Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

Thầy P.T.M.

        


        Thật tình cờ, qua một comment từ FB, tôi gặp lại một bạn thời cấp 2 tại trường Bồ đề Đà nẵng.

        Điều làm tôi ngạc nhiên là trí nhớ của bạn này quá tốt khi còn nhớ đến lúc tôi học tại đây, cho dù thời gian vào trường vỏn vẹn chỉ một năm, năm sau tôi đã chuyển qua một trường khác. Từ đó đến nay đã hơn 50 năm.

        Khi được nhắc nhớ, trí óc tôi như được khai mở để quay về ngôi trường cũ và người Thầy vừa là một nhạc sĩ mà tôi theo học suốt một năm tại đây.

        Đó là Thầy Phạm thế Mỹ, giáo viên môn âm nhạc tại trường.

        Chính từ Thầy, những khuôn nhạc, nốt nhạc đầu tiên, những âm giai, hòa âm, xướng âm, bên cạnh đó một số nhạc bản của Thầy như một giáo án âm nhạc đã thấm nhập mỗi khi Thầy lên lớp cho những học trò như tôi.

         Những hạt mầm âm nhạc từ Thầy được ươm gieo trong lòng tôi cho đến bây giờ đã thành cây trái và nó như là một thế giới, một thế cân bằng nữa giúp tôi xoa dịu đi những nổi đau cũng như những bắt trắc, lo toan, muộn phiền, tuyệt vọng trong đời sống hàng ngày.

        Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến người đơn thuần như một thầy giáo dạy nhạc, nhưng càng về sau, khi có dịp tìm hiểu, tiếp cận con người nhạc sĩ của Thầy, mới biết những tác phẩm hay của Thầy thời đó, như “Bông hồng cài áo” (ý thơ của Thầy Thích Nhất Hạnh), “Đường về hai thôn”, “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”, “Những ngày xưa thân ái”, “Thương quá Việt nam”, “Tóc mây”….trong đó “Bông hồng cài áo”, theo tôi cho đến bây giờ vẫn là bài hát hay nhất trong thể loại nhạc viết về Mẹ.

        Ngoài việc sáng tác và dạy học, từ năm 1970 đến 1975, Thầy còn là Trưởng Phòng Văn - Mỹ - Nghệ đồng thời là chỉ huy dàn hợp xướng của Viện Đại học Vạn Hạnh.

        …..

        Trong thời gian này, tôi mới biết có một người con gái của Thầy học chung lớp với tôi – cô P.T.L. – và cũng chính từ cô, tôi nhìn thấy Thầy còn là một người cha ân cần, chăm chút, thương yêu con cái.

        Đó là trong năm học này, cô P.T.L. không may bị tai nạn, cả một chân bị bó bột cố định, nhưng không thể nghĩ học lâu nên Thầy phải chở cô đến tận lớp với cặp nạng theo cô hàng tháng liền. Đôi nạng gỗ gõ lóc cóc theo từng bước chân của cô cùng với hình ảnh nhẹ nhàng nâng niu của Thầy bên cạnh cô con gái hàng ngày lên lớp, có lẽ là vết khắc sâu nhất làm cho tôi không quên được hình ảnh củaThầy. 

        Và rồi tôi xa trường, theo dòng chảy của thời gian không còn cơ may nào gặp được Thầy, nhưng qua những bài hát thỉnh thoảng đâu đó vọng về, tôi lại nhớ đến Thầy với dáng vẽ của một người cha là chổ dựa thầm lặng nhưng vững chắc cho con trong lúc hoạn nạn hay bệnh tật.

        …..

        Sau này, đã có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc đời hay quan điểm sống của Thầy; riêng tôi, tôi chỉ biết Thầy là thầy giáo dạy nhạc đầu tiên của tôi, cho dù chỉ một năm thôi nhưng đã ở lại trong tâm trí tôi là một thầy giáo, vừa là một nhạc sĩ tài hoa, một người cha ân cần… và mãi về sau hình ảnh của Thầy vẫn không thay đổi trong tôi mỗi khi nhớ lại hay có dịp nghe những tác phẩm của Thầy. 

        Năm 2009, trong khi vẫn nằm trên giường bệnh, Thầy đã kịp hoàn chỉnh hai trường ca lớn cuối cùng của Thầy trước khi ra đi và từ đó tôi chỉ có thể gặp lại Thầy qua những ca khúc của người. 

        ….

        Đã có rất nhiều bài viết về Thầy, ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng tựu trung có lẽ vẫn xoay quanh chủ đề cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của người, với tôi bài viết này chỉ là một góc nhìn nhỏ của cậu học sinh Trường Bồ đề Đà nẵng may mắn được Thầy dạy cho những bài học âm nhạc đầu tiên.

        ….

        Xin được gởi nén tâm hương đến Thầy.

        Riêng tên người con gái của Thầy, theo trí nhớ của tôi là vậy nhưng bạn Hương Ho lại cho biết một tên khác - P.T.D. 

        Qua bài viết này, xin được gởi lời thăm hỏi đến Cô và cô bạn với đôi nạng gỗ ngày nào. 

        Chân thành cảm ơn FB Huong Ho đã cho tôi một dịp nhớ về mái trường cũ, Thầy P.T.M. và gia đình của Thầy hiện nay.

        LeBinh. 

        01-01-2021.


        Những tác phẩm tiêu biểu của Thầy:

        Bông hồng cài áo (ý thơ Thích Nhất Hạnh)

        Đường về hai thôn

        Hoa vẫn nở trên đường quê hương

        Người yêu và con chim sâu nhỏ

        Những ngày xưa thân ái

        Thương quá Việt Nam

        Tóc mây

        Trăng tàn trên hè phố….

        "Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Sáng tác đầu tay của ông ra đời trong thời gian này là bài "Nắng lên xóm nghèo".

        Sau hiệp định Geneve, Phạm Thế Mỹ được bố trí ở lại miền Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ năm 1959 đến năm 1970, ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh,... tại Đà Nẵng. Khoảng năm 1965–1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ "Bông hồng cài áo", ý thơ từ thiền sư Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông sáng tác các bài hát như "Hoa vẫn nở trên đường quê hương," "Người về thành phố," "Những người không chết"... được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn – Mỹ – Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.

        Trong thời gian công tác tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ông xem Nguyễn Thị Diệu Lý (sinh viên của trường) hát bài "Bông hồng cài áo" trong lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh. Việc Diệu Lý chọn bài hát "Bông hồng cài áo" cũng tình cờ vì cô thích bài hát này cũng như đáp ứng tính công chúng thời đó. Đến khi cô trở thành giọng ca chính của Vạn Hạnh thì Diệu Lý mới biết tác giả của "Bông hồng cài áo" là người thầy lâu nay chỉ huy dàn hợp xướng Vạn Hạnh. Và điều bất ngờ đến với cả hai là họ đều là người đồng hương Bình Định (quê Diệu Lý ở thành phố Quy Nhơn). Dù ông lớn hơn cô hơn 20 tuổi nhưng cả hai cùng chung quan điểm sống và nảy sinh tình cảm. Họ chính thức kết hôn năm 1975. Hầu hết các tập nhạc của ông đã được xuất bản đều có chung tên người trình bày (kẻ nhạc) là Diệu Lý. Có hai người phụ nữ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của Phạm Thế Mỹ: Người thứ nhất là mẹ ông; Người thứ hai chính là vợ, ca sĩ Diệu Lý.

        Sau năm 1975, ông công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát nhạc đỏ như: "Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng" (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), "Thắm đượm duyên quê," "Lêna Belicova"...

        Sau khi nghỉ hưu, ông sống âm thầm, thiếu thốn tại căn nhà chung cư ở Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

        Sau thời gian dài bị bệnh, Phạm Thế Mỹ mất vào lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009. Trước khi ông mất, nằm trên giường bệnh ông kịp hoàn chỉnh hai trường ca lớn là "Con đường thế kỷ" (đường Hồ Chí Minh) và "Gió Củ Chi"".

    NB: Theo Wikipedia.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét