Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

Soi bóng.

         Trong dòng chảy vô cùng vô tận của cuộc sống, một tiếng chuông khi chiều xuống, ngân lên và tắt dần như một khoảng lặng trong cái mênh mông sâu thẳm của đất trời, lại nhớ một bài viết cũ.

Soi bóng.

        Thân gởi về H.V.Q.

        Trong nhiều đầu sách từng đọc qua, mỗi câu chuyện lại gắn liền với một khung cảnh hay một kỷ niệm nào đó làm mình nhớ thật lâu. 

        Knulp - là một nhân vật - làm tôi nhớ mãi là cái đêm hai anh em thức trắng để nói chuyện, phân tích chủ đề, nội dung và nhân vật này giữa tôi và người em họ trạc tuổi trong một đêm tại Nha trang trước ngày chú ấy ra đi định cư ở nước ngoài.

        Cái làm tôi nhớ nữa là một thời gian thật lâu với nhân vật Knulp trong câu chuyện, tôi vẫn mang máng rằng đó là câu chuyện của Knulp (tên nhân vật vừa là tựa đề của câu chuyện) và là một tác phẩm của Hermann Hesse (1877-1962, nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học năm 1946).

        Lúc đó không có internet, không có Google để tra cứu và xác định câu chuyện này là của ai….chỉ đọc qua và nhớ lại …mãi đến sau này khi tìm lại thì vẫn có một nhân vật Knulp của Hermann Hesse nhưng cốt chuyện hoàn toàn khác …đúng là ngộ nhận vì từ lâu cứ đinh ninh Knulp này là của Hermann Hesse….và rồi vẫn tìm kiếm nhưng không tìm được tác giả của câu chuyện mà tôi sắp kể là ai.

        Nhân vật được nhắc đến trong đêm đó cũng là Knulp và câu chuyện của anh ta tóm lược như sau: 

        Là một chàng trai trẻ, tâm tình vui vẽ, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên bên cạnh anh ta, lúc nào cũng sẳn lòng hát lên một bài ca vui tươi ca tụng cây cỏ, hoa  lá, chim chóc bay lượn….hay bất cứ thứ gi anh ta nhìn thấy.

        Trong một chuyến đi, anh ta gặp ông lão chèo đò đưa anh ta đi trên dòng sông đó.

        Theo thói quen, anh ta lại hát lên những bài ca bất tận ca tụng vẽ đẹp của dòng sông, của những khung cảnh nên thơ hai bên bờ hay từng con gió thoảng qua, từng cụm mây bay mà anh ta nhìn thấy từ dòng sông.

        Nhưng không ngờ với từng bài hát vui tươi, hoan lạc, đầy sức sống của anh ta, ông lão chèo đò lặng lẽ đối tụng lại bằng một bài ca sầu não, bi thương, đau khổ…cũng cùng đề tài mà anh ta vừa hát lên….và rồi với mọi bài hát đều có một bài bi thương, áo não của ông lão cất lên như một đáp từ cho từng bài hát của chàng trai trẻ.

        Trong thoáng chốc anh ta ngưng không hát nữa, ngơ ngác nhìn lại thì không thấy ông lão đâu nữa và thật tình cờ khi nhìn xuống dòng sông …anh ta thấy hình ảnh của mình đang in trên bóng nước là một người nào đó có khuôn mặt già cả, hom hem với chòm râu bạc và mái tóc trắng phơ giống hệt ông lão chèo đò đã biến mất kia. 

        Con thuyền vẫn trôi và câu chuyện chấm dứt ở đây.

        …..

        Mỗi lần nhớ lại, tôi thường tìm một giải đáp cho nhiều ẩn dụ trong câu chuyện này.

        Dòng sông chắc hẳn là dòng đời…mà một người phải trôi theo nó trong dòng chảy không bao giờ ngừng nghĩ.

        Mọi bài hát vui tươi, trong sáng, yêu đời của chàng trai ….thật sự ra chỉ là một mặt của đời sống và được hát ra từ tuổi thanh xuân khi nhìn mọi sự vật, sự việc đều có màu hồng và những hy vọng lấp lánh….thật sự ra đều có một mặt bi thương, sầu não ẩn tàng trong đó mà chỉ đến lúc tuổi tác chồng chất như ông lão chèo đò mới cảm nhận được. Hoặc đi sau những vui tươi chắc hẳn là những nổi buồn… là những khoảnh khắc buồn-vui nối tiếp nhau bất tận như nhân gắn liền với quả và cho đến một lúc nào đó quả đó lại trở thành nhân để cho một quả tiếp nối.

        Knulp và ông lão phải chăng chỉ là một người…..nhưng là hai hình ảnh khác nhau – của hiện tại và tương lai -  gặp nhau trên một chuyến đò xuôi dòng sông của đời người? Để rồi đến cùng tận ông lão không còn nữa mà đã hóa thân thành Knulp, hay nói một cách khác chỉ trong thoáng chốc chàng trai trẻ đã già đi… nên khi nhìn xuống dòng sông lại thấy hình ảnh của mình là ông lão chèo đò in trên mặt nước...dường như anh ta đã thấy bóng dáng của mình qua thời gian….chỉ là ông lão buồn bã, bi thương như ông lão chèo đò mà anh từng nhìn thấy trên con thuyền này.

        Theo tôi, có thể nói câu chuyện là tóm tắt ngắn gọn cho một chuyến đò thời gian trong đời người với hai mặt trẻ-già, vui-buồn, tươi tắn-sầu héo, hoan lạc-bi thương, hạnh phúc-đau khổ…. đan xen, thay đổi trong thoáng chốc ngắn ngủi, vô thường.

        ……

         Có lẽ còn những ẩn dụ khác nữa nhưng với tôi chỉ thấy những gì mình cảm nhận được trong từng lúc nhớ lại câu chuyện này và chỉ chừng đó.

        …..

        Rất tiếc khi không thể tìm được tác giả câu chuyện này là ai…để có thể kết nối nhân vật này với tác giả như một lời cảm ơn cho một câu chuyện với những ẩn dụ mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống vẫn dần trôi ngoài kia.

        LeBinh.

        18-04-2020.

        Hình tượng luôn đi đôi với chân tướng và thường hiển lộ ra bên ngoài, còn cái chân tướng là cái ẩn tàng ở bên trong như hai mặt âm-dương của một sự việc hay một con người.

        Đa số chúng ta chỉ sống, nhìn thấy và vui buồn với cái hình tượng bên ngoài, đôi khi bỏ qua hoặc quên đi cái chân tướng hay cái bản lai diện mục ở bên trong.

        Vậy đó, nhưng nhiều khi cái hình tượng lại đánh lừa cảm nhận, cảm xúc của chính mình, chân tướng lại chân thật hơn nhưng ít được cảm nhận một cách đúng đắn và đôi khi khó được chấp nhận. 

        Nhưng đã nói là “chân tướng”, điều đó gần như không thay đổi và luôn có những giá trị bất biến, cho dù nó luôn là điều ẩn tàng, dấu kín.


        Cmt của Quang Hoang FB.

        Có lẽ những nhân vật nhắc trên giống như trong Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse. Chúng ta suốt đời đi tìm hạnh phúc, cũng có thể chúng ta sẽ tìm thấy đôi điều tạm thỏa mãn cái khát khao đời người đó, khi đã xế chiều. Nhưng rồi ngay cả những điều tốt đẹp ta tìm được cũng chẳng thể nghĩ bàn. 

        Ở những trang cuối của cuốn Siddartha, hay Câu Chuyện Dòng Sông, Hesse viết: Knowledge can be conveyed, but not wisdom. It can be found, it can be lived, it is possible to be carried by it, miracles can be performed with it, but it cannot be expressed in words and taught". 

        Tạm dịch: “Kiến thức có thể giải bày, nhưng trí tuệ thì vô ngôn. Đối với trí tuệ, ta có thể tìm thấy nó, sống cùng nó, nó dẫn dắt ta, và đôi khi nó còn làm ra phép lạ, nhưng ta không thể diễn tả hay truyền đạt nó qua ngôn từ và lời nói".

        Có lẽ ai cũng cảm giác cái vui tươi nhẹ nhàng mỗi khi Tết đến xuân về ở VN, nhưng nếu ta cắc cớ muốn giải bày truyền đạt cho một người xứ khác, e rằng có cạn lời cũng chỉ là khoa ngôn...

         Chúc Binh Le và gia đình một năm mới nhiều an vui nhé.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét