Buổi sáng lòng vòng qua mấy ngõ, chạy ngang qua nhà anh bạn dự định thăm sức khỏe nhưng chưa có dịp ghé lại, tình cờ gặp mấy anh trong một bàn nhậu trước sân nhà …một người từ xa về, số còn lại cũng ở gần đó nhưng chỉ mới gặp lần đầu, trong đó có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất vì có anh trên dưới đã thất thập.
Thoải mái, thân tình …vì trong số họ đã quen biết, cùng sống với nhau hơn 60 năm…Quả là một thời gian dài so với một đời người. Nhưng khi nhìn thấy mấy anh ngồi lại với nhau, chia sẽ những kỷ niệm vui buồn, nhắc đến những bạn xưa trong đó người còn người mất…bỗng thấy lòng cũng nao nao.
Hòa lẫn vào không khí đó, là cái phong thái, giá trị nhân văn và ngay cả cái cách cảm thụ cũng như đối diện với cuộc sống của họ. Có lẽ qua thời gian các anh đã nhìn nhận và sống theo cách của họ.
Rượu vẫn rót tràn ly, câu chuyện nối tiếp câu chuyện, họ đề cập đến những vấn đề trong cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng, trêu đùa đủ thứ ngay cả sự sống chết sớm chiều của đời người. Có người thích sống, có người muốn chết và có người không chết hoặc không chịu chết. Ô hay, chuyện sống chết là chuyện to lớn, sinh tồn của đời người mà họ cũng đề cập đến một cách nhẹ nhàng, vô tư lự và mọi thứ vẫn sẽ như vậy, cho dù còn hay mất …chỉ trong một ly rượu thôi…
“Rượu sáng, trà trưa” …có lẽ trái với cung cách bình thường của nhiều người, nhưng trong khung cảnh này, với những ý tưởng của mấy anh em ở đây, cọng thêm với cái lãng đãng, chếnh choáng của chút men say, hình như những suy nghĩ của tôi lại tìm thấy sự hội nhập mà lâu nay cứ tưởng chỉ có mình tôi như thế.
Mới hay, cho dù có cố níu kéo, tiền bạc, vật chất hay thời gian sống của đời người chỉ là vô vọng khi tiếng chuông đổ như “Chuông gọi hồn ai” (Ernest Hemingway)(1).
Lại nhớ đến E. Hemingway …
Vì sẽ có một ngày chuyện gì đến sẽ đến.
Cứ để mọi thứ đến và đi như chúng vốn vậy và hãy nghĩ mình chỉ là một hành khách trên chuyến tàu của đời người….có thể chỉ là chuyến đi một chiều không hẹn ngày trở lại thì cũng là một lần đi.
Hãy thoải mái trong hành trình cho dù chỉ là phút giây.
….
Cảm ơn AD và mấy anh cho một buổi sáng kỳ ngộ mặc dù sau đó mấy anh còn đi quăng lưới tìm mồi (mặc dù không thiếu)…nhưng tiếc rằng không tham gia được.
Hình: Vườn nhà A Nhân.
09-03-2021.
LeBinh.
(1) Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, sinh năm 1899 tại Oak Park, bang Illinois. Hemingway học hành dang dở, chưa qua trung học đã bỏ nhà, trốn trường đi kiếm sống, từ làm công ở trang trại, làm túi đấm ở lò quyền Anh đến làm thông tín viên cho tờ “Kansas City Star”…
Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, E. Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ ở vùng Bắc Italy và bị thương tại đó, mở đầu cho hàng trăm vết thương ông mang trên mình khi sống sót bước ra khỏi cuộc chiến.
“Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls – 1940), “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea – 1951). Đó chính là những cuốn tiểu thuyết làm nên cái tên Ernest Hemingway, đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý Nobel Văn học vào năm 1954. Khi đó ông đang ở một vùng chài lưới ven biển Cuba, đã không sang Thụy Điển dự lễ trao giải, chỉ gửi tới lời cảm ơn, nói rằng mình vô cùng sung sướng, vô cùng hãnh diện… rồi quần cộc, cởi trần, ông lên thuyền ra biển với bộ đồ nghề câu cá lớn. Phải, ông rất thích câu được những con cá lớn, còn mang được nó lên thuyền, chở được nó vào bờ hay không lại là chuyện ông không nghĩ tới.
Hemingway đã tự sát cuối đời bằng súng săn và ghi lại dấu ấn với hơn 200 vết thương chằng chịt trên người do chiến tranh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét