Với cái tính tò mò và thích hoa lá, cây cỏ - sau khi nghe người bạn giới thiệu một gốc cây ghép là quà tặng của một anh bạn, tôi ghé qua nhà để xem cho biết.
Thoạt nhìn qua thì đó là một gốc bằng lăng xù xì lâu năm được dùng làm gốc chủ để ghép với mấy nhánh tường vi và cả hai đều đã ra hoa. Tuy nhiên khi nhìn kỷ, tôi thấy lá của hai cây này gần giống nhau chỉ là bằng lăng lá lớn hơn, hoa cũng tương tự chỉ là khác về màu sắc - bằng lăng hoa tím, tường vi hoa hồng - nhưng đài hoa và cánh hoa lại giống nhau - một đài, nhụy có 4-6 cánh cho một bông hoa.
Nhấm nháp tách trà thơm với chủ nhà, vừa xăm xoi gốc ghép tôi thấy lạ là vì sao anh bạn này biết được sự liên quan giữa 02 loại cây để lấy gốc cây này làm cây chủ….cây tường vi là nhánh ghép, cho đến khi cả hai loại cây đều phát triển tốt và đã ra hoa.
Với cái đầu hạn hẹp về thực vật, tôi cứ thắc mắc và tự nhủ sẽ tìm hiểu thêm về gốc ghép bằng lăng và mối quan hệ giữa 02 loại cây này….và cũng từ đó tôi phát hiện ra một loại thuốc ngoại khoa và một bài thơ hay.
….
Sau một buổi tìm tòi, lục lọi tôi mới thấy đúng là mình còn nhiều điều phải bổ sung thêm vào kiến thức cây cỏ…trước hết là về hai loại cây ghép vừa nhìn thấy.
Từ trước đến nay, mọi người vẫn thường gọi là cây bằng lăng, thực ra tên đầy đủ là Bằng lăng nước (có tên khoa học Lagerstroemia speciosa) là một loài thực vật thuộc chi Bằng lăng (Lagerstroemia).
Loài cây này cho bóng mát và cho hoa đẹp nên được trồng làm hoa cảnh. Thật ra ngoài hoa tím còn có hoa các màu đậm, lợt trắng, hồng, đỏ, tím,... và cuối thu nhiều giống cũng rụng lá vàng, lá đỏ như cây phong xứ lạnh.
Bằng lăng nước là loài bằng lăng hoa tím ở vùng nhiệt đới đã được dùng trong y học ở châu Mỹ, Ấn Độ, Philippines,... để trị bệnh tiểu đường. Lá láng bóng của loài cây này có chứa hàm lượng Corosolic acid ở mức cao (Corosolic acid là một hóa chất thực vật có tác dụng làm hạ mức đường trong máu).
Lá bằng lăng nước được dùng làm nước trà trong Y học truyền thống châu Á để trị đau bao tử và bệnh tiểu đường. Các chất trích ly được thương mại hóa đôi khi cũng được dùng làm giảm cân nặng.
Về cây tường vi - trước đây có một người em ở Tây nguyên đã cho tôi biết cây này có tên là cây Tử vi (mà lâu nay tôi và nhiều người thường gọi nhầm Tử vi thành Tường vi và hai loài này không có mối quan hệ thân thuộc nào cả. …đúng là ngộ nhận !!...) hay còn gọi là cây Bằng lăng sẻ (sẻ có nghĩa là nhỏ), còn có tên: bá tử kinh, bách nhật hồng (tên khoa học: Lagerstroemia indica) là loài cây có nguồn gốc Đông Á, cũng là một loại thuộc chi Bằng lăng.
Cây có dáng nhỏ, gọn, cành nhánh thon mảnh, mang nhiều lá nhỏ đồng thời cho hoa mọc thành chùm tỏa khắp tán cây, tạo cho ngoại hình của cây đẹp, trông rất duyên dáng, nên được nhiều người ưa chuộng. Cây có cành nhánh dẻo, dễ uốn nắn tạo dáng, khả năng đâm chồi mạnh, nên có thể trồng trong chậu để làm cây bonsai.
Tại Trung Quốc loài hoa này được gọi là Tử vi (紫薇), tên gọi này đã xuất hiện trong văn học trung đại Trung Quốc với bài “Tử vi hoa” của Bạch Cư Dị (772-846):
“Ty Luân các hạ văn chương tĩnh,
Chung cổ lâu trung khắc lậu trường.
Độc toạ hoàng hôn thuỳ thị bạn?
Tử vi hoa đối tử vi lang”.
(“Tử vi hoa” - B.C.D.)
Dịch nghĩa:
Dưới gác Ty Luân đã yên lặng chuyện văn chương
Chuông trống lầu canh báo đêm đã vang xa
Một mình ngồi từ sáng đến chiều, ai là bạn?
Hoa tử vi đối mặt với người yêu hoa tử vi.
Bài này còn có tên Trực trung thư tỉnh 直中書省 (Trực việc ở toà trung thư). Toà trung thư, tức nơi Bạch Cư Dị làm quan.
…
Thật lý thú khi biết được hai loại bằng lăng nước và tử vi đều chung một chi Bằng lăng (Lagerstroemia) nên có thể ghép chung với nhau mà không loại trừ nhau…điều này còn giải thích vì sao hai loại này có lá và hoa tương tự như nhau….chỉ khác nhau về màu sắc của hoa. Hơn nữa lá cây bằng lăng nước đã được dùng để trị bệnh tại một số nước trên thế giới.
….Và đã từ rất lâu rồi, vẫn có người “độc tọa” … “đối tử vi hoa”…
…..
Kiến thức là vô hạn và ở ngay bên ta….chỉ là phải chịu khó tìm kiếm, nghiên cứu để cập nhật, bổ sung thêm phần hiểu biết của mình… và từ một gốc ghép tôi đã điều chỉnh được tên gọi của một loại hoa, biết thêm một dược thảo và một bài thơ hay.
…..
Không biết là tôi phải cảm ơn tác giả của gốc ghép hay là người bạn đã giới thiệu gốc ghép này cho tôi…?
Chắc là phải biết ơn nhiều người, trong đó có cả kho kiến thức trên mạng.
Tư liệu: vn.wikipedia.org.
LeBinh.
01-07-2020.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét