Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Tản mạn về một giải thưởng.

         [Xin giới thiệu sau đây một bài viết thể hiện sự cảm thụ văn học sâu sắc với giọng văn chặt chẽ và sang trọng bất ngờ của Bính Lê người bạn thời Quốc Học của tui nhưng theo nghiệp Y khoa, để cho tui là đứa ban C chuyên Văn chương cũng phải bái phục!]:

        Nguyễn Đức Kim Long.


Tản mạn về một giải thưởng.

        Nhân giải Nobel văn học năm nay được trao cho một nhà thơ, nhà tiểu luận – Louise Elisabeth Gluck (sinh năm 1943, Massachuchetts, Mỹ), với nhiều ý kiến trái chiều trên nhiều bình diện…làm tôi nhớ đến một người Châu Á đầu tiên nhận giải Nobel văn học cách đây hơn một thế kỷ (1913) – “đại thi hào” Rabindranath Tagore (1861-1941), là một nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, nhà văn, nhà biên kịch, soạn nhạc….nổi tiếng của Ấn độ…nhiều người còn gọi ông là một “Thánh sư”.

        ….

        Nobel văn học năm nay….

        …”Nhà thơ Louise Glück, sinh năm 1943 tại New York. Bà là tác giả của hơn mười tập thơ và nhiều tiểu luận về thơ ca. Louis Gluck được coi là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Mỹ đương đại. Bà là giảng viên tiếng Anh tại Đại học Yale. 

        Trong diễn văn công bố giải thưởng, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã ca ngợi nhà thơ người Mỹ mang lại “Một phong cách thi ca đặc biệt, với vẻ đẹp khiêm nhường, đã làm cho sự tồn tại của mỗi cá nhân mang một giá trị phổ quát”. Ủy Ban Nobel nhấn mạnh đến nỗ lực tìm kiếm “sự sáng tỏ” và mối quan hệ tâm đặc biệt của nữ thi sĩ đến “tuổi thơ và đời sống gia đình, mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ, cùng các anh chị em”, đã là một chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của nhà thơ.

        Như vậy hai năm sau giải thưởng được trao cho nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk, nữ thi sĩ Glück là người phụ nữ thứ 16 được trao tặng giải Nobel Văn học. 

        Theo nhiều nhà quan sát, sau nhiều “bê bối” của giải Nobel Văn học những năm gần đây, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển dường như đã quyết định chọn giải pháp an toàn, không trao giải gây nhiều tranh cãi như trong những năm vừa qua. ». (1) (Trọng Thành)

        Tuy vậy qua Barry Schwabsky (2): “Why I’m Not Reading Louise Glück” (đăng ngày12-12-2013), đã viết:

        …“Đúng là Edgar Allan Poe đã suy xét rằng cái chết của một người phụ nữ xinh đẹp là “chủ đề đầy chất thơ nhất trên thế giới” nhưng thực sự, đó không phải là chủ đề làm nên thơ ca, đó là cái công việc trên ngôn ngữ mà chủ đề đó tạo điều kiện cho nhà thơ để làm. Cho đến khi một nhà phê bình có thể giải thích ra sao Glück đang tu chỉnh ngôn ngữ của chúng ta thì tôi vẫn chưa sẵn sàng khởi sự để giải quyết 634 trang trong tác phẩm của cô ấy”…(3).

        Chỉ là “tu-chỉnh-ngôn-ngữ” (…”is reworking our language”…) mà thôi (theo B.Schwabsky).

        ….

        Trở lại Rabindranath Tagore, với hơn 16.000 tác phẩm ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tiểu luận, hội họa, tiểu thuyết, nhà soạn nhạc (với 2.230 bài hát)...thì quả thật là một “tài-sản” quá là phong phú trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Trong đó tác phẩm của ông được hai quốc gia chọn làm quốc ca: Jana Gana Mana của Ấn Độ và Amar Shonar Bangla của Bangladesh. Quốc ca Sri Lanka được cho là lấy cảm hứng từ tác phẩm của ông. Một số tác phẩm được chính ông chuyển ngữ sang tiếng Anh.

        “Tác phẩm của ông phong phú, nồng nàn, nhiều màu sắc ….của tình yêu, rộng lớn hơn là tình yêu thương của con người, như một triết lý về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, là thành phần trong vũ trụ bao la, dù cuộc sống không chỉ có hạnh phúc, còn nhiều khổ đau thì con người nên ý thức và hiểu được chân giá trị của mình để vui sống”. (4) (Dịch giả Bùi Xuân – PV Mai Dung)

        Với những điều như thế, ông nhận được sự ngưỡng mộ khắp nơi trên thế giới, như từ Albert Einstein đến Winston Churchill, họ đều gọi ông là vĩ nhân.

        “Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận. 

        Thân này thuyền nhỏ mong manh đã bao lần người tát cạn rồi lại đổ đầy cuộc sống mát tươi mãi mãi. 

        Xác này cây sậy khẳng khiu, người đã mang qua núi, qua đồi, qua bao thung lũng, và phả vào trong giai điệu mới mẻ đời đời. 

        Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve, tim tôi ngập tràn vui sướng, thốt nên lời không sao tả xiết. 

        Tặng vật người ban vô biên vô tận, nhưng để đón xin, tôi chỉ có hai tay bé nhỏ vô cùng. 

        Thời gian lớp lớp đi qua, người vẫn chưa ngừng đổ rót, song lòng tôi thì hãy còn vơi”…

        (Lời dâng – R.Tagore - Bản dịch: Đỗ Khánh Hoan).

        "Nếu em muốn, tôi sẽ ngừng tiếng hát. Nếu lời tôi ca làm tim em rung động, tôi sẽ thôi không nhìn em nữa đâu. Nếu lời tôi ca bỗng dưng làm em sửng sốt trong lúc đang đi, tôi sẽ rẽ sang một bên và bước theo ngả khác. Nếu lời tôi ca làm em bối rối trong lúc kết hoa, tôi sẽ tránh không vào vườn em vắng lặng. Nếu lời tôi ca làm nước sông gợn sóng, dại ngây, tôi sẽ thôi không chèo thuyền lại gần bờ phía bên em..."

        (Tâm Tình Hiến Dâng - R. Tagore)


        Không thể nào trích dẫn cho hết những vần thơ hay của ông, nhưng khi đọc lên cho dù một đoạn nào đó, thì không thể chỉ nhìn-đọc mà còn phải cảm nhận nó từ mắt- cho đến  trí não và cả tâm hồn. 

        …..

        Thật ra qua một giải để nhìn về quá khứ, ít nhiều đã hàm chứa một sự so sánh nào đó về một hay nhiều phương diện (về tác phẩm, ý tưởng, quan điểm, nhân cách…). Do mọi sự so sánh điều khiên cưỡng và có tính áp đặt vì lấy một hay nhiều sự kiện này để đối chiếu với sự kiện kia (về tác phẩm, quan điểm, nhân cách…) hay thậm chí vô lý về thời gian - không gian… 

        Không thể nào …vì một điều: văn học cũng như mỹ học nói chung không ngừng vận động. Lịch sử văn học thực chất là lịch sử của những sự vận động liên tục: Mỗi thời mỗi khác, mỗi người mỗi khác.

        Một tác phẩm hay tôn vinh tác giả của nó, nhưng đồng thời đạo đức, nhân cách, tính chất của tác giả lại làm cho tác phẩm của họ thăng hoa, bay bổng và sống mãi với thời gian. 

        …..

        Với trình độ hạn hẹp của mình, tôi chỉ mượn một sự kiện này để quán chiếu lại một sự kiện, một nhân vật “huyền thoại” khác mà thôi. 

        Và dù sao giải đã được trao và người nhận ít nhiều cũng có những đóng góp trong kho tàng nghệ thuật đương đại.

        Xin cẩn kính và mong được chỉ dẫn thêm.

        Chân thành cảm ơn.

        LeBinh.

        13-10-2020.


        Chú thích:

        Nguồn: wikipedia.org

        (1): Phóng viên Trọng Thành – RFI. Bài đăng ngày 08-10-2020.

        Link: 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201008-nobel-vanhoc-2020

        (2): “Why I’m Not Reading Louise Glück”: (Tại sao tôi không đọc Louise Gluck)

        Barry Schwabsky là một nhà thơ, đồng thời là nhà phê bình, sử học nghệ thuật, ông  giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Thị giác, Viện Pratt, Đại học New York, Đại học Yale, và Cao đẳng Goldsmiths.

        Link: Nguyên tác bài viết của Barry Schwabsky.

https://hyperallergic.com/88076/why-im-not-reading-louise-gluck/

        (3): Bản dịch bài viết của Barry Schwabsky (Nguyễn Đức Kim Long dịch).

        Link: Word-for-word translation.

https://butlongkim.blogspot.com/2020/10/louise-gluck-giai-nobel-van-hoc-2020.html?fbclid=IwAR2IuipsTFASgX3t2WaVErlF8mdnWQFn8ZptZEtYWphVwNM3EZLvwnzIY44

        (4): Phát biểu của dịch giả Bùi Xuân trong buổi giao lưu trực tuyến “GURUDEV TAGORE Qua điểm nhìn của dịch giả Việt Nam” do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Hội hữu nghị Việt - Ấn thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tháng 05-2020– ghi lại của PV Mai Dung.

        Link: 

http://vufo.org.vn/Tho-Tagore-qua-cam-nhan-cua-dich-gia-Viet-Nam-13-4896.html?lang=vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét