Ngày lên

Một ngày tự nó đã là một đời với nhiều cung bậc khác nhau. Hãy sống trọn vẹn cho một ngày.

Âm nhạc và hoa hồng

Âm nhạc và hoa kết nối những cảm xúc và thăng hoa cuộc sống.Hãy trân quý và tận hưởng.

Chiều của biển

Một ngày sắp qua với những việc làm được và chưa làm được. Đừng để hoài phí một ngày sẽ qua.

Niêm hoa vi tiếu

Chân lý là mặt trăng trên cao, cũng xa mà cũng gần. Hãy đi theo con đường mà Ngài đã chỉ cho ta.

Hoa Vô ưu

Cuộc sống với bao nhọc nhằn và đầy toan tính. Hãy tỉnh thức, buông bỏ mọi âu lo, sống thanh thản trong hiện tại

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

“Chuông và lá”.



       Lần thứ hai tôi được nghe một ca khúc do bạn tôi thu âm và chuyển cho tôi…cũng là lần thứ hai tôi được biết thêm tác phẩm của cặp đôi thơ-nhạc mà trước đó tôi chưa hề biết cũng như chưa được nghe qua.

“Tình khúc hiên mây” (thơ Toại Khanh - phổ nhạc Nhị Tường) là những tiếng gõ nhịp trầm buồn “Dầu có dầu không…Dầu có dầu không…” tiếp nối nhau như tiếng vọng Bát Nhã “sắc-không…, không-sắc” (…sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc…) và rồi cuối cùng “ngày về đất lạnh gì cũng như pha”.

Tôi được bạn gởi bài thơ thứ hai của Toại Khanh - “Chuông và lá” - do Nhị Tường phổ nhạc. 

“Tôi ôm tục niệm về sơn tự

Thả dần theo những tiếng chuông rơi..

….

Về đâu, cũng cứ là non thẳm

Bên cầu biên giới bóng chiều loang

Nhặt lá rừng thông nhen chút lửa

Ngó chuyện đời trong chút bụi tàn...”

(“Chuông và lá” - Thơ Toại Khanh - trong thi tập “Khi nhà sư qua sông”).

        Sau này khi được biết nhà thơ Toại Khanh là một tỳ kheo pháp danh là Giác Nguyên, tôi chợt hiểu cái “đốn ngộ” và cái vô thường ẩn tàng trong thơ của ông. Nhưng tôi vẫn muốn cảm nhận ông là một nhà thơ làm thơ hơn là một sư thầy làm thơ.

        Cũng như tôi muốn nghĩ đến một PTT với “Động hoa vàng”, “Đoạn trường vô thanh” bất hủ hơn là là sư Tuệ Không làm thơ….cho dù ông không còn là Tuệ Không của một ngôi chùa nào đó.

        Không phải vô tình mà nhạc sĩ Nhị Tường lại chọn “Tình khúc hiên mây”, “Chuông và lá” trong nhiều bài thơ của Toại Khanh để phổ nhạc. Tôi nghĩ đã có một mối giao-hòa-tương-thắm của cô với 2 bài này để rồi từ thơ chuyển thành những cung bậc thấm lòng người.

        Hơn thế tôi cũng đã nghe Nhị Tường trong vài ca khúc của cô - chỉ với cây đàn guitare  - phổ từ thơ của Dã Quỳ Nguyên Giang (“Tay mẹ ngày xưa”), Huyền Không Đạo Hữu (Trả…), …tôi lại hiểu thêm một tác giả với “Phật tánh từ tâm” (trước đó là nhạc sĩ Võ tá Hân hoặc cố nhạc sĩ PD trong “Đạo ca”, “Thiền ca”)

        “Chuông và lá” được bạn Tạ Quang Sơn trình bày với phần hòa âm, phối khí của Anh Vũ và đã chuyển cho tôi. Không như bài “Tình khúc hiên mây” được cất kỷ đến 10 năm mới trình làng.

        Một ca khúc hay vẫn là ý và tứ do tác giả chuyển tải trong đó - nhưng đây là một bài thơ nên phải nói đến cái tài hoa của ngưởi phổ nó thành nhạc. “Chuông và lá” cũng vậy ý-tứ đều có cái gì đó mênh mông, nhưng mong manh, mang chút “thiền tánh” ...và nhạc thì chậm rãi như từng nhịp đời. Hay hơn nữa là giọng ca đặc biệt của TQS đã nâng ca khúc lên một tầm cao hơn...thấm hơn. Hòa âm tốt, âm thanh hay. 

        Xin được giới thiệu với các bạn một ca khúc mới.

        Cảm ơn nhà thơ Toại Khanh, nhạc sĩ Nhị Tường và cảm ơn QS Ta đã chuyển bài hát. 

LeBinh

13-08-2022.


Một thoáng “Hoàng tử Bé”.

 



        Antoine de Saint-Exupéry (29 tháng 6 năm 1900 - mất tích ngày 31 tháng 7 năm 1944)

        Sáng nay với bài viết về một triển lãm “Cuộc hẹn với Hoàng tử Bé” của Antoine de Saint-Exupéry tại Bảo tàng Nghệ thuật Paris, làm tôi nhớ lại một tác phẩm của ông - “Hoàng tử Bé” - mà tôi đã yêu thích và đọc nhiều lần cách đây gần 50 năm.

        Những dòng ý tưởng của tác giả là một phi công vừa là nhà văn, nhà thơ, triết gia, nhà báo… thỉnh thoảng vẫn bàng bạc trong suy nghĩ của tôi.

        “Bởi vì tất cả những người trưởng thành trước đó đều là những đứa trẻ, nhưng ít ai trong số họ vẫn nhớ điều này”.  (A St-Exupéry).

        “Chúng ta chỉ nhìn rõ mọi thứ bằng trái tim. Mắt thường không nhìn thấy những thứ quan trọng nhất”. (A St-Exupéry).

        “Thông điệp được Hoàng tử bé truyền tải đó là gặp gỡ những người mới, cởi mở với những người xung quanh, và đó cũng là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần đến và có thể tìm thấy mình trong đó”, như nhận đình của bà Anne Monier Vanryb, quản lý triển lãm tại Bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí.(trích bài viết của Chi Phương)

        “Tác phẩm này đã được dịch ra hơn 500 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí cả những ngôn ngữ hiếm chỉ còn vài chục người sử dụng, là cuốn sách được dịch nhiều nhất trên thế giới chỉ sau cuốn Kinh Thánh. Bản dịch Le Petit Prince sang tiếng Việt đầu tiên đã có từ năm 1966. Hai bản dịch phổ biến là của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và “Cậu Hoàng Con” do dịch giả Trần Thiện Đạo thực hiện”. (trích bài viết của Chi Phương)

Cố thi sĩ Bùi Giáng gọi đây là "tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry".

        Xin giới thiệu với các bạn yêu thích “Hoàng tử Bé” bài viết của Chi Phương” và chân thành cảm ơn tác giả.

LeBinh.

06-08-2022.

Hình ảnh: Tranh vẽ từ "Hoàng tử Bé" - A.St-Expery.

“Cuộc hẹn với Hoàng Tử Bé tại Paris và những chuyện chưa kể”.

Chi Phương.

        Lần đầu tiên, 30 trong số 141 trang bản thảo gốc của Hoàng tử bé (Le Petit Prince), một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất thế giới, được trưng bày tại Paris cho công chúng Pháp và châu Âu. Đó là những bức ảnh, hay những bức thư tay, bản phác thảo tranh minh hoạ cậu hoàng tử nhỏ, bên cạnh chú chó, vẹt hay ốc sên, và những bức vẽ chưa từng lộ diện cho công chúng.

        Có lẽ không có nhiều triển lãm thu hút được sự quan tâm của người xem từ mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ nhỏ như triển lãm “Cuộc hẹn với Hoàng tử bé” của Antoine de Saint- Exupéry ở bảo tàng Nghệ thuật Trang Trí ở Paris, cũng giống như cách mà cuốn sách Hoàng tử bé thu hút người đọc từ nhiều thập niên qua. 

        Triển lãm về Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry mở cửa đón người xem từ 17/02 đến 26/06/2022 tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí (Musée des Arts décoratifs). Triển lãm tiết lộ những khía cạnh, những góc khuất ít được biết đến của Antoine de Saint-Exupéry, như là nhà văn, nhà thơ, phi công, nhà thám hiểm, triết gia hay nhà báo.

        Gia đình Matthiews sống tại Thụy Sĩ. Hai vợ chồng cùng hai con gái nhỏ đã quyết định đến Paris xem triển lãm nhân dịp này. Trả lời RFI, bà F. Matthiews nhận xét về triển lãm: 

        “Tôi thấy triển lãm rất thú vị, vì được tận mắt nhìn thấy các bản thảo gốc của Antoine de Saint-Exupéry, cả tranh vẽ nữa. Theo tôi, sách của ông ấy thú vị bao nhiêu, thì những gì mà triển lãm giới thiệu thú vị bấy nhiêu. Chúng tôi có cảm giác như bước vào vũ trụ riêng của tác giả. Chúng tôi khám phá những gì mà ông ấy đã viết, đã vẽ (trước khi xuất bản sách). Chồng tôi hâm mộ Hoàng tử bé từ 40 năm nay và ông ấy nhất mực muốn đến xem triển lãm, chính vì vậy cả nhà tôi cùng đi. Đúng thật, dù là ai, người lớn hay trẻ nhỏ, mỗi người đều tìm thấy một phần nào đó của mình trong trí tưởng tượng của Saint - Exupery”. 

        Hoàng tử bé được viết trong thời gian Saint-Exupéry sống ở Hoa Kỳ và lần đầu tiên được in ở New York vào năm 1943 (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Ban đầu cuốn sách là một đơn đặt hàng của nhà xuất bản Reynal & Hitchtcok. Saint-Exupéry được yêu cầu viết một cuốn truyện tranh để sưởi ấm trái tim độc giả thiếu nhi trong không khí đen tối của Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, giữa lúc Mỹ bước vào cuộc chiến. Sau khi nhìn những bản phác thảo về cậu bé mà ông vẽ đi vẽ lại, nhà xuất bản đã đề nghị ông viết một câu chuyện hoàn chỉnh về cậu bé đó. Và phải hai năm sau đó, vào năm 1946, cuốn sách mới được xuất bản tại Pháp, quê hương của Saint-Exupéry, khi ông đã qua đời. Kể từ đó, những câu chữ, thông điệp của Hoàng tử bé lan tỏa xuyên biên giới. Những câu chuyện vượt thời gian với cách viết nhiều hí hoạ, đầy chất thơ, nhưng cũng đậm triết lý về cuộc sống và về tình yêu, đơn thuần, nhưng sâu sắc, khiến cuốn sách đến tay mọi lứa tuổi.  

        Những dụng cụ vẽ, màu nước, hay những nét tẩy xoá và các bản phác thảo, triển lãm đưa người xem vào thế giới sáng tác của Saint-Exupéry, nhiều lần đặt bút tưởng tượng ra vóc dáng của nhân vật chính, người cuối cùng trở thành hoàng tử bé với chiếc nơ thắt ngực, đeo khăn quàng cổ phấp phới trong gió cùng ánh mắt u sầu.  

        Đó là những ấn bản đầu tiên của Hoàng tử bé. Saint-Exupéry đã đưa các tài liệu này cho một nhà báo người Mỹ Silvia Hamilton trước khi ông qua đời vào năm 1944. Sau đó, vào những năm 1960, chúng được chuyển đến lưu trữ tại Thư viện Morgan ở New York, và chưa từng rời khỏi đó mãi cho đến nay. Quản lý triển lãm tại bảo tàng Nghệ thuật Trang trí giới thiệu triển lãm với hãng tin Reuters :

        “Điều mà tôi thấy đặc biệt ở đây đó là việc mà Saint-Exupéry cần dùng bút vẽ để có thể giãi bày ý tưởng. Ông là một nhà văn, nhưng cũng là một phi công. Thông qua triển lãm này, chúng ta có thể cảm nhận tâm hồn nghệ sỹ của ông. Chúng ta có thể thấy rằng sáng tác, vẽ tranh là một hoạt động đi theo ông cả đời và có thể thấy rằng ông ấy đã lao tâm khổ tứ rất nhiều để vẽ ra từng nhân vật. Tại triển lãm, mọi người có thể đọc những bức thư viết tay mà ông gởi cho mẹ ông, xin bà đánh giá về các bức tranh và đưa ra ý kiến. Trong một vài bức thư, ông ấy viết : “Chao ôi, bức này không được, con không biết vẽ ra sao mẹ ạ !” Hơn nữa, Saint-Exupéry cũng đặc biệt quan tâm đến việc tên mình được chú thích trong bức ảnh bìa của cuốn Hoàng tử bé, bởi vì đối với tác giả, đây được xem như là một thành công thực sự, tiếp sức cho ông tự vẽ những bức tranh minh họa cho cuốn sách của mình”.  

        Mở đầu với bầu trời đầy sao và những bức vẽ, triển lãm đưa người xem bước vào thế giới của hoàng tử bé, của tuổi thơ, hay của chính Saint-Exupéry. Người xem khám phá thời thơ ấu của Antoine de Saint-Exupéry, từ khi ông sinh ra tại Lyon năm 1990, cho đến khi đến tuổi thiếu niên. Lớn lên trong một gia đình quý tộc, giỏi làm thơ và đam mê máy bay. Tất cả là những kinh nghiệm bồi đắp ý tưởng cho cuốn sách cũng như những ý niệm về thời thơ ấu – điểm nhấn quan trọng của Hoàng tử bé. “Bởi vì tất cả những người trưởng thành trước đó đều là những đứa trẻ, nhưng ít ai trong số họ vẫn nhớ điều này”.  

        Trong cuốn sách, cụ thể là những cuộc đối thoại giữa Hoàng tử bé và phi công, Saint-Exupéry dường như vẽ ra một đường ranh giới mờ nhạt giữa người trưởng thành và trẻ thơ. Viên phi công tự cho mình là một trong những nhân vật vĩ đại, nhưng thực ra không phải là ai cả và cũng không còn là trẻ con, bối rối trước những câu hỏi dồn dập của Hoàng tử bé. Ngược lại Hoàng tử bé, với lối suy nghĩ giản đơn trong hình hài một đứa trẻ, lại có thể đối mặt với trách nhiệm tự “bảo vệ hành tinh và bông hồng”, giống như một người trưởng thành. Những đoạn đối thoại khiến chúng ta đôi khi cảm giác đó là những đoạn độc thoại nội tâm của tác giả, dường như Saint-Exupéry đã quay lại thời mười tuổi, và tin chắc rằng “truyện cổ tích là sự thật duy nhất trên đời” (On sait que les contes de fée est la seule vérité de la vie). 

        Và trong một góc tối, ánh đèn chiếu vào hình ảnh nhân vật Hoàng tử bé, được đặt trong một hộp kính, vang lên giọng nói : Làm ơn, hãy vẽ cho tôi một chú cừu !, (S’il vous plait ! Dessinez moi un mouton !), như van xin nài nỉ, đôi chút làm nũng của cậu hoàng nhỏ, lặp đi lặp lại. Giữa sa mạc, cách các khu vực có người sinh sống hàng ngàn vạn dặm, lời yêu cầu của một thiên thần nhỏ không cánh đến từ hành tinh khác vang dội trong khắp các gian triển lãm ở Paris. 

        Từ phòng này sang phòng khác, bóng tối bao trùm gian triển lãm, nhưng ánh đèn chiếu sáng từng tác phẩm. Người xem đứng lặng trước các tấm kính, sói xét kỹ lưỡng từng nét bút của Saint-Exupéry, rồi trầm ngâm trước nội dung những bức thư ngọt ngào, giàu cảm xúc và chân thật của tác giả, những lời trách móc gửi cho người thương, và cả những trao đổi giữa tác giả và nhà xuất bản trước khi cuốn sách ra đời. Triển lãm đặc biệt nêu bật hai trong số những nhân vật quan trọng trong cuộc đời của Saint-Exupéry trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, đó là vợ ông, bà Consuelo - người truyền cảm hứng cho nhân vật Rose, và người bạn thân cũng như là chỗ dựa tinh thần của ông, Léon Werth. Triển lãm giúp cho những ai đã đọc Hoàng tử bé có thể hiểu rõ hơn về tác giả. Bà Evelyne, đến xem triển lãm cho biết :

        “Đúng là triển lãm giúp tôi có cái nhìn rõ hơn, nói thực là, khi tôi đọc sách, tôi không hiểu hết được những gì mà tác giả muốn nói. Qua triển lãm này, tôi hiểu được quá trình ông ấy viết ra cuốn sách ra sao. Saint Exupéry đã tạo ra rất nhiều nhân vật khác nhau, và cũng có rất nhiều nhân vật mà ông ấy không đưa vào cuốn sách. Tác giả có những lựa chọn và toan tính riêng. Triển lãm mở ra thế giới của tác giả hơn là của cuốn sách, đó là những điều mà tôi cảm nhận được.”

        Tại đây, người xem cũng khám phá những nhân vật tưởng chừng bị Saint Exupéry lãng quên và cả một chuỗi những sự kiện trong cuộc đời tác giả, dường như đúc kết lên câu nói đi vào lòng người của Hoàng tử nhỏ : “Chúng ta chỉ nhìn rõ mọi thứ bằng trái tim. Mắt thường không nhìn thấy những thứ quan trọng nhất”. 

        Trong những năm tháng đen tối của lịch sử, Saint Exupéry viết lên một câu chuyện mang thông điệp đậm tính nhân văn và triết học, hòa quyện trong lối hành văn đơn giản của trẻ thơ, để mỗi khi đọc lại, ở thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, độ tuổi khác nhau, người đọc có thể đưa ra những cảm nhận riêng và không lần nào giống lần nào cả. “Thông điệp được Hoàng tử bé truyền tải đó là gặp gỡ những người mới, cởi mở với những người xung quanh, và đó cũng là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần đến và có thể tìm thấy mình trong đó”, như nhận đình của bà Anne Monier Vanryb, quản lý triển lãm tại Bảo tàng Nghệ Thuật Trang Trí.

        Gian cuối cùng của triển lãm trưng bày những ấn bản được dịch ra các ngôn ngữ khác. Với hơn 500 thứ tiếng trên thế giới, thậm chí cả những ngôn ngữ hiếm chỉ còn vài chục người sử dụng, Hoàng tử bé là cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới chỉ sau cuốn Kinh Thánh. Bản dịch Le Petit Prince sang tiếng Việt đầu tiên có từ năm 1966. Hai bản dịch phổ biến là của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu Hoàng Con do dịch giả Trần Thiện Đạo thực hiện. Vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày tác phẩm ra đời, nhà xuất bản Gallimard đã chính thức chuyển nhượng bản quyền xuất bản Hoàng tử bé tại Việt Nam cho nhà xuất bản Nhã Nam vào năm 2017.


Cây đu đủ vàng.

 



        Lâu lâu ghé lại nhà anh, thấy giống cây lạ, chẳng biết sưu tầm ở đâu?

Mới nhìn cứ tưởng là cây đu đủ với trái treo lủng lẳng kia đã đến độ chín vàng, nhưng chẳng phải vậy, hóa ra cái nhìn của mình đôi khi cũng bị đánh lừa! 

- Toàn là trái non đó anh!

- Ồ,… còn non sao lại giống như chín vàng vậy anh? tôi ngớ ra

- Ừ, giống đu đủ này còn non thì vàng nhưng chín lại có màu đỏ đó anh.

        Ra là vậy, một giống lạ đây…

Tôi săm soi và tiện tay bấm luôn mấy hình để nhớ một giống cây lạ ở đây.

        Nhìn gần rồi lại nhìn xa, tôi chợt nghĩ một điều.

        Trở về bàn nhậu, anh vẫn còn đó với ly rượu và mấy dĩa mồi trên bàn, tôi hỏi:

- Anh có thấy trồng mây cây đu đủ này giống với mong ước của nhiều người không?

- Ý tưởng gì anh?

- Lúc anh trồng cây đu đủ đó…ở đây nè…ngay trong tầm mắt của anh, mà nhất là lúc anh ngồi đây, lai rai với bạn bè đó.

- …..

        Anh bạn chưa kịp nghĩ ra điều tôi muốn nói…

- Là sao anh?

- Là “đủ vàng” đó…anh không thấy ra he? Tôi cười cười.

- Trời đất..!

        Nhìn ra góc vườn có cây đu đủ đang treo đầy trái vàng ươm, anh ta suy nghĩ …chắc “cha nụi” này nói cũng có ý đó nha.

- Còn chưa đâu anh…kìa…”dzừa (dừa)-đủ vàng”…hehe…Vừa nói tôi vừa chỉ tay ra mấy gốc dừa.

        Lại ngẩn ra, liếc mắt quanh đám cây bên cạnh….đúng là có cả dừa, đu đủ, … lại là đu đủ vàng….

        Ừ thì cũng đúng nè…có cây đủ đủ, phía xa kia là một đám dừa quặt trái chỉ vừa với tầm tay.

        Chẳng để anh ta kịp thấm nhập ý nghĩa của mấy cái cây, khi chợt nhìn xa xa bên góc vườn có cây xoài xòe rộng tán lá, tôi bồi thêm:

-Nữa nè anh, “dzừa, đủ vàng, xài” …

        Câu nói của tôi làm anh ta phải lướt qua một lượt nữa cái vườn cây mà ngày nào anh cũng cắm cúi, cặm cụi ở đây, chăm sóc, tưới tắm từng gốc cây, nhìn ngắm từng chùm lá non, từng bông hoa bung nụ cho đến lúc kết đầy trái nõn nà, xinh mượt, lủng lẳng trên cành. 

        Đúng là cái vườn nho nhỏ của mình, lại có một mớ cây trồng mà “ứng” vào cái câu mà nhiều người thường nói để mua đồ đơm cúng mấy ngày Tết…”cầu-dzừa-đủ-xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài)…như một mong ước đơn giản của gia chủ….lạ hè…vậy là ngoài kia vẫn còn gốc xoài lâu năm và mấy cây mãng cầu…. té ra bao năm chăm sóc mãnh vườn lại không thấy cái điều mà anh bạn nhiều chuyện này nghĩ ra.

        Có vẽ thấm ý, anh ta mỉm cười một mình rồi quay lại với tôi:

- Tớ chẳng “cầu-dzừa-đủ vàng-xài” gì cả…

- Vậy giờ anh mong điều gì?

- Tớ chỉ “cầu-đủ-bạn”…”cầu-đủ-gựu”, “cầu-đủ-dậu” thôi…!

- ….!!?? Tôi chưa kịp hiểu.

        Vừa nhấm miếng mồi sau hớp rượu, anh ta nói:

- Là bạn bè đó, …đủ rượu, và đủ cho bàn nhậu thôi he….tớ chỉ cần chừng đó, chẳng cần chi nhiều! Vậy tìm cho tớ mấy cây này, tớ sẽ trồng luôn ở đây.

        Thì ra là thế.

        Nhưng “bạn” phải thật sự là “bạn”, “rượu” phải là rượu ngon, và nhậu cũng chỉ với vài ba bạn hiền…để mà say nắng, say mưa, say nghĩa, say tình…  với nhau.

        Bó tay, không biết có giống cây nào như vậy để trồng trong mãnh vườn nho nhỏ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người? 

        Nhưng cũng lúc ấy, tôi chợt nghĩ: Có lẽ không cần phải trồng nữa… vì bàng bạc ở đây đã có những cây “bạn”, “gựu”, “dậu” được ươm trồng trong “mãnh-vườn-chung” của nhiều bạn tôi từ bao nhiêu năm rồi.


Nhà anh Bộ.

LeBinh

15-07-2022.




Mưa bụi.

 



Năm nào cũng vậy, vào dịp giữa tháng năm đầu tháng sáu là những cơn mưa của miền 2 mùa mưa-nắng thật ồn ã, dữ dội, chợt đến chợt đi, như trút hàng dãy thác nước từ trên cao xuống từng mái nhà, tán lá, cành cây, con đường … có lúc chợt ngừng, rồi lại bùng lên theo từng đợt chuyển mình khác nhau. 

        Những giọt mưa xiên ngang theo làn gió, những chiếc lá ướt sũng, cành cây oằn mình, thỉnh thoảng rũ đi những giọt nước trĩu nặng, những con chim chẳng buồn tắm những giọt mưa như thường ngày, trốn biệt một nơi nào đó.

        Đường xá là những mảng nước ngập ngụa, nhảy nhót với hạt mưa thành những bóng nước phồng lên rồi vỡ tan từng chiếc. Dòng nước ào ạt chen nhau thoát về một nơi nào đó.

        Những chiếc áo mưa đủ màu, dưới cơn mưa, như những cánh bướm vội vã băng qua đường phố nhạt nhòa.

        Tiếng mưa lúc nhanh, lúc chậm, lúc mạnh, lúc trầm buồn như bản hòa thanh vĩ đại của đất trời, lòng chập chùng về những thoáng xa xưa, về những cơn mưa của một thời … mà đã bao năm, qua nhiều nơi, có lẽ chẳng nơi nào có, trừ một nơi có hắn của ngày xưa - mưa bụi xứ Huế. 

        Khác với cơn mưa ở đây, mưa bụi thật khẽ khàng, không chút vọng động, nhẹ nhàng từ trên cao, lơ lững như chẳng muốn rớt vào đâu cả, lượn lờ trên những con đường, ve vãn những chiếc lá đong đưa, bầu trời mù mù như đám sương sa lạc chốn. 

        Phải chăng những hạt mưa này cũng thật nhỏ bé, mềm mại, tĩnh yên như hạt bụi, nên có tên như thế?

        Những ngày này, con đường lại dẫn hắn lang thang khắp chốn để thấy hạt mưa như những bóng nước tí xíu rớt nhẹ, yên ngủ trong lòng bàn tay, bám trên từng sợi nhỏ của chiếc áo len đan tay, chẳng làm ướt áo, đọng lại trên cả những sợi mi để rồi nhìn xuyên qua nó là cả phố phường lung linh, mong manh như bóng nước trên hè.

        Theo sau một mái tóc để thấy hạt mưa cùng em qua từng con phố, chẳng chịu rơi xuống, cũng chẳng chịu tan đi, như đầu kim nhỏ bé, trắng trong bám hờ trên từng ngọn tóc, lúc lắc nhịp nhàng theo từng bước chân…thì ra vẫn có người chẳng chịu khoác một chiếc áo mưa, như để mưa nô đùa trên tóc, … lại có một ai đó như hắn.

        Ly cà phê nóng trong tay, nhìn từng đám mưa bụi bị gió thổi tốc lên, uốn lượn trên phố như từng đám sương mù giăng giăng, người đi co ro trong ngọn gió lạnh phớt qua...nếu không có mặt đường dưới chân, có lẽ sẽ nghĩ rằng họ đang đi trong một đám mây mù….đám mây trần thế.

        Mưa như giăng thành cột khói uốn lượn, lững lơ như đang đùa cợt với dòng sông …Ừ.. ta cũng là nước nhưng không phải là nước, là mây nhưng chẳng là mây, là sương cũng chẳng phải là sương….chỉ là những hạt mưa bụi của mùa.

        Vậy đó, cứ những ngày mưa bụi rớt trên hè phố, hắn lại đi, như một thôi thúc không thể ngồi yên, dù cho ở nhà là những phút giây tĩnh lặng cùng với vài bài nhạc và một ly cà phê tự pha…Tất cả đều vô vị không bằng những lúc lang thang trên đường hay ngồi xuống một quán cóc nào đó, một mình với ly cà phê đen nóng, đắng chát chẳng cần chút đường…Nghe chút nhạc, ngắm chút mưa, để mà co ro trong cái  se lạnh run người.

        ….

        Một lúc nào đó của ngày xưa, tình cờ hắn đọc được bài thơ của một anh bạn, bài thơ dài mấy đoạn, như ước hẹn với một ai đó…lúc đó hắn thật sự ngạc nhiên khi thấy một thầy thuốc làm thơ tình! Bài thơ quá hay, chỉ tiếc rằng cho đến bây giờ hắn chỉ nhớ lại vài câu khi nghĩ về những cơn mưa bụi ngày xưa: 

…“Anh đã hứa em yên lòng hởi nhỏ

Ta sẽ về đến chốn của riêng nhau

Nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều

Nơi mưa bụi xuống hồn nhau lấm tấm”…

(BS Lô - Viện Pasteur Nha trang của những năm 1980).

         Nhỏ của anh ngày xưa có được đắm mình trong những hạt “mưa bụi rớt xuống hồn nhau lấm tấm”?

            Đã qua rồi những cơn mưa…


Hình: FB Nga Dang Thi.

LeBinh

01-06-2022.



Rượu trái cây Thủy Liêm.

 



        Cách đây đã lâu, một cô bé thuộc thế hệ 8X đã học cách ủ rượu trái cây, chôn xuống đất một thời gian rồi đào lên, tặng cho một ông chú sành rượu ở xa, bình rượu dứa hơn 8 năm vẫn thơm ngọt làm say lòng người ….và rồi một đơn đặt hàng cho 100 lít rượu trái cây tiếp theo của ông chú này như một động lực cho cô bé bắt tay vào việc chế biến các loại rượu trái cây khác nhau như thực hiện một hoài bảo đã ấp ủ từ lâu.

        Một sáng, trời hửng nắng sau mấy ngày mưa nắng thất thường, không khí dịu mát, từng ngọn gió mơn man phớt qua hương nồng của cỏ cây, pha lẫn mùi hương của vài loại hoa bên đường, chúng tôi được cô bé - giờ đây đã là chủ cơ sở sản xuất Rượu trái cây Thủy Liêm - đón tiếp tại một vườn lan với nhiều loại lan đẹp, lạ đang rộ nở từng khóm, có loại mùi thơm thỏang nhẹ trong gió.

        Sau khi cho chúng tôi mục kích các loại rượu trái cây đã làm tại cơ sở này như: rượu nho, rượu dứa, rượu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, rượu sơ ri, rượu cam, nho, dâu….cô bé nói sơ qua quá trình chế biến các loại rượu tại cơ sở.

        Nguyên liệu là trái cây các loại vừa chín, được chọn lọc kỷ lưỡng, tươi tốt, có loại được thu hái ngay tại nhà vườn, đều không sử dụng hóa chất độc hại tới sức khỏe - được mang về rửa sạch, lột võ, cắt mỏng, xếp từng lớp với đường cát trắng theo tỷ lệ 90% trái cây, 10% đường cát trắng - riêng cam, nho, dâu… thì vắt hoặc ép lấy nước và được ủ chứa trong bình có nút thoát. 

        Sau một thời gian, trái cây đã ủ cho ra những dòng nước cốt ngọt lịm từ ít đường và vị ngọt của trái cây, tất cả được chuyển qua những vại sành không tráng men bên trong rồi được chôn xuống đất - còn gọi là “hạ thổ” hay “hấp thổ”.

  Ba tháng sau, mùi vị của rượu đã dịu, thơm ngon hơn và có màu sắc đặc trưng của từng loại trái cây được ủ…màu đỏ thắm của rượu thanh long ruột đỏ, màu trắng ngà của rượu thanh long ruột trắng, màu vàng nhạt của rượu cam, màu mận chín của rượu nho…Tất cả đều được kiểm tra lần cuối và đóng vào những chai thủy tinh xinh xắn chuẩn bị đến tay người tiêu dùng.

        Mẻ rượu các loại gần đây nhất - khoảng 100 lít - đã đóng chai xong chờ ngày xuất ra thị trường, mẻ còn lại gần 400 lít đang hạ thổ chờ đủ thời gian.

        Ngoài các loại rượu hiện có, cơ sở đang nghiên cứu thêm loại rượu mận và rượu xoài nhằm làm phong phú thêm bộ sưu tập rượu trái cây ở đây.

        Với chút ít kiến thức về hóa, tôi cũng hiểu rằng, đây là quá trình lên men rượu tự nhiên - không có chất xúc tác hoặc một men ngoại lai nào - từ những loại đường như Fructose hay Glucose có trong trái cây (Monoshaccaride hoặc Dishaccaride), qua quá trình ủ trong điều kiện yếm khí, nồng độ Oxy là thấp nhất (hạ thổ) - trong thời gian 3 tháng hoặc lâu hơn - nên hạn chế được sự phân hủy các chất hữu cơ có trong nước cốt trái cây có thể làm hỏng chất lượng rượu.

        Đặc biệt một số loại Vitamin có trong trái cây (nhóm B, Biotin, C, E..) có tác dụng tốt đến quá trình lên men rượu và giải phóng thêm các axit amin và các vitamin hoà tan trong rượu làm cho hàm lượng protein trong sản phẩm tăng thêm. Nhiều loại vitamin còn có tác dụng tăng cường hoạt hoá của một số loại enzym trong quá trình lên men rượu.

        Thời gian hạ thổ này sẽ làm cho nồng độ rượu giảm đi nên dịu hơn lúc ban đầu, bên cạnh đó cũng làm giảm đáng kể nồng độ Formaldehyde, nên khi uống không có tình trạng bị nhức đầu, ít độc hại hơn. 

        Hạ thổ còn giúp cho rượu hấp thu được “địa nhiệt” (nhiệt độ trong đất) với một lượng vừa phải làm cho quá trình lên men chậm lại nhưng chắc chắn và không quá nhanh dễ làm hư rượu như ở nhiệt độ bình thường.

        Vị trí để hạ thổ rượu cũng được chọn lựa kỷ, tại những nơi có phong thủy tốt, thông thoáng, cây cối xanh tươi, ánh nắng vừa phải, sẽ làm tăng thêm chất lượng của rượu.

        ….

        “Thủy Liêm” - được ghép từ tên cô chủ nhỏ - Thủy - và địa danh nơi cơ sở tọa lạc - xã Hàm liêm…cũng có nghĩa là nước trong sạch, tinh khiết (“Thủy”: nước; “Liêm” trong từ liêm khiết: trong sạch) …hàm ý nước hay rượu của cơ sở này đều là nước và rượu sạch, không pha thêm chất phụ gia độc hại nào.

        Các loại rượu này có thể dùng riêng lẽ hoặc pha chế thành các loại cocktail khác nhau khi thêm những phụ liệu như sữa, kem,… hoặc pha các loại rượu trái cây với nhau để cho ra những loại rượu có mùi vị đặc trưng khác nhau.

        Với màu sắc tươi nhuận, đẹp mắt tùy theo từng loại trái cây, các loại rượu này phù hợp làm rượu khai vị hoặc dùng cho chị em phụ nữ, ngay cả cánh đàn ông khi có nhu cầu thưởng thức những loại rượu không có nồng độ cồn quá cao nhưng bổ dưỡng cho một bữa ăn gia đình hay lúc liên hoan, hội họp bạn bè.

        Qua một buổi sáng được nghe, biết quy trình chế biến và nếm thử các loại rượu ở đây, đã có bạn có cái cảm giác lâng lâng nhè nhẹ như khi nhấp “ngụm rượu đào”, bừng hồng đôi má, đôi mắt long lanh và cảm thấy vui hơn trong lòng. Hình như đã có chút men say với ly rượu nồng, chút men say tình người qua từng phút giây ngồi lại bên nhau.

        ….

        Xin được giới thiệu cùng các bạn một địa chỉ và một loại thức uống mà bạn nên thử qua một lần khi có dịp.

    Cảm ơn cô chủ nhỏ đã dành thời gian và những ly rượu trái cây đặc biệt trong một buổi sáng tại đây.

        Hình chụp tại cơ sở sản xuất Rượu trái cây Thủy Liêm.

        Thôn 3, xã Hàm liêm, HTB.

LeBinh

21-05-2022.



Tuyển tập “Phan thiết ơi! Tôi nhớ”.

 



Tác giả: Nguyễn Dũng.

        Trong một lần gặp lại, tôi được nhà văn LMV nhắc đến anh bạn là tác giả của tuyển tập “Phan thiết ơi! tôi nhớ” mà trước đó tôi đã đọc một bài viết của anh LMV trên FB - được coi như lời tựa cho đầu sách nói trên.

Khi được nghe qua những bài viết của anh ND, tôi thấy “thấm” với những ý tưởng của anh thể hiện trong tuyển tập này. Bởi vì: “Đó là cái giật mình “tiếc nhớ” về vẽ đẹp của quê hương với dòng sông, vùng đất, con người, sinh hoạt và phong tục tập quán từng gắn bó bao đời mà gần đây đã biến mất, hoặc dần mai một từ lúc nào mà Nguyễn Dũng và chúng ta đối mặt hàng ngày nhưng chẳng hay…” (Trích “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” - tác giả: Huỳnh Thanh - trang 9, Báo Bình thuận cuối tuần số 7041, ngày 15-04-2022)

        Nên anh ấy phải ghi lại những cảm xúc, những ý tưởng cho kịp với dòng thời gian cùng với sự phôi phai của ký ức, đó cũng là một hình thức lưu giữ những hoài niệm của chính mình và tất cả đều “Gỉản dị và tinh tế. Mộc mạc và sâu lắng” (Trích: “Lời tựa” của nhà văn LMV cho tuyển tập này).

        Tôi đã nhờ anh LMV liên lạc với anh ND đặt dùm tôi vài cuốn để vừa đọc vừa tặng cho những bạn bè nào có sự đồng cảm với những hoài niệm của tác giả như tôi. 

        Chỉ lướt qua vài mẫu chuyện, tôi cảm nhận được câu chuyện của anh là những góp nhặt của một nhà “quan sát” tinh tường khi tiếp cận những sự việc chung quanh như chuyện: Bến Cồn Chà, Bờ sông Cái, Bánh canh, chả cá Phan thiết, Xe bò chở nước, Ngọn tập tàng ngày mưa, Dưa hồng trên cát, Rơm rạ một thời, Mùa cá chốt đồng, Nhớ mùa lòng tong, Đời muối; Phan thiết, ai về ăn gỏi cá mai…. để rồi ghi lại những ý tưởng, những cảm xúc của mình qua từng lúc và trở thành những mẫu chuyện được lưu giữ trong đầu sách này. Tất cả đều rất thật và là trải nghiệm của chính anh trong suốt thời gian dài dong ruỗi khắp nơi.

        Tuyển tập này không phải chỉ đọc một lần mà có lẽ phải nghiền ngẫm từng câu chữ và đọc nhiều lần để hiểu và biết cho hết những điều mà anh ND đã trang trãi trong đây.

Xin được cảm ơn hai nhà văn Lương Minh Vũ và Nguyễn Dũng.

LeBinh

14-05-2022.


Cao lầu mì.

 



        Đã lâu lắm rồi, hơn nửa đời người, tôi mới có dịp thưởng thức lại món “cao lầu mì” xứ Quãng.

Cùng với món “mì Quãng” rất nổi tiếng, món cao lầu mì được coi như món ăn làm nên tên tuổi của một địa danh. Tuy vậy món mì Quãng lại phổ biến và được nhiều người biết đến hơn là món cao lầu mì.

Cao lầu là tên gọi một món mì ở Quảng Nam - được xem là một đặc sản của thành phố Hội An - có sợi mì màu vàng nhạt, được trộn chung với tôm, thịt heo, các loại rau sống và ít nước dùng. 

        Nguyên liệu chính của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Trước tiên, gạo thơm được ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy tận Cù lao Chàm, một đảo cách Hội An 16 km. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột với nước xay gạo phải là nước giếng Bá Lễ - do người Chăm làm cách đây cả mấy trăm năm, nên ngọt, mát lạnh và không bị phèn. Sau đó dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng, cắt thành sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm ra sợi mì có độ giòn, dẻo, khô và có màu vàng mận. 

        Cao lầu thường được ăn chung với giá trụng nước sôi nhưng không quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ ít tóp mỡ. Thịt xá xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác giòn dai của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của thịt xíu hòa lẫn chút nước mắm hoặc nước tương ... và tóp mỡ giòn tan trong miệng. 

        Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món này khiêm nhường và thường khó chế biến ở các nơi khác ngoài xứ Quãng. 

        Một đặc trưng khác của cao lầu là thời xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng, muốn ăn món này phải đến các quán có gác lầu để vừa ăn vừa thưởng thức cảnh đẹp từ trên cao, có thể đây là xuất phát tên gọi món cao lầu mì. 

        Nhiều người cũng tìm cách chế biến cao lầu mì ở nơi khác, nhưng đều không như món cao lầu được làm từ quê Quãng. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ, tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế đã làm nên hương vị độc đáo của món ẩm thực này.

        ….

        Con người xa xứ trôi dạt đến một nơi nào xa quê đều phải hòa nhập vào cộng đồng, chọn nơi đó làm một quê hương nữa cho mình, mọi người chung quanh đều có thể là những anh em, bạn bè tốt cho quãng đời ở đây.

        Với món cao lầu mì xứ Quãng thì không vậy, khi thoát ra khỏi cái nôi của mình đến một nơi nào khác, nó khó thể hòa nhập vào nơi chốn ấy, vì luôn giữ cái bản sắc, cái độc đáo của riêng mình, hơn nữa cái thủy, thổ của các nguyên liệu tại nơi đó lại không hề giống nơi chốn cũ. Vì vậy món cao lầu này ít phổ biến hơn món mì Quãng tại các địa phương khác.

        Vậy mà ở một nơi thật xa Hội an - cái nôi của cao lầu mì - đã có một cô bé mày mò tự tìm hiểu cách thức và với những nguyên liệu tương tự đã chế biến món cao lầu độc đáo này, để rồi đem về với gia đình sau một câu nói: “Em sẽ nấu món này cho anh!...”

        Ở đây không có tro từ Cù lao Chàm, không có nước giếng Bá lễ, không có được ngọn rau Trà Quế và chỉ với những nguyên liệu tại địa phương - riêng mì cao lầu phải đặt mua từ thành phố mang về - cô bé đã làm sống lại món cao lầu trong tôi từ bao nhiêu năm.

Đánh đổi lại là một buổi sáng tất tả chọn mua các nguyên liệu cần thiết, là những giọt mồ hôi tươm trên vầng trán, những bước chân vội vã theo nhịp thời gian cho kịp với tiếng nước sôi reo của nồi nước dùng trên bếp, hay từng lúc trở lật món thịt xíu cho vàng đều, thơm nâu. Chưa nói đến cái nhiều, cái ít của chút muối, đường, tiêu, tỏi cho vừa với khẩu vị…đủ làm quên đi cái nắng mưa ngoài kia. Tất cả như một bản hòa ca hoàn hảo tạo nên món ăn hấp dẫn ngon-lành-thú vị.

        Món ăn ngon không phải đến lúc ăn mới biết ngon, mà ngon từ lúc nguyên liệu được mang về tươi sạch, ngon từ lúc đang còn bốc khói ngào ngạt trên bếp, ngon từ lúc dọn ra bàn, ngon từ những người cùng hiện diện để chia sẽ món ăn với mình và quan trọng hơn hết chính là cái ngon từ nghĩa tình của người chế biến và cho phép chúng ta cùng thưởng thức món ăn độc đáo do họ bỏ công làm ra.

        Những cái ngon như thế ngập tràn trong tô cao lầu mì trước mặt mà tôi vẫn ngần ngại chưa muốn ăn vội, cứ để cho món cao lầu xa xưa hội ngộ với món hiện nay, để món cao lầu ở quê nhìn lại món này ở một quê hương mới, dưới bàn tay cô bé em của bạn tôi. Để thấy rằng dù thật khó để món này làm quen với nơi mới, nhưng thật ra cũng như tôi - một người xa xứ - cao lầu mì phải chăng cũng nên hòa nhập vào đó như một quê hương nữa của mình. 

        Ngồi lại với món cao lầu mì ở đây, chẳng phải trèo lên lầu cao để thường thức cảnh đẹp, chung quanh chúng tôi trong sân vườn là những bông hoa tươi tắn, rực rỡ nhiều màu sắc, nồng hương... đang đong đưa trong gió, có lẽ đang thì thầm: “Cao lâu mì nơi đây chỉ có anh chị và chúng em!”. 

        Xin được cảm ơn AC-MK, TH-AT và nhất là AT, AH đã bỏ công sức để chế biến món cao lầu mì độc đáo và cho tôi một ngày được cùng với anh chị em thưởng thức lại món này của ngày xưa, thật xưa …

        Tham khảo: Wikipedia.

Nhà TH-AT.

Hàm thắng.

LeBinh

11-05-2022.


Chuối khô.

 


Có những món ăn thông thường hay đơn giản chỉ là những món ăn vặt hoặc ăn  để uống chung với ngụm trà lại có cách chế biến khác thường, mang trong nó những điều đặc biệt ít ai ngờ đến, ngay cả tôi cũng vậy. 

Ghé lại nhà của cô bạn - một cư sĩ tại gia - tôi được giới thiệu hai món và một ấm trà. Trong lúc quầy quả dọn mấy thứ lên bộ ván ngựa trong nhà, cô bạn thêm một câu: “Em chỉ để dành món ni cho những bạn đặc biệt à nha!”… thì ra là món chuối khô và cốm lớ được làm bằng bắp trồng. 

        Ngoài kia bầu trời ủ ê, xám mây, …còn đây …ly trà nóng và 2 món này quả thật ấm lòng cho một lần ghé thăm.

Hai món ăn dân dã, mộc mạc mà từ lúc còn bé cho đến bây giờ tôi cũng còn thích, ấy vậy tôi vẫn ngạc nhiên khi được nghe qua cách chế biến ra nó.

        Do hàng ngày, ngày nào cũng vậy, cô bạn thường xuyên tụng niệm các loại kinh kệ tại nhà theo các thời khóa khác nhau, trì chú và thiền định. Bàn thờ Phật lúc nào cũng được cẩn kính những bông hoa tươi đẹp theo mùa, hoa quả trái cây…

        Nhiều nhất vẫn là những nhánh chuối mật còn tươi xanh - qua nhiều thời công phu - cho đến lúc chín muồi đã thấm đẫm biết bao lời kinh, câu kệ, những câu chú được trì tụng thuộc lòng từ tâm khảm, công đức được hồi hướng cho đến cả những hoa quả, vật dụng cúng dường.

        Chuối chín được bóc võ, gói cẩn thận vào mấy lớp nylon trong veo, phơi nắng cho đến lúc mật chuối chín muồi tươm ra nâu sẩm, rồi tiếp tục phơi cho đến khi mật thấm trở lại vào trái chuối đã khô đi teo nhỏ lại so với lúc ban đầu.

        Bóc mấy lần lớp nylon bọc trái chuối tôi thầm khen cái khéo léo, cẩn thận của người làm, vừa nhấm nháp ly trà vừa tận hưởng những công đức hồi hướng của người làm qua từng miếng chuối khô ngọt lịm mật đường, tôi càng quý giá món ăn tưởng chừng như đơn giản này. 

        Món cốm bắp được làm từ những trái bắp tươi, lặt hột ra, phơi khô rồi rang trên chảo chỉ với lửa nhỏ, liu riu, đảo đều tay…vì quá lửa hột bắp sẽ nổ ra thành món bắp nổ. Lúc rang cho thêm đường cát, gừng giã nhỏ cho đến lúc thấm đều, khô vàng, sau đó xay nhuyễn, để dành ăn dần. Người chị ở quê đã làm món này gởi về cho cô em lúc nào cũng ấp ủ những món quê hương.

        Cô bạn chỉ chờ tôi vừa hết trái chuối khô, lại bóc tiếp trái nữa cho tôi. ..”Anh ăn cho hết mới được về nhen!…”. Mỉm cười, tôi thầm nghĩ chẳng cần phải nói, tôi cũng ăn cho hết mấy trái chuối khô và món lớ bắp đầy tình nghĩa này trước khi ra về. 

        

        Có mấy ai trong mỗi chúng ta có một ý niệm về những gì mà mình thọ thực hàng ngày không nhỉ? những món ăn mà tự nó đã hòa đượm những câu kinh, tiếng kệ hàng ngày hoặc mang trong lòng những công đức hồi hướng của nhiều thời công phu, trì chú mà cô bạn tôi đã làm ở đây.

        Lâu nay tôi vẫn nghĩ món ăn sạch, bổ dưỡng là những món không pha lẫn hóa chất độc hại cho con người, nay qua một buổi ghé thăm cô bạn tôi biết thêm thế nào là một món ăn tuy đơn giản nhưng thật sạch, thanh cao, đầy tình nghĩa như mấy món hôm nay. 

        Xin được cảm ơn cô bạn và mấy món nhà làm đặc biệt này.

        ….

        Trời đã buông những hạt mưa bay bay chẳng làm ướt áo…chợt nắng, chợt mưa; chợt đến, chợt đi…ánh mắt nhìn theo tận đầu ngõ như còn quyến luyến cho lần sau…

        Cớ sao lại có câu: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách…” nhỉ?

Nhà Thu Thảo

Mũi Né

07-05-2022.