Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Chia nhau món rừng.

        Cũng không nhớ là lúc nào, khi ngồi lại với nhau, lúc thì bên tách trà sớm, khi thì nhâm nhi vài lon bia đón chiều về hay cơn mưa tới, tụi tôi lại nhắc đến một “món rừng”, mà trong những ngày thiếu thốn, gian khổ, cheo leo trong vùng rừng núi, lúc đói lòng với cái lạnh run người của khí núi, hái mớ rau rừng, lá bép, rau tàu bay.. cho vào cái gô, đun lửa…chia nhau chút rau rừng….ấm lòng với cái lạnh, ấm lòng với tình chiến hữu.

        Riêng tôi khi nhắc đến rau tàu bay vì một kỷ niệm với Ba tôi, lúc đi rừng chưa kịp quay về trong bữa trưa, ông đã hái rau này cho vào cái lon Guigoz đã cũ để luộc, thế là cha con cùng chia nhau món rau tàu bay trong cái vắng lặng mênh mông của  một vùng núi cho qua cơn đói lòng. Nay Ba tôi không còn nữa, nhưng mỗi khi nhớ lại cái thuở hàn vi, cha con cùng nhau trong đám rừng mông quạnh, tôi lại nhớ đến món rau tàu bay luộc.

        ….

        Bẳng đi một thời gian, lẳng lặng với hơn 50kg áo quần gom góp từ nhiều nguồn, với chiếc xe cà tàng, đã có một anh bạn là cựu chiến binh - một mình vượt qua bao đèo dốc nhân dịp chở chút quà cho bà con vùng núi và đem về miền xuôi một đống lá bép cho anh em như một ước hẹn chẳng nói trước.

        ….

        Sáng sớm, với hai túi lá bép gói cẩn thận, trong đó mỗi túi có kèm theo 02 gốc xã, đã chặt gốc-rễ, tất cả đều được rửa sạch…anh dặn tôi nấu cho gia đình ăn để biết thêm một món của rừng và nhờ tôi chuyển dùm một túi cho anh bạn.

        Mới biết, chuyến đi núi này, ngoài việc tặng số áo quần cho đồng bào trên đó, anh đã dặn trước bạn bè ở đây kiếm mớ rau tàu bay cho tôi và mớ lá bép cho bạn bè.

        Và rồi thành quả của chuyến đi là đống lá bép tươi xanh anh mang về, phần nào cho vào tủ lạnh, hẹn nhau một bữa lẩu lá bép cho anh em, còn lại chia ra từng túi, để dành chỉ chia cho mấy anh em còn nhớ đến một món đặc biệt của rừng.

        Vẫn nhớ đến món rau tàu bay của tôi, nhưng mùa này loại này chưa mọc nhiều, có người nhắc anh nhổ ít cây con về trồng tại nhà, như đem rừng về nhà vậy. Nhưng cũng quá hay khi anh chỉ mang về được mớ lá bép.

        

         Đến nay, vẫn có nhiều người còn lạ lẫm với loại rau này, thậm chí còn không dám ăn vì lạ quá. 

        Hiện nay, ở Lâm Đồng cây lá bép mọc nhiều ở các xã Đinh Trang Thượng và Đinh Trang Hòa của huyện Di Linh, xã Madagui, huyện Đạ Huoai, nhiều nơi ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng, Bình dương… và một số xã vùng cao của tỉnh Bình thuận.

        Rất nhiều năm, đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng sử dụng lá bép làm rau ăn và ở các chợ miền núi tại Di Linh đã có bày bán bán với số lượng ngày càng nhiều. 

        Cho đến nay, lá bép đã có mặt trong thực đơn của các nhà hàng ở Tây Nguyên như canh cua lá bép, đọt mây-lá bép xào cá, lẩu gà-lá bép, thịt bò xào lá bép … và luôn được giới thiệu với khách miền xuôi như là một món đặc sản tươi ngon mà núi rừng đã hào phóng ban tặng cho những con người Tây Nguyên nồng hậu, mến khách này.

        Là một đặc sản của rừng núi, cây lá bép còn được biết đến như một dược phẩm quý vì thành phần của nó.

        Cây này còn được gọi là cây lá bét, cây nhíp…(Gnetum gnemon L. var.griffithii  Markgr.) không chỉ bởi giá trị dinh dưỡng mà còn vì dược tính của nó do có chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

        “Theo thông tin trên trang Web của Đại học Huế (Lưu trữ 2016-03-04 tại Wayback Machine) thì thành phần hoá học của hạt như sau: Trong 100 g (70-80 hạt) chứa 30 g nước, 11 g protein, 1,7 g lipit, 50 g cacbonhyđrat và 1,7 g tro. Trong lá, giàu protein, chất khoáng, vitamin A và vitamin C. Cứ 100 g lá non của Gnetum gnemon tenerum có 75,1g nước, 6,6g protein, 1,2 g lipit, 9,1 g cacbonhyđrat, 6,8 g chất xơ, 1,3 g tro, 224 mg phốtpho, 151 mg canxi, 2,5 mg sắt và 10.899 IU vitamin A.

        Lá non, cụm hoa, quả non, và quả chín để dùng ăn được như là một loại rau rừng. Hạt được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn. Bánh này có vị hơi đắng và được dùng như là đồ ăn kèm với tên gọi 'Keropok Belinjau' trong ẩm thực của người Indonesia và Malaysia”. (Wikipedia).

        

        Quả thật, lá bép là một thực phẩm, đồng thời là một loại dược phẩm tốt nếu biết cách sử dụng nó.

        Qua bài viết này tôi muốn gởi lời cảm ơn đến chuyến đi của anh để mang về một loại rau rừng đã đi vào ký ức của nhiều người, nhắc nhớ đến nhiều điều của một thời, trong đó có bạn bè và cả Ba tôi.

        Cảm ơn anh Dung Le.

        LeBinh.

        10-06-2021.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét