Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ.
Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ!
Dịch nghĩa:
Rằng hoa, thì không phải là hoa,
Rằng mây, thì không phải là mây.
Nửa đêm tới,
Sáng hôm sau lại đi mất.
Khi đến thì như giấc mộng xuân không được bao lâu,
Khi đi thì như mây trời không biết đâu mà tìm lại được.
"Hoa Chẳng Hoa" - (Minh Tấn dịch)
Hoa chẳng hoa,
Sương chẳng sương.
Nửa đêm đến,
Trời sáng đi.
Đến như mộng xuân trong giây lát,
Tan tựa mây sớm biết nơi nào!
Triêu vân: Mây sớm: Chữ Hán “Triêu vân 朝 雲”, có thể
tác giả có ngầm ý muốn nhắc đến điển tich “triêu vân mộ vũ 朝雲,暮雨”(mưa sớm, mây chiều” qua câu nói của thần nữ núi Vu: “Vi triêu vân, vi mộ vũ為朝雲,為暮雨:Sáng làm mây chiều làm mưa).
Thi sĩ Bạch Cư Dị đã cho chúng ta thấy một hình ảnh nhân sinh của khổ lụy vô thường… mùa xuân trong cuộc đời cũng chỉ là một thoáng mộng mong manh ngắn ngủi … mộng đẹp đó nhưng rồi cũng dễ tan đi như mây bay gió thổi theo những buồn vui của cuộc đời…mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên cứ đến rồi lại đi
TĐH: Bài thơ này đẹp, và có vẻ nhuộm tư tưởng Phật gia, mọi sự đều là ảo ảnh, hay tư tưởng Trang tử, không biết chắc điều gì ở đời thật hay mộng.
Hay, có gì trường tồn trong cõi phù du này?
Bài thơ này vẫn như là một câu đố chờ lời giải. Mời các bạn giải dùm.
…..
Hoa không phải là hoa.
Sau một đêm mưa rã rích, sáng chợt thấy vài bông hoa đã nở trong đêm vẫn còn đọng lại từng hạt mưa, lại nhớ bài thơ của cụ Bạch:
“Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ.
Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tựa triêu vân vô mịch xứ”
(Hoa phi hoa - Bạch Cư Dị - 772-846)
Bài thơ ngắn thôi, mông lung mơ hồ nhưng ẩn tàng những ý niệm cao xa, sâu thẳm…có khi lại như một công án thiền tông.
Hoa chẳng phải là hoa, sương cũng không phải là sương….Nửa đêm đến, sáng sớm đi. Đến như giấc mộng xuân chẳng được bao lâu, đi như mây sớm chẳng biết về đâu.
Là hoa… nhưng cũng chẳng là hoa…, là sương nhưng cũng chẳng là sương, đến trong đêm … vội đi lúc sáng sớm. Đến ngắn ngủi như giấc mộng, đi cũng nhanh như mây buổi sớm.
Vội vàng đến…vội vàng đi….
Đến như giấc mộng….Đi như mây trôi…
Đến để rồi đi….đi để rồi đến.
Ở đâu đến và đi về đâu ?
Vô thủy…vô chung…vô cùng tận.
LeBinh.
13-08-2020.
NB: Bạch Cư Dị (白居易; 772 - 846), biểu tự Lạc Thiên (樂天), hiệu Hương Sơn cư sĩ (香山居士), Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主), là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.
Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chẩn ngâm thơ, uống rượu, được người đời gọi là Nguyên Bạch (元白). Sau này, khi Nguyên Chẩn mất, lại cùng Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch (劉白). Đường Tuyên Tông gọi ông là Thi Tiên (詩仙)
Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ của ông lan truyền trong dân gian, thậm chí lan sang ngoại quốc như Tân La, Nhật Bản, có ảnh hưởng rất lớn.
Tác phẩm lớn nhất của ông phải kể đến Trường hận ca, Tỳ bà hành, Tần trung ngâm,.. và Dữ nguyên cửu thư.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét