Già Tư.
Tôi không còn nhớ lần đầu gặp ông từ lúc nào…
Nhưng cho đến nay, cũng đã rất lâu rồi, hình bóng của ông vẫn như còn thấp thoáng quanh đây…..
Bạn bè thường gọi đùa ông là “Già Tư” - riêng tôi, tôi gọi ông bằng “Bác Tư”…vì ông đã lớn tuổi, nếu không nói rằng ông đáng là lớp “Cha, Chú” của tôi.
Thế mà nhiều lần trong những lúc bọn tôi tập trung, ăn uống chút đỉnh và ca hát với nhau trong tiếng bập bùng của cây guitar, hay cả một dàn nhạc sống, ông vẫn được mời, cùng sinh hoạt chung với lớp trẻ chúng tôi và sẳn sàng hát lại những ca khúc “xưa lơ xưa lắc”, xưa như từ cái thuở chúng tôi còn mặc quần “tà lỏn” chạy lon ton ngoài đồng….nhưng tất cả đều là những bài hát rất tuyệt, sống mãi với thời gian.
Dáng cao gầy, ông thường lặng lẽ, hiền hoà, thỉnh thoảng lại mỉm cười vu vơ khi thấy bọn trẻ chúng tôi chơi đùa hay chọc ghẹo nhau.
Tôi lại có dịp gặp ông trong nhiều lần anh em tụ họp, vẫn dáng dấp và con người như thế, vẫn tham gia vui vẽ với đàn con, cháu và hát hò khi được yêu cầu.
Bẳng đi một thời gian tôi bổng nghe bác gái, người vợ, người bạn đã theo ông hơn nữa đời người đã qua đời sau một thời gian bị bệnh.
Bao năm cùng lên ghềnh xuống biển, vui cũng như buồn, lúc khoẻ cũng như tật bệnh…ông bà đều có nhau, chăm sóc cho nhau để dìu dắt đàn con khôn lớn…bây giờ đã một người đi, người ở lại. Tình nghĩa bao năm tròn đầy nay chỉ là một nửa thương đau còn lại không bao giờ tìm được nửa kia của mình nữa.
Một chiếc lá trong cặp lá yêu thương đã ra đi…chiếc lá còn lại héo mòn trong cái mất mát chẳng thể bù đắp nổi.
Sau khi bà mất…chiều chiều… ông gọn gàng trong chiếc áo tràng ngồi dưới bàn Phật, nhớ về một nửa kia của mình bằng một thời kinh A Di Đà hay kinh Địa tạng và mong cầu cho bà siêu sinh tịnh độ….
Từng chuỗi tràng hạt lăn dần trên tay, từng hồi kinh, từng tiếng chuông mõ nhịp nhàng làm ông miên man về cái thuở hai người mới gặp, chung sống với nhau cho đến cái lúc mà bà dứt áo ra đi bỏ ông một mình trên cái trần thế này.
Theo dòng kinh tụng, bất chợt từng dòng nước mắt của ông tuôn chảy trên đôi gò má nhăn nheo, gầy ốm…
Tưởng chừng như thời gian và tuổi tác làm khô đi những giọt nước mắt trong ông….nhưng giờ đây những giọt nước mắt lại chảy ra nhẹ nhàng như tự nhiên chảy ra từ nổi thương nhớ, từ nổi chạnh lòng cho người đi, người ở…từ nổi cô đơn khi không còn một nửa của mình trong đêm khuya thanh vắng. Bây giờ có muốn gặp lại, nghe lại một tiếng cười nói chắc hẳn không bao giờ có được. Trong đời ông không hề quý giá một thứ gì cả…nhưng giờ đây khi bà không còn nữa, ông mới biết mình đã mất đi thứ quý giá nhất trên đời này và chẳng bao giờ tìm lại được nữa.
Nhấp mạnh tay một tiếng chuông, ông muốn kéo mình về với thực tại trong buổi kinh chiều, ráng giữ mình tịch lặng trong từng câu kinh, tiếng mõ. Nhưng đâu đó tiếng nức nở vẫn vang vọng trong ông và nước mắt thỉnh thoảng lại tuôn trào theo dòng suy tưởng của ông.
Như thế, dù có bận rộn đến đâu, chiều nào ông cũng chỉnh tề trong cái áo tràng, cẩn kính dâng lên bàn thờ bà những cây nhang trầm thơm ngát, tụng cho bà một thời kinh siêu độ….và khóc không sót buổi kinh nào.
Khi gặp tôi, ông thường nói vẫn biết mời các Thầy tụng niệm cho bác gái thì hay hơn nhưng bác vẫn muốn chính mình, thắp từng cây nhang, thì thầm với bà qua từng câu kinh, tiếng kệ hàng ngày…và bác muốn thế.
Tôi lại “lí lắc” nói rằng hễ mỗi lần tụng kinh cho bác gái, bác lại khóc, …khóc hoài, bác không sợ mấy đứa nhỏ chọc bác hay sao? Ông cười hiền nói: Bác nhớ bác gái thì bác khóc thôi…có sao đâu ?…và cứ thế ông lại tiếp tục các buổi kinh chiều ….và khóc !
Có người nói ông quá “mẫn cảm”, có người lại nói là đàn ông khó có thể rơi nước mắt trong những trường hợp như thế. Riêng tôi, cho dù là chưa hiểu ông nhiều lắm nhưng vẫn cho rằng những giọt nước mắt của một người tuổi đã “cổ lai hy” khóc thương cho một người quá sức thân thiết, quá tình nghĩa bao nhiêu năm đã ra đi….cũng là một điều đương nhiên cho dù đến nay đã là điều hiếm thấy.
Cho đến một lúc chính ông lại lâm vào cơn trọng bệnh, mặc dù con cháu trong gia đình tận tình chăm sóc, lo lắng cho ông, nhưng cơn bệnh quái ác đã không cho ông thời gian sống nữa. Ông lặng lẽ ra đi trong sự thương tiếc của con cháu và bạn bè, thân hữu.
Buổi kinh chiều của ông, cũng là những giọt nước mắt của con cháu, nhưng đó là những giọt nước mắt của sự thương yêu, kính trọng về một người cha, người ông đã hết lòng yêu thương con cháu chứ không phải là những giọt nước mắt nghẹn ngào, chất ngất, khóc cho sự mất mát tình nghĩa khi một nữa của mình đã ra đi.
Hai năm…ngày mãn tang của ông, tôi lại có dịp thắp vài nén nhang cho ông và nhủ thầm: “Bác Tư ơi…một bước bác đã đi qua cuộc đời, giờ đây chắc hẳn hai bác đã gặp nhau ở một nơi nào đó, và cháu mong rằng ở đó bác sẽ không còn khóc vì sự mất mát, ra đi của ai nữa…. mà sẽ nơi nối lại tình nghĩa bao nhiêu năm và chắc hẳn đó sẽ là nơi hội tụ những nụ cười của hai bác”.
Ngày Cúng mãn tang Bác Tư
(19-08 al).
LeBinh.
17-09-2019.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét