Kobo Abe .
Hành trình tìm lấy chính mình.
“Đời người, chỉ có một cuộc hành trình mà thôi. Hãy đi vào trong chính mình” Rilke.
Có những tháng ngày, khi mà không gian dần thu hẹp lại nhưng thời gian lại giãn rộng ra, cho ta nhiều thứ mà trước kia dù có sắp xếp bao nhiêu cũng không thể có được, nên có được chút rảnh rỗi để đọc lại vài câu chuyện.
Một trong những đầu sách là của Kobo Abe - “Người đàn bà trong cồn cát”- qua đó ông đã cho nhân vật của mình trải qua đủ thứ cảm xúc, từ tự tin cho đến sợ hãi, cuồng nộ, tuyệt vọng và rồi thật bình thản… để thấm thía sự phi lý của thân phận con người.
…..
Vào một ngày tháng Tám, một người đàn ông biến mất. Anh ta đi về phía bờ biển, cách thành phố độ nửa ngày xe nhân một ngày nghỉ, và từ đó không ai hay biết gì về anh ta nữa. Cả cuộc điều tra của cảnh sát lẫn các mục nhắn tin trên báo đều tỏ ra vô hiệu.
Bảy năm đã trôi qua mà không một ai biết rõ sự thể, và bởi thế, chiếu theo điều 30 của Bộ Dân luật (tại Nhật, thời bấy giờ), người đàn ông ấy được tuyên bố đã mất tích.
……
Chuyện kể về một người nghiên cứu côn trùng Niki Jumpei thường đi tìm côn trùng làm tiêu bản. Ước mơ của anh là có ngày tìm ra một loài côn trùng chưa ai phát hiện để được đặt tên mình cho loài côn trùng mới đó.
Một ngày, khi anh đến một ngôi làng gần biển để tìm bắt côn trùng. Đó là một ngôi làng nằm trong dòng chảy của cát, những hạt cát luôn chuyển động dường như bé nhỏ nhưng có sức mạnh to lớn khi tập hợp lại, nó khiến ngôi làng luôn phải chiến đấu với cát để sinh tồn.
Vì lỡ chuyến xe cuối cùng để về thành phố, anh được dân làng đưa đến một ngôi nhà nằm dưới hố cát nơi có một người đàn bà đang sinh sống để nghỉ tạm. Và rồi, anh không thể thoát khỏi cái định mệnh đang đợi mình nơi hố cát đấy, cái định mệnh mà bức tường cát chếch 30 độ đã nhốt anh lại cùng người đàn bà như nước bị nhốt trong một cái cốc loe miệng.
Bị mắc kẹt trong ngôi nhà bị ngập ngụa bởi cát với người đàn bà, công việc hàng ngày diễn ra đơn điệu là phải xúc cát vào thùng từ tối đến gần sáng để chuyển cho những người làng ở trên thu thập cát đó, một phần vì phải xúc cát đi nếu không thì ngôi nhà sẽ bị nhấn chìm bởi cát và như hiệu ứng Domino, một ngôi nhà sụp đổ sẽ đồng nghĩa với việc kéo theo những ngôi nhà khác sụp đổ theo… như một phản ứng dây chuyền, hơn nữa cát đó mặc dù bị pha muối không tốt cho việc xây dựng nhưng vẫn có thể bán với giá rẻ và được mua nhiều. Một công việc tẻ ngắt và mệt mỏi.
Vậy mà người dân sống trong những ngôi nhà đó vẫn chấp nhận làm công việc đó hàng ngày và người làng để duy trì sự tồn tại sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí bắt cóc một người nào đó để giúp việc cho mình.
Người đàn bà trong cồn cát đó là vậy, không có tên, câm lặng, cam chịu, chị làm việc cần mẫn như một cái máy, không than trách, không phản kháng và khi có thêm anh, chị còn trở thành một người phụ nữ đảm đang lo cho anh ăn, ngủ, thậm chí là tắm cho anh.
Trong thâm tâm Niki luôn phản kháng một cuộc sống gò bó, trói buộc như thế nhưng giả vờ chấp nhận hiện tại và tìm mọi cách để trốn thoát. Thậm chí bắt trói người đàn bà nhằm ra điều kiện để được thả, nhưng nước lại là nhu cầu không thể thiếu của con người, anh thiếu nước uống và chịu khuất phục.
…“Như điên như dại, anh bắt đầu gào thét. Anh không biết là mình gào những gì, vì những lời đó chẳng có nghĩa gì hết. Anh cố hết sức gào lên như thể làm như vậy cơn ác mộng hiện tại sẽ qua để anh thấy được mình đã thoát ra khỏi cái hố này. Nhưng giọng anh yếu dần, nghe lạc lõng vì anh không quen gào to bao giờ. Hơn thế nữa, giọng của anh bị cát làm khản đặc và gió thổi bạt đi nên anh không thể nào biết được nó vang vọng tới đâu”…
Anh tìm mọi cách để trốn thoát khỏi cái địa ngục toàn cát, cát trong nước, trong cơm, cát phủ một lớp mỏng lên cơ thể trần truồng của người đàn bà ánh lên những tia sáng vào buổi sáng, cát bám đầy tóc, đầy thân thể đang cuốn lấy nhau của hai người
Người đàn bà, để thoát khỏi sự cô đơn chỉ muốn giữ Niki cho mình và không muốn anh trốn thoát, đã làm theo lời Niki, chăm sóc anh hàng ngày. Hai thân phận nghiệt ngã, trong một hố cát mà nếu không có thang, không có cách gì ra khỏi đó và dường như họ chia chung một nhiệm vụ trong cái định mệnh không thể thoát được của cuộc đời.
Niki biết vũ khí của dân làng nhằm bắt buộc anh phải ở lại làm việc tại đây là nước nên anh tìm cách làm ra nước từ cát. Một khi đã có nước anh sẽ không còn phụ thuộc vào sự cung cấp của dân làng, lúc đó anh có thể trốn đi.
Nhưng sau khi tìm được nước từ chiếc bẫy cát ….. anh đã chọn ở lại trong mớ hỗn độn nghịch lý, trong cái bế tắc của chính mình.
Có lẽ anh đã tìm được chính anh, hay chỉ là chiếc bóng của mình mà không biết.
“Có một vật gì di động dưới đáy hố. Thì ra đó là chiếc bóng của chính anh.
Chiếc bóng ấy đứng gần sát ngay chiếc bẫy nước…”
“Anh vẫn còn ở trong hố mà thấy như mình đã thoát hẳn ra ngoài….
“Có lẽ từ bao lâu nay anh mới chỉ nhìn thấy những hạt cát chứ chưa phải cát... Sự thay đổi của cát phù hợp với sự đổi thay trong chính con người anh. Có lẽ cùng với nguồn nước trong cát, anh đã tìm thấy con người mới của mình”…
“Chẳng cần phải vội vã trong việc thoát thân. Trên chiếc vé khứ hồi mà anh đang cầm trên tay lúc này, chỗ để điền nơi đến và thời gian khởi hành vẫn còn bỏ trống để anh tự tay viết vào như ý anh muốn. Hơn thế, anh hiểu rằng anh đang nung nấu một nỗi khát khao được nói với một người nào đó về cái bẫy nước. Và nếu anh muốn nói về nó, thì chẳng có thính giả nào tốt hơn bọn dân làng kia. Anh muốn chấm dứt bằng cách nói với một người nào đó về nó - nếu không phải hôm nay, thì ngày mai vậy.
Anh có thể hoãn cuộc chạy trốn của mình lại một ngày nào đó sau này cũng chẳng sao”.
(Trích “Người đàn bà trong cồn cát” - Dịch giả: Nguyễn Tuấn Khanh).
Tác giả Mộc Các trong bài viết “Người đàn bà trong cồn cát và thảm kịch nhân sinh” đã lý giải bằng cách phân tích ý nghĩa sự sáng tạo của con người thông qua cái bẫy nước mà Jumpei tạo được:
“Sáng tạo là sự chiến thắng của con người trước nghịch cảnh đau thương của tự nhiên và của giới hạn trong vòng da máu của thân xác vật. Nên cuối cùng Jumpei đã ở lại hố cát, dù có cơ hội thoát đi. Anh nhủ thầm chờ đến lần sau sẽ thoát nhưng chúng ta ai cũng biết rằng sẽ không có lần sau nào nữa.
Jumpei đã đi qua cái bẫy nước để làm lễ tuyên thệ, kết hôn với đời sống này, với hy vọng vào một niềm tin mai hậu về sự chiến thắng của con người. Thế là quá đủ cho một kiếp sống hoang vu và bé nhỏ giữa lòng hố thẳm nhân gian.”
….
Đọc một mạch cho đến hết câu chuyện, đúc kết lại là một tiếng thở dài não nuột cho hai con người bị giam hãm và phải chiến đấu không ngừng nghĩ với sự xâm lấn của cát trong một căn nhà cũ kỹ, siêu vẹo.
Một người dàn ông chỉ được nêu tên hai lần trong thông báo mất tích của chính mình. Môt phụ nữ hoàn toàn không có tên, như cái thân phận của họ nhưng lại là tiêu đề cho cuốn sách (Người đàn bà trong cồn cát), trong khi đó những ý tưởng, cảm xúc, trạng thái chính trong câu chuyện lại là của Niki Jumpei. Vừa chấp nhận vừa chối bỏ cái định mệnh mà một số người bắt buộc họ phải đi trên con đường đó, cho dù trong tận cùng thâm tâm là sự chống đối không ngừng nghĩ.
Cái định mệnh đã giam hãm anh ta trong căn nhà đó dần biến đổi một con người qua nhiều trạng thái khác nhau từ hy vọng đến thất vọng, từ hoang mang đến lo sợ, từ bình tĩnh đến cuồng nộ, từ vô tư đến tính toán, từ yêu thương đến căm ghét ….tất cả đều xảy ra trong một con người.
Định mệnh là một con đường độc đạo mà nếu không can đảm, không dám tự tạo một con đường khác thì khó lòng thoát khỏi. Nhưng cũng như sự phi lý của con người, đôi khi ta không thể thoát được nơi ta căm ghét.
Cho đến lúc có thể tự mình giải thoát khỏi cuộc sống đó, định mệnh đó, anh ta lại chần chừ và có thể hoãn cuộc chạy trốn của mình lần khác, có thể có hoặc không bao giờ đến và chưa bao giờ anh ta lại bình thản đến như vậy.
Câu chuyện kết thúc ở trạng thái chần chờ này và không hiểu là chiếc bẫy nước hay người đàn bà trong cồn cát đã giữ chân anh ta ở lại chốn này cùng với định mệnh đã đặt để cho anh, có thể đó như là một cứu cánh, một lối thoát trong cái mâu thuẫn tột cùng của cái chấp nhận và sự chối bỏ, lòng yêu thương và sự thù hận …luôn nối tiếp nhau, hiện hữu trong anh như một hành trình tìm lại chính mình.
"Anh đã thất bại!
Thưa vâng.
Anh đã thực sự thất bại rồi!
Nhưng xưa nay đã có ai làm được như anh…
Chưa có ai hết.”
Anh đã chết theo thông báo mất tích hay đã sống lại sau những gì đã trãi qua ở đây trong bảy năm cùng với người đàn bà bên cạnh đã thành chiếc bóng của anh, chiếc bóng dưới ngôi nhà trong cồn cát.
Câu chuyện đã ám ảnh tôi suốt hơn 50 năm...và giờ, khi đọc lại vẫn là những cảm giác đan xen của chấp nhận và chối bỏ….
Tôi đã tìm ra chiếc bẫy nước cho mình hay chưa ?
LeBinh
09-01-2021.
NB: (Wikipedia).
Abe Kobo, tên thật là Abe Kimifusa – là nhà văn thuộc thế hệ hậu chiến, là một trong những đỉnh cao nhất trong văn chương Nhật Bản hiện đại. Ngoài viết văn, ông còn là kịch tác gia, đạo diễn phim và là nhà ngôn ngữ học. Abe Kobo sinh ở Tokyo, nhưng lớn lên ở Mãn Châu, sau đó về Nhật Bản theo học và tốt nghiệp y khoa, đại học Tokyo năm 1948. Sau khi nước Nhật bại trận và cha của ông chết, ông sống cuộc đời nghèo túng nhưng vẫn nỗ lực viết văn và tự bỏ tiền in tác phẩm của mình. Abe Kobo đã không theo đuổi nghề y như cha và như những gì ông đã được đào tạo ở trường đại học, ông quyết định lập nghiệp bằng văn chương.
“Người đàn bà trong cồn cát” được xuất bản vào năm 1961 và đem về cho tác giả Kobo Abe (1924-1993) giải văn chương danh giá Yomiuri của Nhật, đã đưa tên tuổi của Abe lên hàng quốc tế sau khi bản dịch Anh ngữ được phát hành. Ông là tác giả Nhật được dịch ra tiếng ngoại quốc nhiều nhất.
Một cuốn phim cùng tên, do chính tác giả viết truyện phim và Hiroshi Teshigahara (1927-2001) đạo diễn, được trình chiếu vào năm 1964, đã đoạt giải Special Jury Prize tại Cannes Film Festival, 1964. Năm sau, cuốn phim đã được đề cử Oscar cho Best Foreign Language Film Oscar, và giải Oscar cho Best Director, nhưng không trúng giải.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét