Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Nguồn gốc Halloween


Nguồn Gốc Tết Halloween
    Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân-tộc Celts. Dân-tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ai-Nhĩ-Lan (Ireland), và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân-tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương-lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ-chức vào tối đêm trừ-tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương-lịch để tưởng-nhớ và vinh-danh Thánh Samhain, vị chúa-tể cai- quản những linh-hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh-hồn người chết trở về dương-thế thăm gia-đình và ăn tết vào đêm trừ-tịch trong ngày tết của họ.
    Vào năm 43 dương-lịch, dân tộc Celts bị người La-Mã chinh-phục và cai-trị lãnh-thổ của họ mà ngày nay gọi là nước Anh (Great Britain) trong khoảng 400 năm. Trong thời-kỳ này, hai ngày Hội-Mùa-Thu của người La-Mã được tổng-hợp với ngày hội kỷ-niệm Thánh Samhain của dân-tộc Celts. Một trong hai ngày Hội-Mùa-Thu này có tên là Feralia được tổ-chức vào cuối tháng 10 dương-lịch để vinh-danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh-danh Thần Pomona, tức là Nữ-Thần Hoa-Quả và Cây-Cối.
    Tục-lệ đoán vận-mệnh tương-lai được sử-dụng trong trò-chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể do tục-lệ của hai ngày Hội-Mùa-Thu này mà ra.
    Tên Tết Halloween lấy từ tên của ngày lễ “All Saints' Day” bởi vì ngày 31 tháng 10 được gọi là “All hallows' Eve.”
    Ở Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia-đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và ăn táo hay bôm.
    Khi người Tô-Cách-Lan (Scots) và người Ai-Nhĩ-Lan (Irish) đến định-cư ở Bắc-Mỹ, họ mang theo những phong-tục của họ. Tuy-nhiên, ở Bắc-Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh-hành kể từ thế-kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.
    Trick-Or-Treating 
            “Trick-or Treating” được coi là một trò chơi chính của hầu-hết các trẻ em ở Bắc-Mỹ trong ngày Tết Halloween. Những trẻ em mặc các trang-phục hóa-trang và đeo mặt-nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick-or-treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi.” Để tránh bị chơi xấu, chủ nhà đãi chúng kẹo, bánh-trái, và ngay cả cho tiền chúng nữa.
    Đèn Bí-Ngô “Jack-O’-Lantern”
    Trong ngày Tết Halloween hiện nay, mỗi nhà thường trang-trí cây đèn-lồng làm bằng quả bí-ngô pumpkin. Người ta mua những quả pumpkin về khoét rỗng ruột, đẽo vỏ ngoài thành hình một cái mặt có đủ mắt mũi mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh-sáng có thể tỏa ra giống như cây đèn. Cây đèn làm bằng quả bí pumpkin trong ngày Tết Halloween được gọi là Jack-o'-Lantern. Có nhiều người mua cây đèn Jack-o'-Lantern làm bằng nhựa màu vàng da cam có bán sẵn ở các cửa tiệm.
Ngày xưa ở Anh và Ai-Nhĩ-Lan, người ta dùng củ cải đỏ, khoai tây và củ cải tây để làm lồng-đèn trong ngày Tết Halloween. Sau khi phong-tục này được du-nhập vào Bắc-Mỹ, những quả bí-ngô pumpkin mới bắt đầu được sử-dụng làm lồng đèn như hiện nay.
    Theo chuyện thần-thoại Ai-Nhĩ-Lan, Jack-o'-Lantern là biệt-hiệu của một người đàn ông tên là Jack. Anh Jack này khi chết không thể lên thiên-đàng vì lúc còn sống anh là người bần-tiện và bủn- xỉn. Anh ta cũng không thể xuống địa-ngục vì anh ta đã chế-riễu quỉ-sứ ma-vương. Kết-quả là linh-hồn anh chàng Jack phải đi lang-thang trên dương-thế với cái đèn lồng cho đến Ngày Phán Xử (Judgment Day).
    Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
    -  Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt
    -  Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn
    -  Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến con người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.
    Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là "ân đền, oán trả" và "giữ lời hứa." Dù rằng sự "giữ lời hứa" này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng.
    Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!
    Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
    Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét