đối mừng cưới, đôi long-phụng lớn, mang vào SG để trang trí đám cưới của chị, nhưng quên cắt cặp râu rồng. Tôi nghĩ chắc không ai phát hiện ra, nhưng có một vị khách trong số ít quan khách được mời lại nhận ra điều này và hỏi tôi cặp râu rồng đâu rồi? Tôi chỉ nói: "Chắc bị con chim phụng ngắt mất cặp râu rồi!". 

        Lúc đó tôi chỉ nghĩ, rồng mất râu chắc cũng hiền, nhưng đúng thật anh rể thật hiền và chu đáo với chị cũng như đối với gia đình vợ mà nhất là đối với Mạ tôi.

***

        1984.

        Ba tôi rất siêng viết thư, chủ yếu là cho tôi vì tôi là đứa ở xa nhất, Nha trang, và cũng vì những bức thư của Ba tôi, như những bức thư "chiêu hồi" tôi trở về với gia đình. Sau những bức thư như vậy, lần này tôi đến với gia đình một lần, lúc đó nhà đang ở tại đường Bùi hữu Nghĩa, Bình thạnh. Nhưng hình như sự liên kết này không bền vững cho lắm, phần thì kinh tế gia đình túng thiếu, nhà ở chật chội, con cháu vướng bận, công việc bấp bênh...năm 1986 tôi trở về Phan thiết và trụ mãi cho đến nay. 

        Thời gian sau, mấy chị em đều có gia đình ổn định, số còn lại vẫn còn đi học và sống chung với gia đình. Nên khá lâu hoặc có dịp chị em mới được gặp nhau tại một nơi nào đó.

***

        Năm 2000.

        Con trai tôi thi vào Đại học.

        Tôi đưa cháu vào thi tại Sài gòn và ở lại nhà anh chị tại đường Phan văn Trị, Bình thạnh.

        Căn nhà tuy không rộng cho lắm nhưng tấm lòng thì không hề chật chội, ngoài việc cho tôi mượn một chiếc xe Honda để chở cháu đi thi, anh chị đã lo cho hai cha con tôi chuyện ăn uống hàng ngày, làm sao cho bổ dưỡng để cháu đi thi....thúc hối dậy sớm, đi sớm không thì đường SG hay kẹt xe, chỉ sợ trễ giờ thi của cháu...

        Sáng dậy đã có bữa ăn nóng sốt, trưa về mâm cơm đã dọn sẳn, ăn rồi nghỉ một chút cho cháu đi thi buổi chiều và bữa ăn tối rất ngon để ngủ sớm, mai dậy sớm.

        Tôi còn nhớ buổi thi cuối cùng của cháu, chị đã thức dậy rất sớm chuẩn bị món thịt bò hầm với đậu trắng ăn với bánh mì. Món này cần có thời gian để hầm thịt cho mềm cùng với đậu và rất ngon...thịt, đậu mềm, nước sốt keo đậm, thấm đồ màu, thơm phức. Cho đến nay tôi vẫn nhớ hương vị của nó và chưa hề ăn lại món nào ngon như thế. 

***

        Ba tôi, sau mấy lần đổi nhà ở đường Lý thái Tổ, qua nhà ở đường Bùi hữu Nghĩa, một nhà ở đường Nơ trang Long - Bình thạnh, lại chạy về Thủ Đức cất căn nhà khác. Năm cuối đời, 1999, Ba tôi về Xuân Đông, Cẩm Mỹ cất căn nhà mà ông chỉ ở được hơn một năm cuối cùng của ông. Mạ tôi và em trai út hiện ở căn nhà này.

        Năm 2000, Ba tôi mất sau một thời gian ngắn bị bệnh. Ông ra đi nhẹ nhàng, êm thắm không như cuộc đời trôi nổi, phiêu bạt, tang bồng của ông.

        Suốt một đời làm việc, lo toan cho các con ăn học, ông còn là "chất keo" gắn bó toàn gia đình. Đi đâu, về đâu ông cũng kéo theo cả đám "rờ mọc" là vợ con sau lưng. Thậm chí lúc ở trong tù - vì chút lý do chính trị lúc bấy giờ - ông cũng mang theo thằng con mới sinh mấy tháng vào ngủ với Ba cho vui.

        Sau khi Ba tôi mất, "chất keo" gắn kết không còn nữa, mọi người cũng bận rộn công việc nên thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau hoặc hàng năm hẹn nhau về cúng giỗ Ba hay thăm Mạ ở Xuân Đông vào dịp Tết. Thời gian này tạm gọi là thời gian yên bình của mấy chị em cho đến ngày Mạ lâm trọng bệnh.

***

        Tuổi bát thập, Mạ tôi vẫn mạnh khỏe, tự chăm sóc bản thân, nấu nướng cho cả gia đình hay cho những lần giỗ kỵ. Thậm chí còn lo cho cả gia đình em út tôi những công việc vặt vãnh như giặt áo quần của mình, giặt luôn áo quần của đứa con út, ủi là cho phẳng phiu để con trai có mớ quần áo tươm tất vào trường đi dạy - mặc dù lúc đó em trai đã có gia đình. Chưa nói đến những lo toan, nhắc nhở hàng ngày cho 2 đứa cháu nội ở chung... cả những công việc vặt vãnh trong nhà...và bà thích như thế, tay chân chẳng lúc nào được yên.

        Nhưng bệnh hoạn như một con đường bất di bất dịch để cho một người phải đi qua đó trước khi đi vào vĩnh hằng. Mạ tôi cũng dần đi vào con đường đó của số phận. Không thể có một ngoại lệ nào khác.

        Bệnh suyển và những cơn khó thở xuất hiện ngày càng dày lên làm hao mòn sức lực của Mạ. Trong những lần như vậy, tôi lại chạy ra chạy vào để chăm sóc thuốc men cho Mạ và cũng qua đi những đợt bệnh đó. Nhưng đó chỉ là những đợt bệnh nhẹ.

        Cho đến một ngày, do bệnh quá nặng không thể điều trị tại nhà được, mấy chị em phải đưa Mạ đi cấp cứu tại BV Huyện Xuân lộc - ngày 11-10-2017 - và sau đó là chuyển vào Bệnh viện Nguyễn tri Phương Sài gòn để điều trị tiếp theo ý kiến của chị tôi, lúc đó Mạ đã quá mệt và mất sức nhiều. May mà đưa đi kịp thời và "còn nước còn tát" dưới sự trợ giúp đặc biệt của BV. Đó là ngày 14-10-2017.

        Những năm tiếp theo là những tháng ngày ra vào BV, những lúc Mạ khỏe, mệt ... xen kẽ, tiếp nối nhau. Có lúc BV phải đóng cửa phòng lại không cho người nhà vào để tiến hành cấp cứu hồi sức tích cực, hồi sinh... Mạ như mấp mé giữa lằn ranh sinh-tử, nhưng cũng kiên cường thật, chưa muốn một chân bước qua bên kia. 

        Điều quan trọng hơn cả là do có sự quen biết cần thiết nên chị là chiếc cầu nối giữa ê kíp điều trị tại khoa và Mạ. Từ đó, mọi chăm sóc điều trị cho Mạ có thể coi là tốt nhất cho một bệnh nhân như thế. 

        Mấy chị em chia nhau ra chăm sóc Mạ, một em trai của tôi đã nghỉ việc để đêm nào cũng trực với Mạ tại BV. Ban ngày là phần của chị tôi. Các em còn lại thì bổ sung vào lúc thiếu người. Mọi công việc của từng gia đình riêng đều bị bỏ qua một bên để chăm sóc cho Mạ.

        Chị tôi đã huy động cả anh rể vào chuyện này và anh là người trợ thủ đắc lực nhất cho chị như chở chuyên chị đi về, chạy vòng ngoài để lo thuốc men hoặc những dụng cụ y khoa cần thiết...và lo cả chuyện gia đình riêng của anh chị.

        Cái tính cẩn thận của chị, từ chuyện viện phí, đến giờ giấc thuốc men, giờ ăn, ngủ, làm vệ sinh cho Mạ đều phải tuân thủ theo một lịch trình nghiêm nhặt nhất, đúng phương pháp, vừa tuân thủ y lệnh của khoa, vừa phối hợp với sự chăm sóc của mấy chị em. Có đứa lại thấy đây là sự khó khăn của chị mà không hiểu đó là cái tính kỷ lưỡng, cẩn thận nhất là khi chăm sóc người bệnh nặng, già yếu như Mạ. Nên có lúc chị lại vấp phải sự chống đối vô lối của vài đứa em ngỗ nghịch. Cái tính của chị vẫn vậy và chị vẫn như thế trong suốt thời gian chăm sóc Mạ cho đến về sau này.

        Trong những lần trực ngày tại BV, chị vẫn đem theo cơm nước từ nhà theo và tranh thủ ăn uống trong những lúc rảnh rỗi.

        Một lần như thế, tôi ngồi với chị vào giờ ăn trưa, đang cầm hộp cơm có mấy miếng cá, miếng rau thì bỗng nhiên khoa gọi do cần một công việc gì đó cho Mạ. Chị buông vội phần cơm xuống, tất tả chạy vào khoa. Tôi ngồi lại với phần cơm, tự nhiên cổ họng đắng nghét, nghèn nghẹn muốn khóc. 

        Cũng là một BS, nhưng vào đây chị lại là thân nhân một bệnh nhân nặng cần khoa điều trị, nên chị cũng hóa thân là một người nhà "thứ thiệt" chấp hành mọi yêu cầu của khoa, thậm chí có nhiều điều chừng như quá vô lý, chị vẫn chấp nhận được. Thế đấy!

        Ngày dần qua, anh chị lo phiên trực ngày, em trai tôi lo phần trực đêm với ổ bánh mì và hũ mứt đậu phụng.

        Sau khi đã đở hơn, Mạ về nhà của em trai - Minh - ở Quận 9 SG, để dưỡng bệnh và tiếp tục điều trị, chị vẫn thường chạy qua để chỉ dẫn thêm về cách chăm sóc, điều trị, ăn uống cho Mạ, bên cạnh đó chị là nguồn cung cấp thuốc men và sữa để Mạ uống hàng ngày. Tôi thì xin nghỉ công tác tại PT một thời gian, chạy ra chạy vào cùng với Minh chăm sóc Mạ, trong lúc cậu ta vừa ly dị xong, nghỉ việc nên nhà chẳng có thu nhập gì đáng kể, tôi còn kiêm luôn cả việc đi chợ và nấu nướng hàng ngày cho Mạ và cả nhà.

        Trong một đợt tôi về PT, Mạ lại trở nặng và phải nhập viện, thời gian này hoàn toàn nhờ vào sự chăm sóc của chị và Minh tại BV. Sau đó Mạ dần ổn định và trở lại nhà Minh tại Quận 9, TP HCM.

        Xuất viện rồi lại nhập viện. Từng năm, được đong đếm bằng vài lần nhập viện ... 2017, 2018, 2019, 2020...một năm vài lần nhập viện và toàn là bệnh trở nặng. Mạ như cây phong bị dập vùi trước những cơn bão của bệnh tật nhưng vẫn vững vàng vượt qua. 

        Vẫn muốn để Mạ ở lại SG để chăm sóc, vì nếu có trở bệnh thì vào BV cũng gần và có sự chăm sóc của 3 chị em, nguồn thuốc cho Mạ cũng dễ tìm mua, nhưng phần là nhớ nhà, phần thì Mạ không quen ở nhà phố, nên giờ tuy bệnh tật, yếu ớt nhưng vẫn nhớ nhà vườn và nhớ con cháu ở nhà cũ nên mấy chị em phải đưa Mạ trở về Xuân Đông.

        Chị vẫn phải chạy ra chạy vào để cung cấp thuốc men, sữa và những ý kiến cần thiết trong việc chăm sóc cho Mạ. Hoặc những lần điện thoại khi cần chị giải quyết vài chuyện cấp kỳ cho Mạ. Đến lúc thay ống thở thường kỳ vài ba năm, đưa Mạ vào SG, vẫn không thể không có sự tính toán, lo toan của chị.

        Một lần bệnh quá nặng, lại phải chuyển Mạ vào SG, tại nhà chị...trong lúc chờ xe cấp cứu đến, bình O2 của Mạ đem từ Xuân đông bị hết...bình dự trữ lại không đem theo, không có bình mới để thay, áp suất O2 máu của Mạ tuột nhanh xuống mức 50%, tim muốn ngừng đập, tiêu tiểu không tự chủ....anh chị đã nhanh tay cấp cứu vừa đẩy xe của Mạ cho kịp vào xe cấp cứu vừa trờ đến để Mạ có O2 trong xe để thở. Nếu không kịp có O2 lúc đó thì Mạ đã không còn nữa.

        Chỉ tưởng tượng ra cái cảnh này thôi thì đã như một màn phim khủng bố tinh thần khủng khiếp mà anh chị tôi đã trãi qua, không có một đứa em nào hết, để làm sao duy trì được nhịp tim và hơi thở của Mạ đến cùng trong lúc chờ xe cấp cứu đến.

        Đợt này chỉ có anh chị thay phiên chăm sóc Mạ...anh trực ngày, chị trực đêm ... ròng rã trong phòng cấp cứu Bệnh viện NTP. Cũng may, đợt này Mạ tôi lại vượt qua, trở về với căn nhà thân yêu.

        Phải nói, nếu không có ý kiến và bàn tay của chị, trực tiếp hoặc gián tiếp, Mạ tôi đã ra đi vài lần trước đó.

        Ấy thế mà thỉnh thoảng chị lại phải bay ra nước ngoài - Sing - để lo cho đứa con trai độc nhất đang công tác bên đó, mà cháu thì chẳng mạnh khỏe chi cho lắm. Một cảnh hai quê, hai bên đều có người bệnh cần chị, ... vất vả thật nhưng chị đều lo chu toàn không kể cái hao mòn thân xác của chính mình, chỉ khi tình cờ đứng lên bàn cân, chị mới thấy mình nhẹ đi 10kg cân nặng cơ thể lúc nào chẳng hay. 

***

        Trong lúc hết lòng hết sức để lo lắng cho Mạ, đến khi chị bị bệnh lại rơi vào thời điểm "phong tỏa đỏ" của đợt dịch Covid tại nơi chị ở....và chỉ có một mình, không ai cả!

        Trong buổi chiều muộn, trên con đường vắng hoe không một bóng người qua lại, là vàng rơi đầy không được quét dọn, với cái túi xách nhỏ đựng vài thứ vật dụng hàng ngày, một mình bên vệ đường chờ chuyến xe chở chị đến khu điều trị cách ly tập trung. Chuyến xe tưởng chừng như chỉ có đi mà không có chiều trở về, trong cái ảm đạm của một chiều mưa. Heo hút và buồn thảm đến lạ lùng!

        Bệnh không ai đưa đi, nằm viện không có người thăm viếng...nhưng có lẽ như nhiều người nói "trời thương"...sau một thời gian điều trị tại đây, không cần sự trợ giúp gì nhiều chị đã may mắn khỏi bệnh, trở về nhà. 

        Trong khi thời điểm đó đã có nhiều người đã tiêm chủng đầy đủ, khi nhập viện vì bệnh này thường chẳng mấy ai trở về.

        Người hiền thường gặp chuyện lành là vậy!

***

        Năm 2023, Mạ tôi đã đi hết đoạn đường đời để vào con đường của vĩnh hằng lúc 95 tuổi, chị tôi không còn nặng lo cho Mạ nữa nhưng để lại là nổi buồn miên viễn vì đã không còn Mạ để làm một người con chí hiếu lúc Mạ ốm đau bệnh tật. Số phận đã giải thoát chị ra khỏi những âu lo, phiền não liên quan đến Mạ, nhưng để lại là cái trống vắng, nhớ nhung khi không có được đóa hoa hồng cài trên ngực áo, mà đó là một bông hồng trắng ...và rất lâu sau này vẫn là một hoa trắng trong đời.

        Tôi, cũng giống như chị, sẽ không còn những ngày tháng được nhìn thấy Mạ ra vào căn nhà mà mấy chị em vẫn hẹn nhau theo về thăm Mạ. Nhưng có lẽ chúng con vẫn thăm Mạ thường xuyên, chỉ là trong tâm tưởng của từng đứa. Lòng yêu thương vẫn còn nguyên như những ngày nào cho dù Mạ còn hay mất đi. Tuy vậy bóng hình giờ đây chỉ còn trong ký ức và nếu không có một người thì lối đi về đó bỗng hoang vắng lạ thường. 

        Cho đến từng tuổi này, tôi mới thấu hiểu được câu: "Gà mất mẹ".

***

        Sau tất cả những điều chị đã làm trong thời gian qua, có thể có một vài đứa em nào đó của chị hiểu hoặc không hiểu, biết được những việc chị làm hay không, có thương yêu, kính trọng chị hay không?...thì đó là suy nghĩ và hành động riêng của từng đứa. Thời gian sẽ trả lời tất cả và nếu chúng không "ngộ" ra được có được một người chị như thế là một điều quý giá...chắc hẳn đứa đó sẽ được trả bằng một "phần thưởng" xứng đáng. Đời là như thế! Vay trả, trả vay rất sòng phẳng cho dù  "nợ nần" nhau chỉ là một lời nói hay thái độ. 

***

        Phần kết cho đoạn hồi ức này, xin được gởi đến các Bác sĩ H., BS N., BS L. BS Tr., tập thể Điều dưỡng, nhân viên Khoa Nội Hô hấp Bệnh viện Nguyễn tri Phương lòng biết ơn chân thành của tôi cũng như của cả gia đình vì đã tận tình chăm sóc Mạ bằng nhiệt huyết và tấm lòng của một "chiến sĩ ngành Y" trong suốt thời gian Mạ tôi nằm viện. 

       Giờ đây, khi người Mẹ thứ nhất đã ra đi, tôi sẽ coi chị như là người Mẹ thứ hai và dành cho anh chị, mà nhất là chị, sự kính trọng vô bờ, lòng biết ơn sâu sắc vì những điều chị đã làm cho Mạ cũng như cho tôi và những đứa em khác...bên cạnh đó là những điều tôi học hỏi được từ chị. 

        Có những kỷ niệm quý giá một thời, có những điều chưa thể hoặc không thể nói ra được, trong góc nhìn của một đứa em khi nhớ về chị, phải viết ra không thì thời gian sẽ vùi lấp tất cả.

        Vì có lẽ không một ai có được người chị như thế. Chị của tôi.

        Cầu mong anh chị luôn mạnh khỏe, an bình, hạnh phúc và trường sinh.

        Cảm ơn chị HV đã hiệu chỉnh và bổ sung.


LeBinh.

24-08-2023.