Cách đây hơn 20 năm, có người đã chọn một ngày đặc biệt để ra đi…
Tại sao là ngày “Cá tháng Tư” mà không là ngày khác? Điều này cứ làm tôi nhớ nghĩ mãi khi đến ngày này hàng năm.
Sự sống có thể chọn được, nhưng cái chết hay sự ra đi - của một người - làm sao mà chọn cho được?....có thể lắm chứ!…hay tôi đang đùa với chính tôi … trong ngày này.
…..
Một ngày, khi đang đi công việc, tôi nhận được cuộc gọi của người bạn:
- “Anh đang ở đâu? về nhà em chút”…và chỉ có thế.
Đang chạy trên đường, tôi chững lại và thầm nghĩ những cuộc gọi như thế này thường mang tính “khẩn cấp”, vì nếu có “cử nhậu” hay gì đó thì thường bạn tôi sẽ nói rõ để chuẩn bị tinh thần….đây hoàn toàn như một “triệu hồi nhanh”. Nên tôi bỏ dở mọi công việc vội vã quay về mà không hề hỏi thêm lý do.
….
Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ lan man về nhiều tình huống cho cuộc điện thoại này và cố nghĩ rằng ai sẽ có mặt tại đó ngoài tôi, mà nhất là cuộc gọi này lại xảy ra đúng vào ngày 01-04…ngày “Cá tháng Tư”.
Thường thì vào ngày này, chuyện gì cũng có thể xảy ra,…chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật, chuyện lừa, chuyện láo láo một chút, chuyện trêu chọc hay đặt điều ra mà đùa giỡn với nhau cho vui…cũng là chuyện thường tình. Có bực bội hay cay cú vì là nạn nhân của những chuyện này, cũng chỉ nhận được nụ cười ruồi và câu trả lời gọn bâng: Ngày “Cá tháng Tư” mà!
….
Về đến nơi, chỉ thấy anh bạn tôi một mình trước hiên nhà - hình như đang chờ tôi thì phải - ngoài ra không còn người nào khác nữa.
Trên khung cửa sắt khép hờ trước hàng hiên, là bức hình bán thân nhỏ của nhạc sĩ TCS đang ôm cây guitar với cặp kính cận, được phóng tác bằng bút chì, nét đậm, nét lợt đan xen vào nhau. Bức hình thường ngày không có ở chổ này và có lẽ được treo lên vội vàng nên hơi lệch về một bên.
Một ít mồi nhậu và ba cốc rượu đầy…đặt ngay ngắn trước chổ bạn tôi ngồi.
Chí ít thì tôi cũng đóan đúng là đang có một cử nhậu thiếu người, và người đó nhất thiết phải là tôi chăng? Ngoài ra còn bạn nào nữa chưa đến?
Chẳng hiểu mô tê chi cả…cử nhậu bình thường của anh chàng này thường có nhiều “chiến hữu” và có phần ồn ào một chút…nay sao lại im hơi lặng tiếng và chỉ có hai người - anh ta và tôi - chuyện gì đây hay điều gì sắp xảy ra?
Với anh chàng này, tôi hiểu một điều đã thành thông lệ: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn”(1), có lẽ tôi là một trong những “ai đó” được nhớ đến để cùng cạn ly trong cử nhậu ít người này, nên chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, tôi lẳng lặng ngồi xuống đón một trong ba ly rượu có lẽ được rót ra trước khi tôi về.
Sau lần chạm ly, tôi cạn…ly của bạn cũng cạn….ly thứ hai cũng thế …lượt thứ ba được rót đầy cho hai người…vẫn là sự im lặng với những ý tưởng vòng vèo trong đầu…
Tôi nhìn ly rượu thứ ba - ngoài hai ly của bọn tôi - vẫn còn đó, trước mặt hai người …ly này dành cho ai? Sao lại rót ra, để đó…và chưa ai chạm tay vào?
Hiểu ý bạn, tôi nghĩ rằng chẳng cần phải hỏi han chi….chỉ là những thoáng ngồi lại với nhau để chia sẽ điều gì đó ngay cả khi đang chìm đắm trong cái im lặng trùng trùng … còn chuyện gì đó từ từ anh bạn này sẽ nói ra thôi…chẳng gì phải vội.
Đến lượt thứ ba thì tôi không uống nữa…để đó và cũng im lặng, thời gian vẫn chậm trôi….chiều đã xuống, từng bầy chim nối nhau bay lướt qua khung cửa, thỉnh thoảng vài chiếc lá rơi ngập ngừng…. anh ta cũng chẳng màng bật lên chút đèn cho sáng chổ nhậu.
Chỉ đến lúc đó, anh bạn mới chầm chậm nói với tôi:
- TCS mất rồi anh!
Ồ chuyện “Cá tháng Tư” hay sao đây? Lúc đó tôi đón nhận câu nói này như chuyện đùa trong ngày…tôi tưng tửng:
- Thiệt không ông ? vừa nói tôi vừa cầm ly rượu…
Nhưng khi nhìn khuôn mặt nghiêm trang pha lẫn chút buồn bã và không hề có chút dấu hiệu nào của sự pha trò hay chọc phá…hơn nữa lại đề cập đến một nhân vật lớn như TCS, có lẽ đây không phải là chuyện đùa.
Đặt vội ly rượu xuống, tôi hỏi lại anh ta với vẽ nghiêm trọng bất ngờ:
- Ông nghe ai nói vậy?
- Thiệt đó!….em mới nghe mấy ông bạn ở SG thông báo trưa nay…
- ….!!
- Nên ly rượu thứ ba, em để đây để hướng vọng về ông ta đó anh.
Lâu nay, qua thông tin tôi cũng biết Ns TCS đang bệnh…không lẽ cho đến hôm nay ông đã đặt một dấu chấm hết cho cơn bệnh và cuộc đời của ông. Bệnh là những dấu chấm lững chờ ngày hổi phục hay khỏe lại, nhưng nếu đã là dấu chấm hết, thì ngay cả cuộc đời cũng ra đi. Hãy đón nhận nó như một điều sẽ đến, sẽ xảy ra và đúng vào ngày hôm nay….ngày “Cá tháng Tư”.
Vậy là đúng rồi, một ngôi sao đã tắt, một người nữa lại ra đi, cứ như lời hẹn với cái sống-chết, đến để rồi đi hay trở về nơi miên viễn của đời người.
Ly rượu thứ ba cho đến bây giờ tôi mới hiểu là dành cho ông.
Thật ra, trong ca từ, ông đã nhiều lần “hò hẹn” với cái chết như một đoạn đường trước mặt, đơn thuần như một chuyển cảnh trong kịch-bản-đời mà ai cũng phải bước qua một lần.
Cho nên ngoài tình yêu, thân phận, sự tuyệt vọng, cái sống chết, …chuyện đi hay ở lại trần gian này chỉ là vấn đề của thời gian, không hề né tránh hay e sợ trước cánh cửa vô thường của sinh-tử và không một người nào - như ông - cảm nhận cái chết vốn đầy bi thương, nhiều khi thật phi lý lại đẹp như đoạn kết của một câu chuyện:
“Những hẹn hò từ nay khép lại.
Thân nhẹ nhàng như mây”…
(“Như một lời chia tay” - TCS)
...”Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy”…
(“Bên đời hiu quạnh” - TCS).
“Còn đây có bao ngày….
Còn ta cứ vui chơi
Dù mai sẽ ra đi ….
Dù nhớ thương con người..”
(“Còn có bao ngày” - TCS)
“Một hôm buồn ra ngắm dòng sông
Một hôm buồn lên núi nằm xuống”…
(“Tự tình khúc” - TCS)
…”Chợt như xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng”…
(“Lời thiên thu gọi” - TCS)
….
Anh bạn tôi cầm lấy cây guitar, búng vài nốt:
- “Rừng đã cháy và rừng đã héo, “anh” hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn, “anh” hãy ngủ đi”….
(“Em hãy ngủ đi” – TCS)
Phải rồi …anh hãy ngủ đi giấc dài bên trời, thong dong tự tại sau một đời dong ruỗi, coi như đã trả xong cái-nợ-trần-gian và hãy như ông đã nói: “Thôi về đi, đường trần đâu có gì”…đâu có gì để mà luống tiếc.
…..
Cầm lấy cây guitar, tôi mượn lời nhạc như chút tiễn biệt cho từng bước chân rời xa trần thế của ông:
“Không có đâu em này
Không có cái chết đầu tiên
Và có đâu bao giờ
Đâu có cái chết sau cùng…
…Mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi.
Mệt quá thân ta này nằm xuống với đất muôn đời…”
(“Ngẫu nhiên” - TCS).
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày”…
(“Cát bụi” - TCS)
…..
Trên tay tôi không còn biết là ly rượu thứ mấy và chẳng ai mời mọc ai cả…cứ một ý tưởng, mỗi câu nhạc như hòa vào từng ngụm rượu ngấm vào những đau thương, tiếc nhớ cho một đời người.
Cứ thế đêm dần qua, ngoài kia chẳng còn bóng người qua lại, cũng không còn chuyến xe nào trên đường, chỉ là bóng đêm chập chùng, hoang vắng, ngọn gió nào xào xạc trên cao, cây guitar và tiếng hát…ngập ngừng…trống vắng….xa lạ…. cô đơn.
…..
Ngày “Cá tháng Tư” - cách đây hơn 20 năm - tôi tiếc nhớ sự ra đi của một người…Nay, cũng trong ngày này tôi lại nhớ đến một buổi chiều tiễn biệt và hơn 6 năm đã không còn ly rượu nào cho bạn tôi - vì bạn cũng đã “biền biệt sơn khê” … chỉ không là một ngày của tháng Tư.
Hãy chia nổi buồn của tôi cho chính tôi…
“Sau ba ngàn thế giới trong nước mắt, chợt tìm thấy trong bể khổ nụ cười của Huệ Năng? (2)
Sau cánh cửa của sự chết bất chợt mở ra một sự tiếp nối của luân hồi?".
(Nguyễn Xuân Hoàng (bee.net.vn, 01/04/2010).
Sao không chọn một ngày nào đó để ra đi…lại chọn ngày “Cá tháng Tư”, vốn dĩ đầy những chuyện đùa.
Nên sự ra đi của ông cũng như một chuyện thật như đùa, để rồi trong những tháng ngày qua, những người còn lại vẫn nghi hoặc giữa cái còn và cái mất, giữa sự ra đi hay ở lại của ông.
Vì thế, đã bao nhiêu năm, tôi nghĩ ông vẫn còn đó trong tôi, trong lòng của những người yêu nhạc Trịnh…khi bỗng nhiên đâu đó trong tâm tưởng lại vọng về những ca từ của ông.
Ngày Cá tháng Tư vẫn là ngày đùa như thật, thật như đùa…!
LeBinh.
01-04-2022.
NB:
Bài viết chỉ mượn những ca từ của Ns Trịnh công Sơn để nhớ về một buổi chiều cùng với bạn tôi, tưởng niệm sự ra đi của một cổ thụ trong làng âm nhạc …
Theo tôi, tác giả và tác phẩm là hai phạm trù có thể không hoàn toàn giống nhau cho lắm, càng không dám mạo phạm đến nhiều yếu tố trong cuộc đời của tác giả, nhất là trong giới hạn kiến thức của mình.
Xin được cẩn kính và chân thành cảm ơn NS TCS.
Chú thích:
(1) Trích từ ca khúc “Buồn” của NS Y Vân.
(2) Huệ Năng (638-713): còn được gọi là Lục Tổ (Tổ đời thứ 6), là người cuối cùng được nhận y bát truyền phái của Thiền tông Trung quốc, kế tiếp từ Bồ Đề Đạt Ma (Sơ Tổ), và được coi là người sáng lập thiền Đốn ngộ (Thiền Nam tông).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét