Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Cô bé bên đường tàu.

Cô bé bên đường tàu.

Sau khi chuyển nhà nhiều lần, Ba tôi đã chọn một khu đất, nằm giữa đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải phòng) và bên cạnh là đường Ông ích Khiêm nối dài từ chợ Cồn xuống bờ biển Thanh Bình, để tạm dừng chân tại thành phố Đà nẵng.
Có lẽ do khu đất này, thực chất là một cái ao bị bỏ hoang lâu ngày và phía trước nó là một đường rầy xe lửa chạy qua, nên chẳng ai chú ý đến ngoài Ba tôi.
Căn nhà được hoàn chỉnh sau thời gian xây cất, rộng rãi, thoải mái hơn mấy căn cũ và từ đây chúng tôi lại bắt đầu cuộc sống tại một nơi ở mới.
Cái bất tiện duy nhất ở đây là những chuyến tàu đều đặn hàng ngày chạy qua trước nhà cùng với tiếng còi tàu báo hiệu trước khi vào sân ga gần đó. Thì ra, trước nhà tôi là một đoạn đường rầy xe lửa cắt ngang đường Nguyễn Hòang (cũ) và đường Ông ích Khiêm để chạy vào ga xe lửa nằm phía bên kia đường Ông ích Khiêm.
Thời gian đầu, một ngày đến bốn lần, tôi rất khó chịu vì nghe tiếng còi tàu đinh tai nhức óc cùng với tiếng rầm rập của bánh xe lửa nghiến trên đường ray, nó cắt đứt mọi suy nghĩ hay việc làm của tôi để rồi tôi chỉ biết ngồi thừ ra đó chờ cho đoàn tàu và âm hưởng của nó rời khỏi cái tai và cái đầu, tôi mới làm việc lại được.
Dần dà tôi cũng quen dần với những âm thanh đó, chấp nhận nó như một phần trong sinh hoạt và cuộc sống của tôi tại đây, có lúc tôi lại xem nó như một lọai chuông báo hiệu để tôi có thể hình dung ra giờ giấc cho một ngày, sáng trưa, chiều, tối....không có ngày nào là không có.
Sau khi nhà tôi về đó một thời gian, nhiều gia đình cũng chuyển về đó cất nhà, trồng cây, lập cái vườn nho nhỏ làm cho cái xóm tôi ở đông dần lên, tụi con nít trạc tuổi tôi vì thế cũng dần đông vui hơn.
Tôi đã quen thuộc với đường rầy, tiếng còi tàu inh ỏi và cái cách mà đoàn tàu đi chậm lại ngang qua nhà tôi, kéo từng hồi còi báo hiệu cho người gác ghi kéo xong những rào chắn cho đoàn tàu an toàn đi qua hai đoạn đường đó.
Lúc rãnh rổi tôi lại ngắm nhìn đoàn tàu kéo theo một dãy các toa nhưng không có toa hành khách nào, chỉ toàn là toa hàng chở từng thùng lớn hay container bằng thép, bằng giấy đủ loại. Có lúc, tôi cùng bọn trẻ trong xóm cứ đứng nhìn và tưởng tượng ra đủ thứ mà đoàn tàu kéo trên mấy toa, không biết có gì trong đó và cũng chẳng hiểu vì sao mà ngày nào cũng chở đi những cái thùng to đùng như thế.
Cho đến một ngày, không hiểu vì sao, lúc đến trước nhà tôi, bổng dưng đoàn tàu đột ngột dừng lại, kéo từng hồi còi. Đang ở trong nhà tôi chạy vội ra xem vì không nghe tiếng rầm rập của bánh xe trên đường ray mà chỉ nghe hồi còi có vẽ khác thường.
Lũ trẻ trong xóm cũng đã tụ tập đông đủ lóng ngóng xem cái gì đang diễn ra với đoàn tàu. Tôi thấy đoàn tàu dừng hẳn lại, không nhúc nhích chút nào, không phải do kẹt xe ở hai con đường chắn qua đường tàu, có lẽ tàu bị hỏng hóc gì đó nên không thể di chuyển được.
Đang thả mắt nhìn suốt con tàu, tôi bổng nghe tiếng í ới của bọn trẻ và rồi thấy chúng đua nhau chạy đến cuối một toa tàu và túm tụm vào đấy, những đứa khác cũng lao vào theo. Tôi lạ lùng không biết đám trẻ này đang làm gì bên góc toa tàu.
Chỉ thấy một thóang sau đứa nào đứa nấy cũng hai tay cầm mấy lon nước ngọt, đồ hộp, và đủ thứ lon, hộp gì mà tôi chẳng biết có gì bên trong....có đứa lại cuộn tròn cái áo mà chứa đủ thứ trong cái túi lùng nhùng trước bụng.
Khẽ nhích người lên cao một chút, tôi thấy tụi trẻ đang chụm đầu chen lấn nhau để cố móc lấy móc để mọi thứ có trong cái thùng giấy đã bị thủng một lổ lớn trên toa tàu. Thì ra những lon, hộp....mà đám trẻ lấy được là từ lổ hổng này của thùng hàng này.
Có đứa chạy đi, chạy lại mấy lần để chuyên chở "chiến lợi phẩm" mà tụi nó thu được từ toa tàu. Cứ như một đàn kiến đang túm tụm vào rúc rỉa con mồi béo bở.
Tôi đứng đó nhìn tụi trẻ hí hởn chạy đi, chạy lại với những thứ thu được từ thùng hàng, đủ loại, đủ thứ và nhiều quá đi...trong lòng bùng lên cái ham muốn được nhập vào đám trẻ để kiếm một mớ đồ giống như tụi nó đang làm ngoài kia. Tụi nó cũng như mình, cũng trạc tuổi mình… tụi nó làm được thì mình cũng làm được vậy. Có sao đâu ?
Nhưng cũng trong lúc đó lại có tiếng nói vang lên tự sâu thẳm trong tôi :
- Không được đâu nha, những thứ ngoài kia không phải là của mình nên không được lấy nó, vì lấy nó là sai và điều mà những đứa trẻ kia đang làm là điều không thể chấp nhận được mà tụi nó không nhìn thấy.
Cứ thế, hai luồng tư tưởng đối chọi nhau cứ chạy qua chạy lại trong đầu của tôi. Bản năng thì bảo tôi cứ chạy ra và làm theo những gì bọn trẻ kia đang làm, còn lý trí thì bắt tôi phải đứng im tại chổ không được nhập vào đám đông hỗn loạn ngoài kia.
Có lẽ cuối cùng cái lý trí vẫn còn sáng suốt của tôi đã giữ tôi đứng lại trên bậc thềm nhà tôi và giúp cho đôi mắt của tôi cảm thấy nhàm chán với việc làm của tụi trẻ.
Đưa mắt nhìn quanh xóm nhà tôi giờ đã vắng tanh, tôi bắt gặp cách nhà tôi mấy căn có một cô bé cũng đang đứng nhìn đám đông "hỗn mang" ngoài kia như tôi.
Thì ra tôi không phải là ngoại lệ vì có người chắc cũng có cùng tâm trạng như tôi lúc này và chắc hẳn rằng cũng có nhiều điều xảy ra trong đầu cô bé đó giống như tôi. Từ đó tôi bắt đầu chú ý đến cô bé mà có lẽ nhà cũng mới dọn về xóm tôi.
Thời gian trôi qua rất nhanh, đám trẻ vẫn hăng say móc những thứ còn lại trong thùng hàng và mỗi lúc một đông hơn cho đến khi một hồi còi vang lên và con tàu từ từ chuyển động. Chỉ đến lúc này tôi mới thấy đám đông dãn ra, trên tay là đủ thứ đồ vật với vẻ mặt hí ha hí hửng đang cười nói với nhau.
Liếc nhìn về phía cô bé, đầu nghiêng về một phía, dãi tóc dài xỏa nhẹ che nửa khuôn mặt thon dài, tôi thấy cô ta vẫn thản nhiên, không lộ vẽ cảm xúc gì, cũng chẳng màng nhìn đến bọn trẻ ngoài kia, hình như đang nhìn mây bay trên trời thì phải.
Có mấy đứa đi ngang qua và nói :
-  Sao mi không ra "hè" với tụi tao cho vui, nhiều đồ quá đi.
-  Đồ của người ta đó, tụi mi lấy coi chừng cảnh sát tới nhà đòi lại đó. Tôi tưng tửng trả lời.
Hình như câu nói của tôi làm bọn trẻ sực tỉnh, mặt ngơ ngác và bỏ đi chẳng thèm trả lởi tôi câu nào.
Đoàn tàu đã đi qua mang trên mình đầy thương tích, bỏ lại hai đường ray nằm chỏng chơ vắng hẳn cái đám trẻ ồn ào như cách đây vài phút. Tôi lại nghĩ không biết chủ nhân của mấy thùng hàng kia sẽ như thế nào khi biết đồ vật của mình đã bị rút ruột như thế và tụi trẻ sẽ "xử" hàng hóa tụi nó thu được như thế nào.
....
Thời gian trôi qua có vẽ nặng nề trong cái xóm nhỏ. Thường ngày ngoài giờ đi học, tụi trẻ thường tập trung thành từng nhóm bày ra đủ loại trò chơi, nay đã mấy ngày rồi mà cái sân chơi này vẫn vắng hoe. Không biết tụi nó sợ câu nói tưng tửng của tôi hay sợ cảnh sát đến nhà đây.
Những ngày sau, đoàn tàu vẫn chạy ngang qua nhà tôi trên đôi đường ray một cách bình thản như chưa hề có một toa tàu mang đầy thương tích do lũ trẻ xóm tôi bươi móc tơi bời.
Vài ngày trôi qua, ...lại vài ngày nữa, cái xóm nhỏ rộn ràng trở lại với nhiều câu chuyện, nhiều trò chơi và tiếng cười của bọn trẻ lại vang lên vô tư, hồn nhiên. Cái ngày đoàn tàu dừng lại "biếu không" cho bọn trẻ từng túi đồ vật cũng dần qua đi trong yên bình mà không có vị cảnh sát nào tới nhà đòi đồ vật như tôi nói cả.
Cuộc sống của tôi dần lắng đọng lại và quên dần những trăn trở của tôi trước sự việc của đoàn tàu nay lại chuyển hướng qua cô bé cạnh nhà. Cái cô bé mà trong  sự hổn lọan của ‘đám cướp tàu hỏa” của lũ trẻ xóm tôi lại bình thản đứng nhìn cái cảnh chụp giựt đang xảy ra bên toa tàu mà không hề có chút thái độ là sẽ nhập cuộc với cái đám cướp ngày kia. Tôi cũng thầm lạ và có chút trân trọng đối với cô bé này từ lúc nào mà chẳng hay.
Từ đó mỗi lần đi học hay có dịp ngang qua nhà của cô bé, tôi đều len lén nhìn từ xa xa để coi có dịp nhìn lại hay gặp cô bé này một lần nữa không ? Nhưng lần nào cũng vậy tôi chỉ nhìn thấy căn nhà đóng cửa ngoài và im ắng lạ kỳ. Nhiều khi tôi thả những suy nghĩ của mình bay bổng vào trong căn nhà bí ẩn này để xem cô bé đang làm gì đó, trong cái góc nào đó của căn nhà …mà đành chịu không thể đoán được.
Tuy vậy, trong tôi vẫn giữ được hình dáng của cô bé lúc đang mơ màng nhìn đoàn tàu với lũ trẻ của ngày hôm ấy, cái dáng thanh thoát, mảnh khảnh với bờ tóc dài xỏa nhẹ ngang vai…

Sau này Ba tôi chuyển nhà ra Huế và không có dịp gặp lại cô bé này nhưng tôi biết rằng vẫn còn một người rất bình thản, an nhiên trước bao điều nghiệt ngã, xô bồ đầy cám dỗ trong cái thế giới mênh mông ngoài kia.

LeBinh-23-03-2019



0 nhận xét:

Đăng nhận xét